Những kênh rạch xưa thành đại lộ đẹp nhất Sài Gòn
Người phương Nam hơn trăm năm trước đi lại bằng tàu thuyền, các tuyến đường lớn như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Hải Thượng Lãn Ông… vốn là những kinh rạch.
Sài Gòn – từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông – có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Từ mảnh đất hoang vu lấy giao thông thủy là chủ yếu, Sài Gòn thay đổi qua từng năm khiến phương thức đi lại cũng thay đổi. Các kênh, rạch dần nhường chỗ cho những trục đường lớn.
Thay đổi mạnh mẽ nhất là trung tâm thành phố, nơi tiếp giáp sông Sài Gòn với các hệ thống kênh lớn như Bến Nghé – Tàu Hủ, Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Hàng loạt đại lộ hiện đại Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Lê Thánh Tôn… là những con kênh lớn.
Rạch Cầu Sấu – Đường Hàm Nghi (quận 1)
Là một trong những con đường nổi tiếng ở trung tâm TP HCM, đường Hàm Nghi – nối chợ Bến Thành với sông Sài Gòn – xưa là tuyến đường thủy. Học giả Trương Vĩnh Ký cuối thế kỷ 19 cho biết đường thủy này đã được người Việt biết đến như Rạch Cầu Sấu (Crocodile Cầu Creek) – xuất phát từ những hồ nuôi cá sấu dọc theo bờ của kênh để lấy thịt.
Rạch Cầu Sấu tức đường Hàm Nghi nay với đường màu vàng trên bản đồ Sài Gòn xưa. Ảnh:Flick
Rạch Cầu Sấu chạy từ sông Sài Gòn xa về giao lộ Hàm Nghi – Pasteur hiện nay và kết nối với kênh đào khác. Trước năm 1867, rạch được các nhà buôn sử dụng để tiếp cận Chợ Cũ do người Pháp lập trên đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm).
Khoảng năm 1870, nó được san lấp thành đường phẳng với tên gọi Canton sau quyết định của thống đốc Nam Kì. Đến ngày 24/2/1897, hai đường lại tách riêng ở giữa có tiểu đảo. Đường phía bắc có tên Krantz, phía Nam là đường Duparré.
Từ ngày 22/4/1920, hai đường nhập một và mang tên chung là Đại lộ De la Somme. Từ năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đại lộ Hàm Nghi, sau ngày thống nhất đất nước vẫn giữ lại tên này. Hiện, dọc đường Hàm Nghi là trụ sở các ngân hàng, cao ốc văn phòng lớn nhất nhì thành phố.
Kênh Chợ Vải – Nguyễn Huệ (quận 1)
Để thuyền bè vào tận thành Bát Quái (thành cũ của Sài Gòn đã bị phá hủy), con kênh đào được hình thành mang tên Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay. Ngoài tên Kinh Lớn do chính quyền đặt, người dân lúc bấy giờ còn gọi là Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.
Đối với người Pháp, con kênh này có tên Grand. Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner (nằm phía khách sạn Palace hiện nay). Đường Charner còn được gọi bằng Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán.
Kinh Lớn lúc chưa có tòa nhà UBND TP và phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện tại. Ảnh: Flickr
Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn.
Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp.
Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất của “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ lại xuất hiện chợ hoa. Theo tàu thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ. Hiện, nơi đây trở thành quảng trường đi bộ đầu tiên của cả nước và vẫn tổ chức đường hoa mỗi mùa Tết, thu hút cả triệu người thưởng lãm.
Rạch Cây Cám – Đường Lê Thánh Tôn (quận 1)
Bắt đầu từ Thảo Cầm Viên, rạch Cây Cám chảy theo vách thành Gia Ðịnh cũ, tức chạy dọc theo đường Lê Thánh Tôn – Nguyễn Hữu Cảnh ngày nay. Con kênh tiếp giáp với kênh chợ Vải, tức đường Nguyễn Huệ.
Tên gọi Cây Cám xuất phát từ loại cây lá có phấn mịn như cám, mọc cạnh kinh. Con kênh bùn lầy được lấp bằng vào năm 1884 và sau này thành trục đường quan trọng chạy trước mặt UBND TP HCM.
Kênh Coffyn – Đường Lê Lợi (quận 1)
Trung tá Coffyn người Pháp, người quy hoạch Sài Gòn đã cho đào kinh mang tên ông nối kinh Chợ Vải với rạch Cầu Sấu và rạch Cây Cám. Hai bên bờ kinh có lối đi gọi là đường Bonard.
Kinh bắt đầu từ ngã ba đại lộ Bonard với đường Pasteur ngày nay đến cuối đại lộ ở góc với đường Mac-Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tại số 44bis Bonard.
Đến năm 1892 nó cũng bị lấp cùng với hàng loạt kinh rạch nhỏ khác. Kinh Coffin trở thành đường Bonard, nay là đường Lê Lợi. Đây là con đường được coi là trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa nay.
Rạch Chợ Lớn – Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)
Đường Hải Thượng Lãn Ông là phố buôn bán thuốc cổ truyền sầm uất với nhiều ngôi nhà cổ được TP HCM xếp hạng di tích. Khu vực này mang đậm dấu ấn của người Hoa trong hành trình khai phá, phát triển khu vực Chợ Lớn. Xưa, con đường này vốn là Rạch Chợ Lớn.
Từ kinh Tàu Hủ đi lên trung tâm Chợ Lớn, rạch Chợ Lớn nối kinh Phố Xếp, sau đó hướng Tây đến rạch Lò Gốm gần đồn Cây Mai, cạnh kinh Vòng Thành. Khúc gần Cầu Đường là bến Gaudot nơi có trụ sở nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm.
Rạch Chợ Lớn và đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay. Ảnh: TTXVN
Năm 1955 Rạch Chợ Lớn bị lấp biến thành đường Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Lê Quang Sung. Con rạch này còn có tên Cầu Đường vì lúc trước có một cây cầu như vậy bắc qua. Ở đó bán đủ thứ đường như đường thẻ, đường cát, đường phổi… theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa.
Kênh Phố Xếp – Đường Châu Văn Liêm (quận 5)
Kênh Phố Xếp hình thành khi người Hòa vừa từ cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) về Chợ Lớn năm 1778. Họ có nhu cầu mở thêm phố chợ nên đào thêm kinh Phố Xếp, nối rạch Tàu Hủ cắt ngang rạch Chợ Lớn, lên hướng Bắc đến Chợ Rẫy (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy).
Chợ Rẫy nằm trên gò đất cao, xung quanh đó người Hoa trồng rau cải để bán. Lúc này hoạt động buôn bán ở Chợ Lớn còn rất yếu, chỉ có Chợ Rẫy là phát triển.
Kinh Phố Xếp giúp vận chuyển rau cải ra rạch Tàu Hủ và đi khắp nơi. Kinh này tồn tại đến năm 1925 mới bị lấp, thành đại lộ Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), nay là đường Châu Văn Liêm, Thuận Kiều.
Trục đường này kết nối với đường Hồng Bàng giúp người dân thành phố thuận lợi trong việc di chuyển từ trung tâm Sài Gòn ra khu Chợ Lớn và ngược lại.
Kinh Vòng Thành – Đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5,10,11)
Khi Pháp chiếm Nam Bộ, tuy làm chủ được tình thế nhưng luôn phải đối phó với nhiều đợt tấn công của nghĩa quân từ Đồng Tháp Mười. Vì thế đô đốc Bonard cho đào kinh Vành Đai (Canal de Ceinture) hình vòng cung bao bọc phía bắc của Sài Gòn – Chợ Lớn, còn gọi là kinh Vòng Thành hay kinh Bao Ngạn (tức “bờ bao”).
Kinh bắt đầu đào năm 1875 theo quy hoạch của trung tá Coffyn. Kinh được xuất phát từ ngã ba giữa rạch Chợ Lớn và rạch Lò Gốm đến gò Cây Mai (nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11), vòng qua Phú Thọ, đến Hoà Hưng rồi đồ ra rạch Thị Nghè ở vị trí nay là cầu Công Lý. Bờ kinh là đường bộ cho lính canh phòng, dưới kinh là tàu chiến cỡ nhỏ di chuyển.
Kinh Vòng Thành dài 7 km, rộng 10 m, sâu 3 m do khoảng 40.000 nhân công tham gia đào đắp. Nhưng do dân phu đấu tranh và nghĩa quân đánh phá liên miên nên công trình dang dở dù đã đào được thành đường kinh, sau đó được lấp dần rồi thành đường Nguyễn Thị Nhỏ như hiện tại.
Ngoài 7 kinh rạch biến thành đại lộ trên, Sài Gòn còn một số con đường khác mà khởi thủy là tuyến lưu thông dành cho tàu bè. Có thể kể đến một số cái tên như Rạch ông Lãnh – Đường Nguyễn Thái Học, rạch Cầu Kho – đường Hồ Hảo Hớn…
Mới đây, TP HCM cho đào lại kênh Hàng Bàng đã lấp trước đó thành kênh mở để thoát nước, chống ngập. Kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.
Theo Sơn Hòa/vnepress.net