28/10/2021

TPHCM sẽ có khu đô thị ngầm giữa trung tâm

Khu trung tâm TPHCM rộng 930ha dự kiến sẽ khai thác không gian ngầm dưới các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, công viên Bến Bạch Đằng và công trường Mê Linh phục vụ đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và người dân về Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TPHCM, trong đó có đề cập đến không gian ngầm trong khu trung tâm 930ha.

Riêng tại khu vực nội thành 930 ha, trong Công trường Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng… (quận 1) sẽ được quy hoạch thành các không gian ngầm phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm, giải trí của người dân.

Cụ thể, phía dưới đường Nguyễn Huệ sẽ là trung tâm thương mại ngầm tại tầng hầm đầu tiên và hai hoặc ba tầng giữ xe ở phía dưới.

Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và các kiosk diện tích tối đa 60m2 và các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm.

Dọc hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, quảng trường, công viên mini… phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn.

Khu vực công trường Mê Linh sẽ được xây dựng vườn trũng ở tầng ngầm, xung quanh có quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ….

Vườn trũng kết nối bãi đậu xe ngầm đường Tôn Đức Thắng sức chứa hơn 300 ôtô gồm hai tầng hầm, nằm cách đó 100m phía nam đường đường Ngô Văn Năm. Đây cũng là nơi kết nối các công trình ngầm các tòa nhà xung quanh trong tương lai.

Đường ngầm Tôn Đức Thắng có hai làn xe mỗi hướng. Hầm sẽ được thông gió tự nhiên nếu được cho phép. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có ba trạm xe bus gồm trạm LRT và trạm taxi thủy kết nối người đi bộ giữa các trạm với vườn trũng.

Phương tiện đi từ bãi đậu xe đến Công trường Mê Linh phải được đảm bảo an toàn qua lối vào bố trí tại tầng hầm thứ nhất vốn sử dụng cho dịch vụ và bảo trì của các cửa hàng thương mại bên dưới Công trường Mê Linh. Lối đi bộ được bố trí từ bãi đậu xe tới Công trường Mê Linh qua tầng hầm thứ nhất.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, khu trung tâm hiện hữu sẽ cân đối một cách hợp lý việc phát triển cao tầng ở khu vực lõi trung tâm, giảm bớt sự quá tải lên cơ sở hạ tầng hiện trạng, đồng thời hạn chế các tác động xấu đối với cấu trúc đô thị và các giá trị văn hóa-xã hội, các di sản kiến trúc.

Việc phát triển cao tầng chủ yếu tại khu vực tam giác Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Hàm Nghi và một số điểm nhấn như vòng xoay chợ Bến Thành, trục Lê Lợi nối dài…Toàn bộ khu vực này được quy hoạch phân chia thành 5 phân khu.

Phân khu 1 là sẽ kết nối các không gian trong khu vực, phát triển khai thác hiệu quả sử dụng của hệ thống các tuyến Metro. Xem xét tăng tối đa hệ số sử dụng đất, lấy không gian mở tại công viên 23/9 làm điểm nhấn chính trung tâm kết nối với các các không gian quảng trường, không gian ngầm, trục đi bộ…

Phân khu 2 là khu vực tập trung nhiều các công trình có chức năng văn hóa – lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, diện tích khoảng 212,2 ha.

Trong các khu vực gần công trình lịch sử, gồm Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm thành phố, chợ Bến Thành, được kiểm soát tầng cao xây dựng để bảo tồn cảnh quan lịch sử vốn có.

Đối với đường Lê Duẩn, sẽ khống chế chiều cao và hình thái công trình để không cản trở tầm nhìn giữa Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên.

Phân khu 3 là khu dọc theo sông Sài Gòn (bờ tây), trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, diện tích khoảng 248,34ha. Tập trung phát triển cao tầng ở một số điểm phù hợp thu hút đầu tư vào các khu vực dọc bờ tây sông Sài Gòn.

Khu vực này sẽ mở không gian đô thị về phía sông, dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng cho không gian đi bộ và xe điện, chuyển đường Tôn Đức Thắng xuống hầm. Không gian mở công cộng hướng ra sông từ cảng quận 4 đến Tân Cảng.

Phân khu 4 là khu vực có nhiều các công trình loại hình nhà biệt thự, thuộc một phần quận 1 và quận 3; diện tích khoảng 232,3ha.

Phân khu 5 là khu vực lân cận phân khu 1 về phía nam, với đa sốlà dạng nhà phố hiện hữu, thuộc một phần quận 1 và quận 4; diện tích khoảng 117,5ha.

Trong khu lân cận sẽ cho phép phát triển công trình cao tầng ở các khối gần với nhà ga Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé, và đoạn nối dài của đường Nguyễn Thái Học sang quận 4 – những nơi bố trí chức năng văn phòng và thương mại. Với các ô phố gần nhà ga Bến Thành -nơi tập trung 4 tuyến UMRT, xe buýt và BRT, sẽ cho phép chiều cao tối đa công trình hơn 200 m.

Ánh Dương/BXD