Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh – Tiên phong và sáng tạo
Quảng Ninh – địa phương tiên phong trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đặc biệt là công tác quy hoạch. Năm năm qua, tỉnh đã có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra trong xây dựng NTM. Giờ đây, Quảng Ninh là một trong 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc và dẫn đầu 15 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.
Gần 5 năm thực hiện (giai đoạn 2011 – 2015), Chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các vùng quê Quảng Ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, góp phần đưa Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản phát triển theo hướng hiện đại hóa. Hiện nay, mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí của Quảng Ninh cao hơn so với bình quân chung toàn quốc 8,9%. Bình quân số tiêu chí đạt trên một xã của Quảng Ninh cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước,đạt 14,8% và đến thời điểm này Quảng Ninh không có xã dưới 5 tiêu chí. Đến nay tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước có “huyện” Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đơn vị đạt chuẩn NTM.
Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Đánh giá về Chương trình này, ông Trương Công Ngàn – Trưởng ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo. Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh trực tiếp phụ trách các địa phương, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trên tất cả các tiêu chí NTM. Đặc biệt là công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tọa đàm, họp báo thường kỳ để định hướng dư luận, các hoạt động tuyên dương điển hình về cách làm hay, mô hình mới, gương điển hình ở mỗi địa phương… Tạo nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân được nâng lên, dần dần tạo phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh một cách mạnh mẽ, đây cũng chính là điểm nhấn của chương trình NTM mà từ trước tới nay chưa có phong trào nào đạt được.
Nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng NTM đã được triển khai và có kết quả khả quan, vượt bậc so với các chương trình khác. Gần 5 năm qua, nhờ triển khai tốt về công tác Quy hoạch vùng, quy hoạch về cơ sở hạ tầng, quy hoạch về sản xuất… của chương trình xây dựng NTM cho thấy công tác Quy hoạch đóng vai trò quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến về đời sống kinh tế của người dân, để người dân biết làm gì trên chính mảnh đất của mình, dần khắc phục tư tưởng trông chờ và ỉ lại, chủ động tìm kiếm, học hỏi những mô hình hay, cách làm hiệu quả khi nuôi con gì, trồng cây gì, không còn là điều khó đối với người nông dân ở Quảng Ninh hiện nay. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM là công tác Quy hoạch, Quảng Ninh dẫn đầu trong cả nước (cao hơn 2,6% so với mức bình quân chung toàn quốc về công tác Quy hoạch), nhiệm vụ Quy hoạch của tỉnh hoàn thành trước Thông tư liên bộ 13/2011/TTLT – BXD – BNNPTNT – BTN&MT ban hành. Bên cạnh việc quyết tâm đồng loạt làm công tác quy hoạch, lãnh đạo Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch “3 trong 1”, các xã có lộ trình nâng cấp đô thị đều được quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị nhằm tránh lãng phí, đảm bảo đúng tiến độ.
Nhờ làm tốt công tác quy hoạch nên Quảng Ninh cũng đã có những bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện địa phương, tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu như Chương trình 135, Chương trình bãi ngang, cấp nước sinh hoạt… Bên cạnh đó tỉnh triển khai sáng tạo bằng nhiều biện pháp nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện xây dựng NTM. Kết quả đã huy động được các nguồn lực tập trung cho đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho đến nay toàn tỉnh đã có 58,26% số xã đạt Tiêu chí về giao thông: 76,52% số xã đạt Tiêu chí về thủy lợi; 89,57% số xã đạt Tiêu chí về điện; 66,96% số xã đạt Tiêu chí trường học; 44,35% số xã đạt Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 76,52% số xã đạt Tiêu chí về chợ nông thôn; 93,09% số xã đạt Tiêu chi về bưu điện; 60,87% số xã đạt Tiêu chí về bưu điện… giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân ở nông thôn đã tăng gấp hai lần so với năm 2010, góp phần giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh xuống còn 1,77%. Đã có 66 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới, dự kiến mục tiêu trong năm 2015 sẽ có 10/13 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới.
Nằm trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, tỉnh đang thực hiện có hiệu quả các đề án như “Quảng Ninh, mỗi xã, phường một sản phẩm”(One commune, one product – OCOP); Xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Các địa phương trong tỉnh đều đã xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển; 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung cấp tỉnh đã được quy hoạch để tạo vùng nguyên liệu. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả ngay chính mảnh đất của quê hương. Nhiều mô hình trở thành điển hình như Chương trình OCOP, chương trình đã hội tụ được 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp), mô hình Khu du lịch làng quê xã Yên Đức – Đông Triều, mô hình nông thôn tiên tiến… những mô hình này đã và đang thu hút nhiều tỉnh thành tham quan và học tập kinh nghiệm.
Xác định rõ chủ trương xây dựng nông thôn mới thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho nên cách làm của Quảng Ninh cũng rất linh hoạt, sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu, mô hình cụ thể nào. Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, lấy phát triển khu vực nông thôn ổn định làm địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực thành thị, từ đó có lực để đầu tư về cho nông thôn. Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí. Để tạo đà cho người dân phát triển sản xuất, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong gần 5 năm, nguồn lực huy động để chi cho chương trình đạt trên 38 nghìn tỷ đồng và đã được triển khai theo phương thức: Thời gian đầu tập trung nhiều cho hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và giảm dần theo các năm, thay vào đó là tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng KHCN vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh những thành công, NTM Quảng Ninh cũng nhìn lại những tồn tại do nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan của chương trình. Nhìn nhận về vấn đề này không chỉ lãnh đạo tỉnh cũng như cán bộ và người dân các địa phương cũng rút ra được nhiều bài học quý, những kinh nghiệm chỉ có thể đúc rút từ những việc làm cụ thể. Việc xây dựng NTM đòi hỏi nhu cầu nguồn lực cho chương trình rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế suy giảm kéo dài, do vậy ngân sách của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu, trong 5 năm ngân sách bố trí được 2.800 tỷ đồng so với nghị quyết đề ra là gần 8.000 tỷ đồng, đạt 35,79%; Các xã vùng sâu, vùng xa đời sống kinh tế còn khó khăn do vậy việc huy động trong dân và doanh nghiệp rất hạn chế; Việc tỉnh phân cấp xã làm chủ đầu tư công trình dưới 3 tỷ đồng vẫn còn bất cập, do trình độ cán bộ cấp xã làm công tác xây dựng NTM không đồng đều, một số cán bộ năng lực còn hạn chế, yếu về kinh nghiệm, hơn thế nữa lại làm kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều…Việc nhân rộng mô hình sản xuất mới còn lúng túng; môi trường sống ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập.
Hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững
Giai đoạn 2016 – 2020 phải tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã, các huyện nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu “4 tốt hơn” đó là: Đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn, Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn, Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn, Đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.
Để làm được điều đó lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định sửa đổi và bổ sung một số chỉ tiêu, tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn NTM theo hướng điều chỉnh quy hoạch, cụ thể hóa từng tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, giáo dục, y tế, môi trường và Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Đối với huyện đạt chuẩn NTM bổ sung thêm 08 chỉ tiêu cấp huyện so với Bộ tiêu chí Quốc gia NTM cụ thể về Quy hoạch cần cụ thể hóa quy hoạch kinh tế – xã hội, có quy chế quản lý thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển liên kết vùng kinh tế. Đối với giao thông đạt tỷ lệ 100% đường trục huyện đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm; Đối với các tiêu chí điện, y tế, văn hóa, giáo dục hướng tới đạt chuẩn quốc gia 100%. Tổ chức sản xuất thông qua các đề án và chỉ đạo các mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, liên kết chuỗi nông sản (từ sản xuất đến tiêu thụ) bền vững; Đối với tiêu chí môi trường hướng tới các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, chế biến lương thực – thực phẩm gây ô nhiễm môi trường. Tại các điểm khu, cụm dân cư có điểm xử lý rác thải, nước thải tập trung, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tiến tới quy hoạch nhà ở nông thôn theo hướng hiện đại hóa nhưng vẫn giữ được các nét kiến trúc truyền thống của các vùng miền, các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh; Đối với hệ thống tổ chức chính trị xã hội cần có tỷ lệ cán bộ chuyên trách về NTM cấp huyện đạt chuẩn, các tổ chức chính trị – xã hội có đề án xây dựng NTM; Xây dựng hệ thống trật tự an ninh đủ mạnh để đẩy lùi các tệ nạn, an toàn cho xã hội.
Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng thực thi nó không chỉ có lãnh đạo các cấp mà cần có sự dốc sức của cả cộng đồng, sự chung tay của toàn xã hội nhiều hơn nữa, quyết tâm hơn để không dừng lại những điểm đạt được mà tiến lên ổn định một cách bền vững cho chương trình NTM. Quảng Ninh tiến tới một nông thôn mới luôn có cái mới, nông thôn phát triển bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, thích nghi với xu hướng của thời đại./.
Quy hoạch phát triển trang trại – tạo đà xây dựng nông thôn mớiQuảng Ninh hiện có gần 2.300 trang trại, thu hút khoảng gần một vạn lao động làm việc thường xuyên. Các trang trại hiện có tổng số vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, sử dụng hơn 19 ngàn ha đất, thu nhập hơn 67 triệu đồng/ha/năm.
Kinh tế trang trại ở Quảng Ninh phát triển đa dạng trên nhiều lĩnh vực thủy sản, nông nghiệp và lâm nghiệp, đang góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa mũi nhọn, tập trung quy mô lớn. Ở tỉnh đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, những mô hình mới trong phát triển kinh tế trang trại với cách quản lý khoa học, đưa các tiến bộ trong lai tạo giống, vật nuôi có hiệu quả cao vào sản xuất. Thông qua những mô hình này, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, từng bước nhân rộng, tạo ra những thay đổi trong đời sống Tới đây, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới và với lực lượng trên 4 vạn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, kinh tế trang trại Quảng Ninh có nhiều cơ hội, lợi thế phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần tạo ra diện mạo đổi thay tích cực của nông thôn và thực hiện thắng lợi mục tiêu hoàn thành chương trình quy hoạch xây dựng nông thôn mới trước năm 2020 của Nghị quyết Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã đề ra.”
|
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 5+6/2015