Từ thành phố Buôn Ma Thuột nghĩ về bản sắc văn hóa đô thị Tây Nguyên
Đối với một thành phố xây dựng và phát triển trên địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống bao gồm: bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, duy trì sự phát triển tiếp nối của văn hóa truyền thống, phát huy văn hóa truyền thống trong điều kiện đô thị hóa và hiện đại hóa.
Thứ nhất, bảo tồn di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể. Các dân tộc thiểu số sở hữu di sản văn hóa vật thể tương đối khiêm nhường, chủ yếu là kiến trúc cư trú và vật dụng đời sống. Di sản văn hóa phi vật thể của họ phong phú hơn nhiều, với đặc điểm nổi trội là chưa có giới hạn rõ rệt giữa văn hóa dĩ vãng và văn hóa hiện tại.
Đối với di sản văn hóa vật thể, phù hợp hơn nếu đặt vấn đề bảo tồn không phải là di tích văn hóa và kiến trúc, như đối với các dân tộc khác (có giá trị trước hết về niên đại), mà bảo tồn những kiến trúc tiêu biểu hoặc điển hình, đặc biệt không gian cộng đồng buôn làng, cùng các đồ vật phục vụ đời sống và sản phẩm đặc trưng của văn hóa vật thể.
Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột
Không thể đặt vấn đề bảo tồn bất biến mô hình cư trú và mô hình cộng cư hiện hữu của các dân tộc thiểu số, cũng như hoàn toàn không thể bảo tồn bất biến, chỉ bởi hoài niệm, những ngôi làng cổ và cũ, với tư cách là những di sản kiến trúc và đời sống xã hội nông thôn, như Đường Lâm ở Hà Nội hoặc Phước Tích ở Thừa Thiên- Huế. Cũng vậy, mang tính thực tế và khả thi, khi chọn một vài buôn làng của dân tộc ít người, có những công trình kiến trúc đặc trưng và khung cảnh cộng cư đặc trưng, để bảo tồn lâu dài, không có những biến đổi lớn. Không thể và không nên bảo tồn buôn làng như một bảo tàng ngoài trời, mà phải bảo tồn trong sự tiếp nối cuộc sống của dân cư. Hễ cuộc sống bình thường tiếp tục, thì biến đổi là sự đương nhiên. Để bảo tồn và tiếp tục cuộc sống, nhất thiết phải có sự điều tiết phát triển.
Làng ở miền xuôi, buôn ở Tây Nguyên trong dòng tiến hóa tăng tốc, dứt khoát và không thể đảo ngược. Điều kiện sống, cộng đồng và cùng con người biến đổi, hình thái kiến trúc cư trú và cấu trúc cộng sinh biến đổi theo. Nhanh hoặc chậm, quá trình cải tiến, kế thừa, đảo thải, tiếp thu, bồi bổ và cách tân, sẽ diễn ra. Quỹ “gien” của giống nòi, bản sắc văn hóa, vừa bảo lưu vừa biến đổi, tìm đến những hình thái tồn tại và biểu hiện mới, song không dễ gì biến mất. Bảo tồn- hoài niệm- tiến bộ là một chuỗi tự nhiên.
Bảo tồn trước hết phải nhắm vào các đối tượng và những giá trị đích thực, thuộc về quá khứ của mỗi dân tộc và là tài sản của họ, chứ không phải là bảo tồn một cái gì đó “lừng chừng”, được tạo ra hoặc bị quy nạp một cách thiếu hiểu biết hoặc nhầm lẫn. Dân tộc học và nhân học cùng phương pháp luận lịch sử là nền tảng của các quan điểm bảo tồn và hoạt động bảo tồn. Trong hiểu biết phổ biến hiện nay, nói đến văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, là người ta nghĩ ngay và dựng ngay hình ảnh cái nhà “rông” hoặc, khi thưởng ngoạn âm nhạc Tây Nguyên, lại nghĩ ngay tới các ca khúc của Trần Tiến và Nguyễn Cường, tuy rất xuất sắc, song là những sáng tạo, sản sinh bởi những cảm xúc Cao Nguyên.
Nên chọn những buôn, những kiểu nhà thực sự đặc trưng, thực sự là sản phẩm của tiếp biến lịch sử, của đồng bào các dân tộc và bộ tộc Tây Nguyên, để giữ lại. Đối tượng này thì bảo quản theo bài bản bảo tàng học, đối tượng khác thì vừa để giới thiệu lại vừa để người dân sinh sống bình thường. Nên tránh dần mô hình những buôn làng bị “du lịch hóa” theo lối mòn, – buôn không phải là buôn, làng không phải là làng, phố không ra phố, mà là một cái gì đó không làm người ta tiếp cận được với cái “thật”. Văn hóa du lịch hiện nay chính là sự thâm nhập vào cái “thật” lịch sử và cái “thật” hiện hữu. Tuy nhiên, khai thác du lịch chưa hẳn là mục tiêu số một của bảo tồn và di sản văn hóa.
Các buôn ở thành phố Buôn Ma Thuột và Pleiku được xây dựng từ trong những năm 60 của thế kỷ trước, từ những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Về phương diện tiến hóa, chúng là những cấu trúc cộng cư có quy hoạch, có hình thái cư trú và hình thái cuộc sống chuyển biến vượt bậc so với lịch sử. Về phương diện đô thị, buôn ở đây là những thiết chế chuyển tiếp từ buôn sang thị. Trong hơn nửa thế kỷ qua, đồng bào đã bước vào quá trình đô thị hóa và thành thị hóa ở chừng mực và những hình thức nào đó, tuy chậm rãi, song thực sự họ đã bước vào. Những căn nhà dài ở đây đã cải tiến rất rõ so với những kiến trúc tương tự ở các buôn truyền thống. Lối sống và làm ăn cũng khác biệt.
Buôn trong và kế cận thành phố là những thực thể đặc trưng, sẽ còn tồn tại lâu dài trong sự chuyển hóa về hướng đô thị hóa và hiện đại hóa, không thể tránh nổi và không thể đảo ngược. Có thể đặt vấn đề giữ lại một – hai buôn có đặc điểm và giá trị hơn cả về các phương diện nào đó, song đối với tất cả vài chục buôn còn lại phải là cải tạo, thích ứng và hiện đại hóa.
Không thể chống lại quá trình hiện đại hóa tự thân, và cũng không thể chống nổi xu hướng người từ nơi khác đến mua đất và làm nhà. Mật độ xây dựng sẽ tăng và cảnh quan chung sẽ thay đổi. Chỉ có thể quản lý phát triển các buôn trong đô thị bằng cách chấp nhận những sự vận động tự nhiên của chúng, chủ động can thiệp bằng cách hoạch định các hướng phát triển sát thực tế và bởi vậy mang tính khả thi. Cần đưa ra những hướng dẫn để đồng bào chuyển đổi dần phương thức sản xuất, phù hợp hơn với điều kiện đô thị, cải tiến và thích ứng nếp sống và đặc biệt, hướng dẫn họ hiện đại hóa nhà ở và tổ chức không gian cộng cư đô thị hóa. Quản lý bằng sự hướng dẫn chứ không bằng mệnh lệnh ngăn cấm hoặc cho phép.
Các buôn hiện nay, nếu được cải tạo và hiện đại hóa bằng sự điều tiết, có thể trở thành những thực thể đô thị, ngang bằng và bình đẳng với các thực thể khác. Hơn thế nữa, chúng sẽ là những không gian xây dựng thấp tầng và xanh, góp phần hình thành sự chuyển hóa mềm từ thiên nhiên sang đô thị. Buôn, trong trường hợp ấy, sẽ góp phần quan trọng cho Buôn Ma Thuột có được diện mạo và hình thái đô thị không lặp lại.
Nhà dài của đồng bào Êđê phục dựng trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Thứ hai, bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trong điều kiện đô thị hiện đại. Ở đây cần xem xét hai cục diện: Sự duy trì và tiếp tục phát triển; sự phát huy và đóng góp cho phát triển thành phố với tư cách một nhân tố cấu thành đặc trưng.
Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiến hóa tăng tốc trong guồng của những vận động tự nhiên: miền xuôi hóa, đô thị hóa, thành thị hóa và cả quốc tế hóa. Những vận động trên sẽ diễn ra với tốc độ khác nhau, song chắc chắn là đồng thời. Chúng vừa tạo dòng chảy mới cho sự phát triển của cộng đồng của các dân tộc thiểu số, vừa tạo ra những thách thức to lớn đối với sự bảo lưu văn hóa của họ. Tiến hóa và biến hóa là tất yếu. Sự tiếp thu và đào thải, hội nhập sẽ làm nảy sinh những sắc thái và giá trị mới. Quỹ “gien” giống nòi và quỹ “gien” văn hóa dân tộc sẽ bồi bổ và phong phú lên, định hình ở giai đoạn mới. Chuyển về sống ở đô thị, ngay người miền xuôi, vốn có gốc thôn quê, cũng không dễ gì trở thành người thành thị. Bởi sống ở làng, họ quen hoạt động trong một không gian tương đối khép, họ quen với những cư xử và ứng xử giữa những người chung huyết thống hoặc bà con xóm giềng. Khi chuyển về đô thị, họ buộc phải sống giữa cộng đồng những người tứ xứ, khác nhau nhiều hơn là giống nhau, xử sự và ứng xử theo những ước lệ hoặc những gì đã thành luật. Văn hóa đô thị, hệt cái sàng và cái rây bột, gạn lọc dần, kết thành tinh và thành lớp. Người dân tộc ở đô thị, phải trải qua quá trình thích ứng nhọc nhằn và dài lâu hơn. Họ chuyển từ cái buôn, vốn chưa kịp định hình toàn diện như cái làng sang thẳng thành phố, một tổ chức cộng cư khác biệt tuyệt đối.
Người dân tộc, chủ nhân của địa bàn thành phố, vừa đứng trước nhu cầu duy trì và phát triển tự nhiên, lại vừa không thể tự tách mình ra khỏi cái dòng chảy đô thị hóa. Đô thị hóa khuôn khổ vật chất của cuộc sống đơn giản hơn nhiều so với đô thị hóa bản thân họ. Họ buộc phải chấp nhận sự biến đổi cho phù hợp với mô hình và những chuẩn mực của đời sống đô thị là chính, chứ họ không thể tác động đáng kể đến sự tạo dựng văn hóa đô thị đặc trưng cho thành phố. Có lẽ, chính sự chung sống của các cộng đồng dân cư từ các địa phương, trong đó có sự tham gia với những khác biệt nổi trội của cộng đồng dân tộc thiểu số, sẽ hun đúc văn hóa đô thị Buôn Ma Thuột có những sắc thái riêng.
Không thể ảo tưởng về sự bảo lưu bất biến những truyền thống văn hóa của người dân tộc thành thị hóa. Cũng không tưởng việc tồn tại song song mà không có hội nhập văn hóa của con người miền xuôi và văn hóa của người dân tộc. Hội nhập là quá trình tự nhiên, thành thị thúc đẩy và xúc tác hơn cả quá trình ấy.
Bảo tàng Đắk Lắk
Công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa đô thị đang diễn ra với vận tốc chưa từng thấy trong lịch sử, vừa tạo nên những quỹ vật chất -kỹ thuật- kiến trúc đô thị to lớn, vừa bộc lộ sự đồng nhất tương đối trong những chuẩn mực phát triển, cùng với đó là sự đơn điệu hóa, sự mờ nhạt dần những sắc thái riêng mà chúng ta vốn dễ dàng nhận ra ở mỗi thôn làng, ở mỗi vùng quê và thành thị xưa cũ.
Thực ra, quá trình vĩ mô hóa bản sắc văn hóa, bản sắc kiến trúc của những thiết chế cộng cư, từ thôn quê đến thành thị, đang tiếp biến mau lẹ, vượt quá khả năng tiếp nhận và tiêu hóa của chúng ta. Cả trăm năm, bản sắc lắng đọng chậm rãi trong dòng chảy của thời gian. Nay, bản sắc biến hóa, định hình vội vã trong dòng chảy vội vã và ngày càng tăng thôi thúc. Nặng trĩu bởi hoài niệm, chưa kịp tăng tốc để rượt đuổi nhịp chạy của thời gian, ta hoang mang: nơi này thì mất bản sắc, nơi kia thì không có bản sắc.
Không phải thế. Chẳng có ai mà không có bản thể. Chẳng có vùng đất nào mà không có những cái riêng, duy nhất của mình. Chẳng có thành phố nào mà không có những khác biệt trong so sánh, không có những cải tiến sát gần với hoặc đã kịp thấm đậm bản sắc. Buôn Ma Thuột, thành phố trẻ, thành phố phát triển nhanh, bộc lộ rõ bản sắc của mình. Điều này dễ nhận ra, nếu ta thật sự khách quan, nếu ta gạt bỏ định kiến và không nặng về hình thức.
Bản sắc văn hóa, bản sắc đô thị là sản phẩm của lịch sử, thời đại nào cũng ít nhiều tạo ra và để lại dấu ấn của mình. Bản sắc không bất biến, không tĩnh tại, mà biến đổi, vận động như một sự vật, vừa giữ vừa thải, vừa tiến hóa và vừa định hình, tuyệt đối không đóng băng. Bản sắc cần cho phát triển như một nhân tố động lực. Cần cho sự khẳng định trong cạnh tranh phát triển. Cần cho sự tiếp tục và cho sự sản sinh từ trường, mà mỗi đô thị có và phải là. Phát triển và bồi đắp bản sắc không bởi vì nó. Các yếu tố, từ ngoài vào và từ trong ra, hợp lực kết thành bản sắc. Ta chỉ có thể góp phần cho sự nảy nở và khẳng định bản sắc. Ta chớ nên đặt nó thành mục tiêu, bởi động cơ ấy dễ dẫn đến chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa thủ cựu. Nhất là trong kiến trúc. Chớ nên để hoài niệm, đứa con của tâm thức riêng tư, trở thành cái thước đo cứng nhắc, đem áp vào thân thể của mỗi thành phố, mỗi cộng đồng đô thị, vốn có cuộc sống chẳng hề giống ai.
Thời nay, hơn khi nào hết, cần dứt khoát chọn và lao thẳng về hướng phát triển. Thời mới, tầng bậc mới, ắt sẽ sản sinh bản sắc mới và những giá trị mới. Người Nhật Bản và người Hàn Quốc, càng tân tiến càng bộc lộ bản sắc, sâu và bền, dễ nhận biết.
Chúng ta hình như lo lắng có phần quá mức về duy trì bản sắc, điều đó có thể ngăn cản bước tiến lên, cái mà ta cần hơn cả ở thời nay.
Buôn Ma Thuột có những xuất phát điểm và những tiềm năng đủ sức mạnh sản sinh, để trở thành một thành phố có văn hóa đô thị và kiến trúc đặc sắc. Đó là:
– Tài nguyên thiên nhiên: một vùng đất bao la, màu mỡ và chưa bị khai thác nhiều; địa hình, địa thế và địa mạo phong phú, đặc sắc và tiềm ẩn những khả năng tạo diện mạo đặc trưng cho đô thị.
– Sức mạnh về tiềm năng kinh tế: cây công nghiệp ở thế đại canh và chuyên canh như cà phê, cao su, h ồ tiêu, cây ăn quả… là cơ sở cho một nền công nghiệp chế biến quy mô lớn và nổi trội.
– Tài nguyên nhân văn: cộng đồng các dân tộc thiểu số và các truyền thống văn hóa độc đáo, đặc biệt sống động của họ; sự cộng sinh của dân cư các vùng miền đất nước; sự ngự trị của sức mạnh tinh thần Cao Nguyên, thể hiện ở sức bật và sức vươn tới cái mới.
– Sự tích lũy và những giá trị kiến trúc đô thị đã được tạo lập trong một thời gian không dài và tương đối cơ bản. Đặc biệt đã bộc lộ những nét riêng.
Có thể nêu ra đây một số đặc điểm nổi trội của bức tranh kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột:
– Thành phố đang mở mang vượt tầm một đô thị hàng tỉnh, đô thị tỉnh lỵ, vươn rộng và mạnh ra các không gian mới, tạo ra những vùng đất gắn kết chặt chẽ bởi hạ tầng và thuận lợi cho xây dựng với qui mô lớn.
– Đặc trưng hình thái học đô thị và cảnh quan đô thị đã định hình khá rõ nét: Sự chuyển hóa mềm các không gian đô thị có mật độ xây dựng đặc và loãng khác nhau, có hình thái kiến trúc khác nhau; sự kết hợp khá nhuần nhị những biến thái của địa hình, địa mạo với kiến trúc của đường phố và ô phố; sự hiện hữu các không gian xanh có quy hoạch và được chăm sóc, bên cạnh các không gian xanh tự nhiên; bức tranh toàn cảnh của toàn thành phố nhìn từ trên cao gây nhiều thiện cảm, với sự hiện diện chủ yếu của các mái nhà dốc và lợp ngói đỏ, khác với nhều thành phố khác, ức chế ta bởi vô vàn những mái tôn và những bồn chứa nước inox.
– Kiến trúc mới xây dựng trong khoản 2 thập kỷ qua gây ấn tượng tốt về tính lành mạnh và sự mới mẻ về kiểu cách; không đến nỗi đập vào mắt những tòa nhà giả cổ kiểu Tây rất phổ biến ở miền Bắc; chất lượng thi công và hoàn thiện tốt.
– Thành phố được chăm sóc, xây cất khá quy củ, tính tự phát trong xây dựng chưa ở mức thách thức. Đã xuất hiện những đoạn phố, những không gian nhỏ có diện mạo thành thị. Trình độ thẩm mỹ đô thị có phần vượt nhiều thành phố hành tinh khác. Điều này nhận thấy rõ ở sự bài trí các tiệm cà phê, các nhà hàng, cửa hàng và văn phòng, ở không gian trung tâm thành phố…
– Về phương diện ngôn ngữ kiến trúc, ở Buôn Ma Thuột phổ biến sự vay mượn và biến tấu hình ảnh cái mái nhà dài của dân tộc Ê Đê. Trong một số trường hợp, giải pháp này có thể nói là thành công, do sự phù hợp với tính chất công trình, do sự tạo dáng tốt. Tuy nhiên nhận thấy khá nhiều trường hợp khiên cưỡng.
Hình dáng mái nhà có thể là một mô-tip thị sở để sáng tác và tạo ra nét riêng biệt về hình thức, đặc thù cho kiến trúc đô thị cao nguyên, song không đủ để tạo ra bản sắc cho kiến trúc Buôn Ma Thuột. Sự biến hóa trong kiến trúc hiện đại các đường nét đặc trưng của kiến trúc dân tộc Tây Nguyên chỉ có thể tạo nên những tín hiệu hình thức, dễ nhận biết và dễ nhớ, song không thể coi đó là biểu hiện đầy đủ của kiến trúc mới. Chúng ta có thể coi đó là biểu hiện thấm nhuần tinh hoa và tinh thần cốt lõi của văn hóa, của kiến trúc các dân tộc bản địa, mang và nhập chúng một cách tự nhiên vào sáng tạo kiến trúc ngày nay. Mọi sự nhại lại giới hạn với chủ nghĩa hình thức.
Đi theo chiều hướng nhại lại hời hợt hình thức, ta có thể logo hóa kiến trúc. Chỉ những công trình kết hợp nhuần nhị sự phát huy và sự tìm tòi, mới có thể trở thành sản phẩm đích thực. Một số ít trong số đó có thể trở thành logo cho thành phố.
Chỉ có thể xây dựng một thành phố có bản sắc, cả về đời sống cộng đồng thành thị và cả về diện mạo kiến trúc, nếu ta đi lên và kiến tạo nó từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, từ sự tích lũy văn hóa bản địa và văn hóa cộng đồng đặc trưng, từ quỹ kiến trúc đô thị đã hình thành và từ sự bộc lộ thị sở những ưu việt, từ những chủ trương và các chương trình mở mang thành phố có tính nhất quán và có tầm nhìn, những đòi hỏi và tìm tòi bền bỉ của giới sáng tác địa phương.
Điều này làm ta yên tâm hơn cả trong sự khởi sắc nhanh chóng của Buôn Ma Thuột và của đô thị Tây Nguyên khác, bộc lộ sự tìm tòi dẫn tới bản sắc./.
GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính
(Bài đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 28-2017)