Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo: Cần chú ý từ khi chưa hình thành
Trong khi Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm những con đường mới nhằm mang lại bộ mặt phong quang cho Thủ đô thì những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo lại đang tồn tại như một thách thức dư luận. Những ngôi nhà mang hình thù “chẳng giống ai” vẫn len lén mọc lên trên các tuyến phố thênh thang…
Ảnh minh họa.
Quản lý đô thị chưa tốt
Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, yếu tố then chốt chính là do công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị chưa được tốt.
Việc lập quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị chưa tính toán kỹ dẫn đến sau giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của nhiều mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng. Khi làm đường, Nhà nước chỉ đền bù đường vừa đúng chỉ giới đường, còn vài mét cũng không đền bù, chỗ đất còn lại vừa mỏng, lại méo nên người dân muốn bán cũng không dễ.
Đồng thời, do chưa có một cơ quan trung gian đứng ra thỏa thuận giá giữa chủ nhà có đất siêu mỏng, siêu méo đằng trước và chủ nhà đằng sau, dẫn đến khó khăn cho việc hợp thửa, hợp khối.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho biết: Theo quy định, các trường hợp không đủ tiêu chuẩn cấp phép xây dựng buộc phải hợp thửa với hộ liền kề đủ tiêu chuẩn. Nếu giữa các hộ dân không thỏa thuận được phương án hợp thửa, chính quyền địa phương phải lên phương án thu hồi phục vụ cho mục đích công cộng.
Nhưng để thu hồi phải tìm ra nguồn vốn chi trả đền bù và giải phóng mặt bằng (GPMB), mà nguồn vốn này sẽ rất lớn khi diện tích nhà siêu mỏng, siêu méo đều nằm ở vị trí mặt đường đắc địa. Chỉ tính riêng quận Đống Đa, chi phí đền bù ước lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Nổi bật nhất của tình trạng này chính là các con phố lớn như Kim Liên – Xã Đàn, Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Thanh Nhàn… Tại đây có những ngôi nhà có hình thù kỳ dị do chỉ còn lại 3 – 5 m², thậm chí có trường hợp chỉ còn lại bức tường dày 12cm nhưng chủ nhân nhất quyết không hợp thửa với hộ liền kề.
Trong lúc công trình cũ chưa được xử lý, hàng trăm nhà siêu mỏng, siêu méo lại tiếp tục xuất hiện trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ khi dự án đường Vành đai II (đoạn đường Nhật Tân – Xuân La – Bưởi); Trần Phú – Kim Mã, đường Thanh Nhàn vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Chỉ tính riêng phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Xuân La (Tây Hồ) đã có hơn 10 nhà siêu mỏng, siêu méo. Trên đường Nguyễn Văn Huyên cũng xuất hiện những ngôi nhà tạm rộng 1,7 – 3 m². Đoạn đường Trần Phú – Kim Mã dài chừng 600m, cũng xuất hiện 3 công trình siêu mỏng; đường Thanh Nhàn có đến gần 10 công trình siêu mỏng, siêu méo…
Thay đổi cách thức phát triển đô thị
Theo ý kiến một số chuyên gia về quy hoạch đô thị, để giải quyết tận gốc vấn đề trên, Hà Nội phải thay đổi cách tổ chức phát triển đô thị, phải có một dự án tái phát triển cả một khu vực đô thị, không chỉ làm riêng một con đường, mà cần quan tâm tới diện tích đất hai bên đường.
Nhiều người lo ngại về nguồn kinh phí khi giải phóng mặt bằng cả một khu đô thị rộng lớn, nhưng thực chất việc giải phóng mặt bằng này lại giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Đó là sau khi con đường được hình thành thì cơ quan Nhà nước sẽ phân lô, đấu giá hoặc đấu thầu việc sử dụng đất hai bên đường; không còn tình trạng chủ sở hữu nhà đằng trước và đằng sau không thỏa thuận được giá cả hợp thửa, hợp khối; từ đó không còn tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.
Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, giải pháp căn bản để chấm dứt tình trạng trên, không chỉ là vấn đề nguồn vốn, mà mấu chốt căn bản nhất là TP cần tính đến vấn đề này ngay từ khâu quy hoạch.
Thay vì chạy theo giải quyết từng trường hợp khi dự án đã hoàn thiện, ngay từ khi bắt đầu lập dự án, các cơ quan chức năng phải phát hiện ra các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo có thể sẽ hình thành, từ đó trao đổi với người dân để người dân có phương án thỏa thuận với nhau.
Trong trường hợp người dân không thỏa thuận được thì Nhà nước phải đứng ra can thiệp bởi sau khi giải phóng mặt bằng, giá trị đất mặt phố tăng lên chóng mặt, nên việc hợp thửa, hợp khối cũng phức tạp, chưa kể dễ sinh ra khiếu kiện kéo dài.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trước năm 2015 toàn TP có trên 300 trường hợp siêu mỏng, siêu méo thì hiện còn 132 trường hợp. Tuy nhiên, có dẹp được ngần ấy căn nhà trong thời gian tới hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có câu trả lời?
Vân Anh/BXD