Phát triển công trình xanh tại Việt Nam – Những vấn đề liên quan đến Quy chuẩn – Tiêu chuẩn Xây dựng
Với những ưu thế quan trọng như sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, các công trình xanh đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay. Không nằm ngoài xu hướng này, công trình xanh đã được giới thiệu với thị trường xây dựng Việt Nam từ năm 2007 và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ và khu vực tư nhân. Mặc dù được nhận thức rộng rãi trên thị trường, số lượng công trình xanh, bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng lại ở con số 40 công trình sau gần một thập kỷ triển khai. Đây là một con số khiêm tốn so với hơn 200 công trình đã được chứng nhận tại Malaysia và gần 900 công trình xanh tại Singapore. Ngoài những trở ngại thường được nhắc tới như thiếu chính sách khuyến khích hay quan ngại về chi phí đầu tư cao, việc thiếu các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng làm nền tảng cũng cản trở phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn hướng tới công trình xanh tại Việt Nam
Theo nghiên cứu tổng hợp và so sánh 07 hệ thống đánh giá công trình xanh trình Bộ Xây dựng mới đây của dự án Năng lượng sạch do USAID tài trợ, công trình xanh được đánh giá theo các tiêu chí chính sau đây:Tiết kiệm năng lượng qua nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, Tiết kiệm nước nhờ sử dụng thiết bị tiết kiệm nước hoặc tái sử dụng nước, Tiết kiệm sử dụng vật liệu hoặc sử dụng vật liệu bền vững thay thế, Bảo vệ sinh thái cho môi trường xung quanh, Giảm thiểu phát thải và ô nhiễm tới môi trường, Cải thiện tiện nghi và môi trường bên trong công trình nhằm đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Để có thể đánh giá các công trình xây dựng theo mỗi tiêu chí trên, các hệ thống đánh giá công trình xanh phải dựa vào các yêu cầu và hướng dẫn kỹ thuật được quy định trong chính các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia hoặc các hệ thống tiêu chí uy tín được áp dụng rộng rãi. Đơn cử như hệ thống Green Star của Úc thường trích dẫn các tiêu chuẩn quốc gia (ký hiệu: AS) hoặc luật xây dựng Úc (ký hiệu: BCA). Hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến nhất thế giới hiện tại, LEED của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ cũng thường trích dẫn các yêu cầu và hướng dẫn từ các tiêu chuẩn ASHRAE do Hiệp hội kỹ sư nhiệt lạnh và điều hòa không khí nước này đưa ra hay các tiêu chuẩn tiết kiệm điện quy định cho nhãn năng lượng ENERGY STAR. Việc dựa vào các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẵn có giúp các kỹ sư và kiến trúc sư dễ dàng hiểu, từ đó lựa chọn giải pháp kỹ thuật và chuẩn bị hồ sơ trình duyệt phù hợp.
Tại Việt Nam, việc Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, có hiệu lực từ ngày 15/11/2013, quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc đối với hiệu quả năng lượng của các hệ thống vỏ công trình, thông gió, điều hòa, nước nóng, chiếu sáng, thang máy…, đã tạo tiền đề quan trọng cho việc đánh giá công trình tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới để đưa ra sách “Hướng dẫn Áp dụng Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 09:2013/BXD” và các bảng tính nhằm giúp các kỹ sư và kiến trúc sư dễ dàng thiết kế công trình tuân thủ các yêu cầu quy chuẩn.
Thêm vào đó, trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả, Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng cho các thiết bị gia dụng và triển khai dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm như bóng đèn, quạt, TV, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, điều hòa không khí… với gần 7.300 chủng loại thiết bị điện đang lưu hành tại Việt Nam.
Trong khi Việt Nam đã có quy chuẩn về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và nhãn năng lượng thì vấn đề tiết kiệm nước và sử dụng thiết bị tiết kiệm nước lại không nhận được nhiều quan tâm khi không có tiêu chuẩn hay quy định nào liên quan tới giảm thiểu sử dụng nước trong các công trình xây dựng. Hiện tại tất cả các bộ công cụ đánh giá công trình xanh được áp dụng tại Việt Nam đều sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài hoặc số liệu trung bình quốc tế để định nghĩa thế nào là thiết bị hay công trình sử dụng tài nguyên nước hiệu quả. Ngoài ra, đối với các công trình xanh có nhu cầu xử lý nước thải nhằm tái sử dụng tại chỗ cũng khó tìm được tiêu chuẩn quy định chất lượng nước phù hợp. Nguyên nhân là do hiện tại Việt Nam chỉ có quy chuẩn quy định chất lượng nước thải theo từng môi trường nhận hoặc chất lượng nước cấp cho từng mục đích sử dụng mà không có quy định đối với chất lượng nước thải được xử lý và tái sử dụng tại chỗ.
Về vật liệu bền vững, tháng 11 năm 2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu không nung bắt buộc trong công trình xây dựng vốn nhà nước và mọi công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên bất kể nguồn vốn. Trước đó hàng loạt tiêu chuẩn quy định yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử… với các loại vật liệu không nung khác nhau như TCVN 7959: 2011, TCVN 9028: 2011, TCVN 9029: 2011, TCVN 9030: 2011… đã được đưa ra. Nhờ vậy loại vật liệu với nhiều ưu điểm về tính thân thiện môi trường này đang dần được phổ cập trong các công trình xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên ngoài vật liệu không nung, còn nhiều loại vật liệu với những tính năng thân thiện môi trường khác chưa được phổ biến và có quy định rõ ràng. Đơn cử như với vật liệu có thành phần là rác thải hoặc vật liệu tái chế từ các hoạt động công nghiệp khác. Đối với loại vật liệu này, hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ thành phần cũng như phương pháp tính toán và kiểm tra. Chính vì vậy, các hãng phân phối loại sản phẩm xanh này cho các công trình xanh thường phải thực hiện kiểm tra và lấy chứng nhận tại Singapore để chứng minh tính thân thiện môi trường. Ngoài ra, trong khi gần như tất cả các hệ thống đánh giá công trình xanh khuyến khích sử dụng vật liệu ít phát sinh các chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại (VOC) như chất gây ung thư formaldehyde, Việt Nam hiện tại vẫn chưa có tiêu chuẩn quy định hàm lượng cho phép của các chất này trong vật liệu xây dựng. Như vậy, các nhà sản xuất các loại vật liệu thường chứa nhiều chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại như sơn, gỗ công nghiệp, keo công nghiệp… chỉ có thể dựa vào các quy định và quy trình kiểm định tại nước ngoài để chứng minh sản phẩm của mình tốt cho sức khỏe người sử dụng.
Về vấn đề đánh giá các loại chất thải và ô nhiễm phát sinh từ công trình xây dựng, các hệ thống chứng chỉ công trình xanh có thể dựa vào các quy chuẩn về nước thải và rác thải hiện hành. Tuy nhiên với nhiều loại ô nhiễm ít được đề cập như ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng thì công trình vẫn phải dựa vào quy định của các nước phát triển để đánh giá các công trình xanh tại Việt Nam.
Đối với tiêu chí về sức khỏe và tiện nghi trong công trình xanh, mặc dù tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống thông gió và điều hòa không khí TCVN 5687:2010 đã thay thế tiêu chuẩn cũ từ năm 1992 với những yêu cầu và hướng dẫn trích dẫn từ tiêu chuẩn ASHRAE, các tiêu chuẩn quy định tiện nghi nhiệt đối với môi trường vi khí hậu trong công trình vẫn chưa được bổ sung. Trong khi đó tiêu chuẩn TCXDVN 306:2004 quy định các thông số vi khí hậu trong phòng chỉ đơn giản giới hạn tiện nghi nhiệt trong một quãng nhiệt độ nhất định với một mức độ ẩm và tốc độ gió chính xác mà công trình khó có thể tuân thủ trong toàn bộ thời gian vận hành. Thêm vào đó tiêu chuẩn không bao gồm hướng dẫn thiết kế giúp công trình có thể tuân thủ quy định. Khác với tiện nghi nhiệt, tiện nghi chiếu sáng và tiện nghi âm thanh trong công trình đều đã có quy định trong nhiều tiêu chuẩn liên quan, mặc dù chưa phản ánh đầy đủ cho mọi loại công trình và mọi hình thái ô nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp của tiện nghi âm thanh trong công trình xây dựng, mặc dù đã có nhiều tiêu chuẩn TCXDVN 175:2005 hướng dẫn thiết kế tuân thủ mức ồn cho phép trong công trình công cộng hay TCXDVN 277: 2002 hướng dẫn thiết kế đảm báo cách âm cho các kết cấu phân cách bên trong nhà dân dụng, nhưng hiện tại tiện nghi âm học không được đưa vào giảng dạy trong chương trình đại học chuyên ngành và số lượng kỹ sư có thể thiết kế hoặc kiểm tra tuân thủ các quy định này còn rất ít. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu các phòng thí nghiệm có thể thực hiện các kiểm tra khả năng cách âm của vật liệu, vì vậy hiện tại các công trình quan tâm tới vấn đề này chủ yếu là các khách sạn hạng sang. Mặc dù trong trường hợp này hầu hết các khách sạn chọn tuân thủ theo yêu cầu của tập đoàn chủ quản chứ không quan tâm tới các quy định trong tiêu chuẩn.
Hệ thống công cụ đánh giá công trình xanh tại Việt Nam
Như phần trên đã đề cập, hiện tại Việt Nam có 40 công trình đã được chứng nhận và hơn 20 công trình khác đang được đánh giá với 05 công cụ đánh giá công trình xanh chính, đó là các công cụ:
– Công cụ CTX do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn;
– EDGE – hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả do Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế Giới sáng tạo;
– LOTUS – hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ và là thành viên của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới;
– LEED – hệ thống đánh giá công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh Mỹ nghiên cứu và áp dụng cho cả các công trình trong và ngoài lãnh thổ Mỹ;
– Green Mark – hệ thống đánh giá công trình xanh do Hiệp hội Công trình Xanh Singapore, trực thuộc Bộ Xây dựng Singapore đưa ra.
Trong đó các công cụ được giới thiệu đầu tiên tại Việt Nam là LEED, Green Mark và LOTUS từ năm 2007 nhưng cho tới nay cũng chỉ đánh giá một số lượng công trình xanh khiêm tốn. Dẫn đầu là LEED với 13 công trình đã đạt chứng chỉ và khoảng 20 công trình hiện đang được đánh giá, trong khi đó Green Mark và LOTUS cũng chỉ dừng lại ở con số 12 công trình đã và đang được đánh giá cho mỗi loại hệ thống. Trong năm 2014, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cũng đã cho ra đời bộ công cụ CTX với mục tiêu tạo ra một công cụ thuần Việt, tuy nhiên cho tới nay công cụ mới chỉ được áp dụng đánh giá thành công cho một công trình chung cư tại Hà Nội. Xuất hiện cuối cùng nhưng đang giữ tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là công cụ EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Mặc dù mới chỉ được đưa vào thử nghiệm vào năm 2014 và được chính thức công bố vào tháng 6 năm nay, cho tới nay công cụ EDGE đã đánh giá thành công giai đoạn thiết kế của 5 công trình bao gồm chung cư và tòa nhà văn phòng tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá so sánh các bộ công cụ đánh giá công trình xanh hiện hành tại Việt Nam công cụ EDGE, bốn hệ thống đánh giá còn lại đều có các yêu cầu liên quan tới 06 tiêu chí chính của một công trình xanh đã nêu ở với các bộ công cụ phổ biến khác trên thế giới được tiến hành trong khuôn khổ Chương trình Năng lượng Sạch Việt Nam do USAID tài trợ, các bộ công cụ nhìn chung có yêu cầu và phương pháp đánh giá tương đồng. Về các tiêu chí đánh giá công trình xanh, ngoài phần trước. Tuy nhiên, các công cụ LOTUS và CTX có nhiều các tiêu chí gắn liền với các tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam hơn do được phát triển bởi các tổ chức tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hầu hết các chủ đầu tư nước ngoài và cả những chủ đầu tư Việt Nam vẫn lựa chọn các bộ công cụ quốc tế như LEED và Green Mark do các bộ công cụ này mang lại giá trị quảng bá cao hơn.
Trên thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy từ các công trình áp dụng các bộ công cụ này đều là những công trình thuộc phân khúc trên và cao cấp nhất của thị trường xây dựng với năng lực áp dụng các tiêu chí xanh khắt khe ngay cả khi các tiêu chí này không mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho chủ đầu tư. Khác với các công cụ này, EDGE chỉ đánh giá ba khía cạnh giúp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong công trình, đó là năng lượng, nước và vật liệu với mục tiêu thúc đẩy cả các công trình không thuộc phân khúc cao cấp trở nên bền vững hơn. Ngoài ra EDGE còn được trang bị phầm mềm trực tuyến EDGE, giúp các công trình có thể tự đánh giá với EDGE và ngay lập tức biết được mức tiết kiệm khi áp dụng các giải pháp xanh trong công trình của mình. Từ đó, các kiến trúc sư và kỹ sư dễ dàng tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho một công trình cụ thể cũng như thuận lợi hơn trong việc thuyết phục các chủ đầu tư nâng cao hiệu quả công trình của mình.
Bước đi tiếp theo
Qua các phân tích trên, có thể thấy một trong các điều kiện để Việt Nam có thêm nhiều công trình xanh hơn là việc xây dựng một hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn về công trình xanh đầy đủ và đề cập tới mọi khía cạnh của công trình xanh. Ngoài ra, các quy chuẩn và tiêu chuẩn này phải khả thi và đi kèm hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo việc áp dụng vào công trình thực tế là khả thi. Để được như vậy, các cơ quan nghiên cứu và quản lý cần tiến hành ra soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành cũng như nghiên cứu các tiêu chuẩn mới cần thiết. Các tiêu chuẩn và quy chuẩn một khi được ban hành sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển theo hướng bền vững của toàn ngành xây dựng cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành xây dựng.
Đối với các công cụ đánh giá công trình xanh, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy hầu hết các quốc gia phát triển vẫn duy trì các hệ thống đánh giá công trình xanh tự nguyện thay vì áp dụng bắt buộc. Đồng thời, như nghiên cứu từ dự án Năng lượng Sạch của USAID đã khuyến nghị, Bộ Xây dựng nên cho phép tất cả các bộ công cụ đánh giá công trình xanh được lưu hành tại Việt Nam thay vì chỉ định một bộ nhất định. Để đảm bảo chất lượng của các hệ thống đánh giá công trình xanh, Bộ Xây dựng có thể đưa ra các quy định về tính minh bạch, tính chính xác kỹ thuật và các yêu cầu tối thiểu khác mà các hệ thống này bắt buộc phải tuân thủ nếu muốn được lưu hành. Như vậy, hệ thống các quy chuẩn và tiêu chuẩn sẽ giúp đảm bảo mọi công trình xây dựng tuân thủ các yêu cầu “xanh” tối thiểu, trong khi đó các hệ thống đánh giá tự nguyện sẽ ghi nhận các điển hình tốt nhất trên thị trường. Với sự kết hợp này, tin rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều các công trình bền vững mang lại lới ích nhiều hơn cho chủ đầu tư, người sử dụng và xã hội./.
Hiện tại tất cả các bộ công cụ đánh giá công trình xanh được áp dụng tại Việt Nam đều sử dụng các tiêu chuẩn nước ngoài hoặc số liệu trung bình quốc tế để định nghĩa thế nào là thiết bị hay công trình sử dụng tài nguyên nước hiệu quả. Về vấn đề đánh giá các loại chất thải và ô nhiễm phát sinh từ công trình xây dựng với nhiều loại ô nhiễm ít được đề cập như ô nhiễm ánh sáng vẫn phải dựa vào quy định của các nước phát triển để đánh giá các công trình xanh tại Việt Nam. Một trong các điều kiện để Việt Nam có thêm nhiều công trình xanh hơn là việc xây dựng một hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn về công trình xanh đầy đủ và đề cập tới mọi khía cạnh của công trình xanh. Ngoài ra, các quy chuẩn và tiêu chuẩn này phải khả thi và đi kèm hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ để đảm bảo việc áp dụng vào công trình thực tế là khả thi. |
Autif Mohammed Sayyed – Chuyên gia công trình xanh khu vực Đông Á – Thái Bình Duong, IFC
Đỗ Ngọc Diệp – Chuyên gia tư vấn công trình xanh Việt Nam IFC,World Bank Group
Tạp chí Kiến trúc Việt Nam