19/05/2022

TPHCM siết xây dựng cao ốc cứu vãn hiện trạng giao thông

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại TPHCM, theo thông kê chỉ khoảng 13%, thấp hơn 10% so với quy chuẩn. Điều này đã dẫn đến hiện trạng hạ tầng đô thị quá tải, giao thông bị gián đoạn…

TPHCM sẽ siết chặt việc cấp phép, xây dựng các cao ốc để cứu vãn thực trạng giao thông. Theo đó, các dự án xây dựng cao ốc buộc phải hội đủ các điều kiện theo quy định mới được cấp phép xây dựng.

TPHCM sẽ xiết chặt việc cấp phép xây cao ốc tại các quận nội thành, để “cứu” giao thông

“Buông lỏng” cao ốc quá lâu

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã đề xuất và được Ủy ban nhân dân Thành phố đồng ý với phương án triển khai đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới, đặc biệt là cao ốc trước khi cấp phép xây dựng.

Cao ốc (bao gồm cao ốc văn phòng, nhà ở chung cư thấp tầng, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị – tiệc cưới…) phải thiết kế phương án kết nối giao thông, tính toán đánh giá nhu cầu giao thông phát sinh của công trình. Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động giao thông công trình đầu tư xây dựng, gửi cùng với hồ sơ dự án trình cho cơ quan chủ trì thẩm định.

Thống kê cho thấy, hầu hết các cao ốc tại TPHCM được xây dựng trong khu vực nội thành, khu vực trung tâm khiến tích tụ đông đúc lượng người đến cư ngụ, làm việc, tham quan, mua sắm, gây nên nhiều vấn đề về giao thông như kẹt xe cục bộ, kẹt xe giờ cao điểm, kẹt xe thường xuyên…

Tính bắt đầu từ khi có công trình cao ốc đầu tiên của TPHCM (Tòa nhà Saigon Trade Center 33 tầng nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, khánh thành năm 2007), từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 200 tòa cao ốc “chọc trời” ở TPHCM và chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, khu vực trung tâm, mua sắm sầm uất. Toàn Thành phố hiện có trên 1.000 tòa nhà cao từ 25 m, tập trung ở các quận 1, 2, 3, 5, 7, 9 và Thủ Đức.

Tổng chiều dài các tuyến đường ở TPHCM hiện nay hơn 4.500 km, mật độ 2,26 km/km2, bằng 1/5 quy chuẩn. Các chỉ tiêu như mật độ đường tỷ lệ diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị của TPHCM đều thấp hơn các thành phố tương đồng, đang phát triển khác trong khu vực, như Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan)…

Theo các chuyên gia về đô thị, nguyên do của tình trạng hạ tầng giao thông đô thị quá tải là vì từ trước đến nay, việc cấp phép xây dựng các cao ốc còn khá lỏng lẻo, có nơi khá dễ dãi, buông lỏng, thiếu sự phối hợp hoặc phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý như xây dựng, kế hoạch đầu tư, giao thông vận tải…

Tại TPHCM hiện nay không khó để thấy những cao ốc hiện diện tại những vị trí mà hạ tầng đã quá tải, tình trạng tập trung giao thông đông, kẹt xe. Có những tuyến đường trước đó, giao thông tương đối thông suốt, cũng có những tuyến đường thường xuyên kẹt xe, như đường Âu Cơ (quận 11, Tân Phú, Tân Bình), Sư Vạn Hạnh (quận 10), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)…

Khi các cao ốc như Trung tâm thương mại Vạn Hạnh Mall ở Sư Vạn Hạnh, hàng loạt trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới mọc lên trên đường Âu Cơ, đường Phan Văn Trị đã khiến tình trạng giao thông vốn không khả quan càng phức tạp hơn, ùn tắc giao thông xảy ra nhiều hơn, thường xuyên hơn.

Các cao ốc “chen lấn nhau” mọc lên khiến giao thông tại TPHCM trở nên tê liệt

Các khu vực khác như Tân Cảng, Tôn Đức Thắng – Ba Son (Q.1, Q. Bình Thạnh), Phổ Quang (Q. Tân Bình), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q. Tân Bình, Q. Gò Vấp), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, huyện Nhà Bè),… là những nơi tập trung dày đặc cao ốc, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra.

Siết quản lý xây cao ốc

Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, từ trước tới nay, Sở chủ yếu dựa vào tính chất, quy mô dự án, hiện trạng hạ tầng để đề nghị các bên xem xét trước khi duyệt, mà không thể yêu cầu ngưng triển khai. Đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, việc đánh giá tác động giao thông của Sở chỉ có ý nghĩa xem xét, đề xuất biện pháp giảm tiêu cực…

Theo phương án của Sở Giao thông vận tải được UBND TPHCM đồng ý, kể từ tháng 5/2022, Thành phố quy định tất cả dự án xây dựng (cao ốc, chung cư, trung tâm thương mại…) phải có phương án kết nối giao thông, tính toán nhu cầu đi lại phát sinh. Với những công trình lớn, phải bổ sung đánh giá tác động giao thông từ khi quy hoạch, lập dự án, để xác định quy mô đầu tư và đưa ra các biện pháp giảm tiêu cực… Việc đánh giá tác động giao thông sẽ dựa vào quy mô, diện tích dự án.

Cụ thể, chung cư hoặc khu nhà thấp tầng, nhà nghỉ, khách sạn, yêu cầu diện tích sàn tối thiểu 50.000 m2; trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, siêu thị, diện tích sàn từ 10.000 m2. Đối với các công trình xây nhà hàng, tiệc cưới, yêu cầu diện tích tối thiểu từ 5.000 m2. Văn phòng làm việc, yêu cầu diện tích sàn từ 15.000 m2… Nếu các đánh giá không đạt yêu cầu, dự án sẽ không được đầu tư, hoặc triển khai theo giai đoạn để phù hợp thực tế.

Phạm vi đánh giá tác động giao thông: Các quận nội thành bán kính là 0,5 km; các huyện ngoại thành và quận vùng ven (Bình Tân, Thủ Đức…), bán kính là 0,3 km.

Vấn đề cấp phép xây dựng các dự án cao ốc, nhà chung cư cao tầng đã từng được bàn thảo cũng như phản biện của các chuyên gia, giới khoa học, dư luận và các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố. Trước đó, tại kỳ họp cuối năm tháng 12/2016 Hội đồng nhân dân TPHCM, đại biểu Tô Thị Bích Châu đã yêu cầu Sở Xây dựng làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng, nhất là các trung tâm thương mại tại nội thành có tính tới việc kẹt xe, ùn tắc giao thông hay không.

Theo bà Bích Châu, Thành phố xây dựng nhiều cao ốc và theo lý thuyết là phù hợp quy hoạch. Nhưng các trung tâm thương mại đã xây xong, kẹt xe xảy ra hàng ngày và trở thành vấn nạn của Thành phố. Sở Xây dựng tham mưu thế nào để giải quyết cho các công trình mới, chứ chưa nói đến công trình cũ?

Theo số liệu Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được trình bày vào tháng 5/2019, đất dành cho giao thông TPHCM chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20 – 26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1%, trong khi yêu cầu phải là 3-4%.

Xuân Nghi/VnEconomy