24/05/2016

Thương hiệu nào cho “Làng đô thị xanh” của Đà Lạt

Hình thành các làng nông nghiệp sinh thái đô thị du lịch
Kts Trần Văn Dũng – Tổng giám đốc công ty tư vấn BDS Việt Tín

Phát triển nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết các bất cập trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tiền công nghiệp hóa. Trong rất nhiều các giải pháp để phát triển nông nghiệp đô thị thì phát triển Làng nông nghiệp sinh thái đô thị được xem như một hướng đi tối ưu, có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hoá, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Vai trò của Làng nông nghiệp sinh thái đô thị thể hiện qua những ưu điểm nổi bật. Ở Đà Lạt làng nông nghiệp sinh thái đô thị có thể góp phần tạo cảnh quan, xanh hóa đô thị, giúp duy trì nghề rau và hoa ôn đới cho một bộ phận dân cư (di sản nhân văn đặc sắc), mặt khác nó cũng chính là một hình thức giúp tăng thu nhập cho những người nông dân tại chỗ bằng cách quy hoạch và thiết kế các khu vực canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, định hướng nuôi trồng các nông sản có giá trị cao không gây ô nhiễm.
Làng nông nghiệp sinh thái đô thị góp phần cung ứng nguồn lương thực, thực phẩm tươi sống tại chỗ cho các đô thị mà vẫn dung hòa được với sức ép về đô thị hóa. Làng nông nghiệp sinh thái đô thị góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường: ứng dụng mô hình sản xuất, bằng công nghệ xử lý thích hợp, có thể tái sử dụng chất thải đô thị để làm phân bón, nước tưới,… cho sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng việc làm giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị.
Làng nông nghiệp sinh thái đô thị sẽ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, Làng nông nghiệp sinh thái đô thị còn có khả năng phát triển theo các mô hình chuyên biệt để cung ứng nhiều dịch vụ cho đô thị như cung cấp cây xanh, hoa tươi và thực phẩm cho khách sạn, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ an dưỡng,…
Làng nông nghiệp sinh thái đô thị góp phần kết nối giáo dục con người với thiên nhiên ngay từ khi còn nhỏ. Làng nông nghiệp sinh thái đô thị ngoài việc giúp tạo ra nguồn thực phẩm sạch còn góp phần cải tạo hệ sinh thái vốn bị suy thoái trầm trọng do truyền thống canh tác “nằm ngang”.

Phát triển thương hiệu Thành phố du lịch, Vùng di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng
Ts.Kts Trương Văn Quảng – Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng

Việc quy hoạch phát triển mô hình “Làng đô thị xanh” này tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận một mặt nhằm kiểm soát sự phát triển quá mạnh khu vực nội đô, mặt khác cũng nhằm để tạo ra những khu vực định cư phát triển mới có cấu trúc không gian làng quê, chất lượng sống đô thị… Giảm áp lực vào khu vực trung tâm thành phố, tăng thêm các loại hình sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn khi mỗi “Làng đô thị xanh” có cấu trúc, cảnh quan, kiến trúc, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của riêng mình. Một vấn đề sống còn của Đà Lạt và vùng phụ cận là phải duy trì tuyệt đối các giá trị về môi trường, cảnh quan thiên nhiên, kiểm soát được sự gia tăng nhiệt độ…Trong mọi trường hợp không nên nóng vội để “phát triển” bằng mọi giá một cách chủ quan, duy ý chí. Và để rồi, mãi mãi trong tâm thức mọi người, khi nói về Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đến một thành phố du lịch nổi tiếng, nghĩ đến một vùng di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hấp dẫn.
Để mô hình “Làng đô thị xanh”/mô hình định cư mới ở Đà Lạt có thể triển khai và phát triển bền vững, trong nghiên cứu mô hình cần phải đạt được sự cân bằng của cả 4 yếu tố: Bền vững về xã hội; Kinh tế; Môi trường và Tài nguyên nhân văn.
Đối với mô hình định cư “Làng đô thị xanh” quy hoạch phát triển dựa trên cơ sở tôn tạo, chỉnh trang thị tứ, thị trấn, buôn/làng xóm (có cơ sở vật chất tương đối phát triển/gần với đô thị)… cần giữ nguyên cấu trúc không gian định cư cũ, bảo lưu những giá trị vật thể, phi vật thể truyền thống.
Đối với mô hình định cư “Làng đô thị xanh” quy hoạch phát triển mới thì trước hết cần thiết phải chọn địa điểm cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới, bền vững. Trong giai đoạn thí điểm chọn vùng ven TP Đà Lạt hiện hữu có kết nối đường vành đai ngoài TP Đà Lạt. Quy mô diện tích khoảng 150 – 200 ha.
Hướng phát triển “Làng đô thị xanh” phù hợp với địa hình, cảnh quan, các khu vực tập trung công trình cư trú, công cộng, dịch vụ được bố cục một cách khoa học hợp lý thể hiện đầy đủ tính kinh tế của đất đai, cảnh quan.
Mô hình định cư “Làng đô thị xanh” cần phải sử dụng đất hỗn hợp có hiệu quả. Khu vực trung tâm xây dựng mật độ cao, các nhóm nhà ở xây dựng mật độ thấp, tỉ lệ cây xanh cây xanh đảm bảo tối thiểu 50%. Có sự đồng đều về kiến trúc trên 70%, mật độ xây dựng công trình mái dốc và không mái dốc không quá 30%; hệ thống hạ tầng đồng bộ, an toàn, ưu tiên giao thông xanh, đi bộ; các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; an sinh xã hội tiến bộ, nếp sống văn minh đô thị, luôn giữ bản sắc văn hóa con người Việt Nam nói chung, Đà Lạt nói riêng. Tùy thuộc vào đặc điểm điều kiện tự nhiên, vị trí, vai trò, tính chất chức năng của từng địa điểm lựa chọn mà nghiên cứu cấu trúc tổ chức không gian, phân khu chức năng, tổ chức mạng lưới hạ tầng… tạo ra sự khác biệt, độc đáo cho riêng từng “Làng đô thị xanh”. Nhất thiết cần phải tránh sự sao chép, nhân bản… làm giảm đi chuỗi giá trị cốt lõi của sự khác biệt.

Phát triển du lịch "sinh thái" tại TP Đà Lạt

Phát triển du lịch “sinh thái” tại TP Đà Lạt

Xây dựng một thành phố mang đậm yếu tố văn hóa bản địa
Ts.Kts Khuất Tân Hưng – Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Từ quan điểm định cư bền vững, một mô hình định cư sẽ cân bằng nếu có sự ổn định của các yếu tố gốc làm cơ sở cho sự tồn tại của mô hình định cư đó. Tuy nhiên, đối với Đà Lạt những yếu tố gốc bao gồm tài nguyên đất, khí hậu, rừng, môi trường cảnh quan… đã ít nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, việc định hướng phát triển Đà Lạt theo mô hình làng đô thị xanh là phù hợp, tuy nhiên để mô hình này thực sự bền vững, cần chú ý những điểm sau:
Không thể có các làng đô thị xanh bền vững nếu thành phố gốc của chúng không bền vững. Để Đà Lạt tiếp tục đạt được trạng thái cân bằng bền vững, vừa đảm bảo ổn định các yếu tố gốc, đặc biệt là nguồn tài nguyên và phương thức khai thác tài nguyên, vừa bảo tồn và lưu giữ một cách chắt lọc các tài nguyên nhân văn, đồng thời không ngừng bổ sung những giá trị mới.
Các làng đô thị xanh cần phải được xem xét trong mối quan hệ chặt chẽ với thành phố gốc bởi chúng lệ thuộc lẫn nhau cả về kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường cảnh quan. Do vậy điều kiện tiên quyết là chúng phải có mối liên hệ thuận lợi về giao thông với thành phố gốc.
Các làng đô thị xanh cần đóng góp vào việc giữ ổn định nguồn tài nguyên cho thành phố gốc, đặc biệt là tài nguyên khí hậu và cảnh quan. Để thỏa mãn yêu cầu này, cần có tiêu chuẩn diện tích xanh lớn và hạn chế tối đa khối xây. Khuyến khích phát triển làng đô thị xanh ra cả những địa điểm mà môi trường đã và đang bị hủy hoại để dần cải tạo lại và tái hòa nhập chúng vào không gian chung của Đà Lạt.
Các làng đô thị xanh nên tiếp tục phương thức khai thác tài nguyên đã được xác lập là du lịch nghỉ dưỡng và trồng rau, hoa. Tuy nhiên, cần đánh giá những tác động của nó lên môi trường đất, nước và không khí và nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nước sạch và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Các làng đô thị xanh nên kế thừa và phát huy những giá trị đặc trưng của di sản kiến trúc đô thị Đà Lạt theo hướng tôn trọng điều kiện địa hình cảnh quan sẵn có, phát triển nương tựa vào điều kiện tự nhiên, tránh những can thiệp thô bạo. Đối với nhà ở, có thể khai thác những kinh nghiệm trong tổ chức không gian và quan hệ trong – ngoài của các biệt thự Pháp, nhưng tuyệt đối không nên bắt chước phong cách và hình thức kiến trúc của chúng, bởi dù lúc đầu Đà Lạt được xây dựng chủ yếu cho người Pháp nhưng hiện nay nó là thành phố của người Việt Nam và cho người Việt Nam.
Nên tăng cường và bổ sung sắc thái văn hóa cư dân gốc bản địa để làm phong phú thêm bức tranh văn hóa và cảnh quan của Đà Lạt. Nên chăng tạo ra một số làng đô thị xanh của người dân tộc K’Ho với cách tổ chức nhà cửa, ruộng vườn đặc thù, hoặc chuyển đổi các bản làng dân tộc sẵn có theo mô hình làng đô thị xanh? Sự thiếu hấp dẫn của Đà Lạt trong con mắt du khách phương Tây có lẽ do sự mờ nhạt của yếu tố văn hóa bản địa, bởi họ không thiếu những thành phố nghỉ dưỡng kiểu như Đà Lạt. Những thứ thôi thúc họ tìm đến là sự khác biệt về mặt văn hóa.

Xây dựng “Làng đô thị xanh” với những trải nghiệm du lịch mới
Ths. Trương Thị Lan Hương – Khoa Quản trị du lịch, ĐH Đà Lạt

Phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị có lợi thế vùng khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Đà Lạt là một đô thị trung bình có lợi thế về không gian cảnh quan thiên nhiên thác, hồ, núi, rừng… rất phù hợp để phát triển thành đô thị du lịch theo hướng bền vững. Trên thực tế, Đà Lạt từ khi hình thành đã được quy hoạch để trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp của vùng Đông Nam Á và cho đến nay đã là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Phát triển các làng đô thị xanh không những giúp thành phố đi đầu trong quy hoạch đô thị theo hướng bền vững mà còn giúp làm tăng tính hấp dẫn của thành phố đối với du khách theo hướng làm phong phú kinh nghiệm cho du khách tại điểm đến. Xem xét làng đô thị xanh như là một loại tài nguyên du lịch của điểm đến trong mối quan hệ với trải nghiệm du lịch của du khách để từ đó đưa ra một số định hướng xây dựng làng đô thị xanh dưới góc độ phát triển du lịch bền vững.
Khai thác các giá trị đặc thù có mối liên hệ cao với trải nghiệm của du khách sẽ giúp việc xây dựng các làng đô thị xanh trở thành một tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn lớn với du khách. Trên cơ sở kết hợp các tiêu chí giữa làng đô thị với kinh nghiệm du lịch dựa trên nền tảng các tài nguyên tự nhiên và nhân văn đặc thù của địa phương, bài viết đề xuất một số định hướng xây dựng làng đô thị xanh theo hướng phát triển du lịch bền vững như sau:
Ưu tiên việc đi bộ, giao thông công cộng hoặc các phương tiện giao thông đặc trưng của vùng trong khu vực làng. Việc thiết kế đường phố cần hướng đến tạo sự thuận lợi tối đa cho khách bộ hành vì thế nên có các tuyến phố không cho phép ô tô đi vào hoặc các tuyến phố chủ yếu dành cho một loại phương tiện giao thông đặc trưng của Đà Lạt như xe ngựa, xe đạp địa hình…
Phát triển các khu phố sáng tạo nhỏ dựa trên nghề truyền thống hoặc các loại hình văn hóa, nghệ thuật sáng tạo ở trung tâm làng nơi vừa có thể là khu vực kinh doanh cho người dân vừa tạo điều kiện để khách du lịch giải trí và tham gia trải nghiệm văn hóa địa phương, tạo điều kiện bảo tồn được nghề truyền thống.
Thiết kế đô thị và kiến trúc mang phong cách riêng của địa phương, hài hòa với thiên nhiên và thể hiện được văn hóa của làng. Kiến trúc luôn là một tài nguyên hấp dẫn đối với du khách vì vậy, cần phát huy thế mạnh này trong các làng đô thị xanh bằng cách tạo ra tính chủ đề dựa trên một hoặc một vài giá trị đặc thù địa phương cho các công trình xây dựng của làng. Các công trình xây dựng với những công năng khác nhau nên được thiết kế xen kẽ để tăng tính đa dạng trong khung cảnh cũng như tối ưu hóa giá trị sử dụng. Ví dụ, sự trộn lẫn các cửa hàng, văn phòng, hoạt động dịch vụ giải trí, căn hộ và nhà ở có thể khiến du khách cảm thấy thích thú vì họ có cơ hội tiếp xúc với cư dân đa dạng về độ tuổi, thu nhập, văn hoá, dân tộc và lối sống.
Bảo tồn cấu trúc khu vực dân cư truyền thống bằng cách trùng tu, sửa chữa và thiết kế thêm các không gian mở công cộng theo nghệ thuật truyền thống.
Áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh và quản lý đô thị. Điều này cũng có thể trở thành một điểm nhấn quan trọng đối với làng đô thị vì vừa giúp cho du khách trải nghiệm phong cách sống xanh vừa giúp nâng cao ý thức của người dân và du khách theo hướng phát triển bền vững.
Cần hạn chế tối đa những tác động đến môi trường tự nhiên của khu vực làng nhằm giữ gìn được cảnh quan nguyên bản. Ví dụ như thay vì tạo ra mặt phẳng để xây dựng bằng cách san lấp đất nền thì có thể thiết kế các loại nhà phù hợp với khu vực miền núi như nhà sàn./.

Nguyễn Linh (thực hiện)

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM