Thế giới giải quyết bài toán quy hoạch đô thị thời hiện đại như thế nào
Khi xã hội thay đổi và phát triển, môi trường đô thị và quá trình quy hoạch đô thị cũng phải thay đổi. Đó là sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và môi trường bền vững.
Trọng tâm quy hoạch tương lai cần phải nhấn mạnh vào sức khỏe cộng đồng. Quy hoạch đô thị và y tế công cộng từ lâu đã gắn bó với nhau, vì vậy bản chất môi trường có liên quan đến hạnh phúc và chất lượng sống. Vì thế, sức khỏe tình cảm và tâm lý cần được chú trọng hơn nữa trong các đồ án quy hoạch. Ngày nay, khỏe mạnh được coi là quyền con người và phải được tính toán kỹ lưỡng, hợp tác chặt chẽ giữa sức khỏe cộng đồng với quy hoạch đô thị.
Stroget – con đường cổ nhất Copenhagen dài hơn 2km chỉ dành cho những người đi bộ, luôn đông nghịt người qua lại.
Nhìn lại quá khứ: Sự sai lầm của quy hoạch giải quyết giao thông cơ giới
Dân số đô thị ở hầu hết khắp nơi trên thế giới đều tăng nhanh, điều này dẫn đến sự ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Vấn đề bức xúc nhất của xe ô tô trong đô thị là bãi đậu xe, đặc biệt là tại các trung tâm thành phố. Sự trì trệ trong di chuyển quá lâu do quá trình ùn tắc giao thông đã gây ra nhiều tổn thất về cả kinh tế lẫn tinh thần cho cộng đồng và xã hội. Sự ùn tắc nghiêm trọng bởi ô tô là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, góp phần làm trầm trọng thêm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Bao năm qua, xây dựng tập trung vào phát triển nhiều dự án ở những khu vực ngoại ô rộng lớn, những khu đô thị vệ tinh nằm ven các trung tâm và hướng tới những dự án giao thông để phục vụ cho sự di chuyển của những khu vệ tinh này. Họ cho rằng như thế là hợp lý bởi người dân di chuyển bằng các phương tiện giao thông thuận tiện.
Điều đó có phần nào hợp lý về mặt phát triển mở rộng không gian nhưng thực tế cho thấy kiểu quy hoạch này trở nên rất tệ cho sức khỏe người dân. Quy hoạch như thế làm cho người ta phụ thuộc vào xe cơ giới, bị tù túng trong các tòa nhà cao ốc ngút ngàn mà không có cơ hội tận hưởng thiên nhiên.
Hầu hết các nhà quy hoạch trên thế giới lập ra các quy hoạch mà trong đó buộc người dân phải sống nhiều thời gian trong các tòa nhà văn phòng, trong phương tiện giao thông. Quy hoạch này đã không chú trọng đến việc tạo ra nhiều khu vui chơi giải trí để người dân tham gia các hoạt động ngoài trời. Các đô thị lớn đều ngập trong những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, tàu điện ngầm…. Điều này vô cùng bất lợi cho sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, người nông dân từ các trang trại tràn ngập vào các nhà máy ở thành phố để làm việc đã dẫn đến tình trạng quá tải. Rất nhiều cơ sở sản xuất khi đó thiếu ánh sáng và hệ thống thông gió, kết quả dẫn đến vô số hiện tượng công nhân bị bệnh như sốt phát ban và tiêu chảy.
Tương tự như vậy, dân số hiện nay đang gia tăng và có khoảng 80% dân số thế giới sống ở các vùng đô thị, tạo sự căng thẳng lớn về tài nguyên. Sự phụ thuộc ngày càng gia tăng của con người về sử dụng xe cơ giới và internet để rút ngắn rào cản địa lý. Sự tiến bộ trong cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc đã dẫn đến di cư lớn đến các thành phố với nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau.
Điều này tạo ra hai vấn đề cần cân nhắc cho quy hoạch đô thị và y tế công cộng: trước hết đó là cộng đồng cô lập bản thân theo dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và bắt đầu thiết lập một “khu cộng đồng” của riêng họ và thứ hai là có khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo.
Tình hình kinh tế – xã hội của người dân ảnh hưởng đến nơi sống và phong cách sống, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Các nhà quy hoạch cần phải tính toán, xem xét nhu cầu của cộng đồng để lập nên một quy hoạch phù hợp, đặc biệt chú trọng đến yếu tố y tế cộng đồng. Hơn thế nữa, điều kiện sống tồi tệ thường liên quan đến hành vi “bất mãn” xã hội và “đầy rẫy” tội phạm.
Bài học này là kết quả của nhiều nghiên cứu và phân tích trên thế giới. Trong quá khứ, các biện pháp “thanh lý, bài trừ các khu ổ chuột” một cách phiến diện, độc đoán, bao gồm cả việc di dân vào các khu cao tầng là một minh chứng về sự thất bại quản lý cộng đồng ở đây, dẫn họ đến tình trạng cô đơn, cô lập và tỷ lệ tội phạm cao hơn.
Tính an toàn và sự đa dạng trong môi trường sống là yếu tố rất quan trọng cho cộng đồng mà các nhà quy hoạch phải đánh giá đúng. Không gian công cộng và các địa điểm hội họp phải được quy hoạch sao cho cộng đồng dễ tiếp cận, đủ ánh sáng tự nhiên và hấp dẫn để người dân có thể cảm nhận và hứng thú sử dụng chúng. Không gian công cộng tốt sẽ thuận lợi cho việc giao tiếp và khuyến khích thể dục thể chất, từ đó sẽ giảm bớt vấn đề bức xúc bạo lực, xua tan cảm giác cô lập, cô đơn hoặc phân biệt giai cấp, tăng cường lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Điều quan trọng là quy hoạch đô thị phải nhận ra tầm quan trọng của cơ sở công cộng như thư viện, không gian xanh, dịch vụ y tế, trường học, nhà ở,… được quy hoạch ở những địa điểm thích hợp.
Không phải trong đồ án thiết kế thể hiện đầy đủ các yếu tố này đã là đủ mà điều quan trọng là vị trí của nó đặt ở đâu để cộng đồng có cảm giác tiện lợi, sở hữu, trách nhiệm và tự hào về nó. Cần phải có sự đầu tư để tìm hiểu các khu dân cư, giao tiếp với cộng đồng để xác định nhu cầu của họ, cho dù ở các thành phố hoặc vùng ngoại ô, nông thôn… đều phải tìm hiểu và nghiên cứu về mức sống, tinh thần và ước mong của họ.
Hiện trạng và tương lai: Cần thay đổi nhìn nhận về quy hoạch
Ngày nay, việc quản lý khí thải CO2 lại là yếu tố không thể thiếu trong việc lập quy hoạch ở các quốc gia phát triển và cũng đã bắt đầu ở các quốc gia đang phát triển. Chính vì thế, sức khỏe cộng đồng lại càng phải được quan tâm nhiều hơn.
Quy hoạch hướng tới giao thông công cộng, người đi bộ và xe đạp, hình thành các tuyến đường thân thiện là chính sách đúng đắn. Để tạo ra môi trường bền vững, quy hoạch đô thị không thể quên các yêu cầu chi tiết liên quan đến sức khỏe, sự đa dạng văn hóa và mong muốn chính đáng của cộng đồng.
Rất nhiều đô thị trên thế giới đã quy hoạch cho cư dân của mình theo dạng “thành phố dành cho người đi bộ”. Mục đích của những nhà quản lý đô thị là nhằm thu hút nhiều khách du lịch, đồng thời đem lại cuộc sống chất lượng cho cư dân của mình. Đó là trường hợp của Venice, Italia, Singapore, Copenhagen, Brussel hay Hamburg trong tương lai… là những ví dụ điển hình.
Venice thơ mộng. (Ảnh: Chris Owen)
Năm 2009, Copenhagen của Đan Mạch phát động chiến dịch biến thành phố thành nơi đáng sống nhất trên thế giới. Quy hoạch hướng tới người dân buộc họ phải bước ra khỏi nhà, văn phòng và chiếc xe hơi nhiều hơn. Việc đi bộ quanh thành phố, tham quan những khu vực công cộng sẽ cải thiện được đời sống cộng đồng trong xã hội.
Thủ đô Đan Mạch là Copenhagen đã bắt đầu triển khai thực hiện một quy hoạch đầy tham vọng với một quyết tâm xây dựng 26 làn xe mở rộng chỉ dành cho xe đạp như một phần của mục tiêu của thành phố trở thành “Thủ đô carbon trung tính” vào năm 2050.
Copenhagen đã đầu tư 20-25% ngân sách cho đường bộ vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Có khoảng 35.000 điểm đỗ không gian dành cho xe đạp dọc theo đường bộ, tăng sự tiện lợi và giảm những rắc rối của việc đậu xe. Trong khi đó, chính sách loại bỏ bãi đậu xe ô tô của thành phố từ 2-3% mỗi năm được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Với chiến lược này, người dân bảo vệ được môi trường khi tiêu tốn ít điều hòa và xăng xe hơn; gắn kết với cộng đồng hơn; có sức khỏe tốt hơn; thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Một quy hoạch lý tưởng là dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân. Quy hoạch phải làm sao tạo ra đô thị mà ở đó nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ cảm giác mới lạ từ môi trường sống.
Quy hoạch nên hướng tới việc loại bỏ xe hơi và sử dụng những phương tiện giao thông khác. Việc quá chú trọng vào dòng xe tự động hay xe điện hay những sản phẩm tương tự chỉ có lợi cho ngành ô tô mà chẳng lợi ích gì cho đời sống người dân.
Trường hợp của Singapore cho thấy xe hơi không phải là lựa chọn tốt nhất cho quy hoạch những thành phố lớn. Khi diện tích đất đã hết và không có chỗ cho xe hơi. Thay vào đó, đi bộ và xe đạp lại là những giải pháp hữu hiệu hơn cả.
Các nhà quy hoạch đô thị và thiết kế tại Hamburg (Đức) đã và đang tiến hành triển khai dự án “Quy hoạch Mạng lưới Xanh” nhằm mục đích loại bỏ sự phụ thuộc vào ô tô trong thành phố trong vòng 15 năm tới. Dự án giúp chuyển đổi đô thị thành một loại đô thị tích hợp mà trong tương lai các thành phố lớn khác trên thế giới có thể học tập.
“Quy hoạch Mạng lưới Xanh” của Hamburg sẽ tạo ra cho cộng đồng đi bộ và xe đạp những con đường mang tính thẩm mỹ, an toàn và tiện lợi sử dụng. Đó là mạng lưới kết nối với các khu vực cây xanh hiện có của thành phố với hệ thống đường không cho phép các loại xe ô tô hoạt động. Quy hoạch này sẽ được phát triển trong 15-20 năm tới, có sự kết nối với các khu vực như: công viên, sân chơi, vườn cây, nghĩa trang… Mạng lưới này cho phép cộng đồng và du khách có thể di chuyển xung quanh thành phố hoàn toàn bằng xe đạp hoặc đi bộ. Mạng lưới sẽ chiếm tới 40% diện tích các khu đô thị.
Hình ảnh của Hamburg trong 15 năm tới – đô thị không có xe ô tô.
Trong trường hợp của Hamburg, hơn 60 năm qua nhiệt độ trung bình của thành phố đã tăng 9 độ C. Mực nước biển đã tăng 20cm và các chuyên gia dự kiến sẽ tăng thêm 30cm vào năm 2100. Quy hoạch đô thị không có xe ô tô được đề xuất để giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), mở rộng hành lang không gian xanh nhằm làm giảm bớt hiện tượng thiên tai lũ lụt và bão táp.
“Quy hoạch Mạng lưới Xanh” nhằm mục đích cải thiện sức khỏe nói chung của cộng đồng cư dân thành phố, làm giảm sự cần thiết phải sử dụng xe ô tô để đi ra ngoài thành phố vào cuối tuần, từ đó giảm ô nhiễm đô thị, sức khỏe cộng đồng được cải thiện.
Quy hoạch của Brussels là biến trục trung tâm của thành phố thành một khu vực chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp, chuyển đại lộ bốn làn xe ô tô và một chuỗi hành lang quảng trường thành một dải các con phố dài với hàng loạt các cửa hàng và quán cà phê phục vụ cho người đi dạo.
Hình ảnh Thủ đô thanh bình của Brussels qua các góc phố nhỏ.
Dự án này là một phần của một xu hướng phát triển, đặc biệt là ở châu Âu, xu hướng tạo ra mạng lưới xe đạp rộng khắp cả toàn thành phố, kết nối giữa trung tâm với khu vực ngoại ô. Brussels – Thủ đô và thành phố lớn nhất của Bỉ và một trong những thành phố đông đúc nhất châu Âu, hiện cũng đang dự tính về một thủ đô không có xe ô tô.
Như vậy, để trở thành một đô thị sống tốt, thân thiện môi trường thì những nhà quản lý đô thị, kiến trúc sư và những tổ chức liên quan phải lấy trọng tâm là người dân của tư tưởng thiết kế và phát triển đô thị thay vì tập trung quy hoạch theo kiểu vì nhu cầu của “xe cơ giới”. Nghĩa là cần xoay quanh vào giải pháp nhu cầu của con người chứ không phải quy hoạch để sao cho đô thị chứa được càng nhiều xe càng tốt, có nhiều chỗ đỗ xe, chứa được nhiều người.
Tài liệu tham khảo: Making healthy cities; Passion for liveable cities; Inhabitat; Sustainable city; City Mayor
Khánh Phương/Báo Xây dựng