12/04/2016

Xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị vào năm 2050

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2050, các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

100% các đô thị không còn ngập úng

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 70% phù hợp với cao độ nền và thoát nước mặt.

100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa; giảm 50% tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên.

Theo Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025, 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 80% diện tích bao phủ dịch vụ; 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa.

Đến năm 2050, các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Xây dựng hệ thống thoát nước tập trung tại các đô thị lớn

Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành thoát nước, các nội dung quy hoạch thoát nước trong quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; lập và quản lý bản đồ ngập úng đô thị theo kịch bản biến đổi khí hậu, bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét… tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực duyên hải và miền núi.

Đồng thời, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tập trung tại các đô thị lớn, các lưu vực sông; ưu tiên đầu tư xây dựng các dự án cấp bách nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư tập trung có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân; khuyến khích các địa phương hỗ trợ cho các làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với các chính sách của Nhà nước…

Mục tiêu của việc điều chỉnh là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển hệ thống thoát nước theo từng giai đoạn; phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ bao gồm xây dựng mạng lưới thu gom, chuyển tải và nhà máy xử lý nước thải theo từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phát huy tối đa công suất thiết kế các nhà máy xử lý nước thải bảo đảm hiệu quả quản lý và đầu tư xây dựng; phấn đấu tăng tỷ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình đến hệ thống thu gom và xử lý nước thải; hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.

Vân Anh/Báo Xây dựng