Kế thừa đặc trưng văn hóa Sài Gòn – TP. HCM trong nghiên cứu và quản lý quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho chúng ta thấy, Thành phố là một đô thị tuy còn rất trẻ song chứa đựng nhiều giá trị Văn hóa – Nhân văn và Văn hóa – Lịch sử. Có thể nói Sài Gòn – TP.HCM là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, thể hiện khá độc đáo bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam ở vùng đất phía Nam của Tổ quốc. Ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều dấu ấn của người Việt, người Hoa, người Chăm, người Khơ Me, người Pháp, người Anh, người Ấn, người Nhật… trên các công trình được xây dựng trong Thành phố, trong những sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng dân cư, trong các hoạt động lễ hội… Những giao thoa của các nền văn hóa đa dạng dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa Việt tạo ra nét đặc trưng của văn hóa và con người Sài Gòn – TP.HCM. Một trong những tiêu chí quan trọng đối với công tác quy hoạch xây dựng và phát triển TP.HCM là tiếp thu những tinh hoa của văn minh nhân loại nhưng phải gìn giữ và bảo tồn truyền thống của nền văn hóa đa dạng của Thành phố, mang đậm tính đặc trưng của miền đồng bằng sông nước Nam Bộ.
Đã từ lâu Sài Gòn được hình thành theo một phía của dòng sông (phần tả ngạn), phía Đông của Thành phố được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn như dải lụa xanh ôm ấp, che chở cho Thành phố, trải qua sự tàn phá của các cuộc chiến tranh để đến ngày hôm nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trong thời kỳ phát triển và hội nhập, TP.HCM đang ngày một mở rộng và giờ đây, thành phố như muốn ôm lấy dòng sông vào lòng và dòng sông cũng như muốn chia sẻ vẻ đẹp của mình cho cả hai bờ của nó.
Bán đảo Thủ Thiêm là vùng đất đặc biệt, nằm cách trung tâm thành phố chỉ một dòng sông, nhưng đã từ bao năm nay nó vẫn như là mảnh đất bị lãng quên, vẫn còn những cánh đồng trồng lúa, vẫn còn những vùng đất châu thổ hoang sơ và vẫn còn hệ thống kênh rạch chằng chịt. Năm 1972 một phương án quy hoạch xây dựng Thủ Thiêm đã được hoạch định do tập đoàn Doxiadis lập, nhưng dự án quy hoạch nêu trên không thể thực hiện do nhiều biến cố của cuộc chiến tranh.
Sau 1975, Đảng, Nhà nước và Chính quyền TP.HCM đã đặc biệt quan tâm đến công tác định hướng quy hoạch phát triển Thành phố. Năm 1983, TEO (Luận chứng kinh tế kỹ thuật cải tạo và xây dựng) TP.HCM đã được tiến hành nghiên cứu. Ngay tại thời điểm đó, Thủ Thiêm vẫn tiếp tục được xác định là khu vực phát triển khu trung tâm mới bên cạnh khu trung tâm hiện hữu của Thành phố. Đến năm 1995 trên cơ sở đồ án Tổng mặt bằng thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1993, đồ án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Thủ Thiêm đã được nghiên cứu. Tuy nhiên do việc định hướng phát triển thời kỳ này có nhiều biến động nên đã không thu hút được các dự án đầu tư.
Đến năm 2003 đứng trước quá trình đô thị hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ của thành phố, hơn lúc nào hết Thủ Thiêm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc mở rộng trung tâm thành phố, UBND thành phố đã tiến hành cuộc thi ý tưởng Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu của Việt Nam và Quốc tế. Khi đó, một trong những mối quan tâm sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền thành phố đó là làm sao chuyển tải được những nét đặc trưng của văn hóa thành phố vào công tác nghiên cứu và quản lý quy hoạch xây dựng tại khu đô thị mới này.
Mối quan tâm đó được thể hiện rất rõ trong nhiệm vụ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm đặt ra cho cuộc thi Quốc tế là:
“Ngoài việc tạo ra một khu trung tâm mới hiện đại, tiếp thu tinh hoa của nền văn minh và khoa học thế giới, Thủ Thiêm còn là đô thị mang đậm bản sắc dân tộc và đặc trưng vùng sông nước đồng bằng Nam Bộ”. Sasaki – công ty tư vấn hàng đầu của Hoa Kỳ đã đạt giải cao trong cuộc thi ý tưởng thiết kế và quy hoạch bán đảo Thủ Thiêm lên trên và được chọn làm nhà tư vấn chính thức cho việc triển khai đồ án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một trong những lý do quan trọng của sự lựa chọn này là phương án quy hoạch đã lồng ghép được sự chuyển tải các đặc trưng văn hóa của Sài Gòn – TP.HCM vào nghiên cứu quy hoạch. Phương án Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm dựa trên ý tưởng đoạt giải do chính sách kết hợp với Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM lập đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt vào năm 2005.
Là chủ nhiệm của một trong những phương án dự thi khi đó (Phương án của Trường ĐHKT TP.HCM – đoạt giải thưởng Khuyến khích), chúng tôi phải công nhận phương án của Công ty tư vấn Sasaki đã nghiên cứu thành công và “Phương án của họ” đã thể hiện rõ được những nỗ lực chuyển tải đặc trưng văn hóa của Sài Gòn – Tp.HCM, đó là 5 ý tưởng chính sau:
Ý tưởng 1: Nối vùng đất Thủ Thiêm với dòng sông Sài Gòn:
Với 8,5km bờ sông Sài Gòn giờ đây đã có cơ hội được khai thác cả hai bên bờ, không còn một phía như hiện nay. Dòng sông đã trở thành tài sản vô cùng quý giá góp phần cải thiện cảnh quan, phát triển giao thông thủy và nâng cao giá trị môi trường, một điều quan trọng nữa dòng sông đưa đến cảm nhận mới mẻ nhưng không xa rời giá trị văn hóa đặc trưng mang tính truyền thống vùng sông nước của Sài Gòn xưa và nay.
Ý tưởng 2: Gắn kết Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm lịch sử của Thành phố:
Giá trị Văn hóa – Lịch sử sẽ được tô đậm và phong phú thêm trong quá trình phát triển Thành phố, khu vực các quận 1, quận 4 đại diện cho sự phát triển của Thành phố trong thể kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Thủ Thiêm sẽ đại diện cho bước phát triển mới của Thành phố của thế kỷ 21, điều này thể hiện tính liên tục của sự mở rộng về quy mô của TP.HCM.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có vai trò kế thừa, duy trì, tôn tạo những giá trị văn hóa của trung tâm cũ thành phố và bổ sung những giá trị mới kết tinh từ nền văn minh và khoa học kỹ thuật của nhân loại. Kích thước các ô phố, các điểm nhấn đô thị, các điểm nhìn quan trọng đều được nghiên cứu từ 2 trung tâm cũ mới đảm bảo sự gắn kết giữa các giá trị kiến trúc – cảnh quan của các công trình cũ và nhũng công trình sẽ được xây dựng mới.
Nội dung bố trí các công trình ưu tiên đầu tư có tính kế thừa và bổ sung thêm những giá trị văn hóa mới phù hợp với quá trình tăng trưởng của thành phố: Trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế, bảo tàng lịch sử, trung tâm tài chính thương mại, quảng trường văn hóa lịch sử, tháp truyền hình, nhà hát, rạp chiếu phim, sân vận động…
Ý tưởng 3: Giữ gìn sự cân bằng giữa các công trình xây dựng mới và tôn tạo bảo tồn các không gian mở tự nhiên:
Bán đảo Thủ Thiêm được hình thành không chỉ là nơi cung cấp các điều kiện sống và làm việc cho nhiều thành phần dân cư đô thị thành phố. Ở đó còn là nơi cung cấp các loại hình giải trí đa dạng nhằm tái tạo cuộc sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường sự hòa nhập với thiên nhiên. Một vùng châu thổ có quy mô diện tích 160 ha phía Nam của bán đảo được giữ lại gần như nguyên vẹn các đặc tính tự nhiên. Đây là vùng đất màu mỡ cho các nhà sáng tác nhằm làm tăng đặc trưng giá trị văn hóa – nhân văn của con người đồng bằng sông nước Nam bộ, giúp cho con cháu các đời sau có thể hình dung được các hoạt động đời sống của ông cha mình.
Phương án quy hoạch tổng mặt bằng xác định có chọn lọc những khu vực được san lấp và khu vực không được san lấp, giữ gìn và tôn tạo các dòng kênh rạch hiện hữu, khai thông và mở mang thêm các hồ lớn nhằm cải tạo và duy trì lượng nước tránh ngập lụt, tận dụng các cảnh quan thiên nhiên phát triển các không gian mở nhằm hình thành một đô thị gần gũi với thiên nhiên, đây là nét đặc trưng của các đô thị vùng đồng bằng Nam bộ. Đó là nét độc đáo của đô thị trung tâm mới của Thành phố.
Ý tưởng 4: Tăng cường mật độ và cấu hình đô thị nén tại CBD
Giải pháp áp dụng lý thuyết đô thị nén, một xu hướng tương đối thịnh hành hiện nay tại các đô thị phát triển trên thế giới. Giải pháp này nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất của đô thị, đồng thời cũng mang lại diện mạo hiện đại cho thành phố.
Ý tưởng 5: Phát triển đô thị bảo đảm tính linh hoạt đáp ứng các thay đổi và tăng trưởng của Thành phố:
Phương án quy hoạch có tính đến khả năng tăng trưởng và biến động, cung cấp bộ khung sử dụng đất, không gian mở và giao thông đáp ứng sự phát triển theo thời gian. Các lô đất xây dựng đều được nghiên cứu để có vị trí, quy mô, mục đích sử dụng thích ứng với sự phong phú về nhu cầu của người dân thành phố (một cộng đồng dân cư rất đa dạng về văn hóa).
Như vậy ngay từ khi lập nhiệm vụ Quy hoạch và trong quá trình nghiên cứu thiết kế cụ thể, những đặc trưng cơ bản của văn hóa Sài Gòn – TP.HCM đó là: văn hóa vùng sông nước đồng bằng Nam bộ, sự đa dạng về con người, khả năng thích ứng với thiên nhiên và hoàn cảnh, sức mạnh và khát khao vươn lên mạnh mẽ của người dân Sài Gòn đã được nghiên cứu lồng ghép trong các ý tưởng và thể hiện trong các giải pháp quy hoạch đô thị.
Tuy nhiên để chuyển tải thành công các đặc trưng văn hóa của Sài Gòn – TP HCM vào công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm các kiến trúc sư, các chuyên gia về kỹ thuật đô thị, các chuyên gia kinh tế – xã hội và các nhà nghiên cứu khoa học còn rất nhiều việc phải làm trong việc triển khai các bước đi tiếp theo.
Trong quá trình quản lý quy hoạch cần chú ý tới việc hình thành các khu dân cư mang nhiều phong tục tập quán khác nhau, mang nhiều ảnh hưởng của các vùng văn hóa khác nhau…Vì vậy ngoài việc phân chia khu vực theo thu nhập (Các khu tái định cư, khu nhà ở thương mại…), việc nghiên cứu các không gian khu ở theo nguyên tắc phản ánh văn hóa đa dạng thích ứng nhiều đối tượng phục vụ sẽ góp phần làm tăng sức hút đầu tư và tăng sự hấp dẫn đối với người sử dụng.
Các không gian mở có tính chất phục vụ các sinh hoạt cộng đồng dân cư cũng cần được đề cập đến các nhu cầu và nguyện vọng của từng cụm dân cư, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, thụ hưởng văn hóa và sinh hoạt lễ hội truyền thống. Trong không gian mở việc sử dụng các loại cây thích hợp mang tính đặc trưng của miền sông nước Nam bộ cũng cần phải được nghiên cứu thỏa đáng, hình thái tổ chức không gian cảnh quan có tác động rất lớn đến cảm nhận của con người.
Đối với thiết kế đô thị, đặc trưng văn hóa được thể hiện trong việc tạo ra không gian nhà ở. Đây là công việc khó khăn, tuy nhiên nếu biết vận dụng và tổ chức không gian ở phù hợp với tập quán sinh hoạt của người Việt: Gia đình nhiều thế hệ, không gian thờ cúng, không gian sinh hoạt chung, áp dụng những hình thức kiến trúc truyền thống… cũng góp phần phát huy những đặc trưng của văn hóa truyền thống. Đối với công tác xây dựng, việc sử dụng linh hoạt các vật liệu địa phương: gạch nung, gốm, đá, gỗ, lá, tre,… trong các chi tiết kiến trúc công trình là yếu tố quan trọng trong việc tôn tạo và gìn giữ những giá trị truyền thống.
Văn hóa của Sài Gòn do con người Sài Gòn tạo nên, hiểu biết sâu sắc về con người Sài Gòn là yếu tố quan trọng để thực hiện tốt việc chuyển tải Văn hóa Sài Gòn – TP.HCM vào công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng. Chính vì vậy, văn hóa là tiêu chí quan trọng đối với công tác nghiên cứu quy hoạch, chuyển tải tốt những giá trị văn hóa đặc trưng vào lĩnh vực quy hoạch là nhiệm vụ cần thiết của những người làm công tác quy hoạch. Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai có thật sự trở thành một phần không thể tách rời của TP.HCM hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chuyển tải thành công hay không các đặc trưng văn hóa của Thành phố. Phương án quy hoạch có thành công hay không ngoài việc tiếp thu những thành tựu của khoa học, của nền văn minh thời đại còn phải phản ánh văn hóa đặc trưng của khu vực nghiên cứu, cái hay cái dở của phương án quy hoạch đô thị là sự phân biệt khác nhau giữa đô thị này với đô thị khác. Đô thị cần thiết phải có tính đặc trưng riêng biệt của nó, có như vậy mới góp phần làm gia tăng giá trị của đô thị và làm phong phú thêm cho nền văn minh thời đại.
Vào những ngày này, bên cạnh các khu nhà ở tái định cư đã và đang được xây dựng khá ồ ạt, tại các khu vực khác, sau một thời gian dài bị chìm lắng, đã bắt đầu vào thời kỳ khởi động xây dựng các tuyến giao thông chính và một vài dự án xây dựng các khu nhà ở thương mại. Theo nghiên cứu của chúng tôi, so với ý tưởng của phương án Sasaki với những nỗ lực chuyển tải thành công các đặc trưng văn hóa của Sài Gòn – TP.HCM sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sau đó đã được pháp lý hóa bằng việc phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị đang có nguy cơ bị mất dần đi khi chúng ta bị “chi phối” quá nhiều bởi những lời “hứa hẹn”, bởi tham vọng của các nhà đầu tư đang bằng “mọi giá” lấy lợi nhuận làm thước đo cho sự thành công của họ. Thiết nghĩ, tại thời điểm này, vẫn không muộn nếu chúng ta mong muốn Sài Gòn – TP.HCM lưu giữ được các đặc trưng văn hóa trên con đường phát triển văn minh, hiện đại theo xu thế chung của thời đại./.
PGS.TS.Nguyễn Trọng Hòa
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM