06/11/2015

Nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN trong lĩnh vực kiến trúc

“Nếu chúng ta nhận định các sản phẩm nghiên cứu giai đoạn vừa qua không có giá trị khoa học là không đúng mà thực chất là chưa đi được tới cùng của chuỗi đầu ra sản phẩm KHCN. Từ một số phân tích cho thấy muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động NCKH trong lĩnh vực kiến trúc phải có sự đổi mới rất đồng bộ trong nhiều khâu”.

Công trình Trụ sở Bộ Công An, Phạm Hùng, Hà Nội

Công trình Trụ sở Bộ Công An, Phạm Hùng, Hà Nội

Hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong kiến trúc nói riêng và lĩnh vực kiến trúc, đô thị thời gian qua nói chung đang ở mức độ khiêm tốn và cũng không tránh khỏi những hạn chế chung của hoạt động khoa học công nghệ trong nước. Có thể chia thành 2 mảng chính trong việc nghiên cứu khoa học lĩnh vực kiến trúc hiện nay là: Nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tiễn.
Các nghiên cứu lý luận như: Nhận diện những trào lưu kiến trúc, những nghiên cứu tổng kết về kiến trúc, về quá trình đô thị hóa,về phát triển đô thị nhân dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội… đã cho một cái nhìn tổng quát, đúc rút những vấn đề có tính quy luật, khái quát bổ sung vào lý luận để định hướng phát triển kiến trúc và đô thị.
Những nghiên cứu thực tiễn có thể gắn hoặc không gắn với công nghệ như: nghiên cứu mô hình nhà ở truyền thống, nhà ở nông thôn mới, nhà ở lắp ghép, nhà ở vùng lũ… hoặc nghiên cứu các mô hình quy hoạch làng sinh thái, khu công nghệ cao… đề xuất những mô hình phát triển mới trong kiến trúc, quy hoạch, những giải pháp cho những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh của kiến trúc và đô thị.
Việc chia như vậy cũng để thấy mỗi phạm trù nghiên cứu sẽ có những hiệu quả với thực tiễn khác nhau, nhìn chung có 3 tác dụng: Sản phẩm của nghiên cứu là chính sách; Sản phẩm của nghiên cứu là đào tạo, nâng cao trình độ của KTS; Sản phẩm của nghiên cứu là công nghệ có thể chuyển giao vào thực tiễn.
Các loại sản phẩm trên đều rất hữu ích, cấp thiết. Một đề tài nghiên cứu có thể có một hoặc cả 3 loại sản phẩm. Tuy nhiên mỗi một sản phẩm con đường áp dụng vào thực tiễn là khác nhau. Chính vì vậy, nhìn nhận, đánh giá tính hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian qua cũng phải dựa trên những cách tiếp cận đó.

Hiệu quả của hoạt động KHCN đối với công tác quản lý, định hướng chính sách
Trong thời gian qua, Nhà nước và các cơ quan đã ban hành rất nhiều chính sách trong lĩnh vực có liên quan đến kiến trúc, quy hoạch, phát triển đô thị. Tuy nhiên, có thể thấy các chính sách ban hành vẫn còn chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và đặc biệt là chưa có tính định hướng, đi trước các vấn đề thực tiễn. Trong đó có một phần nguyên nhân từ chính các kết quả của hoạt động nghiên cứu chưa đủ làm cơ sở cho việc lập các chính sách, chưa đóng góp hiệu quả cho công tác lập chính sách.
Ngoài các nguyên nhân về chất lượng nghiên cứu thì có một nguyên nhân đó là việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu đến với các nhà lập chính sách còn thiếu đầy đủ. Trong khi nguồn lực nghiên cứu trải rộng từ các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, các nguồn kinh phí đặt hàng từ các bộ (Bộ giáo dục, Bộ KHCN, Bộ XD, bộ NN&PTNT…), từ các địa phương (sở KHCN) sản phẩm đa dạng từ các đề tài luận văn, luận án tiến sỹ, đề tài NCKH cấp cơ sở, cấp thành phố đến cấp Bộ, cấp Nhà nước thì chưa có một cơ chế nào để đảm bảo tất cả các thông tin, kết quả nghiên cứu của các đề tài đó đến được với các nhà lập chính sách phát triển đô thị. Trừ một số đề tài do chính Bộ đó đặt hàng thì có được quan tâm đến kết quả hơn còn hầu hết sau nghiệm thu được cất đi và các vấn đề mà đề tài đã đề xuất giải quyết lại vẫn đang được bàn luận sôi nổi tại một bộ, một cơ quan nào đó. Có thể kiểm tra rất đơn giản là xem các đơn vị tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý về kiến trúc – quy hoạch. Có trong tay bao nhiêu phần trăm kết quả nghiên cứu kiến trúc, quy hoạch của tất cả các bộ, các viện, các trường đại học có liên quan khác thì sẽ thấy khả năng chuyển tải các thông tin từ kết quả nghiên cứu đến thực tiễn như thế nào.
Cụ thể hơn là cũng chưa rõ ai là người chắt lọc các thông tin kết quả nghiên cứu đó để chuyển giao, tham mưu cho các nhà lập chính sách? Nếu đề tài từ nguồn vốn Bộ giáo dục thì khi chuyển giao cho Bộ Xây Dựng vấn đề trả tiền cho sở hữu trí tuệ có đặt ra không? Việc tiếp cận tài liệu toàn văn nghiên cứu, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý đề tài khoa học giữa các cơ quan có thực sự là đã thuận tiện?

Đào tạo, nâng cao nhận thức cho các kiến trúc sư
Các đề tài nghiên cứu có một hiệu quả rất rõ rệt đó là nâng cao năng lực của chính những người tham gia nghiên cứu. Một số kết quả NCKH của đề tài may mắn được chuyển tải vào các bài giảng của các trường ĐH, các khóa đào tạo ngắn hạn. Còn lại ngay cả xuất bản thành sách cũng không biết bao nhiêu kiến thức mới đó có thể truyền tải đến các nhà chuyên môn.
Trong khía cạnh sản phẩm này, chỉ có kết quả đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ là rõ rệt, còn đánh giá kết quả nghiên cứu chuyển tải bao nhiêu phần trăm (%) trong đào tạo thì hạn chế. Câu hỏi đặt ra là, bao nhiêu % kết quả nghiên cứu từ các Bộ, Viện chuyên ngành được chuyển tải vào các trường đào tạo? (một chiều ngược so với sản phẩm chính sách).

Về sản phẩm dạng công nghệ trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch
Các sản phẩm KHCN trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch có thể chuyển giao được gần đây càng hiếm hoi. Bởi, trong trường hợp này, với kiến trúc đó là các nghiên cứu phải gắn liền với các giải pháp công nghệ như về vật liệu, kết cấu. Trong khi các nước như Trung Quốc, Malaixia đã phát triển rộng rãi những công nghệ nhà ở lắp ghép tấm nhẹ, nhà ở giá rẻ thì ở nước ta những ngôi nhà ở xã hội vẫn dùng những công nghệ đổ bê tông toàn khối, không khác gì so với các loại hình nhà ở thương mại. Chúng ta kêu gọi phát triển kiến trúc xanh, đô thị xanh nhưng hàng loạt các nghiên cứu về công nghệ thu gom nước mưa, xây dựng hạ tầng xanh, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường đã được nghiên cứu triển khai ở nhiều nước vẫn còn khá xa mới có thể triển khai ở Việt Nam.
Độ trễ về áp dụng những tiến bộ công nghệ trong kiến trúc đối với Việt Nam là khá lớn. Những lực cản về cơ chế, chính sách và cả những mục tiêu phát triển ngắn hạn, lợi ích nhóm làm hạn chế những xu hướng phát triển tạo nên lợi ích chung cho cộng đồng.
Một ví dụ trong chính sách về KHCN hiện nay là các đề tài mới dừng ở bước ra giải pháp có tính nguyên tắc lý thuyết. Trong khi một sản phẩm có tính công nghệ đưa được ra thị trường cần có các bước: Đề xuất nghiên cứu (cơ sở Nghiên cứu) – chạy pilot- hoặc sản xuất thử nghiệm (Nghiên cứu + Doanh nghiệp KHCN) – thương mại hóa sản phẩm (Doanh nghiệp KHCN + Doanh nghiệp thương mại) – Đưa ra thị trường (Doanh nghiệp thương mại) thì hiện nay các kết quả NCKH cơ bản mới dừng ở bước đề xuất nghiên cứu. Trong khi nhìn chung từ bước sản phẩm nghiên cứu đến bước thương mại hóa sản phẩm phải mất 2 năm với một nguồn kinh phí lớn hơn nữa và kinh phí này vẫn có hàm lượng rủi ro. Vậy mà cơ bản chúng ta chỉ có kinh phí dừng ở bước sản phẩm nghiên cứu thì rõ ràng không thể có sản phẩm ra thị trường.
Nếu chúng ta nhận định các sản phẩm nghiên cứu giai đoạn vừa qua không có giá trị khoa học là không đúng mà thực chất là chưa đi được tới cùng của chuỗi đầu ra sản phẩm KHCN.
Từ một số phân tích trên cho thấy muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động NCKH trong lĩnh vực kiến trúc phải có sự đổi mới rất đồng bộ trong nhiều khâu, trong đó cần chú trọng:
– Hình thành thị trường KHCN một cách công khai và rộng rãi hơn. Đặc biệt quan tâm đến chính sách hình thành các doanh nghiệp KHCN và chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tham gia quá trình hình thành các sản phẩm mới, sản xuất thực nghiệm để đưa ra thị trường.
– Quá trình đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn (sản xuất thử, mô hình pilot…) vẫn tiềm ẩn rủi ro, bối cảnh công tác sở hữu trí tuệ thấp vì vậy phải có sự hỗ trợ của nhà nước sâu hơn, đầu tư rộng hơn cho giai đoạn này.
– Chính sách bảo hộ quyền sở hữu tác giả mạnh hơn nữa để những người nghiên cứu, doanh nghiệp có thể bỏ vốn ra để nghiên cứu, không trông cậy vốn nhà nước nhưng có sự đảm bảo giá trị đó không bị mất nhanh chóng do nạn ăn cắp sáng chế, bản quyền phổ biến tràn lan ở nước ta.
– Nhà nước cần coi trọng việc chuyển đổi các kết quả nghiên cứu của kiến trúc, quy hoạch chuyển đổi thành chính sách nhiều hơn, mạnh mẽ và kịp thời hơn nữa.
– Thiết lập các hệ thống liên kết thông tin sản phẩm khoa học công nghệ giữa các đơn vị nghiên cứu, sản xuất, quản lý khoa học tốt hơn.
Một môi trường hoạt động lành mạnh, năng động, phối hợp giải quyết được các nút vướng mắc, hình thành, mở rộng thị trường KHCN sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực nghiên cứu Kiến trúc ở nước ta trong thời gian tới./.

PGS.TS. Phạm Hùng Cường

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam