Tọa đàm hưởng ứng chào mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1948-2023)
(KTVN) – Vừa qua, hưởng ứng kỷ niệm 75 năm thành lập Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Chi Hội Kiến trúc sư Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nghề nghiệp Kiến trúc sư.
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cùng Ban lãnh đạo Viện; các thành viên Ban Chấp hành Chi hội Kiến trúc sư VIAr; các KTS là hội viên chi hội và các KTS trong toàn Viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện. TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư chủ trì buổi tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia chúc mừng Chi hội Kiến trúc sư cùng toàn thể KTS của Viện, mong rằng chi hội luôn có sáng tạo, chất lượng, cống hiến những tác phẩm kiến trúc mang tầm thời đại, tham gia thi tuyển nhiều hơn và đạt nhiều giải thưởng cao về kiến trúc. Ban lãnh đạo Viện luôn đồng hành với các KTS vì đây là nhân tố nòng cốt của Viện Kiến trúc Quốc gia, đồng thời, thay mặt cán bộ, viên chức người lao động có lẵng hoa tươi thắm chúc mừng, cảm ơn những đóng góp của Chi hội Kiến trúc sư Viện.
Thay mặt Chi hội Kiến trúc sư và các hội viên, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Nguyễn Tất Thắng ôn lại kỷ niệm cách đây 75 năm tại thôn Thản Sơn, xã Liên Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 27/4/1948 – Bác Hồ gửi thư cho các Kiến trúc sư nhân Hội nghị lần thứ Nhất. Sau này, ngày 27/4 đã chính thức là ngày Kiến trúc Việt Nam theo Nghị định 67-NV ngày 6/3/1958 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Với mục đích, tôn chỉ của Hội Kiến trúc sư Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quản lý của Nhà nước, hoạt động của Hội góp phần vào xây dựng đất nước; tập hợp, đoàn kết và phát huy tài năng, trí tuệ của Kiến trúc sư phụng sự Tổ quốc.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng, Nghiên cứu viên Cao cấp, người có bề dày kinh nghiệm, có thời gian trải nghiệm nghề nghiệp gần 40 năm qua chia sẻ: Các tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm được coi là hoạt động thường niên hằng năm của Chi hội Kiến trúc sư Viện Kiến trúc Quốc gia.
Hằng năm, Viện Kiến trúc Quốc gia cũng như chi hội đều tổ chức các tọa đàm hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời khích lệ động viên tinh thần của các Kiến trúc sư trong Viện. Các thành viên chi hội cũng đã luôn tích cực tham gia viết các bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí khoa học chuyên ngành. Nhiều sản phẩm của các các KTS Viện KTQG trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng thực tiễn, cuộc thi, giải thưởng… đã được vinh danh.
ThS.KTS Vũ Đình Thành Phó Viện trưởng có truyền đạt, chia sẻ quy trình làm việc hướng đến thực hiện, kinh nghiệm phát triển ứng dụng BIM trong lập dự án, thiết kế kiến trúc công trình. Cơ sở pháp lý được biết đến tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và Quyết định 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Chính phủ phê duyệt đề án áp dụng mô hình thông tin công trình BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý công trình xây dựng.
Theo đó, tiến tới các dự án xây dựng công trình theo phân loại, phân cấp công trình xây dựng được xác định căn cứ vào tính chất kết cấu và công năng sử dụng, quy mô, mức độ quan trọng, thông số kỹ thuật công trình bắt buộc phải được ứng dụng theo quy trình BIM, chi phí tư vấn và quản lý dự án có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Đặc biệt, KTS Vũ Đình Thành cũng nhấn mạnh không phải bất kỳ Kiến trúc sư nào cũng bắt buộc phải giỏi về BIM vì vậy mỗi KTS với vị trí công việc cụ thể, ví dụ KTS làm công tác quản lý điều hành thì sẽ có hiểu biết ở các cấp độ, phạm vi ứng dụng, khai thác trên nền tảng công cụ BIM (BIM TOOLS) và các phần mềm khác cũng ở mức độ khác nhau.
ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng trình bày, chia sẻ kinh nghiệm từ các báo cáo, thực tiễn trong xây dựng quy chế quản lý kiến trúc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cụ thể thành phố Hà Giang. Quy chế được lập dựa trên 3 nội dung chính cần làm nổi bật đó là: Bối cảnh, một số vấn đề thực tiễn trong công tác lập quy chế quản lý kiến trúc, và một số kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền.
Qua triển khai nghiên cứu Quy chế quản lý Kiến trúc tại TP Hà Giang, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị đối với địa phương khi thực hiện nghiên cứu lập Quy chế quản lý Kiến trúc như:
Thứ nhất, thực hiện nghiên cứu khoa học về thực trạng, đặc điểm không gian cảnh quan, kiến trúc, văn hóa và quản lý đô thị, nông thôn tại địa phương đó. Thực hiên nghiên cứu này từ nguồn khoa học công nghệ địa phương. Điều này giúp cho tư vấn và cán bộ địa phương tìm được những điểm chung trong quan điểm xây dựng quy chế, đồng thời cũng giúp cho tư vấn hiểu được địa bàn một cách bài bản, thấu đáo.
Thứ hai, thực hiện khảo sát, lập hồ sơ và phê duyệt danh sách các công trình kiến trúc có giá trị (bao gồm những công trình di sản, di tích đã được công nhận và những công trình kiến trúc mới có giá trị). Đây là một nội dung quan trọng mà khung quy chế do Bộ Xây dựng hướng dẫn các điều khoản. Tuy nhiên, hiên nay rất ít địa phương thực hiện nội dung này.
Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu cơ bản và tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng, về: lịch sử hình thành và phát triển kiến trúc truyền thống Việt Nam qua các thời kỳ, của mỗi tộc người, của từng vùng miền trong giai đoạn cận đại; tập hợp và biên tập hê thống hóa các tư liệu về các thành tựu và các giá trị kiến trúc truyền thống, quỹ kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ./.
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm:
Đức Nguyên