17/09/2015

Nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng

Nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tính hiệu quả trong các dự án đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đang tiếp thu lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, áp dụng đối với các loại công trình xây dựng được đầu tư xây dựng bằng mọi nguồn vốn trên lãnh thổ Việt Nam.


Quá trình đầu tư xây dựng kiểm duyệt chặt chẽ sẽ góp phần tăng thêm tuổi thọ cho mỗi công trình.

Giải quyết bài toán trách nhiệm

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng thiết kế, chất lượng khảo sát xây dựng…, lâu nay vẫn được nhắc đến do tính hiệu quả của nhiều công trình xây dựng chưa xứng tầm và còn hạn chế về mặt chất lượng.

Để giải quyết bài toán trách nhiệm, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng sẽ phân định trách nhiệm về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, trường hợp áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực sẽ được áp dụng theo các quy định tại Điều 17 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

Trường hợp áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo quy định tại Điều 19 Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì việc phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định 46/2015/NĐ-CP…

Vấn đề trọng tâm kế tiếp phải kể đến trong dự thảo thông tư là việc nâng cao trách nhiệm đối với các dự án được áp dụng theo hình thức hợp đồng tổng thầu EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay. Đây là một vấn đề lớn bởi việc hàng loạt các dự án đầu tư xây dựng do tổng thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC gây bất cập thời gian qua đã và đang khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý của các cơ quan chức năng trong nước.

Theo đó, việc phân định trách nhiệm giữa chủ đầu tư và tổng thầu EPC, tổng thầu thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay được thực hiện theo quy định của hợp đồng tổng thầu EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp tổng thầu EPC, tổng thầu thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay thuê các nhà thầu phụ thực hiện thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình thì tổng thầu EPC, tổng thầu thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay và các nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều này…

Đối với các dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư BOT, TTP… việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể có liên quan cũng được quy định rõ ràng hơn trong dự thảo.

Nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng

Thực tế cho thấy, để đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả các công trình xây dựng thì công tác bảo trì, nghiệm thu là khâu vô cùng quan trọng. Về vấn đề này, Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, ngoài các căn cứ nghiệm thu như kết quả khoan trắc, đo đạc, bản vẽ hoàn công… thì thành phần trực tiếp nghiệm thu đều phải đầy đủ các bên liên quan, bao gồm: “a) Người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của chủ đầu tư, người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư; b) Người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của nhà thầu thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình (nếu có); người đại diện theo pháp luật và người phụ trách thi công của tổng thầu xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng chính có liên quan; trường hợp nhà thầu Liên danh phải có đầy đủ người đại diện theo pháp luật và người phụ trách thi công của từng thành viên trong liên danh; c) Người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người được ủy quyền trong trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình; d) Người đại diện theo pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng thực hiện theo hình thức đối tác công tư trong trường hợp thực hiện theo hình thức hợp đồng đối tác công tư; đ) Người đại diện theo pháp luật hoặc chủ trì thiết kế khi có yêu cầu của chủ đầu tư”.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Ngô Lâm – Phó cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng sẽ làm rõ về trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng ở trong các mô hình quản lý dự án khác nhau và các mô hình thầu khác nhau theo quy định của Luật Xây dựng. Để đảm bảo tính hiệu quả cho mỗi công trình, Dự thảo Thông tư cũng sẽ hướng dẫn cụ thể hơn về công tác bảo trì công trình như lập, phê duyệt quy trình bảo trì và tổ chức thực hiện bảo trì…

Chất lượng công trình, các dự án đầu tư xây dựng lâu nay vẫn được coi là thước đo để đánh giá năng lực và khẳng định thương hiệu cho mỗi chủ đầu tư. Vấn đề quản lý, giám sát về chất lượng nếu được các nhà quản lý làm tốt ngay từ những khâu đầu tiên, chắc chắn sẽ hạn chế được nhiều sự cố đáng tiếc. Với nhiều quy định chặt chẽ, Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng sẽ góp phần tạo lá chắn, hạn chế được nhiều bất cập trong các dự án đầu tư xây dựng hiện nay.

Kim Thoa/ Báo Xây dựng