06/07/2017

Tọa đàm đánh giá tình hình thị trường bất động sản

Ngày 5/7 tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra buổi tọa đàm đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển ổn định, lành mạnh.

Buổi tọa đàm do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chủ trì, có sự tham gia và cho ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS.

Ngành BĐS được coi là 1 trụ cột chính của nền kinh tế toàn cầu kể từ khi những cuộc suy thoái kinh tế gần đây diễn ra. Chính vì thế, tầm quan trọng của thị trường BĐS đã ngày càng được chứng minh rõ ràng hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa thị trường BĐS với khu vực tài chính và nền kinh tế vĩ mô, sự sụp đổ của thị trường nhà đất là khởi đầu và nguyên do của các thời kì khủng hoảng tài chính. Sự bùng phát hay đổ vỡ của thị trường BĐS luôn trở thành mối quan ngại đối với các nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, thị trường BĐS chính thức đi vào hoạt động được hơn 20 năm nhưng nó đã có những bước tiến quan trọng, đóng góp đáng kể vào việc hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, thị trường BĐS trong nước vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trải qua những chu kỳ thăng trầm, ảnh hưởng đến khu vực tài chính, gây nên nhiều hậu quả bất ổn cho nền kinh tế nói chung và các chủ thể tham gia vào thị trường nói riêng.

Có những thời điểm thị trường BĐS từ trạng thái sốt nóng chuyển sang trầm lắng, thậm chí còn rơi vào đóng băng, đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Không chỉ dừng lại ở đó, giá BĐS nhà ở vượt qua mức thu nhập của người dân thu nhập thấp tại các đô thị khiến cho cơ hội tạo lập nhà ở của họ ngày càng thu hẹp lại.

Bên cạnh đó, tình trạng đầu tư các dự án kinh doanh BĐS ngoài ngành, không phù hợp với năng lực còn khá phổ biến, trong đó không ít doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu chộp giật, thậm chí lừa đảo, làm mất lòng tin của xã hội đối với thị trường, làm gia tăng nợ xấu, thị trường cũng sẽ khó kiểm soát hơn.

Việc lập đề án đánh giá chỉ rõ cơ sở khoa học của việc nhận diện và dự báo xu hướng diễn biến của thị trường BĐS. Đây được coi là cơ sở để nhà nước có các chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết nhằm khuyến khích, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh theo đúng mục tiêu định hướng của Nhà nước đặt ra. Đồng thời bản đề án hoàn chỉnh còn dự báo nhân tố tác dộng đến thị trường BĐS Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và các năm tiếp theo.

Diễn biến thị trường BĐS được thống kê ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM trong thời điểm từ năm 2010-2016 có thể thấy được sự phân tách khá rõ ràng, nguồn cung căn hộ sơ cấp tại TP.HCM luôn ở mức cao hơn so với Hà Nội.

Sự phát triển của văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại thì Hà Nội luôn được đánh giá là có mức độ hấp thu văn phòng lớn, các sản phẩm mặt bằng thương mại và bán lẻ, số sự án được đưa vào hoàn thiện của TP.HCM cao hơn so với Hà Nội. Phân khúc BĐS trong lĩnh vực này Hà Nội được đánh giá là có mức biến động mạnh trong khi TP. HCM có biến động đều và ổn định hơn.

Lĩnh vực BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng được đánh giá có mức tương đồng, khách du lịch tăng và cơ sở khách sạn cũng được tăng theo. Xét về tổng thể thì không có tình trạng dư thừa.

Tác động của thị trường tài chính và chính sách tiền tệ đến thị trường BĐS, trong đó tăng trưởng tín dụng cũng có những thời điểm rơi vào vòng tuần hoàn kiểm soát, bùng phát rồi lại được kiểm soát chặt chẽ.

Không giống với dòng vốn FDI, về cơ bản biến động của thị trường BĐS không có tương quan rõ nét với dòng kiều hối bởi tỷ lệ đầu tư vào BĐS của dòng kiều hối còn thấp và thiếu ổn định. Tuy nhiên, trước dấu hiệu suy giảm kiều hối năm 2006 và tỷ lệ đầu tư vào BĐS thấp hơn so với một số lĩnh vực khác, BĐS chưa phải là điểm đến hấp dẫn dòng kiều hối trong các năm tiếp theo.

Dự báo trong giai đoạn năm 2017 – 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên mức 6%/năm, mục tiêu phấn đấu đạt 6,5-7%. Chỉ số lạm phát dự báo được duy trì mức ổn định trên dưới 5% trong 5 năm tiếp theo.

Đầu tư công trong thời gian tới cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 xấp xỉ 18% và sẽ tăng bình quân trong 5 năm tiếp theo ở mức 17-19%. Trong năm nay, thị trường chứng khoán được dự báo tăng khoảng 17-20% và bình quân 5 năm tới mức tăng được duy trì từ 15-20%/năm.

Thị trường BĐS thứ cấp phát triển ở các thành phố lớn, nhà ở mức giá trung bình sẽ tiếp tục là phân khúc có sức hấp thụ cao. BĐS nghỉ dưỡng có tiềm năng phát triển và có sức hút vốn đầu tư phát triển nhanh. Những phân khúc siêu lợi nhuận dựa vào lợi thế đất đai, tự nhiên nhưng thiếu khả năng trở thành các điểm đến hấp dẫn cũng sẽ chứa đựng các nguy cơ dư thừa.

Theo ý kiến chuyên gia, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng đơn vị lập đề án cần bổ sung thời điểm từ năm 1991-2003. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ sự tán thành về cách phân tích mối tương quan giữa biến động của sự tăng trưởng kinh tế gắn với thị trường BĐS.

Ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, bản đề án cần đưa thêm một số mối quan hệ với BĐS mà nó làm cho thị trường này trở nên thiếu sức sống. Vấn đề quản lý cho phù hợp cũng được các nhà đầu tư cần tập trung xem xét. Bổ sung phần chi phí để hỗ trợ khi thu thập các dữ liệu cần thiết.

Hà Đào/BXD