Tiện nghi công trình và năng lượng trong các dự án nội thất
(KTVN) – Chiều 16/6, tại Hà Nội, Chi hội Kiến trúc Nội thất (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp cùng Công ty CP Tập đoàn Nagakawa tổ chức Talkshow: “Tiện nghi công trình và năng lượng trong các dự án nội thất”.
Tham dự sự kiện có Chủ tịch Chi hội Kiến trúc Nội thất PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội Thất (Đại học Kiến trúc Hà Nội); PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương – Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị AMC (Bộ Xây dựng); Ths.KTS Trần Thành Vũ – Sáng lập Công ty Edeec, Chủ tịch IBPSA Việt Nam cùng các hội viên, kiến trúc sư đến từ những cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đại diện các công ty thiết kế, kiến trúc và nội thất.
Về phía Công ty CP Tập đoàn Nagakawa có Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Tổng giám đốc và Ông Trần Bá Đạt – Phó Tổng giám đốc cùng các cán bộ, nhân viên, kỹ sư kỹ thuật công nghệ điện lạnh của công ty.
Tại buổi Talkshow, Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Nagakawa đã chia sẻ về thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ tăng cao, thời tiết cực đoan đang ảnh hưởng tới thế giới và Việt Nam. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dân số tăng nhanh đang đặt ra những thách thức đối với vấn đề hiệu quả năng lượng.
Đánh giá về việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả thời gian qua, Bà Nguyễn Thị Bích Thủy cho rằng, đối với thị trường điều hòa cục bộ có nhược điểm lắp đặt đơn lẻ, bố trí nhiều cục nóng dẫn tới tổng thể diện tích lắp đặt lớn, phá vỡ kiến trúc các tòa nhà lớn, không tận dụng được hiệu suất. Trong bối cảnh đó, xu hướng dịch chuyển sang thị trường điều hòa trung tâm mang lại nhiều lợi ích như lắp đặt tối ưu, tổng thể diện tích lắp đặt nhỏ gọn, khoa học. Hoạt động độc lập linh hoạt qua điều khiển trung tâm, hướng tới hiệu quả năng lượng cao, tận dụng được công suất và hiệu suất.
Đồng tình với quan điểm đó, Ths.KTS Trần Thành Vũ – Sáng lập Công ty Edeec, Chủ tịch IBPSA Việt Nam cho rằng, để sử dụng hiệu quả năng lượng tiến tới mục tiêu Net Zero Energy, các hạng mục công trình dễ dàng triển khai có thể thấy như: Thiết kế tích hợp với đủ các tiện ích xung quanh công trình trong bán kính quy định; Bố trí các trạm sạc cho xe điện; Giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình xây dựng; Bố trí các không gian mở; Thu gom, tái sử dụng nước mưa; Giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt; Giảm thiểu ô nhiễm chiếu sáng vào ban đêm; Giảm sử dụng nước trong nhà và nước sân vườn; Lắp đặt các đồng hồ đo nước cho các hệ thống chính; Lắp đặt các đồng hồ đo năng lượng; Sử dụng năng lượng tái tạo; Quản lý hút thuốc bên trong và bên ngoài công trình; Sử dụng các vật liệu low-VOC…
Tuy nhiên, thực trạng kỹ thuật thiết kế các công trình tại Việt Nam còn lạc hậu, rất nhiều công cụ tiên tiến chưa được biết tới, nếu sử dụng thành thạo sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao hơn các thiết kế hiện nay.
Bên cạnh đó, vấn đề này chưa được giám sát chặt chẽ tại Việt Nam nhưng lại được kiểm soát bắt buộc tại các nước phát triển giúp tối ưu hóa, giảm thiểu chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành, sử dụng hiệu quả năng lượng tiện nghi công trình.
Đồng thời, cần được hiểu đúng, công trình có chứng chỉ xanh không có nghĩa là công trình được tối ưu về hiệu suất sử dụng vốn đầu tư, hay giảm thiểu sử dụng năng lượng và chi phí vận hành hoặc chỉ cần tiết kiệm năng lượng tối thiểu 3-5%, rồi bổ sung các hạng mục dễ dàng là có thể đạt chứng chỉ xanh LEED.
Ths.KTS Trần Thành Vũ cũng chia sẻ các vấn đề như: Tiện nghi âm thanh, xử lý tiếng ồn trong giai đoạn thiết kế; Tiện nghi nhiệt như nhiệt độ, độ ẩm, gió, bức xạ nhiệt, ngoài ra còn liên quan mật thiết tới chất lượng không khí, mức độ cấp gió tươi, nồng độ CO, CO2…; Tiện nghi chiếu sáng, độ rọi, độ chói, tính toán đầy đủ các yếu tố che nắng để giảm chi phí hệ thống kỹ thuật; Sử dụng điều hòa; Tiện nghi nhiệt trong nhà, ngoài nhà, khách sạn… ; Lựa chọn thiết bị và thiết lập vận hành tối ưu dựa trên kết quả mô phỏng theo đặc tính thiết bị; Các quy trình thiết kế nên thực hiện trước khi tính tới các hạng mục dễ triển khai của công trình xanh…
Sự kiện Talkshow: “Tiện nghi công trình và năng lượng trong các dự án nội thất” nằm trong hoạt động thường niên của Chi hội Kiến trúc Nội thất nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nghề nghiệp của kiến trúc sư.
Ngoài ra về phía Nagakawa, sự kiện là 01 trong các hoạt động để thể hiện nỗ lực của Tập đoàn trong hoạt động tiết kiệm năng lượng quốc gia. Nagakawa là doanh nghiệp điện lạnh Việt Nam tiên phong và duy nhất được chọn là đại diện trong dự án loại trừ HCFC (chuyển đổi sử dụng Gas R22 sang R32 an toàn với môi trường) – Gas R32 sử dụng trong các sản phẩm và hệ thống điều hòa không khí Nagakawa cũng là 01 giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Cũng tại sự kiện, Chi hội Kiến trúc Nội thất đã kết nạp cho 5 kiến trúc sư có đủ điều kiện thành hội viên mới của chi hội.
Tập đoàn kinh tế đa ngành Nagakawa – Thương hiệu Việt Nam với 20 năm xây dựng và phát triển, với sứ mệnh mang tới tiêu chuẩn của cuộc sống cho người dân Việt. Từ nhà máy chỉ sản xuất và lắp ráp sản phẩm điều hoà không khí, đến nay Nagakawa đã phát triển lên hàng trăm mã sản phẩm điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, sản phẩm gia dụng và các dịch vụ cao cấp khác với hơn 10.000 điểm bán, 600 trạm bảo hành uỷ quyền và 3 trung tâm tư vấn chăm sóc khách hàng trên cả nước.
Bên cạnh đó, Nagakawa đã không ngừng lớn mạnh với hệ thống các công ty thành viên, trung tâm công nghệ và kênh bán hàng thương mại điện tử. Đứng trước làn sóng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết, Ban Lãnh đạo Tập đoàn Nagakawa đã đầu tư xây dựng một nền tảng công nghệ ứng dụng hiện đại nhằm đáp ứng cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong tương lai.
Việt Khoa