Vì sao nhà ga ngầm lại đặt cạnh Hồ Gươm?
(Tạp chí KTVN) – Theo tôi, nếu chọn đặt nhà ga ngầm cạnh Hồ Gươm thì chúng ta phải trả lời chính xác, khoa học câu hỏi: Nhà ga phục vụ đối tượng nào? Khu vực Bờ Hồ sẽ có những ai đi đến đây? Đến thời gian nào? Những nơi nào người dân cần đến? Người dân đến với UBND thành phố, phố cổ, đền Ngọc Sơn hay chỉ đơn thuần là đi dạo quanh Bờ Hồ…?
Nhà ga không chỉ đơn thuần là việc lên xuống tàu. Nếu nhà ga ở gần một khu công nghiệp, công nhân sẽ chen chúc nhau vào giờ đi làm, giờ khác sẽ rất vắng. Khu vực bờ Hồ cũng sẽ đặt ra những vấn đề tương tự và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Nếu là đi dạo, thăm thú Hồ Gươm thì hiện tại cho thấy khu vực này ngày thường không đông người. Vậy, tại sao nhà ga lại đặt cạnh Bờ Hồ? Vị trí đó có tiện cho nhiều đối tượng hay chỉ tiện cho 1-2 đối tượng?
Mặt khác, đã là nhà ga thì phải gắn với tuyến. Tại sao tuyến đó lại đi sát Bờ Hồ? Cái này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một là phải giải quyết nền đất yếu nếu sự cố xảy ra. Hai là phải giải quyết về mặt tâm linh và dư luận xã hội. Cần phải xem xét tuyến đường này đã hợp lý chưa? Đường là để đến và đi chứ không phải để tiết kiệm tiền. Mặt khác, thực chất bài toán kinh phí này có thật là đỡ tốn kém hay tiềm ẩn rủi ro vượt trội về kinh phí khi chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc tại khu vực nhạy cảm này?
Một nhà ga sẽ toả ra nhiều hướng, có khi có tới 4, 5 lối lên. Nhà ga hiện nay có 3 lối lên nhưng đều ngay sát Bờ Hồ. Nó cần phải toả rộng chứ không phải nằm vào một phía mà phía đó cũng không biết là phục vụ ai. Từ nhà ga này tôi đặt ra câu hỏi: Không biết những ga khác được nghiên cứu như thế nào? Khu vực Hồ Hoàn Kiếm vì tương đối nhạy cảm nên mới lấy ý kiến, còn các ga khác thì ra sao? Mỗi ga đều phải có sự nghiên cứu, đánh giá cẩn thận. Không thể vì tiện một con đường ở đấy thì sẽ có một nhà ga. Đường là phải phục vụ người đi, nếu chỉ lo cung mà cung không đáp ứng đúng cầu thì cung ấy vô ích. Nhưng hiện nay cách tiếp cận là “cho”, vì có “cho” thì mới có “xin”. Theo tôi là phải xem xét kỹ hệ thống nhà ga để đạt được hiệu quả cao nhất, đây là mong mỏi chứ không phê phán gì ai.
Theo một nghiên cứu thì tuyến tàu điện ngầm này khá trùng với hệ thống tàu điện nổi trước đây? Tuy nhiên, bản chất 2 loại hình giao thông này hoàn toàn khác nhau. Tàu điện nổi không thể tách rời con đường, cho nên nó phải đi theo đường. Tàu điện ngầm không phụ thuộc vào phía trên, lợi thế của nó hoàn toàn khác. Đây là 2 công nghệ hoàn toàn khác nhau. Nếu làm giống nhau thì không tận dụng được ưu thế của đi ngầm (dù 1 số yếu tố vẫn phải dựa vào địa hình trên mặt đất ví dụ như ống thông gió). Nhìn chung, ưu thế của tàu điện ngầm là kết nối mà không phụ thuộc vào mạng lưới đường, khác với tàu điện nổi. Xưa – Nay là khác nhau.
Tàu điện ngầm là một phương tiện giao thông công cộng mới ở Việt Nam, cho nên, không thể trách ai có kinh nghiệm hay không có kinh nghiệm! Hiện nay, mỗi tuyến đường sắt lại mời chuyên gia của các quốc gia khác nhau. Đây là do vấn đề đầu tư. Nếu bên nào cho vay thì phải sử dụng công nghệ của bên đó. Tuy nhiên phải cân nhắc lợi hại. Vay thì phải trả, ai cho không. Vay không có nghĩa là tài sản của người cho vay mà sản phẩm vay là tài sản của ta, ta phải làm chủ để tránh sau này cứ phải chạy theo họ. Chẳng hạn, mỗi nước có hệ thống tín hiệu dành cho tàu điện ngầm riêng. Tàu điện ngầm hoàn toàn phụ thuộc vào tín hiệu, chưa kể đến các trang thiết bị hay toa tàu. Vì vậy nên chủ động chọn một đối tác, chứ không thể phụ thuộc vào nhiều đối tác.
Mặt khác, hiện tại, tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội lại có 2 cơ quan quản lý, đó là UBND thành phố và Tổng cục đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải). Đây cũng là điều nên xem xét và thống nhất trong cách triển khai, quản lý và vận hành.
Trong quy hoạch đô thị, có phương thức gọi là TOD (Transit Orientation Development – Phát triển theo định hướng vận tải công cộng). Nghĩa là không bố trí mật độ xây dựng đều ở trong đô thị mà tập trung trong vòng bán kính 1km quanh các ga, trạm dừng vận tải công cộng. Tàu điện ngầm có dung lượng giao thông rất lớn so với mọi phương tiện vận tải khác, do đó ga tàu điện ngầm phải gắn với 1 khu dân cư có mật độ cao hơn bình thường.
Tôi nghĩ tuyến đường tàu phải đi xa Bờ Hồ hơn, đi lùi vào phía phố Ngô Quyền, lối lên Tràng Tiền, Nhà hát Lớn, Cung Thiếu nhi, UBND thành phố.
Tóm lại, một, nhà ga sẽ phục vụ những ai, bao nhiêu người, đi và đến giờ nào? Hai, đã là ga ngầm thì nhất thiết không thể có công trình nổi trên mặt đất vì như vậy sẽ làm thay đổi cảnh quan, không đúng với bản chất, mục tiêu đặt ra. Ba, đặt giả thiết gắn với an ninh quốc phòng, ga ngầm sẽ phục vụ những ai khi cần thiết? Bắt tay vào làm một việc lớn cần nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, tránh hậu họa sau này.
TS Phạm Sỹ Liêm/Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Nguyên Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam