20/08/2018

Đường sắt đô thị số 2 Hà Nội: Đội vốn, xâm phạm không gian văn hóa

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về điều chỉnh tổng mức đầu tư và tiến độ dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Trong đó, tổng mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỷ đồng nay điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng.

Tháp Bút hiện đang trong tình trạng bị nghiêng 3 độ.

Tháp Bút hiện đang trong tình trạng bị nghiêng 3 độ.

Chưa hết, ngày 16/8 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã gửi báo cáo lên Thường vụ Quốc hội cho rằng, nếu lựa chọn theo phương án của Hà Nội đề xuất sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Đội vốn và điều chỉnh tiến độ

Theo đó, dự án có 8,9 km đường sắt đi ngầm, 2,6 km đường sắt đi trên cao và đường dẫn depot, 7 ga ngầm, 3 ga trên cao và 1 depot (tại P.Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) với tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 26,227 ha, số hộ dân phải di chuyển khoảng 209 hộ. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án được UBND TP.Hà Nội phê duyệt vào tháng 11/2008 là 19.555 tỉ đồng và nay điều chỉnh lên 35.679 tỉ đồng, trong đó vay ODA của JICA khoảng 30.500 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP là hơn 5.100 tỉ đồng.

Theo UBND TP.Hà Nội, tổng mức đầu tư tăng hơn 16.100 tỉ chủ yếu do biến động về giá nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công (tăng hơn 8.560 tỉ, tương đương 43,6%). Ngoài ra, các nguyên nhân khác bao gồm, thay đổi về quy mô đầu tư (tăng gần 1.803 tỉ, tương đương khoảng 9%); thay đổi chế độ chính sách của Nhà nước trong quản lý chi phí đầu tư (tăng hơn 3.525 tỉ, tương đương khoảng 18,4%); thay đổi tỉ giá (tăng hơn 2.235 tỉ, tương đương khoảng 11%).

Bên cạnh việc đội vốn, dự án cũng được đề nghị điều chỉnh tiến độ đến 2023 thay vì 2015 như dự kiến ban đầu. Nguyên nhân được cho biết do quá trình xem xét, thẩm tra thẩm định dự án điều chỉnh kéo dài từ tháng 10/2012 đến nay nên chưa thể tổ chức đấu thầu; việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch các ga ngầm gặp nhiều khó khăn; do phải thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao hiệu quả dự án, do các thay đối về thể chế… Hiệp định vay vốn đã được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ ký với JICA từ tháng 3/2009.

Ngày 16/8, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, 1 trong 8 tuyến thuộc dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội.

Theo đó, trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án, trong đó, phương án 1 có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền bà Kiệu.

Phương án 2 (dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt) không được lựa chọn do “vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Đê điều, tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, vấn đề giải phóng mặt bằng, khai thác vận hành không hiệu quả, kết nối với các tuyến số 1 và số 3 phức tạp hơn, chiều dài đoạn hầm lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao”.

UBND TP.Hà Nội sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng đối với di tích, môi trường… đã đề xuất chọn phương án 1 vì có nhiều ưu điểm như: Tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác; phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 và các quy hoạch khu vực liên quan.

Tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu tới di tích

Trong văn bản gửi đi hôm 16/8 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng có dẫn ý kiến chuyên gia tại buổi tọa đàm về vấn đề liên quan. Theo đó, các chuyên gia cho rằng nếu lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa Trung tâm thủ đô. Mặc dù, trong quá trình xây dựng dự án, UBND TP. Hà Nội đã có tính đến các yếu tố bảo vệ di sản nhưng chưa có báo cáo tác động.

Thứ nhất, các chuyên gia cho rằng, tuyến ngầm đi qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm TP, có 1 phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm Luật Di sản văn hóa.

Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích. Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân tháp Bút chỉ có 1 m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích (vi phạm điều cấm của Luật Di sản văn hóa), do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (tháp Bút hiện đang bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.

Thứ hai, các chuyên gia cũng cho rằng vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực. Kích thước, quy mô thân ga quá lớn so với diện tích mặt bằng khu vực; vị trí thân ga, cửa lên xuống được bố trí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm không hợp lý, do khu vực này vốn đã có mật độ giao thông lớn, với lưu lượng tăng thêm khoảng 6.700 người/ngày do ga ngầm tạo ra tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông và phát sinh các vấn đề an ninh, xã hội khác… Ngoài ra, quá trình thi công dự kiến kéo dài hàng năm, chưa tính đến phát sinh chậm tiến độ, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và đời sống người dân khu vực trung tâm.

Thứ ba, các chuyên gia khi đánh giá về nguy cơ sự cố sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ… chưa được tham vấn cơ quan chuyên ngành trong khi chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và chuyên gia. Thực tế trên thế giới cho thấy các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm: sụt lún, thay đổi cấu trúc, thủy hệ… trong khi khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu. Thêm vào đó, ta chưa có kinh nghiệm và chuyên gia về xử lý sự cố đường sắt đô thị, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, thiếu chủ động trong việc xử lý tình huống xảy ra sự cố.

Từ những lý do trên, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nhấn mạnh “hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và đền bà Kiệu là di sản văn hóa đặc biệt và đặc sắc, nằm trong khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến nghìn năm của Thủ đô, không chỉ là di sản của TP Hà Nội mà là của quốc gia, là không gian văn hóa có một không hai của Việt Nam, cần được bảo vệ tuyệt đối theo Luật Di sản văn hóa”, Ủy ban đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

M.Loan/Đại Đoàn Kết