10/05/2017

Quy hoạch khuôn viên cây xanh trong đô thị: Cần có tầm nhìn lâu dài

Tác động của con người dần khiến cho môi trường ngày càng suy giảm. Việc quy hoạch cây xanh ngay trong đô thị sẽ hạn chế yếu tố bất lợi về sức khỏe của con ngườicó khả năng ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).

Trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng nhanh ở Việt Nam, cùng với sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường không khí từ khói bụi của các phương tiện giao thông, khí thải của các nhà máy, xí nghiệp khiến cho bầu không khí không còn trong lành. Hàng năm có hàng chục triệu người phải chịu đựng và sống chung với những diễn biến thất thường của thời tiết, những ảnh hưởng do BĐKH gây ra như triều cường, bão lũ, xâm thực mặn, nước biển dâng, sạt lở, nắng nóng, rét đậm, rét hại.

Việt Nam là một trong số những quốc gia ảnh hưởng trực tiếp của BĐKH. Thực trạng này cũng trở thành những thách thức to lớn đối với phát triển đô thị. BĐKH làm nhiệt độ tăng lên, con người tìm cách đối phó bằng việc xử dụng máy lạnh, bằng các điều kiện làm mát…, tất nhiên phải tiêu tốn nhiều điện năng và xả khí thải lên bầu trời, góp phần làm xấu đi môi trường sống, làm tăng khí nhà kính, làm Trái đất nóng lên.

PGS. TS Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng) nhận định: Tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ở Việt Nam một phần là do việc chặt phá rừng, sự phát triển đô thị ồ ạt cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thay đổi bất thường của tự nhiên.

Cây xanh có vai trò lớn trong việc bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống một cách hiệu quả nhất, ngoài ra còn giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm. Cây xanh có khả năng ngăn chặn bức xạ và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ ẩm đất và độ ẩm không khí, kiểm soát và lưu thông gió. Bên cạnh đó không thể không kể đến vai trò quan trọng trong việc hạn chế tiếng ồn ở khu vực nội thành, có vai trò trong kiến trúc và trang trí cảnh quan.

Công tác phát triển cây xanh đô thị có tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với sự BĐKH với diễn biến đang ngày càng phức tạp. Nhiều diện tích đất theo quy hoạch dành cho công viên cây xanh đã bị không ít đô thị chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.


Ảnh minh họa.

Tại các khu vực nội thị, mật độ che phủ cây xanh chỉ đạt khoảng 12% diện tích tự nhiên. Tỉ lệ cây xanh trung bình ở khu vực trung tâm thành phố là 2,4m2 xanh/người. Chỉ số này quá thấp nếu so sánh với các đô thị khác trên thế giới như Paris, Moskva.

Toàn TP Hà Nội, công viên lớn nhất là Công viên Thống Nhất có diện tích khoảng 53ha, tiếp đến là Thủ Lệ với 28ha, Tuổi Trẻ 18ha, Bách Thảo 10ha, vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm 8ha… Việc quy hoạch những khuôn viên xanh, cây xanh đường phố được trồng trên hè, tuy nhiên đường phố trong khu vực phố cổ thường nhỏ hẹp, lại có rất ít cây và chủng loại không phong phú. Các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong khu vực này, do hạn chế về quỹ đất nên còn lại rất ít cây xanh, cây trồng chủ yếu là cây cảnh, cây trang trí. Nhiều đô thị khác, hiện nay ngay khi lập quy hoạch cũng đã dành ra 30-40% quỹ đất để đảm bảo yếu tố cảnh quan, điều hòa không khí và hạn chế khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển khuôn viên cây xanh trong các khu đô thị sẽ tạo nên lá phổi xanh, đồng thời còn bổ sung hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ thiết yếu cho các khu vực phát triển mới. Trong vành đai xanh sẽ tạo lập các không gian mở gắn với các hoạt động công cộng, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên cây xanh thể dục thể thao và các không gian công cộng lớn khác cho toàn thành phố. Hệ thống cây xanh trong phố gắn với hệ thống hồ, sông, cải tạo và mở rộng cảnh quan hồ nước và kết hợp không gian công cộng xung quanh tạo thành những lõi xanh, điểm nhấn đầy thú vị cho mỗi dự án.

Khẳng định tầm quan trọng của cây xanh, PGS.TS Đỗ Tú Lan cho biết: Cây xanh là máy điều hòa không khí thiên nhiên, một cây xanh có hiệu quả hạ nhiệt tương đương 500 máy điều hòa làm việc 20 giờ. Cây xanh làm giảm các loại khí gây ô nhiễm cho nên các thành phố cần ra sức phát triển trồng cây xanh nhiều hơn.

Việc quy hoạch đô thị có khuôn viên cây xanh cần có tầm nhìn lâu dài, điều đó không chỉ đơn thuần để cải thiện cảnh quan đô thị mà còn tính đến sức chịu đựng của các loài cây trước các hiện tượng thất thường của thời tiết, nếu phát triển cây xanh đô thị hợp lý thì sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp thích ứng với tình trạng BĐKH. Như TS Đoàn Văn Lư (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ, mảng xanh công viên, mảng xanh trục giao thông, mảng xanh khu di tích, bảo tồn, mảng xanh nhà cao tầng… đều có cấu trúc và chủng loại cây xanh phù hợp với các hoạt động kinh tế – xã hội – văn hóa của đô thị.

Hà Đào/Báo Xây dựng