UBND TPHCM vừa ban hành Quy chế quản lý kiến trúc chung TPHCM. Theo đó, Quy chế quản lý kiến trúc chung TPHCM sẽ có định hướng phát triển cho các khu vực phát triển mới như khu đô thị (KĐT) cảng Hiệp Phước, KĐT lấn biển Cần Giờ, KĐT Tây Bắc…
Định hướng chung cho các khu đô thị mới
“Định hướng chung kiến trúc khu vực phát triển mới gồm các KĐT cảng Hiệp Phước, KĐT du lịch biển Cần Giờ, KĐT mới Tây Bắc… là kiến trúc hiện đại, tận dụng điều kiện địa hình, tự nhiên của từng khu vực” – Quy chế quản lý kiến trúc chung TPHCM mới nêu rõ.
Theo đó, nguyên tắc của quy chế là tập trung đầu tư xây dựng các khu vực đô thị mới có quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các công trình kiến trúc mới, hiện đại, sinh động, tạo nhịp điệu có chất lượng thiết kế tốt và thân thiện với môi trường; cảnh quan hài hòa với điều kiện tự nhiên của từng khu vực, tạo lập được môi trường sống tốt và đặc trưng riêng của từng KĐT mới. Đồng thời kiến tạo các không gian công cộng đô thị, bán công cộng có chất lượng, có giá trị về mặt cảnh quan của các KĐT này.
Ngoài các KĐT mới hình thành trong tương lai, TP cũng tiếp tục phát triển mạnh mẽ các KĐT tầm cỡ ở TPHCM. “Trung tâm phía nam TP (khu A – KĐT nam TP) là KĐT mới kiểu mẫu, đã, đang và tiếp tục được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Định hướng không gian cảnh quan, kiến trúc công trình xây dựng mới ở KĐT này cần đảm bảo tính kế thừa, hài hòa với không gian cảnh quan, kiến trúc các công trình đã được xây dựng” – Quy chế quản lý kiến trúc chung TPHCM nêu.
Hay như KĐT mới Thủ Thiêm sẽ là KĐT mới, hiện đại và mở rộng của khu trung tâm hiện hữu TP, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP, khu vực và có vị trí quốc tế. Là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm hiện hữu TP còn thiếu và hạn chế phát triển.
Quy chế quản lý kiến trúc chung TPHCM sẽ có định hướng phát triển cho các khu vực phát triển mới như KĐT cảng Hiệp Phước, KĐT lấn biển Cần Giờ, KĐT Tây Bắc…
Cần giải quyết nhiều vấn đề khi phát triển khu đô thị
“Phát triển các KĐT như KĐT Tây Bắc cần chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm, bên cạnh đó cần giải quyết những dự án chậm triển khai, treo nhiều năm ở các KĐT này” – ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, góp ý. Theo ông Ngân, chúng ta cần tập trung đôn đốc các dự án hoặc thu hồi các dự án chậm đó để chúng ta có mặt bằng, tránh việc lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực đất đai, đồng thời lưu ý bài toán nhân lực để phát triển KĐT.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng phát triển các KĐT ngoài các vấn đề quy hoạch cần quan tâm đến nhu cầu của người dân và bài toán phát triển bền vững của KĐT đó. “Tôi thấy có nhiều địa phương, nhiều nơi nôn nóng phát triển, nhất là các nơi vùng ven, muốn lên đô thị. Tất nhiên, đô thị hóa là bài toán hiển nhiên nhưng cần quan tâm đô thị hóa, phát triển KĐT thế nào là bền vững, người dân được hưởng tiện ích từ KĐT đó” – ông Cương nói.
Ông Cương đưa ra ví dụ: Người dân đang có cuộc sống, công việc ổn định, khi lên KĐT, KĐT lớn thì cuộc sống của họ đảo lộn, công việc thay đổi thì chúng ta phải đảm bảo công việc cho họ, cuộc sống của họ. “Phát triển lên KĐT cần đầu tư vào lĩnh vực nào, ra sao, chúng ta cũng đều phải tính toán đến sự ảnh hưởng của người dân ở khu vực đó. Bên cạnh đó, chúng ta cần có các chính sách để thu hút đầu tư, qua đó thu hút sự phát triển của các KĐT” – ông Cương nói.
Mỗi khu đô thị đều có đặc trưng riêng
KĐT Tây Bắc sẽ là KĐT sinh thái. Bao gồm bảy trung tâm lớn nhỏ. Mỗi trung tâm sẽ phát triển đặc trưng vừa riêng biệt mà vẫn có những điểm chung có lợi cho thương mại, công nghiệp, nghỉ dưỡng, quản lý, giáo dục và sống. Các không gian đô thị được chuyên biệt theo bốn chủ đề: Sống, làm việc, vui chơi, phát triển. Các không gian này được tổ chức đan xen hài hòa với không gian cây xanh, mặt nước tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn của toàn KĐT.
KĐT Hiệp Phước là KĐT cảng. KĐT cảng Hiệp Phước có ba giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (đầu tư vào các khu công nghiệp) đã xong; giai đoạn 2 (đầu tư hệ thống cảng và dịch vụ cảng) đang bồi thường (80%); giai đoạn 3 (phát triển một KĐT với quy mô gần 200.000 dân) đang chờ xử lý.
KĐT du lịch lấn biển Cần Giờ là đô thị du lịch. Dự án KĐT lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích gần 3.000 ha với tổng mức đầu tư 217.000 tỉ đồng.
KĐT mới Thủ Thiêm được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương lai của TP Thủ Đức và cả TPHCM.
Khu A của KĐT mới nam TP là KĐT mới kiểu mẫu. Không gian cảnh quan cần tận dụng được đặc điểm tự nhiên sông nước, tạo đặc trưng so với các khu vực có điều kiện tự nhiên khác của TP; khai thác, tôn tạo cảnh quan dọc kênh rạch; nghiên cứu giải pháp kết hợp đào hồ tạo cảnh quan.
KĐT Bình Quới – Thanh Đa là bán đảo sinh thái. Bán đảo ở quận Bình Thạnh này được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992 với diện tích khoảng 426 ha, mục tiêu trở thành KĐT mới với đầy đủ chức năng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.
Huy Vũ/Pháp luật TPHCM