Xây ga C9 cạnh Hồ Gươm: Nguy cơ khó lường
Khu vực hồ Hoàn Kiếm có nền móng địa chất yếu, Hà Nội chưa tham vấn để có đánh giá tác động. Nguy cơ xảy ra sự cố rất khó lường.
Vi phạm Luật di sản
UBND TP Hà Nội một lần nữa kiên quyết bảo lưu quan điểm về vị trí đã được quy hoạch để xây dựng ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (Dự án metro số 2 Hà Nội).
UBND TP Hà Nội cho rằng, vị trí ga ngầm này là tối ưu nhất, không phải là phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, không phải là đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Do đó, UBND TP đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 và các tuyến hầm liên quan tại khu vực Hoàn Kiếm để Dự án tiếp tục triển khai, đảm bảo tiến độ.
Tuy nhiên, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam giữ nguyên quan điểm, tiếp tục khẳng định vị trí đặt ga C9 vi phạm nghiêm trọng luật di sản văn hóa.
“Tôi là người trực tiếp tham gia soạn thảo Luật di sản, tiếp đến tôi lại là Phó Ban điều chỉnh, sửa đổi Luật di sản… Tôi khẳng định, vị trí đặt ga C9 cạnh Hồ Gươm là vi phạm nghiêm trọng Luật di sản”.
PGS Đặng Văn Bài thắc mắc, vì sao đã có nhiều phương án với nhiều lựa chọn các vị trí khác có thể xây dựng được nhà ga C9 nhưng Hà Nội không chọn mà lại chọn khu vực gần Hồ Gươm?.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, mỗi phương án đều có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, những rủi ro về hạ tầng đều có thể khắc phục được, riêng việc xâm hại di sản, xâm hại Hồ Gươm sẽ khiến Hà Nội mất hết, sẽ không còn gì cả.
“Đặt nhà ga C9 cạnh Hồ Gươm là cách làm mạo hiểm cho thấy Hà Nội đang quyết tâm đẩy rủi ro sang cho di tích quốc gia.
Chúng ta vẫn coi thường Hồ Gươm, trong khi đây là không gian linh thiêng, điểm phong thủy, nơi hồn thiêng sông núi lắng đọng. Phải giữ gìn.”, Phó chủ tịch Hội di sản Việt Nam nhấn mạnh.
Tiếp tục phân tích, PGS Đặng Văn Bài cũng không đồng tình với những giải thích của Hà Nội về các phương án khác.
Theo ông, việc Hà Nội lo ngại xâm phạm đến đê, vi phạm Luật đê điều thì tại sao Hà Nội không sợ xâm phạm di sản, vi phạm Luật di sản?
“Cách biện minh này rất vô lý, không thể chấp nhận được”, PGS.TS Đặng Văn Bài chỉ rõ.
Cũng nêu quan điểm về dự án trên, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN cho biết, nhu cầu phát triển hạ tầng, giao thông công cộng là rất cần thiết. Tuy nhiên, phát triển hạ tầng phải đi đôi với việc bảo vệ di sản.
“Với những di sản vô giá của Hồ Gươm, Hà Nội nên tìm một giải pháp khác an toàn hơn cho di sản. Tốt nhất là nên tránh xa di sản hơn”, GS Nguyễn Quang Ngọc lên tiếng.
Vị GS cho biết, ông cùng các nhà khoa học đã lên tiếng phân tích, góp ý vấn đề này từ lâu, nếu Hà Nội vẫn quyết tâm làm, ông muốn nghe Hà Nội giải trình cụ thể, rõ ràng hơn về các phương án thực hiện.
“Luật di sản có quy định rất rõ ràng rồi, đã được Quốc hội thông qua rồi, tôi không hiểu vì lý do gì Hà Nội vẫn cố tình muốn làm?”, vị GS băn khoăn.
Nguy cơ sụt lún
Liên quan tới dự án hầm nhà ga ngầm C9, Hà Nội đưa ra hai phương án. Ở phương án 1, nhà ga C9 được lựa chọn vị trí cách chân Tháp Bút 8,2 m, cách gò đá chân Tháp một mét.
Thân ga (dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, 3 tầng) nằm chính dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm.
Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga tới hồ Hoàn Kiếm 10 m, tới tượng đài cảm tử 81 m, tới đền Bà Kiệu 83 m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m, tới Tháp Bút 36 m. Nhà ga có phần nằm trong khu vực bảo vệ 2 (khu vực bao quanh vùng lõi) của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Phương án 2, tuyến đường sắt chạy dọc phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền, Lê Văn Hưu sau đó kéo dài về phía nam theo hướng đến phố Huế, Đại Cồ Việt.
Hà Nội đề xuất chọn phương án 1 vì cho rằng, tính khả thi cao, đủ không gian bố trí công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga khác, phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông thành phố.
Phương án 2 không được chọn vì vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Đê điều, đường hầm phải xuyên qua các khu có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, kết nối phức tạp, chi phí xây dựng, vận hành cao…
Tuy nhiên, đánh giá về phương án 1, Bộ VHTT&DL đã không ít lần gửi văn bản đến TP Hà Nội, băn khoăn về việc đặt ga ngầm cạnh hồ Gươm, lo lắng việc này sẽ gây ảnh hưởng đến Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Cùng với đó, Bộ cũng có ý kiến yêu cầu thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích.
Về phía cơ quan nghiên cứu, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, các công trình đường ngầm và ga ngầm luôn đối mặt với sự cố nguy hiểm là sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thủy hệ…
“Khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có nền móng địa chất yếu, nhưng Hà Nội chưa tham vấn cơ quan chuyên ngành về địa chất để có đánh giác tác động. Do vậy nguy cơ xảy ra sự cố rất khó lường.
Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm và chuyên gia xử lý sự cố đường sắt đô thị, nếu xảy ra sự cố sẽ bị động”, đại diện Viện Địa chất đánh giá.
Trước những lo ngại nói trên, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cảnh báo phương án được Hà Nội chọn không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hoá mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hoá của trung tâm thủ đô.
Ủy ban đề nghị Hà Nội hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai.
Hoài An/Báo Đất Việt