Tổ chức không gian bến cảng làng ngư dân ven biển
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Xu hướng phát triển không gian bến – cảng cá trong các làng ngư dân hiện nay là một nhu cầu khách quan theo tiến trình phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển. Để hình thành các không gian bến cảng đảm bảo vận hành tốt và phù hợp với vùng biển Việt Nam cần có những nghiên cứu về quy hoạch bến cảng Phát Triển Bền Vững và có khả năng thích ứng với Biến Đổi Khí Hậu – Nước biển dâng. Giải pháp đề xuất nêu ra dựa trên sự khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, kinh tế xã hội của địa phương đồng thời phù hợp với hoạt động vận hành công nghiệp cơ giới hóa hiện đại. Rất cần những nghiên cứu một số vấn đề cơ bản về giải pháp quy hoạch tổ chức không gian chức năng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường và quản lý vận hành.
THỰC TRẠNG CÁC LÀNG NGƯ DÂN VEN BIỂN VÀ HỆ THỐNG BẾN – CẢNG CÁ CỦA CÁC LÀNG NGƯ DÂN VEN BIỂN
Kinh tế biển được chọn là một trong những ngành mũi nhọn của nước ta, trong đó nghề khai thác hải sản có sự đóng góp không nhỏ. Đây là nghề mang đặc thù tại các vùng đất, bãi ngang hay vùng cửa sông, ven biển,…
Nghề khai thác hải sản của ngư dân mang tính truyền thống, cha truyền con nối và gắn liền với dân cư ven biển. Vị trí xây dựng các làng cá thường có điều kiện tự nhiên thuận lợi như gần ngư trường khai thác, ít bị ảnh hưởng của sóng gió đồng thời có bến bãi, luồng lạch tốt để sản xuất, đi lại. Quy mô của làng cá thể hiện ở số lượng tàu thuyền thường tập trung và sản lượng lên bến… Khai thác hải sản thường gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá như đóng sửa tàu thuyền, sản xuất nước đá, ngư lưới cụ, các cơ sở chế biến thủy sản… Về văn hóa xã hội, mỗi làng thường có những lễ hội cầu ngư riêng mang đậm bản sắc văn hoá dân gian, qua đó tạo thêm sự đoàn kết trong cộng đồng ngư dân.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay các làng ngư dân đang gặp không ít khó khăn như: Hệ thủy sản gần bờ giảm; Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần đang bị quá tải; Diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gần đây đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất khai thác, sức khỏe, tài sản và sinh mạng của ngư dân…
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 20 công trình cảng cá trung tâm vùng lãnh thổ, 84 công trình cảng cá địa phương và 101 công trình bến cá. Đa số mỗi cảng cá đều có các hạng mục: Bến đậu tàu, chợ cá và xưởng sản xuất nước đá.
Hầu hết hệ thống cảng cá bến cá hiện nay ở nước ta vẫn chưa phát triển đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xuất cập bến của tàu cá. Các hạng mục dịch vụ khác như xưởng sơ chế, kho lạnh, kho xăng dầu vẫn còn thiếu và chưa có sự đồng bộ. Khu vực bến – cảng cá đang phải đối mặt với tình trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường sinh thái. Nhiều bến cảng cá có mặt bằng chật hẹp, lầy lội, thiếu nguồn nước, không có hoặc thiếu người làm các công tác vệ sinh… là nơi tập trung nhiều loại chất thải rắn, nước thải, khí thải và tiếng ồn. Theo các chuyên gia, mức độ ô nhiễm BOD, COD, SS (chất keo tụ)… ở các cảng cá cao hơn mức cho phép rất nhiều lần.
Hoạt động của các cảng cá còn nhiều vướng mắc để triển khai, cơ sở vật chất, các phương tiện thông tin liên lạc với tàu cá, thông tin ngư trường, thiên tai, cứu nạn đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sản xuất của đội tàu khai thác hải sản.
Hệ thống cảng, bến cá ở nước ta hiện tại đa phần đều là dạng bến tự nhiên quy mô nhỏ, chỉ có vùng nước neo đậu và bến cập tàu. Sự tranh giành cập bến giữa các tàu thuyền, bốc dỡ hàng hóa và sản phẩm khó khăn, trật tự an ninh không đảm bảo, cần tổ chức không gian bến cảng để tăng quy mô, khả năng hoạt động và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Các cảng bến cá chưa đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn do đó cần phải tổ chức môi trường, cảnh quan, thiết lập hệ thống kỹ thuật hiện đại. Công tác quy hoạch cảng biển đã bộc lộ nhiều yếu kém và thiếu bền vững, không ít cảng xây ở nơi mà luồng lạch ra vào không thích hợp, để rồi phải nạo vét hoặc làm luồng lạch mới, dẫn đến lãng phí kinh tế và tài nguyên quốc gia. Vì vậy, yêu cầu về việc tổ chức không gian bến cảng cá theo hướng phát triển bền vững trở nên cấp thiết. Đặc biệt là những bến – cảng cá có quy mô đạt tiêu chuẩn cho các loại tàu khai thác hải sản xa bờ, công suất lớn cập bến.
MỘT SỐ CƠ SỞ CẦN THIẾT CHO VIỆC ĐỀ XUẤT
Một số khái niệm cơ bản: Bến – cảng cá: là nơi chuyên dùng cho tàu cá ra, vào neo đậu, bốc dỡ thủy sản, tiếp nhận các dịch vụ hậu cần nghề cá; sửa chữa tàu thuyền, cung cấp ngư cụ, nhiên liệu, bảo quản sản phẩm, đầu mối lưu thông và phân phối các sản phẩm khác. Ngoài ra, còn là nơi quản lý tàu thuyền hoạt động khai thác, cung cấp các thông tin về ngư trường, thiên tai, cứu nạn… Cấu trúc cơ bản bao gồm: vùng đất bến cảng, cầu cảng và vùng nước đậu tàu. Vùng đất bến cảng: là vùng đất được giới hạn để xây dựng cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước, các công trình phụ trợ khác; Cầu cảng: là vùng giới hạn để tàu cập cảng, bốc xếp hàng hóa; Vùng nước bến cảng: là các vùng nước trước cầu cảng, vùng neo đậu tàu cá và luồng vào, vùng nước giành cho hoạt dộng dịch vụ cung ứng nghề cá.
Phân loại: Các cảng cá được phân ra gồm: Cảng cá loại I, Cảng cá loại II và Bến cá. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể cảng cá đã được phê duyệt, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể các điều kiện kinh tế – kỹ thuật đối với từng loại cảng cá. Hình thức hoạt động: Các cảng cá, bến cá do Nhà nước đầu tư hoạt động theo hình thức sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Các cảng cá, bến cá do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2005 và các quy định của pháp luật hiện hành.
Định hướng quy hoạch xây dựng phát triển: Theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 nước ta sẽ có 211 cảng cá, bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng, bến là 2.360.000 tấn/năm. Trong đó, tuyến bờ 178 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2.145.000 tấn/năm. Qua đó hệ thống cảng cá, bến cá sẽ dần được hoàn thiện và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của ngành khai thác hải sản. Bến – cảng cá được xây dựng tại các cửa sông lớn, vịnh biển kênh, rạch, eo vịnh, đầm và gần ngư trường trọng điểm, tập trung tàu cá của nhiều tỉnh, vùng trong tỉnh đến khai thác thủy sản; là đầu mối phân phối hàng thủy sản tại khu vực, gắn liền với trung tâm công nghiệp thủy sản, tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương; Trang thiết bị của cảng: dây chuyền xếp dỡ hàng hóa đồng bộ và được cơ giới hóa cao; Vùng hấp dẫn của cảng: thu hút tàu cá của nhiều khu vực; Phương thức vận tải đi đến cảng: có giao thông đường thủy và đường bộ thuận lợi; Lượng hàng thủy sản qua cảng: được đảm bảo thiết kế (Cảng loại I:15.000 tấn/năm, cảng loại II: 7.000 tấn/năm, bến cá: 1.500 tấn/năm); Loại tàu cá có khả năng cập cảng: Cảng loại I (có công suất): dưới 800 cv; Cảng loại II: dưới 400 cv; Bến cá: dưới 100 cv; Số lượt tàu cập cảng: khả năng đáp ứng: Cảng loại I: 120 lượt chiếc/ngày; Cảng loại II: 50 lượt chiếc/ngày.
MỘT SỐ TIÊU CHÍ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG BẾN – CẢNG CÁ
Lựa chọn Địa điểm quy hoạch: Đảm bảo về mặt an toàn xuất nhập, neo trú của tàu thuyền trước các hiện tượng tác động bất lợi của thiên nhiên như lũ lụt, gió bão, thủy triều, dòng chảy,… đồng thời khi xảy ra sự cố thiên tai cũng phải giảm thiểu mức thấp nhất tổn thất; Không gian diện tích, độ sâu bến cảng cả dưới mặt nước và trên bộ đủ để bố trí các công trình, cơ sở hạ tầng; Hợp lý về bài toán kinh tế xây dựng và có lợi thế cạnh tranh; Khu vực xây dựng có khả năng ít ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; giành được sự đồng thuận của chính quyền và dân cư địa phương.
Dự báo và phân tích số liệu: cần có các luận cứ khoa học thuyết phục. Về cơ bản, có hai loại luận cứ được sử dụng: Một là, luận cứ lý thuyết (cơ sở lý luận): bao gồm các lý thuyết, luận điểm, qui luật đã được chứng minh. Hai là, luận cứ thực tiễn: dựa trên cơ sở số liệu thu thập, quan sát, đo đạc, dự báo và thí nghiệm. Các luận cứ này chính là dữ liệu đầu vào của quy hoạch, qua các phương pháp phân tích, hệ thống,… trở thành các dữ liệu đầu ra quan trọng để chứng minh, đánh giá việc hình thành quy hoạch bến cảng.
Phối hợp với các bến cảng lân cận trong vùng: phải mang tính chủ động, tích cực hướng tới sự thống nhất trong quy hoạch tổng thể của ngành; tạo thành sự cộng hưởng để phát triển bền vững; phát huy tối đa hiệu quả vai trò, thế mạnh của mỗi bên nhằm hướng tới mục tiêu chung là phấn đấu vì sự phát triển của khu vực, của chiến lược kinh tế biển.
Quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng: Cam kết đảm bảo: Việc thừa nhận trách nhiệm lẫn nhau giữa các bên có tham gia và tiến hành cung cấp, chia sẻ các thông tin, dịch vụ cho dự án và cộng đồng; Sự tham gia tích cực vảo việc ra các quyết định dự án của những người chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; Tăng cường các nguồn lực từ nhiều hướng, làm lợi cho các bên tham gia, nâng cao hiệu quả điểu hành, quản lý.
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN
Quan điểm: Khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa truyền thống, kinh tế xã hội của địa phương. Quy hoạch hợp lý giữa hoạt động truyền thống kết hợp cơ giới, công nghiệp hóa nhằm tăng khả năng hậu cần phục vụ khai thác thủy sản. Kết hợp việc quy hoạch bến cảng cá gắn liền với khu neo đậu để tập trung quản lý, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức cảnh quan, môi trường, mang lại lợi ích nhiều nhất cho các bên tham gia và cộng đồng.
Mục tiêu: Nâng cao khả năng công suất, năng lực hoạt động của cảng đáp ứng nhu cầu neo đậu và dịch vụ hậu cần. Đảm bảo an toàn sản xuất và đáp ứng nhu cầu thương mại, dịch vụ. Tạo sự an tâm cho cộng đồng, ngư dân thực hiện tốt việc sản xuất, đánh bắt, khai thác và chế biến thủy sản. Góp phần phát triển về kinh tế, du lịch, văn hóa, xã hội và vệ sinh môi trường cho cộng đồng ngư dân vùng ven biển.
Tổ chức không gian chức năng: Vị trí Quy hoạch xây dựng: Bến cảng cá tự nhiên: dựa vào điều kiện đặc biệt ưu đãi của tự nhiên để bố trí các khu chức năng: bờ, bãi biển ổn định, trong vịnh, đầm có mặt nước rộng và sâu, hệ thống chắn sóng tự nhiên được thiết lập bởi các đảo gần bờ (Hình 3.a). Bến cảng cá tự nhiên có đê chắn sóng: khu cảng có các điều kiện tự nhiên tốt để bố trí các khu chức năng: bờ, bãi biển ổn định, trong vịnh, đầm có mặt nước rộng và sâu, nhưng ngoài cửa ra vào cảng phải xây đê chắn sóng nhân tạo
Về hình thức: Bến cảng lấn biển, khu vực xây dựng công trình cảng, cầu cảng, cầu tàu nằm trên vùng nước cảng. Bến cảng đào: khu vực xây dựng công trình cảng, cầu cảng, nằm sâu bên trong thuộc vùng đất cảng. Vùng nước cảng là mặt nước nhân tạo.
Tổ chức mặt bằng tổng thể:
Bến cá ven bờ: xác định bởi quy mô nhỏ, đơn giản phục vụ cho các làng chài đánh bắt ven bờ (thủ công), các tàu thuyền có công suất thấp.
Cảng cá ven bờ: xác định bởi quy mô trung bình, phục vụ cho các tàu thuyền công suất tầm trung đánh bắt ven bờ trang thiết bị hiện đại hóa.
Cảng cá nước sâu: xác định bởi quy mô lớn, phục vụ cho các tàu thuyền công suất cao đánh bắt xa bờ trang thiết bị hiện đại.
Khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước: Sử dụng đất xây dựng cảng và vùng nước cảng đúng chức năng và yêu cầu kỷ thuật. Tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất, mặt nước tránh lãng phí tài nguyên.
Tổ chức không gian phù hợp với văn hóa truyền thống: Không gian sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ tổ chức phù hợp với nhu cầu thực tế. Tổ chức các khu chức năng cần chú trọng đến tập quán sinh hoạt và truyền thống văn hóa vùng.
Quy hoạch hệ thống giao thông thủy bộ kết hợp: Hệ thống trung chuyển hàng hóa (thủy hải sản, phương tiện, công cụ sản xuất, nhiên liệu,…) tổ chức chặc chẽ, không chồng chéo. Vùng nước cảng, bến không chồng lấn với luồng chạy tàu thuyền; Công trình cầu cảng bảo đảm tiêu chuẩn an toàn; luồng vào cảng cá (nếu có) phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật luồng theo quy định; cầu tàu trang thiết bị cho phương tiện neo buộc, có cầu cho người, phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện. Liên kết đa dạng các hình thức, phương tiện vận chuyển hiệu quả tiện ích.
Hệ thống chiếu sáng và đèn hiệu: Lắp đặt báo hiệu đường thuỷ nội địa theo quy định; có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm. Tại những khu vực có tàu thuyền neo đậu với số lượng lớn phải xây dựng cột tín hiệu báo bão.
Hệ thống đê bao, đê chắn sóng: cần bảo vệ được cảng tạo vùng nước yên lặng trong cảng và khu neo đậu tàu thuyền, giảm nhẹ bão lũ từ biển, giảm chiều cao sóng, đồng thời giảm lượng bùn cát trôi chảy vào cảng. Tường đê chắn: bảo vệ đất, chống trượt cho phần đất phía sau và các công trình tránh bão, nước thủy triều, nước tràn và củng cố một phần đường bờ. Cầu cảng: giảm ảnh hưởng của dòng do sóng và dòng thủy triều, dòng chảy ngang ven bờ, bảo vệ tàu thuyền neo đậu an toàn.
Hệ thống cấp thoát nước và chất thải: Cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn đảm bảo lưu lượng, áp lực thiết kế và chất lượng nước. Hệ thống ống, vòi rửa phải đủ tiêu chuẩn, tiết diện, độ bền. Hệ thống cấp nước sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Thu gom nước thải, chất thải qua xử lý có thể đưa vào tái sử dụng và trả lại môi trường theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, đảm bảo không gây ô nhiễm, độc hại cho môi trường sinh thái.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác: Khi đầu tư xây dựng cảng cá, phải có thiết kế quy hoạch đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với cảng cá: khu vực bốc dỡ, phân loại sản phẩm, kho chứa, bảo quản sản phẩm, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp năng lượng, phòng cháy chữa cháy theo quy định. Thiết bị xếp dỡ phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phù hợp với kết cấu của cầu cảng, sức chịu lực của công trình. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phát triển bền vững cần có đủ khả năng ứng phó khi có sự cố tai nạn và thiên tai.
Môi trường không khí, bụi, khí thải và tiếng ồn: Cần giảm phát sinh khí thải, tiến ồn gây ô nhiễm do hoạt động của tàu thuyền. Hoạt động nạo vét định kỳ, huy động máy hút bùn, phương tiện vận chuyển đổ đất, bùn thải… cần giảm các tác động về bụi, ồn, khí thải. Khi hàng hóa về bến (tôm, cua, các loại hải sản,…) sau khi phân loại nhanh chóng đưa tới thị trường tiêu thụ hoặc đưa vào bảo quản lạnh. Hạn chế hư hỏng, ôi thối, dùng chất bảo quản sản phẩm giảm ảnh hưởng tới môi trường. Hệ thống xử lý nước thải vận hành và bảo dưỡng đầy đủ đúng quy trình không gây ô nhiễm nguồn nước.
Môi trường nước mặt: Nước mặt bị nhiễm dầu xuất hiện khi có sự cố xảy ra như rò rỉ dầu, vỡ tàu, đắm tàu, sửa chữa tàu thuyền (đặc biệt khi thời tiết xấu), rửa tàu be,.. do quá trình nạo vét phát sinh dầu mỡ từ các loại máy thi công. Khi bến cảng được hình thành cần hạn chế khả năng xảy ra các sự cố này. Tác động khi thay đổi mục đích sử dụng đất – mặt nước cảng: Khi tiến hành xây dựng, nạo vét cần hạn chế sự xáo trộn mặt nước và bùn đáy vùng nước cảng. Lượng tàu bè ra vào cảng hợp lý và các hoạt động vận hành khác sẽ không gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khu vực như làm mất nơi cư trú, giảm số lượng cá thể, sự sinh trưởng và phát triển của loài.
Giải pháp quản lý điều hành: Ứng dụng công nghệ tin học trong công tác quản lý, kiểm soát tàu ra vào, neo đậu. Ứng dụng khoa học công nghệ mới trong xây dựng và bảo trì bến cảng và các giải pháp quản lý khoa học để vận hành hệ thống kỹ thuật. Tạo điều kiện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý, bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và công trình phục vụ theo quy hoạch được phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bến cảng cá. Phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng của địa phương trong việc chỉ đạo, giám sát các hoạt động của bến cảng và bảo vệ môi trường.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Hệ thống cảng cá, bến cá bền vững có thể đáp ứng được tối đa nhu cầu của ngư dân. Thực hiện chức năng, đảm bảo cho công việc cập bến của các tàu, neo đậu tránh trú bão, bốc dỡ khai thác sản phẩm công suất lớn, tổ chức quản lý, điều hành tối ưu… thích ứng với các yêu cầu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xác định được tầm quan trọng như vậy cần thiết: quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá theo tiêu chí phát triển bền vững để phục vụ cho hoạt động biển phù hợp với chủ trương, định hướng chiến lược của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của các địa phương và cộng đồng ngư dân. Quy hoạch bến – cảng cá theo hướng phát triển bền vững là một trong những yếu tố để xây dựng thành công mô hình làng ngư dân ven biển phát triển bền vững toàn diện về kinh tế, xã hội và môi trường.
Để hoàn thành tốt kế hoạch và mục tiêu của định hướng quy hoạch bến – cảng cá bền vững đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, sự chỉ đạo và theo dõi sát sao để hoàn thành đúng các tiêu chí nêu ra. Cùng với quá trình đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, cần nâng cao năng lực các cán bộ làm công tác quản lý cảng cá thông qua thực tiễn và các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Trong quá trình quy hoạch, cần đánh giá đúng thực tế các công trình cần xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để có chính sách phù hợp, kịp thời. Nếu công trình kém mục đích sử dụng thì có thể chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc có thể loại bỏ nếu cần thiết./.
ThS.KTS. Trần Văn Hiến
Trường Đại học Xây dựng Miền Trung (MUCE)
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM