Tuyến đường sắt đô thị số 2 với 2 lựa chọn
Tuyến đường sắt đô thị số 2 có ga C9 dự kiến đặt sát Hồ Gươm được đề xuất năm 2004 và công bố năm 2006. Sau 12 năm, Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, đô thị hóa mạnh mẽ đặt ra những thách thức mới và cơ hội mới nên rất cần được cân nhắc lựa chọn.
Lựa chọn 1: Ga C9 nên để gần hay xa Hồ Gươm?
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 14/11, khi đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) lo ngại đặt ga C9 sát Hồ Gươm sẽ biến khu vực này thành sân ga, đại diện Ban quản lý đường sắt Hà Nội giải thích: “Ga ngầm C9 hồ Hoàn Kiếm chỉ có vai trò trung gian, đáp ứng nhu cầu của dân địa phương, nhân viên làm việc các cơ quan trong khu vực, khách tham quan hồ Hoàn Kiếm. Có 178 tàu/ngày, với 38 hành khách mỗi tầu lên xuống tại ga C9. Tổng cộng mỗi ngày có 6.764 khách lên xuống tầu tại ga này… nên không xảy ra tắc nghẽn”.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, không gian quanh Hồ Gươm bao gồm 120.000 m2 mặt hồ và 80.000 m2 diện tích lòng đường, vỉa hè, thảm cỏ, cây xanh và các công trình kiến trúc trên đó.
Vào ngày đi bộ cuối tuần, trung bình ban ngày có khoảng 3.000 người đến 5.000 người, buổi tối khoảng 15.000 đến 20.000 người. Như vậy, diện tích trung bình 4 m2/người sẽ hợp ý cho việc đi bộ và tổ chức các hoạt động tập thể. Nếu thêm gần 7.000 người nữa vào thì chỉ còn đủ chỗ đi, không thể tổ chức sinh hoạt, nghỉ ngơi giải trí,… Nơi đây thực sự sẽ là sân ga.
Vào ngày thường, vẫn có ngần ấy người đi bộ nhưng lại có thêm hàng trăm ngàn cuộc di chuyển qua khu vực này bằng ô tô, xe máy,… Riêng khu vực quanh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến Nhà hát múa rối và phụ cân rộng khoảng 20.000 m2, hàng ngày dày đặc người đi lại, xe du lịch các loại đổ khách vào đây. Nay thêm ga tàu tầu điện ngầm thì diện tích bình quân còn lại 1-2 m2/người: ngày thường thường trực rối loạn, những ngày hội hè vốn đã thường xuyên “vỡ trận” giờ có thể trầm trọng hơn.
Đặt ga G9 lùi xa ra khỏi Hồ Gươm từ 300-500m làm tăng thêm không gian đi bộ tại khu vực vốn được thiết kế cảnh quan kiến trúc hấp dẫn việc đi bộ: vườn hoa, quảng trường rộng, công trình kiến trúc đẹp, vỉa hè rộng, cây xanh mát mẻ; một chuỗi các công trình công cộng và dịch vụ: nhà hát, bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, nhà hàng, khách sạn, Cung thiếu nhi,… lại khai thác tối ưu các tiện ích, hạ tầng dịch vụ đô thị và giải thoát rối loạn giao thông.
Đi vay hơn 35 ngàn tỷ đồng để mua tàu vận chuyển nhanh, khối lượng lớn mà năng lực vận chuyển lên và xuống ga C9 chỉ có 38 người/chuyến – ít hơn một ô tô du lịch 45 chỗ – là khó chấp nhận. Giả sử giá vé là 15.000 đồng với 7.000 khách/ngày thì thu khoảng 100 triệu đồng/ngày, liệu có đủ chi phí vận hành nhà ga và đoàn tàu?
Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2A Hà Đông – Cát Linh vay gần 19 nghìn tỷ đồng để đầu tư, chưa chạy chuyến nào nhưng phải trả lãi vay ít nhất 1,2 tỷ đồng/ngày. Tổng đầu tư tuyến số 2 lớn gấp 2 lần tuyến 2A, nội suy mỗi ngày trả lãi vay hơn 2 tỷ đồng/ngày.
Tuyến số 2 dài 11,5km, chạy qua 10 ga, mỗi ga sẽ phải thu từ tiền bán vé trung bình 200 triệu đồng/ngày mới đủ trả lãi vay, chưa nói đến chi phí vận hành, hoàn vốn đầu tư.
Đường sắt đô thị là món đầu tư lớn nhưng tương xứng với đồng tiền bát gạo thì phải vận chuyển nhanh, khối lượng lớn, tại bất cứ ga nào cũng cần thu hút hàng chục ngàn lượt khách lên xuống mỗi ngày. Đặt ga C9 sát Hồ Gươm mới có gần 7.000 lượt khách lên xuống đã phải dè chừng, vậy nếu đặt xa ra để có thể phục vụ 25.000-35.000 khách có hợp lý hơn không?
Không những thế, vị trí C9 ở xa không chỉ đáp ứng việc đi lại quanh Hồ Gươm mà còn phục vụ 1/3 dân số Hoàn Kiếm: vài trăm ngàn cư dân các phường Chương Dương , Phúc Tân, dọc theo tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, nơi có hàng chục tòa nhà mấy chục tầng đang xây dựng, nơi có hàng ngàn xe khách bên ngoài đi vào thành phố chạy qua tuyến vành đai này hàng ngày.
Lựa chọn 2: Ga C9 nên đặt ngầm hay trên cao?
Tháng 3/2018, Ban quản lý đường sắt Hà Nội trưng bày phương án tuyến ĐSĐT số 2 và nhà ga C9 đi qua khu vực gần đê, qua phố Nguyễn Hữu Huân, Ngô Quyền, Đại Cồ Việt,… và cho rằng “hầm ngầm không phù hợp với khu vực có đê sông Hồng và vị trí ga không hiệu quả”.
Tất nhiên là làm đường và ga ngầm sát đê thì quá nguy hiểm, nhưng làm trên cao thì đem lại rất nhiều lợi ích: kết hợp gia cố kết cấu đê bê tông; không gian gầm cầu làm nơi đỗ xe; ga trên cao kết nối các công trình trong và ngoài đê vô cùng thuận tietện linh hoạt.
Điều quan trọng hơn cả là thi công nhanh, an toàn, đơn giản, trong khi Việt Nam đã có kinh nghiệm làm chủ công kỹ nghệ xây dựng. Hiệu quả đầu tư rất cao do chi phí xây dựng ga – đường trên cao có giá thành thấp bằng 1/3 dưới ngầm, lại thu hút khách gấp 3-5 lần. Khả năng hoàn vốn và có lãi hơn nhiều lần làm đường và ga ngầm sát Hồ Gươm.
Vietnamnet