11/10/2018

Trước nhà hát 1.500 tỷ ở TPHCM, Hà Nội đã có cả loạt dự án nhà hát nghìn tỷ đắp chiếu vì bị giới chuyên môn phê phán không ra gì

Nhiều năm qua, TP Hà Nội có nhiều dự án nhà hát với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ với nhiều kỳ vọng của người dân. Nhưng đến nay các dự án này vẫn chưa được triển khai.

Nhà hát Hoa Sen hiện đại bậc nhất thủ đô 

 

Cuối tháng 7 năm 2017, TP Hà Nội thông báo về chủ trương xây dựng nhà hát Hoa Sen trong khu công viên CV1 Cầu Giấy. Theo đó, sau khi hoàn thiện, đây sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô. Nhà hát có công suất 2.000 chỗ ngồi, tuy nhiên xung quanh nhà hát đảm bảo cho khoảng 25.000 người có thể vào vui chơi hàng ngày.

Công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước. Trong nhà hát có văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, công trình lại không nhận được sự ủng hộ từ phía người dân cũng như giới chuyên môn.

KTS Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam không đánh giá cao thiết kế nhà hát hoa sen – nhà hát opera sắp xây dựng tại Hà Nội vì bắt chước hoa sen quá sống sượng.

“Việc sử dụng hình tượng hoa sen thực như thế trong kiến trúc đã là xu hướng quá cũ, giờ trong kiến trúc hiện đại, chẳng ai còn làm như vậy nữa”.

Còn theo KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc sử dụng biểu tượng trong kiến trúc đã diễn ra nhiều năm. Điều đó cũng là chuyện bình thường. Chúng ta có thể dùng biểu tượng hoa sen, nón lá, rồng…

“Các công trình mang tính biểu tượng thì người ta thường phải dựa trên những hình ảnh quen thuộc nhưng khi dùng thì người ta phải khai thác cái tinh hoa, tinh thần của biểu tượng, những nét gợi lên hình ảnh bông sen, chứ chẳng ai lại làm một bông sen thật.

Mượn hình ảnh bông sen mà tả thực quá thì đó không phải là cách làm của kiến trúc hiện đại”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.

Hơn nữa, các KTS này cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam, nhà hát chúng ta có khá nhiều và riêng ở Hà Nội, chúng ta có Trung tâm hội nghị quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà hát chèo một số Nhà hát kịch nói, Nhà hát Âu Cơ và thực tế là hiện nay một số nhà hát vẫn “không sáng đèn”. Việc xây dựng thêm một nhà hát nữa chỉ gây ra lãng phí.

Nhà hát Opera chuẩn thế giới

 

Cũng tại buổi gặp gỡ đầu xuân với giới văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô năm 2017, chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng nhà hát Opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây và nghiên cứu khôi phục “tháp Effel nằm ngang của Việt Nam” là cầu Long Biên.

Theo đó, nhà hát này dự kiến được xây dựng tại phường Quảng An, quận Tây Hồ và được xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Chủ đầu tư nhà hát này cho biết, kiến trúc sư nổi tiếng của Ý được mời để thiết kế nhà hát này.

Thế nhưng cũng giống như công trình ở trên, nhà hát Opera không nhận được sự ủng hộ của người dân vì họ cho rằng nhu cầu về loại hình này của công chúng Việt Nam không nhiều. Xây dựng thêm một nhà hát chỉ gây lãng phí. Và cho đến nay, dự án này vẫn đang “án binh bất động”.

Nhà hát Thăng Long 8 năm chưa động thổ 

 

Từ năm 2010, vào dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, TP dự định động thổ nhà hát Thăng Long nằm trong trong quy hoạch khu đô thị mới Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ), quy mô khoảng 22ha.

Nhà hát Thăng Long bao gồm một khối biểu diễn hoà nhạc cổ điển từ 1.200-1.500 chỗ, một khối biểu diễn đa chức năng 1.800 chỗ. Ngoài ra, có không gian tổ chức biểu diễn ngoài trời.

Sở Xây dựng Hà Nội là chủ đầu tư nhà hát này. Tổng mức đầu tư dự án Nhà hát Thăng Long này ước tính hơn 2.398 tỷ đồng. Ban đầu do ngân sách nhà nước cấp.

Theo TP, vị trí nhà hát Thăng Long thể hiện được vị trí xứng tầm cho một công trình mang tính biểu tượng cho Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, góp phần tạo giá trị cảnh quan khu vực Hồ Tây, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân cả nước.

Cho đến nay đã hơn 8 năm, nhà hát Thăng Long vẫn chưa được động thổ.

P.D/Báo Lao động