Viện Kiến trúc Quốc gia – 45 năm một chặng đường
Với truyền thống 45 năm hình thành và phát triển, Viện Kiến trúc Quốc gia tới nay đã trải qua nhiều lần chuyển đổi tên, phù hợp với từng giai đoạn, mang trong đó những ý nghĩa lớn lao, gắn với những dấu mốc quan trọng, nhu cầu và định hướng phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng của đất nước, ngành Xây dựng.
Từ chiếc nôi của Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, năm 1979, Viện Tiêu chuẩn hoá và Điển hình hoá xây dựng được thành lập, là cơ quan nghiên cứu kết hợp với quản lý về lĩnh vực tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá xây dựng.
Năm 1985, Viện đổi tên là Viện Tiêu chuẩn hoá và Thiết kế điển hình với vai trò là tổ chức đầu mối về công tác tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá trong xây dựng đầu tiên trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày thống nhất đất nước (1975), Viện vừa có chức năng quản lý, vừa có chức năng nghiên cứu trên toàn quốc.
Năm 1988, Viện đổi tên thành Viện Tiêu chuẩn hoá xây dựng, chính thức trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1996 Viện được hợp nhất giữa Viện Tiêu chuẩn hoá xây dựng và Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc. Viện được giao nhiệm vụ xây dựng định hướng và phát triển chính sách về kiến trúc, giữ gìn bản sắc dân tộc, hướng đến phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2007 Viện đổi tên thành Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia. Năm 2008, Viện hợp nhất thành Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị – nông thôn Quốc gia (2008-2013). Từ năm 2013 đến nay, trên cơ sở tổ chức lại, Viện có tên là Viện Kiến trúc Quốc gia. Viện có trụ sở tại 389 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Viện Kiến trúc Quốc gia có vai trò là Viện nghiên cứu đầu ngành về lĩnh vực kiến trúc mang tầm quốc gia, đồng thời cũng là Viện duy nhất đảm nhiệm công tác nghiên cứu về tiêu chuẩn hoá và điển hình hoá xây dựng của nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu lịch sử, lý luận và phê bình kiến trúc cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Viện.
Chuyên sâu về công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng, hàng năm, Viện thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu sự nghiệp kinh tế có chất lượng… Đây chính là những kho tàng dữ liệu quý giá, nền tảng cho việc số hoá dữ liệu kiến trúc sau này.
Viện Kiến trúc Quốc gia thời gian qua cũng đã khẳng định vai trò đào tạo với công tác đào tạo Tiến sĩ chuyên ngành Kiến trúc và tổ chức thi sát hạch cấp chứng chỉ hành phề kiến trúc.
Công tác thông tin truyền thông cũng rất được Viện quan tâm với tờ Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Tạp chí chuyên ngành Kiến trúc trực thuộc Viện. Trong 30 năm qua, Tạp chí đã trở thành một diễn đàn chuyên môn sâu sắc, có uy tín, là nơi hội tụ của những chuyên gia đầu ngành, chia sẻ những nghiên cứu, lý luận, phản biện khoa học chuyên ngành về quản lý và phát triển kiến trúc đô thị và nông thôn với hàng trăm chuyên đề chuyên sâu cùng các nội dung thông tin tiêu biểu, đặc sắc trong lĩnh vực sáng tác, thiết kế kiến trúc, quy hoạch, công nghệ, vật liệu mới, nội thất…
Ngày nay, từ nền tảng truyền thống, Viện Kiến trúc Quốc gia đã và đang kế thừa, tiếp nối, hướng đến chuyên sâu hoá, chuyên nghiệp hoá trong nghiên cứu khoa học và thực tiễn với nhiều sản phẩm cụ thể từ những dự án cải tạo, bảo tồn – trùng tu di tích, di sản, kiến trúc có giá trị đến thiết kế kiến trúc những công trình mới như: trụ sở làm việc; trung tâm văn hoá – thể thao cấp huyện, xã; khách sạn; trường học; bệnh viện…
Công tác nghiên cứu quy hoạch cũng đã đem lại các kết quả đáng kể. Dấu chân của các KTS VIAR đã đặt lên khắp mọi miền Tổ quốc qua nhiều đồ án quy hoạch từ miền cực Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Cạn… đến vùng Đồng bằng Bắc bộ: Ninh Bình, Hà Nam, Hoà Bình, Hải Dương, Hưng Yên… qua dải đất miền Trung nắng gió: Lâm Đồng, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Nghệ An, Thanh Hoá vào đến vùng đất phương Nam: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu,…
Mỗi cơ duyên, nhiệm vụ đến với các KTS, kỹ sư Viện Kiến trúc Quốc gia là sự trải nghiệm, học hỏi, chia sẻ, đóng góp, làm giàu và đẹp thêm cho mỗi vùng đất của Tổ quốc.
Đứng trước bối cảnh phát triển nóng, đòi hỏi công tác nghiên cứu phục vụ quản lý nhà nước phải tìm tòi những lối đi mới, đòi hỏi sự nhạy bén, bắt kịp với thực tiễn xã hội, với thị trường để thực hiện tốt vai trò nghiên cứu, phục vụ quản lý nhà nước một cách thực tế. Mỗi dự án, công trình dù nghiên cứu khoa học hay nghiên cứu hình thành sản phẩm thực tiễn đều là cơ hội đem đến những giá trị quý giá, ý nghĩa nếu nó được thực hiện nghiêm túc và cầu thị.
Canh giữ một địa hạt về Kiến trúc, Viện Kiến trúc Quốc gia hôm nay mang trong mình trọng trách lớn. Nghiên cứu và phát triển nó lại không thể chỉ một sớm một chiều, luôn cần được quan tâm, nuôi dưỡng, cần hoạch định những bước đi mới, định hướng rõ ràng.
Với bề dày truyền thống, con người và sức trẻ VIAR hôm nay sẽ bước tiếp chặng đường mới với những cống hiến và khát vọng mới./.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia