07/04/2020

Kiến trúc với Nông thôn mới: Từ Quy hoạch Hà Nội năm 2010 đến thực tiễn năm 2020

Tháng Tư có Ngày KTS Việt Nam, KTS Hà Nội đón tháng tư với nhều trăn trở: Sau 10 năm mở rộng Hà Nội, Hà Nội đang vượt qua thử thách cam go dịch bệnh để bắt đầu một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh mới. Trong bối cảnh đó, Hội KTS Hà Nội đã họp BCH để triển khai các công tác cụ thể chuẩn bị cho tháng 4/2020.

Hành lang Xanh Hà nội chỉ để trồng hoa ….

Cách đây 10 năm (4/2009), thời điểm khởi động lập Quy hoạch Hà Nội mở rộng , KTS Trần Ngọc Chính, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Xây Dựng, cơ quan chịu trách nhiệm lập bản Quy hoạch này đã cho biết: “Hà Nội mở rộng lấy đất là để xây dựng, phát triển đô thị, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công viên, trường học. Đất nông nghiệp sẽ được giữ lại nhưng chỉ để lại tỉ lệ phù hợp để trồng hoa, trồng rau phục vụ đô thị.”

Sau 10 năm  lập Quy hoạch (2010 -2019), cũng là sau gần 10 năm  nước ta thực hiện Chương trình Nông thôn mới, Hội KTS tạo cơ hội để các KTS có dịp nhìn lại quá trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, từ Quy hoạch đến thực tiễn sau 10 năm theo Quy hoạch 2010, vừa thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội

Hình 1: Bản đồ cao độ mặt đất Bắc Bộ ( từ +0m đén hơn +10m), Sơ đồ đê điều Bắc Bộ (1905). Bản đồ tô mầu xanh xác định hành lang thoát lũ bám theo lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ trên nền bản đồ Hà nội và tỉnh Hà Tây cũ (2005)

Bản đồ cao độ mặt đất Bắc Bộ ( từ +0m đén hơn +10m), Sơ đồ đê điều Bắc Bộ (1905). Bản đồ tô mầu xanh xác định hành lang thoát lũ bám theo lưu vực sông Đáy và sông Nhuệ trên nền bản đồ Hà nội và tỉnh Hà Tây cũ (2005)

Năm 2009, Bộ Xây Dựng chọn Tư vấn lập QH Hà Nội bởi ý tưởng đặc sắc “Hành lang Xanh, trong đó cơ cấu tự nhiên mới của Hà Nội sẽ là 60% hành lang xanh và 40% đô thị, trong 60% hành lang xanh có 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn. E ngại vì còn nhiều ẩn số, nên ngay từ lúc mới trình bày ý tưởng, những KTS Hà Nội đã gửi câu hỏi tới Tư vấn Quy hoạch: “Hành lang xanh” này gồm những gì: Nông nghiệp hiện đại, sản xuất nông sản chất lượng cao đồng thời là nơi hấp thụ rác thải, nước thải để tái sinh, tuần hoàn hay chỉ  là hồ nước, vườn cây trang trí bất động sản hay sân golf? Cần làm rõ chức năng “Hành lang xanh” để định ra mật độ cư trú và nhu cầu dùng nước? Theo tính toán của Tư vấn, để duy trì “Hành lang xanh” thì tổng lượng nước dự trữ cho mùa khô sẽ là bao nhiêu? Nguồn nước cấp cho Hà Nội từ sông Hồng, sông Đà, sông Lô rồi cấp lại cho sông Đáy, sông Nhuệ và sông Đuống. Chênh lệch mực nước sông Hồng hai mùa lũ cạn là 8 m; nếu theo ý tưởng của Tư vấn thì giải pháp nào để thoát nước nhanh, an toàn mùa lũ? Dự trữ nước mùa khô thì cần diện tích mặt nước dự tính sẽ là bao nhiêu?…

Hình 2: Bản đồ các dự án tỉnh Hà Tây giao đất nghiên cứu quy hoạch đô thị bố trí dày đặc vào Hành lang thoát lũ, vành đai Xanh Hà Nội, trước khi nhập vào Hà Nội (2008). Phóng to khu vực huyện Ứng Hòa: Khu đô thị công nghiệp đặt vào vùng trũng ngập nhất, thậm chí +0m . 2

Bản đồ các dự án tỉnh Hà Tây giao đất nghiên cứu quy hoạch đô thị bố trí dày đặc vào Hành lang thoát lũ, vành đai Xanh Hà Nội, trước khi nhập vào Hà Nội (2008). Phóng to khu vực huyện Ứng Hòa: Khu đô thị công nghiệp đặt vào vùng trũng ngập nhất, thậm chí +0m.

Câu hỏi của chúng tôi không được trả lời trong suốt quá trình lập quy hoạch cũng như trong 10 năm thực hiện quy hoạch và việc phát triển bất động sản vào khu vực này đã đi ngược lại đề xuất của tư vấn đặt ra. Hành lang Xanh này chính là vùng trũng ngập đã được người Pháp lập bản đồ đo đạc từ năm 1905 và xác định là hành lang thoát lũ để bảo vệ Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 (1905-2005), nhưng chỉ trong 3 năm  (2005-2008), lãnh đạo tỉnh Hà Tây đã giao đất nghiên cứu dự án phi nông nghiệp diện tích lớn gấp 3 lần diện tích nội thành Hà Nội. Riêng huyện Chương Mỹ đã có ba khu đô thị rộng tới 5.746ha (lớn hơn 10 lần diện tích quận Hoàn Kiếm). Chỉ tính riêng một vùng trũng ngập Mỹ Đức cũng có khu đô thị sinh thái rộng tới 1.460ha… Dự án xây đô thị mới vào vùng có hàng ngàn ngôi làng với hàng trăm ngàn nông dân tại đó.

Đặt ra mục tiêu bảo tồn Hành lang Xanh như một giải pháp đặc sắc để duy trì hàng ngàn ha đất nông nghiệp màu mỡ, được bồi đắp phù sa từ các dòng sông đồng nghĩa với duy trì hàng triệu lao động nông nghiệp và cả vùng văn hóa lâu đời… nhưng lại định vị là các khu đô thị mới từ năm 2005 và Quy hoạch 2010 cũng dần hợp thức các dự án này: Hành lang Xanh sau quy hoạch 2010 không được bảo tồn phát triển mà bị đe dọa, phá vỡ.

Bc tranh  “ Nông thôn mới “ với hai cách mô tả

Báo cáo chương trình Nông thôn mới (NTM) huyện Chương Mỹ (Hà Nội), tháng 7/2018 đã có 25 trong số 30 xã đạt chuẩn NTM. Bộ mặt khởi sắc từng ngày, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sạch… được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân… Hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, bao gồm hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả, rau an toàn, lúa chất lượng cao, đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… Đến nay, vùng chuyên canh rộng lớn có tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100% tại xã Quảng Bị; mô hình sản xuất và tiêu thụ bưởi hữu cơ theo chuỗi 15 ha tại các xã: Nam Phương Tiến, Hữu Văn; 300 ha lúa hàng hóa chất lượng cao tại bốn xã: Quảng Bị, Phú Nam An, Thượng Vực, Tân Tiến. Ngoài ra, huyện cũng bố trí ngân sách hỗ trợ xây dựng công trình xử lý chất thải cho các trang trại chăn nuôi với quy mô 15.500 con lợn tại hai xã Lam Điền, Đông Sơn… Nhờ đó, “Đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025”, nâng cao giá trị kinh tế 120 triệu đồng /ha; thu nhập năm 2018 đạt 43 triệu đồng/người.

Nhưng trên thực tế, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ được chọn để thí điểm xây dựng NTM từ 2009, TP đã rót 55 tỷ đồng để làm thử 80 ha: trồng rau nhưng lại không có nước tưới. Người nông dân không muốn đóng 120.000 đồng mỗi tháng để bơm nước mà tự đào giếng trồng rau.

Hình 3 : Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Thụy Hương 2016 và cánh đồng manh mún tưới nước bằng giếng khoan của gia đình bà Hương,cũng tại xã Thụy Hương (trích trong VIDEO chiếu trong Hội nghị Nông Nghiệp tại Lâm Đồng ngày 30/7/2018)

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Thụy Hương 2016 và cánh đồng manh mún tưới nước bằng giếng khoan của gia đình bà Hương,cũng tại xã Thụy Hương (trích trong VIDEO chiếu trong Hội nghị Nông Nghiệp tại Lâm Đồng ngày 30/7/2018)

Có nhiều con số cho thấy nông nghiệp đang bước chậm trong tốc độ phát triển của TP kể từ sau sáp nhập. Nhu cầu nông sản giá trị cao của thị trường Hà Nội đang tăng. Những quy hoạch vùng trồng giá trị cao sau ngày mở rộng cũng nhiều, nhưng tổng thu nhập từ nông nghiệp của Hà Nội gần như không tăng trong 5 năm qua, năm 2015 còn giảm mạnh. TP vẫn phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Vùng nông nghiệp Hà Nội để “ trồng hoa, trồng rau phục vụ đô thị” của KTS Trần Ngọc Chính mơ màng nay đã lùi xa…

Hình 4: Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp cũng liên tục giảm. Điều đó đồng nghĩa với tốc độ phát triển của nông nghiệp đang tụt lại so với các ngành khác.

Tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng của nông nghiệp cũng liên tục giảm. Điều đó đồng nghĩa với tốc độ phát triển của nông nghiệp đang tụt lại so với các ngành khác.

Trong 10 năm qua, tổng vốn đầu tư xã hội vào bất động sản Hà nội có thể hơn 1 triệu tỷ đồng trong tổng số hơn 3 triệu tỷ đồng cả nước. Con số này có cơ sở vì mỗi năm Hà Nội có thêm 12 triệu m2 nhà ở, bằng tổng diện tích xây dựng Hà Nội trong 100 năm (1900-2000). Trong đó đầu tư cho giao thông đường  bộ theo QH là 271 nghìn tỉ, còn cho đường thủy là 4 nghìn tỷ (1,5%) chắc là rất ít ỏi cho thủy lợi. Trong một bài viết của VNexpress: Hà Nội có 3.700 công nhân và kỹ sư thủy lợi, họ bị nợ lương gần ba năm nay. Công việc hàng ngày của họ tại trạm bơm Phương Bảng (Hoài Đức –HN) là cào rác, súc vật chết quánh đặc 17 trạm bơm và rải rác 350 km kênh mương tưới tiêu cho 14.000 ha, không phải nói nước tưới cho ruộng đồng ô nhiễm tới mức nào, riêng 100% công nhân thủy lợi Phương Bảng hàng ngày vớt rác và đốt rác bị mắc bệnh da và hô hấp”

Dự án thoát nước Hà Nội khởi động từ 1998, vay ODA Nhật Bản và đối ứng của Việt Nam, cho đến năm 2018 cơ bản hoàn thành. Tổng kinh phí thực hiện 550 triệu USD. Mục tiêu của dự án bao gồm: Chống úng ngập cho nội thành Hà Nội cũ. Và hơn 1 tỷ USD cho các nhà máy xử lý nước thải  bố trí từ Bắc xuống Nam Hà Nội Đầu tư lớn như vậy, nhưng hầu hết sông hồ Hà Nội vẫn  ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống khu vực sản xuất nông nghiệp sạch tại các huyện nông nghiệp ngoại thành

Tổng mức đầu tư cho nông thôn giai đoạn 2008-2018 khoảng 18.000 tỷ đồng và gần 3/4 nguồn vốn này được hỗ trợ riêng 14 huyện, thị của Hà Tây và Mê Linh. Vậy nhưng, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch trình độ văn hóa của những công dân thủ đô vẫn còn lớn. Thu nhập đầu người tính chung là 86 triệu đồng năm 2017, nhưng tính riêng khu vực nông thôn chỉ là 38 triệu đồng.Trong tổng  đầu tư thì không biết  có mấy phần trăm dành cho thủy lợi hay đổ hết vào các công trình trụ sở, cổng chào, tượng đài, đường xá?. Không phải vô cơ mà PCT Quốc Hội Phùng Quốc Hiển đã cho rằng “nhiều địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nhưng chỉ là phần “vỏ”; đường tốt nhưng lõi bên trong là tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, thu nhập của người dân không đạt”. Và nông thôn Hà Nội cũng trong tình cảnh đó. Điều đó cho thấy trách nhiệm của KTS với Kiến trúc nông thôn là rất lớn và chúng ta chưa làm được bao nhiêu cho quê hương mình.

Sơ đồ phân vùng Dự án thoát nước giai đoạn 1. Trộn lẫn thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt vào chung cống ngầm. Biến sông Tô và các sông thành kênh thoát nước thải

Sơ đồ phân vùng Dự án thoát nước giai đoạn 1. Trộn lẫn thoát nước mưa và nước thải sinh hoạt vào chung cống ngầm. Biến sông Tô và các sông thành kênh thoát nước thải.

Dự án thoát nước giai đoạn 2 mở rộng phạm vi thoát nước nhưng cũng mở rộng phạm vi ô nhiễm nước thải. Hồ Tây cảnh quan đẹp nhất Hà Nội nay là hồ chứa nước thải, nước ô nhiễm làm chết hàng trăm tấn cá, tình trạng này lặp lại 2016, 2017, 2018….

Dự án thoát nước giai đoạn 2 mở rộng phạm vi thoát nước nhưng cũng mở rộng phạm vi ô nhiễm nước thải. Hồ Tây cảnh quan đẹp nhất Hà Nội nay là hồ chứa nước thải, nước ô nhiễm làm chết hàng trăm tấn cá, tình trạng này lặp lại 2016, 2017, 2018….

Kiến trúc nông thôn có yêu cầu gì khác với kiến trúc đô thị ?

Trong Luật Kiến trúc, yêu cầu về kiến trúc phải “Hài hòa với không gian, kiến trúc, cảnh quan chung của khu vực xây dựng công trình kiến trúc; gắn kết kiến trúc khu hiện hữu, khu phát triển mới, khu bảo tồn, khu vực giáp ranh đô thị và nông thôn, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên”. Như vây, giới định đô thị và nông thôn cần được cụ thể hóa khái niệm “giáp ranh”, để mỗi vùng có phương thức tiếp cận khác nhau – Bởi lẽ hiện thật khó xác định ranh giới rõ ràng giữa đô thị và nông thôn. Điều 11 Luật Kiến trúc: “Bảo đảm tiêu chuẩn về nhà ở, không gian sống, không gian văn hóa phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt, thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc”.

Việt Nam ta có 63 triệu người đang sống ở nông thôn, họ là “lực lượng đông đảo, sức mạnh to lớn, có vai trò quan trọng với dân tộc” (Bác Hồ). “Nhưng hôm nay, họ thường xuyên gánh chịu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa? Là giai cấp chủ nhân đầu tiên của lịch sử Việt Nam nhưng bị thu hồi những bờ xôi ruộng mật để được đền bù bằng số tiền nhỏ nhoi, lam lũ cơ cực nhưng cứ mãi nghèo… Chắc ai cũng thấy nông dân là tầng lớp nghèo nhất và đang chịu nhiều thiệt thòi nhất so với mọi nhóm khác (“Làm Nông”, Nguyễn Lân Dũng – VN Express). Như vậy, làm thế nào để tạo dựng mô hình kiến trúc nông thôn Việt Nam để nơi đó không chỉ là nơi cư trú an toàn mà còn là không gian sản xuất nông nghiệp bền vững? Đó không chỉ là những ngôi nhà lòe loẹt trưng bày trong các cuộc thi mà nó là một bộ phận của cỗ máy sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với những đổi thay của biến động kinh tế, chính trị và thiên nhiên môi trường toàn cầu. Riêng tại Hà Nội, hệ sinh thái  sông hồ rất quan trọng – đó là chìa khóa của một Hà Nội tăng trưởng Xanh – Bền vững bao gồm chất lượng sống, nông nghiệp sạch và giao thông thủy chi phí thấp, không ô nhiễm cũng như cảnh quan cây xanh mặt nước. Làm như vậy thì mới gia tăng thu nhập từ khu vực nông nghiệp và gia tăng chất lượng sống trong đô thị

Có thể thấy rằng trong 10 năm vừa qua Kiến trúc nông thôn Hà Nội đang còn bị để lại phía sau rất nhiều trong khi chính tại không gian này có nhiều tiềm năng để chữa chạy cho những tiếu sót trong lòng đô thị Hà Nội. Các Kiến trúc sư Hà Nội đã sớm nhận ra những tồn tại và cơ hội nếu tiếp cận một cách khoa học, toàn diện và công bằng. Hy vong trong thời gian tới, nhiều sáng kiến mới về kiến trúc nông thôn Hà Nội  sẽ được công bố.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ BCH Hội KTS Hà Nội/Tạp chí Kiến trúc