18/11/2020

Kiến trúc, Quy hoạch đương đại và vấn đề khai thác bản sắc văn hoá truyền thống Việt Nam

(TCKTVN 230) – Tạo dựng bản sắc văn hóa và truyền thống Việt Nam là một vấn đề lớn. Trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các đồ án quy hoạch và thiết kế xây dựng đương đại, việc tìm tòi những yếu tố bản sắc văn hóa, lịch sử để chuyển hóa nó trong nền kiến trúc đương đại nước nhà cần thiết. Đồng thời cũng là mấu chốt cho việc phát triển đô thị nông thôn Việt Nam phát triển bền vững ở thế kỷ 21. Hy vọng rằng đô thị nông thôn Việt Nam ngày càng có nhiều công trình mang đậm bản sắc dân tộc.

Nghị quyết Đại hội lần thứ V Ban chấp hành TW Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nêu rõ: “Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng ngàn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”

Nhìn lại những năm tháng qua, chúng ta đã hoàn thành các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng một số vùng trọng điểm; Một số tỉnh, thành phố đã có nghiên cứu phân bố mạng lưới dân cư hay quy hoạch vùng lãnh thổ; Các đô thị đều đã có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết… Trên cơ sở đó, nhiều dự án tiền khả thi, khả thi được nghiên cứu xây dựng. Một số đồ án đã mang được hình bóng Việt Nam trên cơ sở khai thác các giá trị bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc. Bên cạnh đó, vẫn còn quá nhiều đồ án sơ sài mang tính chiết trung.

Nhìn ra thế giới sau những trận cuồng phong về cách mạng kỹ thuật, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đơn thuần theo công năng xây dựng. Môi trường sống ở đô thị đang đứng trước những thảm hoạ mang tính toàn cầu:

– Sinh thái bị huỷ hoại, môi trường bị ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá.

– Kho tàng triết học, truyền thống văn hoá quý giá phong phú của nhiều dân tộc đang bị suy thoái nghiêm trọng với một tốc độ chưa từng thấy bởi những cuộc chiến tranh sắc tộc hay xâm lăng theo kiểu thực dân mới.

– Bùng nổ dân số, thiếu việc làm, liên kết tranh giành thị trường quyết liệt, các luồng di cư, tái định cư, tị nạn mang tính toàn cầu, xáo trộn dân cư, xáo trộn tập quán.

Các đô thị nước ta trong những thập niên qua cũng không thoát khỏi tình trạng chung. Nền kiến trúc đương đại Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn:

  • Các đô thị bị quốc tế hoá với nhiều trào lưu, xu hướng lẫn lộn.
  • Truyền thống và bản sắc văn hoá đang bị mai một.
  • Làng xóm đang bị đô thị hoá một cách cứng nhắc theo kiểu các đô thị lớn.
  • Miền núi đang bị đồng bằng hoá, các đô thị miền núi đua nhau xây dựng bắt chước kiểu miền xuôi.
  • Kiến trúc các dân tộc ít người đang bị “Kinh hoá”

Để hướng tới phát triển bền vững, chúng ta cần đưa việc khai thác bản sắc văn hoá và truyền thống Việt Nam vào các đồ án quy hoạch và các công trình xây dựng để góp phần tạo nên những nét độc đáo trong kiến trúc đương đại Việt Nam.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một đồ án đã đi sâu khai thác bản sắc văn hoá và truyền thống Việt Nam, đồng thời vẫn đáp ứng các yêu cầu của đời sống đương đại. Đó là đồ án Quy hoạch Xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn Việt Nam.

Quy hoạch khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã vùng ven

Quy hoạch khu di tích lịch sử Đền Hùng và các xã vùng ven

Quy hoạch xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam

Thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) nằm cách Thủ đô Hà Nội 80 km về phía Tây Bắc – nơi gặp nhau của sông Hồng và sông Lô. Việt Trì có đường sắt Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và quốc lộ 2, đường Hồ Chí Minh chạy qua. Việt Trì cách sân bay Quốc tế Nội Bài 40 km nên giao thông rất thuận lợi.

Thành phố Việt Trì trước đây được quy hoạch là một thành phố công nghiệp lớn của miền Bắc XHCN. Do vậy, từ quy hoạch đến xây dựng công trình đều mang dáng vẻ của những thành phố công nghiệp.

Bằng những chứng cứ khoa học lịch sử, khảo cổ gần đây nhất, các nhà khoa học đã khẳng định sự tồn tại nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, kinh đô Văn Lang xưa nằm trong vùng thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao và Phù Ninh mà những dấu ấn đậm nét được xác định từ Nghĩa Lĩnh đến Việt Trì, Bạch Hạc.

Tại đây còn có nhiều di tích gắn liền truyền thuyết với các địa danh còn tồn tại đến ngày nay: nền thành cũ ở phường Thanh Miếu, thôn Cẩm Đội là nơi đóng quân, thôn Nỗ Lực là nơi tập bắn cung nỏ, Gò Tro là nơi tập trận, cánh đồng Cấm là nơi Vua Hùng luyện võ, Minh Nông là nơi vua dạy dân cấy lúa, Thậm Thình là nơi giã gạo công, Lầu Kén Rể ở Tiên Cát, sự tích bánh chưng bánh dày ở thôn Hương Trầm, đền thờ thầy giáo dạy công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung ở Phượng Lâu, Hát Xoan ở An Thái, Hùng Lô…

Việt Trì có nhiều lễ hội dân gian độc đáo: Lễ rước giải và ông Khiu bà Khiu ở Thanh Đình, Lễ bơi chải ở Bạch Hạc, Lễ hội tịch điền ở Tiên Cát, Lễ rước Chúa Gái, đánh phết, trò trám ở Lâm Thao; Lễ chọi trâu ở Phù Ninh và đặc biệt là Lễ hội Đền Hùng đã trở thành quốc lễ.

Quy hoạch chung thành phố Việt Trì giai đoạn 2005-2020 đã kiến nghị sắp xếp lại khu công nghiệp Việt Trì cho phù hợp với sản xuất và bảo vệ môi trường. Đưa Đền Hùng và các xã vùng ven có nhiều di tích liên quan tới thời đại Hùng Vương vào thành phố Việt Trì và coi đây là động lực phát triển đô thị với các nhiệm vụ:

  • Bảo tồn tôn tạo các di tích danh thắng và đưa vào khai thác trong tour du lịch: công viên Văn Lang, du lịch Bến Gót….
  • Lập quy hoạch tổng thể di tích Đền Hùng và thống nhất quản lý toàn diện khu di tích với diện tích gần 1.000ha.
  • Lấy tên các danh nhân có liên quan tới thời đại Hùng Vương đặt tên cho các đường phố như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hùng Vương, Lang Liêu, Chử Đồng Tử, Tản Viên, Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa, Mai An Tiêm…
  • Thành phố Việt Trì đã được chuyển biến nhanh nhờ khai thác yếu tố văn hoá lịch sử. Một tính chất đặc biệt được bổ sung: Thành phố lễ hội.
  • Quy hoạch xây dựng Việt Trì thành thành phố lễ hội về với cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt bằng quyết định số 1663-QĐ/UBND ngày 26/6/2012.

Cơ cấu tổ chức không gian thành phố lễ hội

Sơ đồ cơ cấu tổ chức thành phố lễ hội

Sơ đồ cơ cấu tổ chức thành phố lễ hội

               Thiết kế hình thức các cây cột điện

Thiết kế hình thức các cây cột điện

Trung tâm lễ hội thành phố: nơi tổ chức lễ hội lớn hàng năm của quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố, bao gồm: khu Di tích lịch sử Đền Hùng, khu vực Văn Lang – Đầm Mai – quảng trường Hùng Vương và trung tâm thương mại dịch vụ.

Trung tâm lễ hội cấp khu vực: nơi tổ chức lễ hội của thành phố, khu vực đô thị, phường xã và có thể phối hợp trong các lễ hội của quốc gia và vùng tỉnh, bao gồm: trung tâm Thanh Đình, Bến Gót, Bạch Hạc, trung tâm thể dục thể thao Bảo Đà, công viên Minh Phương, công viên Phượng Lâu.

Trung tâm lễ hội phường xã: nơi tổ chức các lễ hội hàng năm của phường, xã và phối hợp với các lễ hội của toàn quốc, vùng, thành phố.

Điểm lễ hội thôn xóm: nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của thôn, của tổ dân phố theo truyền thống. Tổ chức phối hợp với các lễ hội của phường. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân thôn và tổ dân phố.

Ngoài ra trong thành phố còn bố trí các công trình dịch vụ công cộng phục vụ sản xuất, nhân dân thành phố và du khách:

  • Các công trình thể dục thể thao: sân vận động, nhà thi đấu, phục vụ lễ hội và thường xuyên tổ chức thi đấu cấp quốc gia vùng và thành phố.
  • Các phường xã có sân bóng đá, bóng chuyền, đấu vật, kéo co, đánh đu, đánh phết để đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao và kết hợp với không gian tổ chức lễ hội.
  • Các công trình văn hóa: Hoàn thiện và xây mới hệ thống công trình văn hóa phục vụ nhân dân và du khách như bảo tàng, triển lãm chuyên đề hệ thống thư viện, các nhà hát, rạp chiếu phim, các nhà văn hóa.
  • Các công trình thương mại dịch vụ
  • Các công trình y tế
  • Hệ thống tài chính ngân hàng bảo biểm
  • Hệ thống bưu chính viễn thông
  • Các khách sạn nhà nghỉ, khuyến khích xây dựng các khu nghỉ sinh thái, các khu cắm trại
  • Các làng nghề phục vụ lễ hội (phấn đấu mỗi phường xã có một làng nghề truyền thống) như nuôi tôm ươm tơ ở LâuThượng, chế biến lương thực thực phẩm ở Bạch Hạc, bánh sắng ở Thanh Đình, làng trầu cau ở Dữu Lâu, trồng hồng ở Bạch Hạc, trồng quýt ở Dữu Lâu, Phượng Lâu, lúa nếp ở Hương Trầm…
  • Hệ thống vườn hoa cây xanh ở các khu phố, phường xã và thành phố
  • Hệ thống các cơ quan hành chính, các cấp cũng được tổ chức khang trang gắn với hoạt động thành phố lễ hội

Xây dựng thành công thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ khơi dậy tiềm năng to lớn của thành phố; Góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ người Việt Nam; Thu hút nhiều khách trong và ngoài nước về dự lễ hội, tìm hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông; Góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nâng cao đời sống nhân dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung.

Các công trình xây dựng mang hình bóng của nhà nước Văn Lang được hình thành: công viên Văn Lang, du lịch Bến Gót, các công trình tâm linh và phục vụ tại đền Hùng… Hy vọng, các công trình tiếp theo cũng được nghiên cứu xây dựng độc đáo mang sắc thái riêng. 

Quy hoạch Bảo tồn và Phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử (DTLS) Đền Hùng tỉnh Phú Thọ (giai đoạn 2004-2015)

Phối cảnh toàn khu DTLS Đền Hùng

Phối cảnh toàn khu DTLS Đền Hùng

Khu DTLS Đền Hùng thuộc xã Hy Cương (huyện Lâm Thao) sẽ được mở rộng thêm ra các xã Chu Hòa, Tiên Kiên, Thanh Đình (Lâm Thao), Kim Đức Phù Ninh (Phù Ninh) và Vân Phú (TP Việt Trì), với tổng diện tích tự nhiên lên đến hơn 1.000ha. Dự án chia thành 3 phân khu chức năng:

Phân khu I: Phân khu quan trọng nhất “bất khả xâm phạm” có diện tích 32ha, bao gồm đền, chùa, tháp, Lăng vua Hùng và rừng nguyên sinh… sẽ được bảo tồn tôn tạo.

Phân khu II: Vùng cảnh quan bảo vệ khu di tích và các công trình phục vụ lễ hội, có diện tích 988ha, bao gồm các khu trọng điểm:

  • Khu trung tâm lễ hội với quảng trường trung tâm, trục hành lễ, các tượng đài phù điêu, nhà triển lãm chuyên đề, khu nhà ban quản lý, tiếp đón, khu ngã năm Đền Giếng, khu ngã ba Hy Cương, hồ Lạc Long Quân và các công trình văn hóa công cộng.
  • Khu rừng quốc gia Đền Hùng (diện tích 538ha)
  • Khu làng văn hóa du lịch thời Hùng Vương, nằm ở khu vực đồi Sim và đồi Khang Phụ, sẽ xây đền thờ Lạc Long Quân và tạo tác một khung cảnh hoang sơ “sơn thủy hữu tình”. Trên các dãy đồi ven các hồ và thác nước nhân tạo sẽ xây nhà nghỉ sinh thái, các ngôi nhà mang sắc thái của những dân tộc vùng đất Tổ. Món ăn và trang phục của người phục vụ cũng mang dáng dấp cổ xưa.
  • Khu tháp Hùng vương và làng du lịch sinh thái đặc trưng các vùng miền của đất nước. Tháp Hùng Vương sẽ xây dựng ở đồi Mom Gà, cao 18 tầng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng. Tầng 18 sẽ đặt bài vị các vua để nhân dân thắp hương tưởng niệm. Tầng 17 là nơi du khách có thể đứng ngắm toàn cảnh vùng đất Tổ, nhìn thẳng ra ngã ba Bạch Hạc, thành phố Việt Trì – Kinh đô Văn Lang xưa và dãy núi Tản Viên huyền thoại. Hai tầng dưới là Bảo tàng Hùng Vương.

Phân khu III: Các xã vùng ven xung quanh (diện tích 6.000ha). Đây là vùng có nhiều DTLS, lễ hội gắn với thời đại Hùng Vương, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, là vùng bảo vệ cảnh quan môi trường khu di tích. Tổ chức các khu dân cư nơi đây theo kiểu làng sinh thái, khuyến khích kinh tế trang trại du lịch, phát triển nghề thủ công, mỹ nghệ, tạo nguồn nhân lực và vật chất để các làng xã giữ gìn bảo tồn vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để tham gia các lễ hội truyền thống.

Để đảm bảo cho đề án được thực hiện, đề xuất nâng cấp ban quản lý Khu DTLS Đền Hùng từ một phòng của Sở Văn hóa lên thành cơ quan ngang tầm các sở trực thuộc UBND tỉnh, đưa Đền Hùng và các xã vùng ven từ huyện Lâm Thao, Phù Ninh về thành phố Việt Trì để xây dựng thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam và việc tổ chức góp giỗ và ngày nghỉ cho toàn dân trong ngày giỗ tổ đã được chấp thuận.

Sau hơn 10 năm thực hiện, ngày nay Khu DTLS Đền Hùng đã thực sự thu hút đồng bào cả nước và du khách nước ngoài. Những đình, đền, chùa trên núi Nghĩa Lĩnh đã được tôn tạo khang trang. Trục dẫn lễ, sân lễ hội đã hoàn thành. Một loạt các công trình đã gây ấn tượng sâu sắc bởi nét độc đáo mang hình bóng Văn Lang: Nhà chụp ảnh nghệ thuật, nhà triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, nhà đấu vật, sân đấu cờ, giàn hoa âm nhạc, khu phong lan và sinh vật cảnh, cảnh quan Hồ Mẫu, Giếng Rồng và những ruộng hoang, đầm lầy xưa nay thành những hồ nước trong xanh soi bóng Núi Hùng./.

KTS Nguyễn Thế Khải – Công ty CP Quy hoạch và Kiến trúc Việt Nam