Nhìn lại công tác quy hoạch và xây dựng trong nông thôn mới
(Tạp chí KTVN 229) – LTS: TS Tăng Minh Lộc, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương – người đã đồng hành từ những bước nghiên cứu, khởi động và thực hiện chương trình. Sau 10 năm triển khai chương trình, nhận lời mời của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Ông đã chia sẻ góc nhìn của mình về những thành tựu bước đầu cũng như những tồn tại, bất cập của công tác quy hoạch, kiến trúc nông thôn mới vừa qua. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Mục tiêu cơ bản của xây dựng NTM: Nâng cao nhanh đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn; Đảm bảo cho nông thôn phát triển theo quy hoạch; Môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp; Các giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Dân trí và chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao. Những mục tiêu đó trong giai đoạn 2010-2020 đã được cụ thể hoá, lượng hoá bằng 19 tiêu chí.
Quy hoạch là tiêu chí số 1
Một trong những giải pháp hàng đầu khi xây dựng NTM là quy hoạch. Quy hoạch nông thôn khác với quy hoạch đô thị. Nó không chỉ định hướng cho nông thôn phát triển “trật tự”, tạo không gian sống tiện lợi hơn, khai thác tốt hơn các nguồn tài nguyên ở nông thôn mà còn phải bảo tồn 3 chức năng đặc thù của nông thôn. Đó là: Cung cấp cái ăn cho xã hội; Bảo tồn sinh thái tự nhiên; Bảo tổn văn hoá dân tộc – Điều mà nông thôn nước nào cũng phải làm.
Ở nước ta, quy hoạch NTM càng đặc biệt cần thiết nhằm khẩn trương khắc phục các tình trạng.
- Hạ tầng công cộng rất thiếu. Quá trình xây dựng thiếu dự báo xu hướng phát triển nên thường thiếu quy chuẩn tương thích, do vậy nhiều công trình vừa mới xây xong đã lạc hậu gây lãng phí nguồn lực.
- Xây dựng nhà ở dân cư đang bị thả nổi, thiếu hướng dẫn và các định chế quản lý nên mạnh ai nấy làm. Kiểu nhà rất đa dạng nhưng tạp nham, các sắc thái văn hoá truyền thống dần mờ nhạt.
- Môi trường nông thôn ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Do tác động của thương mại thị trường mà người quê cũng ham thích làm nhà bám trục giao thông. Ao hồ bị san lấp, hệ thống tiêu thoát nước bị xâm lấn. Ở đất nước thừa nắng nhưng thích làm nhà ống cao tầng, quanh nhà thiếu cây bóng mát, sân ngõ, tường rào nặng về xây… Hình ảnh nông thôn xanh mát dần biến mất, thay bằng nóng bức và ô nhiễm. Bệnh tật ngày một nhiều hơn…
Chính vì thế, các nhà thiết kế chương trình NTM đã đề xuất quy hoạch, chỉnh trang xây dựng ở nông thôn phải là nhiệm vụ hàng đầu. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo NTM khi đó đã đồng ý đưa quy hoạch là tiêu chí số 1. Mỗi xã có một đồ án quy hoạch NTM. Ông cũng từng chỉ đạo: “Xã chưa xong quy hoạch thì không vội xây cất gì hết”.
Thành tựu bước đầu
Kết thúc giai đoạn đầu (2010-2015) cả nước đã có 62% xã xong quy hoạch. Đến cuối 2019 đã có gần 100% số xã hoàn thành nhiệm vụ này. Tuy chậm so với chủ trương đề ra và chất lượng chưa cao nhưng đã vẽ ra bức tranh tổng thể về tương lai cho NTM, làm căn cứ cho các xã tổ chức thực hiện.
Trước hết đã xác định rõ vị trí, quy mô các loại hạ tầng thiết yếu cần cho thôn (bản, ấp) và xã: trụ sở, trường học, trạm y tế, khu văn hoá thể thao, các trục giao thông kết nối, trạm cấp nước, chợ, khu xử lý rác thải, nghĩa địa… qua đó đã định hướng cho cán bộ cơ sở và người dân khái quát được khối lượng công việc phải làm và kinh phí cần có để đạt chuẩn NTM.
Do yêu cầu quy hoạch phải có sự tham gia của người dân nên hầu hết các đồ án quy hoạch đều được lấy ý kiến người dân từng thôn bản… Vì thế đã tạo được tính đồng thuận cao trong cộng đồng giúp cho việc giải phóng mặt bằng, huy động đóng góp của người dân thuận lợi. Người dân nông thôn đã hiến tặng hàng triệu m2 đất làm giao thông và các công trình công cộng thôn xã.
Sau quy hoạch nhiều địa phương đã tổ chức tuyên truyền cắm mốc chỉ giới các hạ tầng và đa phần người dân đều có ý thức hơn trong bảo vệ quy hoạch, chống lấn chiếm hoặc làm sai.
Bất cập và những vấn đề đặt ra trong quy hoạch và xây dựng ở nông thôn
10 năm thực hiện chương trình NTM đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là hạ tầng nông thôn có bước phát triển vượt bậc; Kinh tế phát triển, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện nhiều hơn… Tuy nhiên, dưới góc độ quy hoạch, kiến trúc và xây dựng ở nông thôn còn không ít bất cập.
Chất lượng quy hoạch nông thôn còn rất thấp. Thời kỳ đầu, cả nước chỉ có chừng 200 đơn vị quy hoạch “chính quy” (nhưng cũng chỉ xem quy hoạch đô thị). Trước yêu cầu mỗi xã phải có 1 đồ án và 1 năm rưỡi phải xong công tác này nên đã xuất hiện cấp tốc nhiều đơn vị tư vấn mới. Đại bộ phận các đơn vị tư vấn (cả mới và cũ) đều ít kinh nghiệm quy hoạch nông thôn, thiếu hiểu biết sâu sắc các mục tiêu và nội dung NTM… nên đa số các đồ án đều chưa toàn diện và thiếu tầm nhìn.
Phần lớn các đồ án mới chỉ làm được lĩnh vực hạ tầng, phần quy hoạch phát triển dân cư mới, chỉnh trang các khu dân cư cũ, quy hoạch sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp hàng hoá…) dường như không được đề cập.
Khá nhiều đồ án quy hoạch hạ tầng cấp xã thiếu tính kết nối với các hạ tầng tương ứng của huyện và vùng. Sự cô lập đó đã dần đến sự hiểu sai và hành động sai lầm của người thực hiện như: Mỗi xã xây một chợ; các xã tiếp giáp thị trấn (nơi có bệnh viện huyện) nhưng vẫn xây trạm y tế đủ 14 phòng như ở vùng sâu, vùng xa… đã gây lãng phí không ít nguồn lực.
Trong xây dựng nhà ở dân cư, kiến trúc cảnh quan dường như vẫn là thứ xa xỉ. Các yếu tố văn hoá đặc trưng của mỗi miền quê, mỗi dân tộc thể hiện qua kiến trúc xây dựng ít được chú trọng: người ta dễ dàng thấy nhà ở nông thôn Đồng bằng sông Hồng đang “trăm hoa đua nở”, kiểu dáng rất đa dạng nhưng đâu là nét đặt trưng của vùng quê giàu truyền thống văn hoá thì rất khó tìm.
Nhà sàn của người Thái Tây Bắc có nét khác biệt với dân tộc khác. Nhưng ở các khu tái định cư cho đồng bào Thái do nhà nước hỗ trợ, đồng bào nói chỉ “hơi giống”. Họ còn ví von “mái Thái, tường Kinh, kèo cột linh tinh là (của) dân tộc khác”. Tác giả có lần thăm Nhà Rông của đồng bào Êđê (Tây Nguyên) do nhà nước hỗ trợ từ chương trình NTM. Già làng bảo: “Thanh niên bây giờ không đến sinh hoạt hay ngủ đêm lại như trước vì cái sàn xi măng cái lưng nó không quen nằm; cái cầu thang bằng sắt cái chân nó bước không quen”.
Sau 10 năm xây dựng NTM, chúng ta vẫn chưa lựa chọn được các mẫu nhà, mẫu khuôn viên đẹp, văn minh, phù hợp (với mỗi vùng miền, mỗi dân tộc) để hướng dẫn cho người dân thực hiện. Chúng ta cũng chưa có các định chế quản lý sát thực với xây dựng của người dân. Dường như ở nông thôn, ai có đất là có thể tuỳ ý xây cất, hướng do thầy bói quyết, đặt móng lấn chiếm đường giao thông, lấn vào mương tiêu nước cũng không ai can thiệp… Vì thế kinh tế càng phát triển, người dân xây dựng càng nhiều thì nông thôn càng trở nên nhếch nhác.
Lời kết
Để đạt được mục tiêu của NTM “Xanh – Sạch – Đẹp”; các giá trị văn hoá tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; nông thôn sẽ trở thành những vùng quê đáng sống; là nơi nghỉ dưỡng cho người thành phố… quy hoạch – kiến trúc – xây dựng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và còn rất nhiều việc phải làm.
Để phù hợp với chủ trương tiếp tục xây dựng NTM kiểu mẫu, việc định hướng lại xây dựng dân cư, coi trọng kiến trúc cảnh quan gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá nên được coi là trọng tâm trong thời gian tới.
Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, không thể triển khai cùng lúc trên diện rộng thì nên chọn cách làm điểm. Mỗi vùng sinh thái cần chọn 1-2 xã điểm (có điểm hướng vào cải tạo, chỉnh trang khu dân cư cũ; có điểm là lập khu dân cư mới) Điểm chọn nên gắn với những khu du lịch. Từ đó tập trung nghiên cứu, đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng, tạo ra những “làng mẫu” điển hình của nông thôn sinh thái, văn minh, đậm bản sắc văn hoá dân tộc… để làm cơ sở cho học tập nhân rộng./.
Tăng Minh Lộc – Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam – Nguyên Cục trưởng, CVP Điều Phối NTM TW