05/07/2017

Khu phố cổ Dadaocheng – bài học bảo tồn và quản lý di sản của Đài Loan

Châu Á là một lục địa có lịch sử phát triển lâu đời với quỹ di sản di tích đô thị rất phong phú và giàu bản sắc. Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của những con rồng Châu Á và sự phát triển không gian vượt bậc ở nhiều thành phố, là nguy cơ và mối đe dọa về sự biến mất của các di sản, di tích cùng những giá trị thuộc về quá khứ. Bảo tồn di sản hiện nay đã được nhận thức như một quyết sách cho sự phát triển. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn là một câu chuyện khá dài. Với công tác bảo tồn, mỗi quốc gia, mỗi địa phương lại có những cách thức thúc đẩy và thực hiện khác nhau, tính hiệu quả ở mỗi nơi cũng rất khác nhau. Để có thể có cái nhìn rõ hơn về chủ đề này, bài viết này xin giới thiệu kinh nghiệm bảo tồn di sản của thành phố Đài Bắc, Thủ đô của Đài Loan, trong đó tập trung vào kinh nghiệm quản lý và bảo tồn khu phố cổ Dadaocheng.

Bài viết gồm ba phần chính: Phần thứ nhất giới thiệu về thành phố Đài Bắc và lịch sử hình thành phát triển khu vực Dadaocheng. Phần thứ hai giới thiệu những kinh nghiệm cụ thể rất hiệu quả để thúc đẩy công tác bảo tồn và phục dựng di sản di tích ở Dadaocheng, nhờ đó ‘bảo tồn’ không chỉ là một khẩu hiệu mà đã thực sự đi vào cuộc sống, hồi sinh ‘vóc dáng’ và ‘sức sống’ của một khu vực lịch sử hơn 150 năm tuổi đúng như thờ vàng son của nó. Phần cuối chia sẻ những suy ngẫm của tác giả về những gì được đọc, được nghe và được nhìn thấy trực tiếp ở Dadaocheng, về những khó khăn trong toàn bộ quá trình và những thành quả đạt được trong nỗ lực bảo tồn di sản ở Đài Loan, với rất nhiều những bài học thú vị và hữu ích có thể xem xét áp dụng cho công tác bảo tồn di sản ở Việt Nam, đặc biệt là cho khu phố cổ Hà Nội.

“Khu vực đô thị lịch sử” Dadaocheng – từ hiện thực đến sự công nhận chính thức

Dadaocheng là một trong những khu vực đô thị lâu đời nhất thành phố Đài bắc với một lịch sử phát triển hơn 150 năm. Đài Bắc trở thành một thị trấn vào năm 1683 nhưng mãi cho tới năm 1709 mới thực sự bắt đầu phát triển và thu hút người nhập cư từ phía nam Đài Loan và từ Trung quốc lục địa. Sự phát triển đầu tiên tập trung ở Manga, một tâm điểm giao thương bằng đường thủy nằm trên sông Tamsui, liên kết toàn bộ phía bắc Đài Loan. Năm 1853, do tranh chấp lãnh thổ nội bộ mà một số người đã phải rời khu vực Manga tới định cư ở Dadaocheng, cách Manga khoảng 1,5 km về phía bắc. ‘Dadaocheng’ – nghĩa là ‘cánh đồng rộng lớn’, nằm ở phía Tây của thành phố Đài Bắc hiện đại, và nằm sát sông Tamsui.

  • Hình bên: Bản đồ Đài Loan và vị trí thủ đô Đài Bắc 

Năm 1858, Triều đại Nhà Thanh (Ching Dynasty) đã ký kết hiệp ước Thiên Tân (Tienjin) với các quốc gia Tây phương, trong đó có Anh Quốc, Pháp, Mỹ, Nga đồng ý mở thêm 5 thương cảng giữa Trung Quốc Đại lục, Đài Loan với phương Tây, thiết lập hệ thống thuế quan, thẩm quyền lãnh sự cũng như quyền truyền giáo. Từ đó Manga trên dòng Tamsui của Đài Bắc đã trở thành một phần của mạng lưới thương mại thế giới. Tuy nhiên, do khu vực Manga dần dần trở nên khó hoạt động vì hiện tượng bồi lắng tự nhiên, nên vai trò thương cảng quốc tế được chuyển tới Dadaocheng  vào năm 1862, và ngay sau đó, Dadacheng trở thành một khu vực giao thương tập nập thu hút rất đông thương gia trong nước và quốc tế, chủ yếu là bán buôn trà và các mặt hàng khác. Dadaocheng nhanh chóng trở thành đô thị lớn thứ hai của Đài Loan. Đến năm 1885, Nhà Thanh chính thức tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, và bổ nhiệm thống đốc đầu tiên, người đã cống hiến nhiều tâm sức để hiện đại hóa Dadaocheng với những công trình như đường tàu hỏa, khu ở cho người nước ngoài, bưu điện, trường học, cục hải quan. Trà vẫn là thương phẩm chính của Dadaocheng cũng những mặt hàng đồ khô khác như thuốc bắc, vải lụa, long não. Dadaocheng trở thành trung tâm giao thương quan trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi và nổi bật nhất Đài Loan đã khởi nghiệp từ Dadaocheng và đến nay vẫn còn nhà và cửa hiệu ở khu vực này.

Từ thế kỷ 19 cho tới nay, trong suốt thời kỳ Nhật thuộc (1895 – 1945) Dadaocheng vẫn là thương cảng sầm uất nhất Đài Loan, nơi tụ hội và lập nghiệp của nhiều thương gia giàu có. Rất nhiều thương gia đã sao chép những chi tiết kiến trúc từ Nhật bản và Châu Âu cho ngôi nhà phố kết hợp của hàng của mình. Thời kỳ hậu chiến (sau 1945), Đài Bắc bước vào giai đoạn gia tăng dân số chóng mặt và thành phố được mở rộng mạnh mẽ ra các phía, xuất hiện những trung tâm đô thị mới nằm bên ngoài đô thị lõi. Dadaocheng lúc này, dù vẫn là khu vực thương mại bán buôn trà, đồ khô và thuốc bắc, nhưng không còn là trung tâm chính của thành phố nữa.


Vị trí của Dadaocheng trong lịch sử hình thành và phát triển thành phố Đài Bắc

Với hơn 150 năm lịch sử, Dadaocheng tập trung một số lượng lớn các công trình kiến trúc cổ và đa dạng, gồm nhà phố dạng ống, văn phòng và các công trình tín ngưỡng. Nhà phố truyền thống ở Dadaocheng có nhiều điểm tương đồng với nhà ống ở Khu Phố cổ Hà Nội: nhà thường cũng có hình ống với mặt tiền ngắn hơn hẳn chiều dài thửa đất; nhà cũng thường gồm 3 lớp nhà với 2 đến 3 sân trong. Lớp trước thường là của hàng và nơi tiếp khách, có gác lửng để cất đồ đạc hàng hóa khi có lụt lội; lớp thứ hai là không gian ở chính của chủ nhà và lớp nhà sau cùng thường là bến, ăn và kho chứa đồ. Tuy nhiên, nhà ống ở Dadaocheng thường rộng dài, đường bệ hơn nhà ống ở Khu phố cổ Hà Nội, và điểm khác nhau lớn nhất là có hai lối tiếp cận. Một thửa đất của nhà ống Dadaocheng có đường lớn phía trước và đường phụ phía sau nên về mặt sử dụng thì thông thoáng và tiện lợi hơn. Thông qua mô típ kiến trúc đặc trưng cho mỗi thời kỳ lịch sử, chúng ta có thể đọc được câu chuyện lịch sử Đài Bắc khi quan sát cảnh quan phố xá. Cơ bản có các phong cách chính như sau: Min-nan, Phương Tây (Western), Barốc (Baroque), và Hiện đại (Modernism).

Cấu trúc điển hình nhà hàng phố truyền thống ở Dadaocheng: nhà dạng ống, với 3 lớp nhà, 2 sân trong và 2 hướng tiếp cận trước sau. 

Cho đến những năm 1980, Chính quyền thành phố Đài Bắc dự kiến thực hiện một cuộc đổi mới về quy hoạch đô thị, trong đó phố Dihua – tuyến phố chính của khu vực Dadaocheng sẽ được mở rộng từ 7,8m thành 20m. Kế hoạch đền bù đã bắt đầu được áp dụng từ năm 1987 và ngay sau đó trong khu vực đô thị lịch sử này đã xuất hiện khá nhiều các công trình hiện đại, cao tầng, thậm chí có công trình còn được xây ngay bên cạnh một ngôi đền cổ.

Nhận thức được nguy cơ phá hủy một khu vực đô thị lịch sử lâu đời của Đài Bắc, đã có nhiều ý kiến phản đối kế hoạch mở đường, đặc biệt phải kể đến vai trò đấu tranh, vận động của một tổ chức Phi chính phủ có tên là Quỹ Văn hóa Yaoshan.


Kế hoạch mở rộng phố cổ DiHua thuộc Dadaocheng từ 7,8m lên 20m.

Ở Đài Loan, Luật Di sản văn hóa ra đời khá muộn vào năm 1982. Thời kỳ đầu, ở Đài Loan cũng rất thiếu các cơ quan chuyên môn để tiến hành nghiên cứu và đào tạo bài bản về lĩnh vực này, vì vậy, những hoạt động bảo tồn đầu tiên được khởi xướng bởi các nhà nghiên cứu lịch sử, nghệ thuật hay các kiến trúc sư quan tâm đến những công trình cổ, cũ. Mọi thứ đều là những thử nghiệm ban đầu.

Cuối những năm 1990, chính quyền Trung ương Đài Loan chuyển giao trách nhiệm đánh giá và xác định di sản cho các chính quyền địa phương, và chính quyền Đài Bắc – thành phố Thủ đô, lần đầu tiên đã thành lập Cục phát triển đô thị và văn hóa, nơi công tác của nhiều trí thức trẻ đi du học từ nhiều nơi trên thế giới. Một làn sóng mới cho phong trào bảo tồn đô thị lịch sử và cải tạo đô thị đã bắt đầu. Vào ngày 1/2/2000, chính quyền thành phố Đài Bắc đã phê chuẩn ‘Điều lệ Quy hoạch Đô thị’, trong đó, lần đầu tiên Dadaocheng được chính thức xác định là ‘khu vực đô thị lịch sử đặc biệt’, và được bảo vệ bằng các cở sở pháp lý rõ rệt. Chỉ một bước tiến nhỏ như vậy thôi trong quá trình chuyển từ nhận thức về bảo tồn sang hành động bảo tồn đối với trường hợp Dadaocheng đã mất 14 năm, đi qua đã tới 4 kỳ Thị trưởng và trong suốt thời gian đó Quỹ Văn hóa Yaosan đã vận động và đấu tranh không hề mệt mỏi và ngừng nghỉ. Điều lệ Quy hoạch Đô thị Đài Bắc cũng quy định Khu đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng được quản lý dưới Sở Quy hoạch đô thị Đài Bắc (Taipei Department of Urban Planning) và được bảo tồn thông qua các nội dung chính như sau:

1.    Bảo tồn cảnh quan đường phố lịch sử bằng quy chế thiết kế đô thị
2.    Lập danh mục bảo vệ và khôi phục nhà và công trình cổ
3.    Cải thiện giao thông
4.    Cải thiện môi trường
5.    Ngăn ngừa thảm họa
6.    Kế hoạch tái thiết hoạt động kinh doanh và xã hội
7.    Tổ chức các workshop cộng đồng
8.    Quản lý sử dụng đất bằng công cụ ‘zonning’
9.    Nhượng quyền phát triển

Trong 9 mục trên, mục 1 và 2 tập trung vào việc bảo tồn vỏ không gian kiến trúc cảnh quan lịch sử của toàn khu vực và của các ngôi nhà cụ thể. Mục 3, 4, 5 tập trung vào các giải pháp cải thiện hạ tầng và môi trường đô thị. Mục 6, 7 tập trung vào các giải pháp kinh tế xã hội nhằm phát triển tinh thần cộng đồng và thúc đẩy kinh tế khu vực. Cuối cùng, hai mục 8 và 9 là những nội dung liên quan đến quy hoạch đô thị và có tác dụng điều tiết (thông qua quy hoạch) ở cả cấp độ vi mô lẫn vĩ mô, có tác động to lớn như một ‘bàn đạp’ thúc đẩy toàn bộ guồng máy bảo tồn. Hai mục cuối này sẽ được giải thích và phân tích kỹ hơn ở ngay phần sau.


Các bản quy hoạch cho khu vực Dadaocheng qua các thời kỳ


Ngôi nhà cổ ở số 84 phố Bau-An, trước và sau tôn tạo

Thúc đẩy bảo tồn ‘khu vực đô thị lịch sử Dadaocheng’ – bằng công cụ ‘Nhượng quyền phát triển’ (TDR)

Tổng diện tích khu đô thị lich sử Dadaocheng là 40.48ha, với 77 công trình lịch sử (được liệt kế trong Điều lệ QHĐT) và 6 công trình di tích. Để thực hiện công tác bảo tồn và tôn tạo các di sản trên, các chủ sở hữu các công trình trên sẽ được “bồi thường” cho các chi phí thực hiện bảo tồn và ‘sự thiệt thòi’ do không được phát triển ngôi nhà của mình (nâng tầng hay mở rộng, đập đi xây mới) bằng quyền “nhượng quyền phát triển”. Cách làm này có nguồn gốc từ từ kinh nghiệm của thành phố New York: transfer of development right (TDR). TDR là một công cụ điều tiết phát triển thông qua quy hoạch, nó cho phép hạn chế chỉ tiêu sử dụng đất (cụ thể là hệ số sử dụng đất) tại một lô đất cụ thể (vì mục tiêu nào đó) bằng cách chuyển giao một phần hoặc toàn phần quyền phát triển trên lô đất đó sang lô đất khác (có khả năng tiếp nhận phát triển). TDR đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực quy hoạch, tuy nhiên cũng không phải được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước.

Ở Đài Loan, hệ thống công cụ TDR được nghiên cứu và đề xuất thành 4 loại cơ bản và vận hành song song, được tóm tắt theo bảng dưới đây:

Loại

TDR cho QHĐT

Nguyên tắc

TDR cho di sản Nguyên tắc

Khu vực đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng

Những nguyên tắc đặc biệt của QHĐT

Nơi nhận 1. Cần qua quy trình thẩm định TKĐT

2. Cần thỏa mãn điều kiện dưới đây:

Công trình còn thừa đất (nằm bên trong Đài Bắc)

 

Khu vực cho phép tiếp nhận (được định trước)

Khu vực khác

Theo nguyên tắc TDR cho QHĐT,

Nguyên tắc TDR cho di sản

Diện tích: đất rộng hơn 1000m2 Ko quy định Ko quy định Theo QHĐT
Trong bán kính 500m tính từ lối ra vào ga đường sắt đô thị (MRT)

Có công viên rộng trên 0.5ha ở gần

Ko quy định Ko quy định Theo QHĐT
Nơi nhượng 1. Công trình lịch sử hoặc công trình di tích, di sản Các di sản, khu vực bảo tồn

 

 

Lô đất của các công trình lịch sử Theo quy định về QHĐT
2. Công trình công ích dự kiến nhưng do tư nhân sở hữu Lô đất thuộc khu vực đô thị lịch sử
3. Công trình còn thừa đất để xây dựng nhưng chuyển thành KGCC (ko áp dụng đối với Đài Bắc) Các lô đất khác đã qua thẩm định TKĐT
Mức chuyển nhượng tối đa 30% tổng lượng sàn được phép phát triển (đối với các đối tượng thông thường)

 

40% tổng lượng sàn được phép phát triển (đối với các đối tượng thông thường) 40% hoặc 20% đối với khu vực nhận xác định Theo Nguyên tắc thực hiện TDR cho QHĐT

 

40% đối với đất thuộc khu vực tái thiết đô thị, khu vực thúc đẩy phát triển đô thị, 50% đối với đất thuộc khu vực tái thiết đô thị, khu vực thúc đẩy phát triển đô thị, 30% đối với khu vực khác Nguyên tắc TDR cho di sản

 

Khi áp dụng vào công tác bảo tồn ở Đài Loan, TDR tỏ ra là một công cụ vô cùng hiệu quả và có ý nghĩa lớn: nó giảm thiểu áp lực ngân sách chi trực tiếp cho công tác bảo tồn, nhưng thúc đẩy hoạt động bảo tồn diễn ra nhanh chóng nhờ tạo ra được một cuộc chơi cùng thắng (win-win) cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là chủ sở hữu các công trình di sản.

Đối với khu vực đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng, để bảo tồn và phục dựng các công trình lịch sử, các công cụ khuyến khích (incentives) và hỗ trợ (subsidies) được áp dụng như sau:
– Nếu phục dựng và duy trì công trình lịch sử theo các quy định thì:

Tổng sàn = Tổng sàn gốc V0 + Tổng sàn thưởng (V1, V2, V3, V4)
Trong đó:
Tổng sàn thưởng gồm:

V1: Sàn thưởng nếu phục dựng mặt đứng như nguyên gốc
•    V1-1: áp dụng với công trình lịch sử (theo danh mục quy định)
•    V1-2: sàn thưởng để bù đắp cho chi phí bảo dưỡng toàn bộ công trình
•    V1-3: Nếu công trình không phải là công trình lịch sử thì phí phục dựng mặt đứng không được tính, mà chỉ tính phí duy tu bảo dưỡng công trình

V2: Mức sàn thưởng nếu chuyển một lượng sàn sang mục đích công cộng
•    Phần sàn chuyển sang mục đích sử dụng CC không bị tính trong tổng sàn
•    Chi phí xây dựng phần diện tích chuyển/ hiến tặng cho mục đích sử dụng công cộng cũng sẽ được quy sang sàn thưởng

V3: Mức sàn tính theo quy mô đất
•    Lô đất trên 400m2: 15% diện tích đất
•    Lô đất trên 1000m2: 20% diện tích đất
•    Lô đất trên 2000m2: 25% diện tích đất

V4: Mức sàn tính theo những tác động môi trường
Theo ĐGTĐMT để đánh giá tác động của kế hoạch duy tu bảo dưỡng công trình.

Hệ thống TDR cho khu vực đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng:
–    Điều 6. Nếu chủ nhà hiến tặng toàn bộ công trình lịch sử, đất cho nhà nước, đồng thời hoàn thành việc phục dựng và duy tu bảo dưỡng công trình, thì sẽ được phép chuyển nhượng toàn bộ quyền phát triển (tổng sàn được phép phát triển) ra bên ngoài (kể cả phần sàn đã sử dụng)
–    Điều 18: Những trường hợp không thuộc hệ thống trên, thì sẽ được ứng xử theo các văn bản pháp quy khác liên quan, hoặc phải được xem xét bởi Hội đồng thẩm định tái thiết đô thị
–    Quy hoạch chi tiết: TDR có thể được áp dụng sau khi Hội đồng thẩm định tái thiết đô thị chấp nhận hồ sơ.

Công cụ TDR đã mang đến cho người dân một cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết  định và và hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ công tác bảo tồn. Cơ chế đặc biệt này, trong hơn mười năm qua, đã làm cho Dadaocheng đã thay đổi đáng kể. Nhiều chủ nhà đã dọn dẹp mặt tiền, bỏ đi nhưng dây điện, điện thoại cũ, thừa, khôi phục nguyên trạng mặt đứng bằng những kỹ thuật bảo tồn tinh tế. Cho tới cuối năm 2012, đã có 340 hồ sơ đăng ký được nhận quyền TDR, trong số đó 275 trường hợp đã được chấp thuận và được nhận TDR; từ đó dần dần tiến hành cải tạo và khôi phục mặt đứng công trình về nguyên mẫu lịch sử. Dadaocheng đã hồi sinh lại khung cảnh một thời vàng son của nó.

Cùng với công cụ TDR, công tác dân vận phục vụ bảo tồn cũng được thực hiện hết sức hiệu quả. Với các cuộc họp cộng đồng (community WS) và những nỗ lực của Quỹ VH Yaoshan, người dân khu phố cổ Dadaocheng đã bắt đầu nhận ra rằng bảo tồn chính là một cách phát triển khác. Thông qua việc bảo tồn cảnh quan đường phố lịch sử, bảo tồn các ngôi nhà cổ, hoạt động kinh doanh trở nên hiệu quả hơn nhờ môi trường và không khí lịch sử hấp dẫn, đặc biệt là các hoạt động bản lẻ và những dịch vụ đô thị.

Một số chủ nhà đã trao lại một phần hay toàn bộ ngôi nhà di sản của mình để lấy một giá trị bồi thường TDR và chuyển ra ngoài ở; những ngôi nhà hoặc phần nhà sau khi trao lại cho nhà nước sẽ được quản lý bởi Phòng Tái thiết đô thị thuộc Sở Quy hoạch Đài Bắc, và được sử dụng cho các mục đích công cộng. Những địa chỉ đó được gọi là các URS (Urban Regeneration Station) và được đánh số theo số nhà, tạo thành chuỗi các địa chỉ phục công cộng dưới hình thức: trung tâm văn hóa cộng đồng, mini museum, hay thư viện v.v… Người dân khu vực có thể bày tỏ các ý kiến, quan sát, tâm tư về khu vực bằng cách dán các mẩu giấy ghi ý kiến của mình lên bản đồ khu phố cổ tại những vị trí mà họ muốn phản ánh. Những cán bộ chuyên trách từ cơ quan quản lý sẽ có trách nhiệm thu thập và xử lý các ý kiến đó.

Năm 2005, Sở Quy hoạch thành phố đã giao cho Viện quản lý tài nguyên lịch sử (Institute of Historical resource management) – một tổ chức phi chính phủ, thực hiện việc đánh giá tổng thể quy chế quản lý ‘khu vực đô thị lịch sử đặc biệt Dadaocheng’. Những khuyến nghị của IHRS là các quy định trong khu vực đô thị lịch sử cần đặt người dân vào trọng tâm, hướng tới lợi ích và đồng thuận của người dân nhiều hơn; các công cụ kiểm soát nên theo hướng linh hoạt hơn; và các hướng dẫn thiết kế đô thị dưới Quy chế cần được xem lại và điều chỉnh định kỳ. IHRM đã tổ chức hàng loạt các workshop, các buổi trao đổi sâu, các hội nghị, hội thảo, các tua thăm quan có hướng dẫn và phân tích chuyên sâu cho người dân sống tại khu vực cũng như ở những khu vực khác, và cả du khách để nâng cao hiểu biết của người dân về công tác bảo tồn, giới thiệu cho họ các kinh nghiệm bảo tồn ở Penang, Malaysia, hay Tsugamo, Nhật Bản. Những trao đổi như vậy đã giúp người dân hình dung được vai trò lớn lao của họ trong phát triển cộng đồng và thúc đẩy bảo tồn.

Những suy ngẫm từ kinh nghiệm từ Dadaocheng, Đài Bắc

Trong một thế giới đang ngày càng ‘phẳng’(*) hơn, theo cách diễn đạt đầy ẩn dụ của Thomas Friedman, lịch sử và bản sắc dân tộc trở thành yếu tố quan trọng để khẳng định vai trò vị thế của mỗi quốc gia. Di sản, di tích là những bằng chứng rõ ràng và sống động của lịch sử văn hóa mỗi vùng đất, mỗi địa danh. Không chỉ những di vật được công nhận (thường có quy định về niên đại trên 100 năm) mà cả những dấu tích lịch sử cận đại và đương đại cũng cần được lưu giữ một cách có chọn lọc, để xâu chuỗi liên tục không ngắt quãng một câu chuyện tự sự về một thành phố, một địa phương, một quốc gia. Từ khi có những mâu thuẫn chính trị với Trung Quốc đại lục, Chính phủ và người dân Đài Loan ý thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản trong củng cố niềm tự hào Đài Loan. Bảo tồn, do vậy, còn mang màu sắc của chính trị ở tầm quốc tế. Bên cạnh ý nghĩa về khía cạnh tinh thần lớn lao đó, bảo tồn di sản cũng mang lại ý nghĩa vật chất thực tế góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. Kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia cho thấy du lịch và dịch vụ mang lại nguồn thu to lớn của rất nhiều thành phố có quỹ di sản phong phú. ‘Bảo tồn để phát triển’ không còn là câu chuyện xa lạ và khó hiểu.

Tuy nhiên, từ nhận thức đúng và đầy đủ rồi, chúng ta sẽ đối mặt với câu hỏi hành động như thế nào? Làm sao để thực hiện bảo tồn và quản lý di sản một cách hiệu quả nhất.

Kinh nghiệm Đài Loan cho thấy, chính quyền xem ‘bảo tồn’ là nỗ lực và trách nhiệm chung của cả xã hội, đặt người dân vào trung tâm của các chính sách bảo tồn; lồng ghép một cách thông minh nhiệm vụ bảo tồn vào công tác phát triển đô thị; dùng cơ chế điều tiết phát triển để bảo tồn mà không tốn chút ngân sách nào; cũng không bắt người dân phải hy sinh quyền lợi chính đáng của mình vì sự nghiệp bảo tồn, tạo ra một ‘cuộc chơi cùng thắng’. Nói cách khác, người dân được đền bù xứng đáng về cả vật chất và tinh thần nếu tham gia công cuộc bảo tồn. Đây có lẽ là khía cạnh mấu chốt cho sự thành công bền vững của bảo tồn.

Bên cạnh nhà nước, các tổ chức xã hội: phi chính phủ, phi lợi nhuận do những chuyên gia, những trí thức có tâm và có tầm điều phối đã có vai trò quyết định đến sự thành công trong bảo tồn ở Dadaocheng nói riêng và toàn bộ Đài Loan nói chung. Bà Alice Chiu, một nghệ sỹ âm nhạc nhưng có tình yêu mãnh liệt với di sản và di tích đã cống hiến gần như trọn đời mình cho sự nghiệp bảo tồn từ khi làm giám đốc Quỹ văn hóa Yaoshan rồi sau đó là giám đốc Viện Quản lý tài nguyên di sản Đài Loan.

Không chỉ riêng với phố cổ Dadaocheng, thành phố Đài Bắc còn rất thành công trong công tác bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử thời Nhật thuộc, bảo tồn và khai thác các khu nhà máy cũ thành các công viên sáng tạo, giữ lại dấu tích một khu dân cư cấp 4 thành một ‘bảo tàng’ về một thời tiền chiến v.v… tạo nên một câu chuyện lịch sử liên tục và sống động vô cùng hấp dẫn. Những kinh nghiệm này sẽ được giới thiệu kỹ hơn vào một dịp khác, trong một bài viết khác.

Tóm lại, thành công trong bảo tồn và quản lý di sản ở Đài Loan có được nhờ hội tụ:
–    Thứ nhất, nhận thức đầy đủ và đúng đắn về công tác bảo tồn, ban đầu nhờ giới trí thức và chuyên gia, sau đó được sự ủng hộ về mặt chính trị của chính quyền, và được chia sẻ vận động sâu rộng đến xã hội.
–    Thứ hai, cơ chế chính sách thúc đẩy hành động hiệu quả. Cụ thể, cơ chế “nhượng quyền phát triển’ (TDR) đã có tác dụng thực sự như động cơ và nhiên liệu của cỗ máy ‘bảo tồn’. TDR hoàn toàn có thể xem xét để áp dụng cho Khu Phố cổ Hà Nội vừa để thúc đẩy những đầu tư phục dựng cải tạo nhà cổ vừa có thể giúp giãn dân phố cổ một cách tự nguyện, theo đúng cơ chế thị trường.
–    Thứ ba, làm bảo tồn với cách tiếp cận rất nhân văn: Thừa nhận, tôn trọng quyền lợi vật chất tinh thần của người dân; không cưỡng chế mà nâng cao nhận thức; tham gia và sự tôn trọng người dân là nguyên tắc được thống nhất áp dụng.
–    Thêm nữa, khai thác trí tuệ và tâm huyết của các trí thức, chuyên gia, tạo điều kiện cho sự đóng góp hiệu quả của các tổ chức dân sự phi lợi nhuận, phi chính phủ cũng là yếu tố rất nổi bật cho thành công về bảo tồn ở Đài Loan.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Viện Kiến trúc Quốc gia 

Chú thích:
(*) ‘Thế giới phẳng’ là một tác phẩm của Thomas Friedman – một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times, viết về vấn đề toàn cầu hoá rất toàn diện và rõ nét
Tài liệu tham khảo:
  1. Bài trình bày của Vicky Wong ‘Transforming Heritage District in Taipei – The Case Study of Dadaocheng’ tại Hội nghị ARCASIA 2011 tại Đà Nẵng, Việt Nam
  2. Bài trình bày ‘TAIPEI CITY URBAN DEVELOPMENT & URBAN DESIGN REVIEW’ của Sở Quy hoạch Đô thị Đài Bắc,  năm 2013 tại Thái Lan

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị – số 20 – 2015)