04/01/2017

Quy hoạch quản lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2030

Ngày 14/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1979/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2030, Báo Xây dựng đăng toàn văn quyết định như sau:

1. Phạm vi quy hoạch. Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ thuộc ranh giới hành chính của 7 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Quảng Ninh.

2. Quan điểm quy hoạch. Quy hoạch quản lý chất thải rắn Vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/01/2014); Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ Bắc Bộ; Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009); Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu đến năm 2020 (Quyết định số 2211/QĐ-TTg ngày 14/11/2013); Các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan trong vùng. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp điều kiện kinh tế xã hội, ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận và các công nghệ tiên tiến, xử lý, tái chế, tái sử dụng và hạn chế chôn lấp nhằm góp phần xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng đất. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

3. Mục tiêu quy hoạch. Dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho Vùng KTTĐ Bắc bộ. Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải chôn lấp. Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh trong phạm vi Vùng KTTĐ Bắc bộ.

4. Nội dung quy hoạch. a) Các chỉ tiêu quy hoạch. Các chỉ tiêu tính toán quy hoạch căn cứ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. b) Dự kiến tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn theo các giai đoạn đến năm 2030 của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong Vùng KTTĐ Bắc bộ như sau:

c) Dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh. Dự báo giai đoạn từ nay đến năm 2020 tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 38.980 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 36.040 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại phát sinh khoảng 2.940 tấn/ngày. Dự báo giai đoạn 2021 – 2030 tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 59.695 tấn/ngày. Trong đó chất thải rắn thông thường phát sinh khoảng 55.385 tấn/ngày, chất thải rắn nguy hại phát sinh khoảng 4.310 tấn/ngày. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong toàn vùng KTTĐ Bắc bộ. d) Phân vùng xử lý chất thải rắn. Đề xuất phân vùng xử lý chất thải rắn như sau: Phạm vi vùng liên tỉnh: Chất thải rắn trong Vùng KTTĐ Bắc bộ được phân vùng xử lý theo phạm vi phục vụ của cơ sở xử lý Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hưng Yên. Phạm vi vùng tỉnh: Chất thải rắn trong Vùng KTTĐ Bắc bộ được phân vùng xử lý theo phạm vi phục vụ của các cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch của từng địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó TP Hà Nội được phân thành 3 vùng: Phía Bắc, phía Nam, phía Tây của thành phố; các tỉnh còn lại mỗi tỉnh được phân thành 2 – 4 vùng xử lý chất thải rắn có bán kính phục vụ phù hợp. đ) Phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn. Phân loại chất thải rắn: Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn thành 3 loại: Chất thải rắn hữu cơ (rau, quả, thức ăn thừa…); chất thải rắn vô cơ có thể tái chế (giấy, nhựa, kim loại…); các loại chất thải rắn còn lại. Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề được phân thành 2 loại: Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề nguy hại và chất thải rắn công nghiệp, làng nghề thông thường. Chất thải rắn xây dựng, bùn thải được phân thành các loại có thể tái chế, tái sử dụng. Chất thải rắn y tế được phân thành 2 loại: Chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường. Trong đó chất thải rắn y tế thông thường tiếp tục được phân loại như chất thải rắn sinh hoạt.

Thu gom, vận chuyển chất thải rắn: Đối với chất thải rắn thông thường: Chất thải rắn sinh hoạt: Khu vực đô thị (TP, thị xã, thị trấn,…): Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày từ nơi phát sinh tới các điểm tập kết, trạm trung chuyển hoặc được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn theo quy hoạch. Khu vực dân cư nông thôn: Thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến điểm tập kết thôn, xã và vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải rắn cấp huyện hoặc thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chất thải rắn công nghiệp, làng nghề, y tế: Thực hiện thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển của các khu, cụm công nghiệp; điểm tập kết của các làng nghề hoặc trực tiếp từ cơ sở sản xuất, cơ sở y tế đến các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch. Chất thải rắn xây dựng: Chủ đầu tư xây dựng công trình chịu trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng đến cơ sở xử lý theo quy hoạch, đảm bảo các yêu cầu an toàn và vệ sinh môi trường. Bùn thải: Thực hiện thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý tập trung đã được quy hoạch hoặc vị trí do cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khuyến khích xử lý bùn thải bể tự hoại tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Đối với chất thải rắn nguy hại: Chất thải rắn nguy hại từ các nguồn thải được phân loại, bảo quản, lưu giữ, thu gom, vận chuyển trực tiếp đến các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh, vùng liên tỉnh theo quy hoạch và tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh môi trường; thực hiện theo quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại. Chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn nguy hại có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại theo quy định hiện hành.

e) Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn. Yêu cầu đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn: Các cơ sở xử lý chất thải rắn đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn hiện có trước năm 2020 (xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rò rỉ từ các bãi chôn lấp chất thải rắn, chuyển đổi công nghệ hạn chế chôn lấp…); Đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và có giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn trong toàn vùng.

Quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn: Xác định 01 cơ sở xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh (cơ sở xử lý Sóc Sơn, Hà Nội với diện tích 257ha, công suất khoảng 6.000 tấn/ngày, tiếp nhận và xử lý chất thải rắn thông thường cho khu vực TP Hà Nội, chất thải rắn nguy hại cho các tỉnh/TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên) và 5 cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh có chức năng cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn liên tỉnh (với tổng diện tích khoảng 231ha, công suất khoảng 11.500 tấn/ngày). Cụ thể vị trí, quy mô, công suất, phạm vi phục vụ các cơ sở xử lý chất thải rắn trong Vùng KTTĐ Bắc bộ (chi tiết kèm theo tại Phụ lục II). Đối với việc quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khác sẽ căn cứ theo các đồ án quy hoạch của các địa phương trong vùng KTTĐ Bắc bộ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải rắn vùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng KTTĐ Bắc bộ phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025 (tại Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

g) Định hướng lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn. Công nghệ xử lý chất thải rắn được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần chất thải rắn của từng địa phương. Ưu tiên các công nghệ trong nước, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương. Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn thông thường: Công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, công nghệ hạn chế chôn lấp,… Công nghệ áp dụng đối với chất thải rắn nguy hại: Công nghệ xử lý lý hóa, công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp,…

5. Khái toán kinh phí đầu tư. a) Nhu cầu vốn đầu tư: Ước tính vốn đầu tư triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn Vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2030 khoảng: 13.350 tỷ đồng. Trong đó: Giai đoạn đến năm 2020 khoảng: 8.870 tỷ đồng, giai đoạn 2021 – 2030 khoảng: 4.480 tỷ đồng. b) Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách Nhà nước; Vốn ODA, vốn tài trợ nước ngoài; Vốn tín dụng đầu tư; Vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước. Vốn hợp pháp từ các thành phần kinh tế khác.

6. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020. a) Tỉnh Hải Dương. Dự án mở rộng và nâng công suất xử lý cơ sở xử lý chất thải rắn Việt Hồng (Thanh Hà), quy mô 1500 tấn/ngày. b) TP Hải Phòng. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo), quy mô 2500 tấn/ngày.

7. Đánh giá môi trường chiến lược. a) Tác động tích cực đến môi trường: Thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường và nguy hại đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn gây ra. Hạn chế, xóa bỏ các điểm tập kết chất thải rắn và các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải tạo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong Vùng KTTĐ Bắc bộ. Xác định địa điểm, quy mô, công suất các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn đô thị – nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề trong Vùng KTTĐ Bắc bộ. Các công nghệ xử lý các loại chất thải rắn được đề xuất theo hướng hạn chế chôn lấp góp phần tiết kiệm đất và xử lý triệt để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường; Góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và sự phát triển bền vững của các địa phương trong Vùng KTTĐ Bắc bộ. b) Dự báo tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch: Hoạt động của các xe vận chuyển chất thải rắn có nguy cơ gây ô nhiễm. Quá trình xây dựng các cơ sở xử lý sẽ gây ra các tác động tới môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (các tác động này chỉ diễn ra cục bộ và trong thời gian ngắn). Quá trình vận hành các cơ sở xử lý sẽ làm tăng tiếng ồn, gây bụi… tại khu vực đặt cơ sở xử lý chất thải rắn. Hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý có thể gây ô nhiễm môi trường nếu quy trình vận hành không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Nguy cơ xảy ra sự cố môi trường (phân tán khí độc, chất độc hại ra môi trường,… ) và tai nạn lao động trong quá trình vận chuyển chất thải rắn nguy hại từ nguồn phát sinh đến trạm trung chuyển. c) Các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường: Các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với các phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường và dọc tuyến đường vận chuyển. Các biện pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn trên công trường xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn và các biện pháp an toàn và phòng chống tai nạn, sự cố trong quá trình xây dựng. Các dự án khi triển khai phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các biện pháp hỗ trợ khác. Các biện pháp thu gom và xử lý khí thải, khói bụi và nước thải từ các cơ sở xử lý chất thải rắn và các biện pháp giảm thiểu tuân thủ theo ĐTM được phê duyệt. Chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm và đất. Cảnh báo các sự cố môi trường và đề xuất các giải pháp phòng chống giảm thiểu các ảnh hưởng xấu tới môi trường. Các biện pháp hỗ trợ khác.

Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành. Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh/TP trực thuộc Trung ương phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn Vùng KTTĐ Bắc bộ đến năm 2030. Các Bộ, ngành liên quan. Có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, TP trong Vùng KTTĐ Bắc bộ tổ chức thực hiện quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao. Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành. Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030.

Các Bộ, ngành liên quan. Có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tổ chức thực hiện quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống quản lý chất thải rắn đáp ứng cho từng giai đoạn; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch này. Rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh/thành phố theo quy định hiện hành. Tổ chức các chương trình, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, bảo vệ hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn; vai trò của hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn với môi trường.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, TN&MT, Y tế, NN&PTNT; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng và Quảng Ninh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Cao Thanh/Báo Xây dựng