TPHCM muốn xây bảo tàng nghìn tỷ: Bao nhiêu bảo tàng rồi?
“Trong bối cảnh ngân sách của Thành phố còn hạn chế, cần phải ưu tiên những vấn đề trọng điểm như bệnh viện, giao thông, môi trường…”
Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM vừa có tờ trình gửi Thường trực UBND TP về Đề án xây dựng Bảo tàng Thành phố. Sở này đề xuất xây Bảo tàng Thành phố rộng 8 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng tại Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc, quận 9.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, đề án trên thể hiện mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP về xây dựng một công trình văn hóa chuyên ngành có giá trị tiêu biểu, có quy mô, kiến trúc phản ánh được những đường nét kiến trúc nghệ thuật Việt Nam, cư dân Nam Bộ.
Trao đổi với Đất Việt, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho biết, ông cảm thấy khó hiểu trước đề xuất xây dựng Bảo tàng Thành phố của Sở Văn hóa – Thể thao.
Ông Cương liệt kê, hiện tại trên địa bàn Thành phố đã có hàng loạt các bảo tàng lớn nhỏ, ví dụ: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảo tàng Thành phố trên đường Lý Tự Trọng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trên đường Võ Văn Tần, Bảo tàng Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Tôn Đức Thắng trên đường Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ trên đường Võ Thị Sáu, Bảo tàng Y học cổ truyền trên đường Hoàng Dư Khương…
“TPHCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp thiết, cần được giải quyết nhanh chóng như tình trạng kẹt xe, ngập úng, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục… Những vấn đề này đang kìm hãm sự phát triển của Thành phố.
Do vậy, những gì chưa phải là cấp thiết thì chưa vội làm, chúng ta có thể sử dụng số vốn đó cho những mục đích khác, thiết thực hơn, có ích cho sự phát triển chung của Thành phố”, TS. Cương nêu quan điểm.
Theo TS.KTS Võ Kim Cương, TPHCM đang chịu sức ép về vốn, nhiều công trình chống ngập, metro chậm tiến độ, nhiều dự án chỉnh trang đô thị chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, cần phải ưu tiên những vấn đề trọng điểm như bệnh viện, giao thông, môi trường…
Vị chuyên gia nhấn mạnh, những đề án nằm ngoài chương trình đột phá của Thành phố thì nên tạm gác lại. TPHCM nên tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các đề án nằm trong chương trình đột phá.
“Cần đặt ra câu hỏi, việc xây dựng Bảo tàng Thành phố vào thời điểm này có thực sự cần thiết hay không? Càng về sau, khi mà Thành phố đã phát triển, các vấn đề trọng điểm của Thành phố đã được giải quyết thì lúc ấy sẽ có đủ nguồn lực, đủ điều kiện để làm tốt hơn các công trình mang tính biểu tượng, văn hóa”, ông Cương nói.
Theo đề án của Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, Bảo tàng Thành phố có tổng diện tích khoảng 52.000 m2, gồm khối trưng bày chính (5 chủ đề về vùng đất Sài Gòn từ trước thế kỷ XVII cho đến nay) và khối trưng bày chuyên đề (lịch sử – xã hội; văn hóa – nghệ thuật, nhân vật lịch sử – văn hóa…).
Đây cũng là nơi trưng bày có thời hạn các chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị ngoại giao, giới thiệu hiện vật mới. Không gian trưng bày ngoài trời sẽ có các hiện vật thể khối lớn; không gian khám phá sáng tạo dành cho học sinh – sinh viên, thiếu nhi…
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020-2025.
Do đây là công trình trọng điểm, Sở Văn hóa – Thể thao TP kiến nghị được áp dụng một số cơ chế đặc thù như: Cho phép mời tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, có thể mời tư vấn nước ngoài, đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc để lựa chọn nhưng không tổ chức thi quốc tế.
Bảo tàng Thành phố hiện tại được đề xuất tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên. Do công trình này đã xuống cấp nên sẽ được trùng tu, cải tạo một số hạng mục cấp thiết nhất và sẽ trở thành chi nhánh của bảo tàng mới.
Ngọc Hà/Báo Đất Việt