02/10/2017

Thành phố ngầm

Khi các thành phố ngày càng trở nên đông đúc hơn, câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không làm nhà dưới lòng đất? Về mặt kỹ thuật, có thể xây dựng không gian sống dưới lòng đất cho con người. Nhưng liệu chúng ta có muốn sống dưới lòng đất trong thời gian dài?  

Những hiểm họa khi sống dưới lòng đất

Về mặt kỹ thuật, có thể xây dựng không gian sống dưới lòng đất cho con người. Nhưng liệu chúng ta có muốn sống dưới lòng đất trong thời gian dài? Sự thành công của các đề án như Earthscraper ở thành phố Mexico City phụ thuộc vào việc làm sao để con người vượt qua được nỗi sợ phải sống trong lòng đất.


Earthscraper ở Mexico City được thiết kế để giúp con người vượt qua được nỗi sợ phải sống trong long đất. 

Theo lẽ tự nhiên thì con người sợ phải sống dưới các không gian ngầm, vì họ sẽ liên tưởng tới môi trường sống kiểu hang động, tối tăm, chật chột và sợ bị chôn sống”, Suarez bình luận. Nhưng bằng cách kết nối tất cả các khu vực của Earthscraper đến một không gian mở nằm ở vị trí trung tâm, nơi đón nhận ánh sáng tự nhiên từ giếng trời, Suarez hy vọng sẽ thay đổi nhận thức của người dân về dự án.

Có một số người, dù không nhiều, chỉ nghĩ đến việc sống ở dưới lòng đất trong một không gian chật hẹp đã thấy sợ. Gunnar D Jenssen, nhà nghiên cứu tâm lý học và thiết kế không gian ngầm của cơ quan nghiên cứu SINTEF đặt trên bán đảo Scandinavia, phát hiện ra khoảng 3% dân số mắc phải hội chứng này. Họ cực kỳ căng thẳng với nỗi sợ không có đường thoát, sợ lụt lội, sợ hỏa hoạn. Nhưng có một số cách để vượt qua nỗi sợ của họ.

Nếu bạn trao cho họ cái gì đó nhằm tạo cảm giác là họ kiểm soát mọi thứ thì họ sẽ chịu sống ở đó. Đấy là điều then chốt. Chuyển ý tưởng đó vào kiến trúc, vào thiết kế chính là cách mà chúng tôi đang theo đuổi. Những yếu tố cơ bản phải có là không khí trong lành, không gian rộng rãi hoặc cảm thấy rộng rãi. Có thể sử dụng hiệu ứng ảo, nhưng tốt nhất là nó thực sự rộng rãi và được chiếu sáng tốt“, Jenssen chia sẻ.


Sân khúc côn cầu trên băng nằm dưới lòng đất ở Helsinki, Phần Lan. 

Jenssen đã làm việc tại 4 trong số các đường hầm dài nhất trên thế giới. Để tạo ảo giác về không gian, trong đường hầm, ông tạo ra các ốc đảo được chiếu sáng rực rỡ với các cây cọ và những hiệu ứng bầu trời dọc theo tuyến đường: “Bạn đi qua một đường hầm tối đen và đột ngột bạn thoát khỏi đó, đi vào một không gian rực sáng với cây cối và thảm thực vật ,bạn sẽ cảm thấy có không gian thoáng đãng, cảm thấy mình ở ngoài trời, cho dù thực ra là bạn đang ở trong đường hầm 1.000 m xuyên qua núi“.


Mô hình công viên dưới lòng đất Lowline ở New York. 

Sử dụng những hiệu ứng ảo và thủ thuật thiết kế để có cảm giác thoải mái hơn khi ở dưới lòng đất chỉ là một chuyện, nhưng nếu sống dưới đó, liệu chúng ta có phải chịu những tác động bất lợi do thiếu ánh sáng mặt trời không? Lawrence Palinkas từ Đại học Nam California nói: “Thiếu ánh sáng mặt trời có thể gây khó ngủ, ức chế và rối loạn chức năng nội tiết khiến gây ra các bệnh mãn tính khác nhau. Nhưng “tắm ‘nắng” nhân tạo đúng thời điểm và theo định kỳ sẽ có tác dụng như được hưởng ánh sáng tự nhiên và do đó khiến mọi người có thể sống dưới lòng đất trong thời gian dài”.

Nơi tạm trú

Vì vậy, về mặt kỹ thuật là chúng ta có thể sống dưới lòng đất. Nhưng liệu chúng ta sẽ sống ở đó trong tương lai? Annette Kim, người đã tận mắt chứng kiến tác động của nhu cầu nhà ở tại Bắc Kinh, nghĩ là có thể. “Nếu tốc độ đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh như hiện nay và mọi người vẫn muốn chuyển đến sống ở các thành phố lớn, chúng ta sẽ phải sống như thế thôi!“, Annette Kim nói và cho rằng điều đó cũng phụ thuộc vào cách sử dụng không gian: “Rất nhiều người chỉ về đó để ngủ đêm. Nó không phải là ngôi nhà ấm cúng khiến họ cảm thấy gắn bó. Họ sẽ sinh hoạt ở các không gian công cộng trên mặt đất để tận hưởng ánh nắng và khí trời”.

Li Huanqing, một nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), người đã làm luận án tiến sĩ về đề tài đô thị hóa dưới lòng đất, lại cho rằng hầu hết các thành phố không có kế hoạch xây dựng nhà ở dưới lòng đất mà chỉ là không gian ngầm đa chức năng đóng vai trò là các trung tâm mua sắm và đường sá, nhằm giải phóng mặt đất bên trên cho nhà ở, không gian xanh và nơi vui chơi giải trí.

Theo chuyên gia Zhou, điều này là hợp lý: “Chẳng có lý do gì khiến mọi người không thể sống dưới lòng đất, nhưng chúng ta có thể đưa rất nhiều thứ khác xuống đó trước đã“.

 

Những công trình ngầm kỳ dị nhất thế giới

Australia

Xét về nhiều mặt, căn nhà ba phòng ngủ của Bernadette Roberts cũng giống như bất kỳ căn nhà nào khác. “Phòng khách, phòng ăn, bếp – đủ mọi thứ như những ngôi nhà bình thường”. Chỉ có một điều bất thường là Roberts sống ở dưới lòng đất. Bà là cư dân của thị trấn nhỏ Coober Pedy, nằm cách thành phố Adelaide, bang Nam Australia 846km về phía bắc. Địa danh này có hai thứ nổi tiếng: mỏ đá quý opal và “nhà hầm” – những căn nhà được đào trong nền đá, nơi trú ngụ của 80% dân địa phương.


Nhà thờ trong lòng đất ở thị trấn Coober Pedy. 

Coober Pedy là nơi có thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ có thể tới 50 độ C. Từ một thế kỷ trước, các thợ mỏ đã phát hiện ra ở dưới mặt đất mát hơn nhiều và từ đó họ quyết định chuyển xuống sống trong lòng đất. Roberts cho biết: Vào một ngày đẹp trời, khi nhiệt độ bên ngoài từ gần 40 đến khoảng 45 độ C, nhiệt độ trong “nhà hầm” của bà chỉ từ 25-30 độ C, “giống như bạn bước vào một căn phòng có máy lạnh vậy”.

Thời tiết khắc nghiệt khiến cư dân Coober Pedy buộc phải sống dưới lòng đất; tuy nhiên đây không phải là nơi duy nhất trên Trái đất mà con người phải cân nhắc việc xây dựng các không gian đô thị mới dưới lòng đất.

Trong tương lai, đất đô thị được dự báo sẽ trở nên thiếu thốn và 2/3 dân số thế giới được cho là sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Nhiều thành phố – do hạn chế về không gian, do nhu cầu cần bảo tồn di sản, hoặc do các yếu tố khác – không thể xây dựng các công trình cả về chiều cao lẫn bề rộng. Nhưng nếu xây nhà lòng đất thì tình trạng khó khăn này sẽ được khắc phục.

Singapore

Singapore là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất hành tinh. Gần 5,5 triệu người chen chúc trong thành phố chỉ rộng 710 km2. “Ở Singapore, do thiếu đất nên người ta cần tính đến việc xây dựng các công trình ngầm. Từ trước đến nay, chúng tôi vẫn tìm cách mở rộng diện tích bằng cách lấy cát lấp biển, nhưng cách này càng ngày càng kém khả thi do vùng biển lấn ra ngày càng sâu hơn, sắp tới ngưỡng giới hạn lấn ra trong khi cát mua từ các nước láng giềng thì ngày càng đắt đỏ. Họ cũng đang phàn nàn về chuyện chúng tôi lấn biển. Tất cả những nguyên nhân đó khiến giải pháp này ít được sử dụng”, chuyên gia Zhou Yingxin, hiện sống tại Singapore và làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu các không gian ngầm đô thị (một tổ chức phi chính phủ) cho biết.


Mô hình thiết kế của “thành phố khoa học” ở Singapore.

Vì vậy gần đây, một kế hoạch đang được Singapore cân nhắc là xây dựng một “thành phố khoa học” dưới lòng đất (USC). Được thiết kế với tổng diện tích 300.000 m2, sâu từ 30 – 80 m, nơi này nhằm mục đích giúp phát triển các ngành công nghiệp y sinh và hóa sinh cũng như các ngành công nghiệp khác. Nếu được hoàn thành, đây sẽ là nơi làm việc của 4.200 người.

Mexico

Ở một số nơi khác, đất đai khan hiếm vì yêu cầu bảo tồn di sản. Chẳng hạn như tại Mexico City (thủ đô của Mexico), nơi có những hạn chế xây dựng nghiêm ngặt ở các khu trung tâm có nhiều di tích lịch sử. Đó là lý do tại sao công ty kiến trúc BNKR Arquitectura thiết kế kim tự tháp ngược khổng lồ, có độ sâu tới 300 m, đặt tên là Earthscraper.


Mô hình kiến trúc của Earthscraper.

Công trình xây dựng này được đề xuất sẽ là nơi sinh sống cho 5.000 người, với các tầng dạng bậc thang, được chiếu sáng tự nhiên từ vòm kính khổng lồ trên trần nhà trong khi các tầng dưới cùng sẽ được chiếu sáng bổ sung bằng điện. Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của BNKR, Esteban Suarez, hy vọng Earthscraper sẽ truyền cảm hứng cho một “phương thức” xây dựng mới.

Trung Quốc

Trong khi đó ở Trung Quốc, để có thể mua được một ngôi nhà với giá cả hợp lý tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều người buộc phải dọn xuống sống dưới lòng đất, dù ở đó điều kiện sinh hoạt khá hạn chế.


Mô hình thiết kế của khách sạn Shimao Wonderland Intercontinental.

Annette Kim, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Không gian thuộc Đại học Nam California, đã bỏ ra gần một năm tại Bắc Kinh, từ 2013 đến 2014, để nghiên cứu điều kiện sống trong các căn nhà dưới lòng đất – được cải tạo từ hầm trú bom cũ và tầng hầm công cộng thành các phòng tập thể nhỏ.

Môi trường sống ở dưới đó cũng khá cách biệt. Tôi từng thấy những nơi bẩn kinh khủng, nhưng cũng khá ngạc nhiên khi có nơi rất khang trang so với các tiêu chuẩn chung ở Bắc Kinh”, Annette Kim nói và cho biết thêm ước chừng có khoảng từ 150.000 đến 2 triệu người đang sống dưới lòng đất.

Theo chuyên gia Kim, có hai yếu tố dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, sự bùng nổ xây dựng ở Trung Quốc đã tạo ra nhiều tầng ngầm tại các công trình, trong lúc các kiểu nhà ở giá rẻ lại rất khan hiếm. Thứ hai, trong những năm gần đây, một lượng lớn lao động nông thôn đổ về Bắc Kinh tìm việc làm, nhưng nhiều người không có hộ khẩu nên không đủ tiêu chuẩn sống trong các căn nhà bình thường, nhưng giá cho thuê rất đắt đỏ, vốn chỉ dành cho cư dân thành phố. Họ chỉ còn cách là phải dọn xuống các tầng ngầm.

Khoảng 1.000 km về phía nam của Bắc Kinh, các nhà kinh doanh bất động sản lại sử dụng không gian ngầm để xây khách sạn Shimao Wonderland Intercontinental. Khách sạn 300 phòng này được xây áp vào vách sâu 90 m của một mỏ đá bỏ hoang cách Thượng Hải 35 km về phía tây nam.

Martin Jochman, giám đốc thiết kế, người đã đề xuất ý tưởng và phương án thiết kế, nói rằng dù mỏ đá có quang cảnh hấp dẫn, nhiều người cho rằng xây khách sạn ở đây là không ổn: “Cực kỳ khó khăn vì mọi thứ đều lộn ngược. Những thứ như nước và nước thải phải được bơm lên trên thay vì chảy xuống. Giống như một tòa nhà mà mọi người đi xuống chứ không phải lên tầng”. Nhưng ở đó cũng có những lợi ích. Địa hình khu mỏ tạo ra một vùng khí hậu biệt lập, đá sẽ hấp thụ nhiệt trong mùa hè, và từ từ tỏa hơi ấm như máy sưởi trong mùa đông.

Công Thuận 
(Báo Tin tức)