Tạo lập bản sắc khu đô thị mới – Trường hợp tại các khu vực mở rộng của TP Hà Nội
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Trước những ảnh hưởng của tính cạnh tranh trong thị trường bất động sản của xu hướng toàn cầu hóa, các “khu đô thị mới” đang được chú trọng nhiều hơn vào tổ chức không gian có tính “nhận diện riêng biệt”. Tuy nhiên, với những khu đô thị mới nằm trong khu vực đô thị mở rộng (như tại Hà Nội), những biểu hiện “nhận diện riêng biệt” đó lại mang tới những ý nghĩa tiêu cực trong cảm nhận của cộng đồng và xã hội, tác động làm biến đổi cấu trúc khu đô thị mới. Thực tế này đã và đang đặt ra những thách thức đối với việc tạo lập bản sắc cho khu đô thị mới trong bối cảnh phát triển có tính đặc thù của Thủ đô Hà Nội.
Tạo lập bản sắc trong các xu hướng tổ chức không gian khu đô thị mới
Từ những năm 60 thế kỷ trước, các trào lưu kinh tế phương Tây đã đặt “con người” là trung tâm của mọi tác động biển đổi không gian đô thị hơn là các áp đặt duy lý của quy hoạch hiện đại. “Nơi chốn” là cảm nhận của “con người” về không gian, thời gian với bối cảnh môi trường xung quanh mang tới những cảm xúc lưu nhớ trong kí ức. Sự đồng cảm của số đông về những ý nghĩa nhất định một cách rõ rệt, mạnh mẽ mang tới giá trị “bản sắc” cho thực thể không gian được tạo lập.
Sau thế chiến thứ 2, cùng với việc tái thiết các thành phố bị phá huỷ trong chiến tranh là quá trình biến đổi không gian các khu đô thị công nghiệp, tạo lập các không gian có cấu trúc chặt chẽ, gắn kết các thành tố chức năng tạo nên diện mạo mới cho nhiều thành phố trên thế giới. Trong quá trình phát triển này, “nơi chốn” và “bản sắc” được minh chứng rõ rệt qua các đặc điểm:
+ Củng cố, tạo lập các đặc điểm vật thể riêng biệt, mang tới xúc cảm, ấn tượng tới nhận thức tới con người. Trong đặc điểm này, yếu tố về đặc trưng địa điểm được khai thác mạnh mẽ như điều kiện địa hình, khí hậu, cảnh quan … trong tạo lập không gian đặc trưng.
+ Chú trọng tới yếu tố “con người – cộng đồng – tổ chức xã hội” trong tổ chức những không gian “thân thuộc” phù hợp với thói quen, tập quán, hoạt động kinh tế, những hiểu biết chung và cao hơn là đặc thù văn hóa, tính dân tộc.
+ Tạo lập không gian có “ý nghĩa” và mang lại giá trị tinh thần “tích cực” đối với cảm nhận của từng cá thể, cộng đồng, tổ chức xã hội theo hướng tiếp cận đa chiều từ bên trong và từ bên ngoài. Đặc điểm này được hình thành theo thời gian, thích nghi với những cảm nhận của cư dân đô thị và với “khách du lịch” qua các hoạt động khai thác sử dụng không gian.
Khu vực mở rộng Thủ đô Hà Nội và sự phát triển khu đô thị mới
Với lịch sử hơn 1000 năm hình thành phát triển, dấu ấn đô thị phương Đông của Hà Nội luôn có sự gắn kết của hai phần khác biệt, “đô thị” và “nông thôn” có vai trò tác động tới sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Cho dù vậy, sự khác biệt ấy đều bị xoá nhoà trong khoảng vài chục năm trở lại đây cùng với những biến động về kinh tế – xã hội. Trong giai đoạn này, khoảng cách giữa khu đô thị mới và làng xóm nông nghiệp thu hẹp đáng kể, thậm chí chồng lấn đan xen bởi các áp lực về gia tăng dân số nhập cư. Nhiều làng xóm cũng nhanh chóng biến đổi cả vể hình thái và hoạt động kinh tế – xã hội để trở thành đơn vị ở trong đô thị một cách tự phát. Sự thay đổi nhanh chóng mang đến nhiều bất cập trong tổ chức đời sống dân cư, tổ chức hoạt động kinh tế và xuất hiện những không gian vỡ vụn và tương phản đối lập, đặc biệt là tại khu vực giáp ranh giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hóa. Từ lịch sử hình thành phát triển đô thị Hà Nội cho thấy xu hướng tiếp tục mở rộng của đô thị, việc chuyển hóa vào cấu trúc đô thị của các làng xóm nằm ngoài kiểm soát đã phá vỡ sự cân bằng cần thiết, thiếu gắn kết giữa khu đô thị mới với các làng xóm này trong quá trình đô thị hóa tràn lan.
Khái niệm, danh xưng “khu đô thị mới” hình thành cùng với việc xây dựng các khu đô thị trong giai đoạn quá độ từ kinh tế tập trung chuyển sang kinh tế thị trường như Bắc Linh Đàm, Định Công, Trung Yên từ năm 1994. Qua nhiều tác động, không gian đô thị Hà Nội tiếp tục được mở rộng về quy mô diện tích lẫn mức độ tập trung dân cư. Do đó, các khu đô thị mới là tất yếu và tiếp tục nhân rộng trên địa bàn Hà Nội. Đến nay, các khu đô thị mới tại Hà Nội đã và đang phát triển với số lượng lớn. Những năm gần đây, với xu hướng tạo lập “bản sắc” cho các khu đô thị mới được chú trọng nhiều hơn nhằm gia tăng sự nhận diện, tạo nên tính cạnh tranh cho các sản phẩm bất động sản thương mại trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, đã mang tới sự đa dạng các khu đô thị mới, bao gồm những khu đô thị mới đa chức năng hoặc khu đô thị mới có chức năng chuyên biệt, cùng với đối tượng và chất lượng phục vụ đa dạng. Đã có nhiều hội thảo tổng kết về sự phát triển khu đô thị mới, đặc biệt tại Hà Nội đã cho thấy những đặc điểm chung như sau:
– Các khu đô thị mới đã có những biến chuyển không gian qua quá trình phát triển. Những khu đô thị mới của “giai đoạn đầu” với những cách sắp xếp không gian chú trọng thị cảm hình học khối, cao ở ngoài, thấp ở trong hoặc ngược lại đã dần được biến đổi đa dạng hơn, khai thác, chú ý đến thị hiếu, thị trường hơn, các yếu tố về địa hình (ao, hồ, đồi, núi…) đã được tận dụng, đôi khi mô phỏng, bắt chước các mô hình đã có. Tuy nhiên, nhìn chung không gian khu đô thị mới vẫn là những ốc đảo, khu biệt với các không gian lân cận.
– Hầu hết các khu đô thị mới chỉ quan tâm vào phát triển nhà ở, đa dạng các mẫu nhà bán chạy bởi việc “buộc phải” gắn với mục đích của nhà đầu tư về khía cạnh thương mại, bán nhanh, thu hồi vốn nhanh. Vì vậy, các hạ tầng xã hội không được quan tâm, thường được đầu tư sau, bị chiếm dụng hoặc thậm chí biến đổi thành các chức năng “thương mại” khác, như trong giữ xe, nhà hàng v.v… Hầu hết các khu đô thị mới là việc những không gian dành cho công cộng, công trình hạ tầng xã hội, không gian mở, những khoảng trống để sinh hoạt cộng đồng. Và thực tế này, tác động tiêu cực tới cấu trúc không gian của khu đô thị mới. Tại các vùng “cạnh biên”, khi phát triển của khu vực lân cận đã tiếp sức cho sự phá vỡ cấu trúc “khu biệt” của khu đô thị mới.
Hầu hết các khu đô thị mới tại vùng mở rộng của Thủ đô Hà Nội là được đặt trên đất nông nghiệp, vốn bao quanh ổn định các làng xóm hiện hữu. Các khu đô thị mới được hình thành đều khu biệt, không quan tâm tới sự kết nối với các khu vực hiện hữu xung quanh, đặc biệt là các kết nối với khu vực làng xóm đô thị hoá. Cho dù là cao tầng, hay thấp tầng thì hiện hữu vẫn là sự tương phản mạnh mẽ giữa phần cấy ghép đô thị và phần làng xóm. Bức tranh tổng thể không gian tại các khu vực mở rộng Thủ đô Hà Nội là “lộn xộn”, “đứt gãy”, “xôi đỗ” giữa khu đô thị mới cùng với biến động tự phát trong các làng xóm hiện hữu.
Hầu hết các khu đô thị mới chưa tạo lập được mối gắn kết không gian với khu vực làng xóm lân cận. Hầu hết, yếu tố “bản sắc” chỉ được chú trọng tạo lập “nội bộ’ bên trong khu đô thị mới, mà chưa liên kết, tương tác với môi trường thực thể xung quanh. Tại thành phố Hà Nội, hầu hết các khu vực giáp ranh giữa khu đô thị mới và làng xóm đô thị hoá đều cho thấy sự lộn xộn thiếu định hướng trong tổ chức không gian. Một số khu vực hình thành những “hàng rào cứng” phân tách khu đô thị mới với làng xóm đô thị hoá. Một số khu vực khác lại hình thành trạng thái phát triển tuỳ tiện, làm mồi cho sự lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Có thể nói, “bản sắc” khu đô thị mới chưa được nhận diện “tích cực” từ bên ngoài, từ các cộng đồng dân cư “bản xứ”.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TẠO LẬP BẢN SẮC KHU ĐÔ THỊ MỚI
“Gắn kết” với ý cơ bản nhất là sự gắn chặt với nhau, không thể tách rời là phản ảnh thuần khiết nhất cho việc hình thành khu đô thị mới tại các khu vực mở rộng của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, với giá trị mang lại cho việc tạo lập “bản sắc” nhận diện đặc trưng của những khu đô thị mới tại đây, “gắn kết” bao hàm những ý nghĩa về:
(1) Phân bổ lại lợi ích từ kinh doanh bất động sản, phải tạo ra những lợi ích công cộng. Khu đô thị mới phải có không gian công cộng mới cho chính nó và làng quê xung quanh.
(2) Gắn kết cộng đồng dân cư, phát huy giá trị văn hóa khu đô thị mới và làng xóm cũ;
(3) Nâng cấp, cải thiện điều kiện môi trường tự nhiên hoặc ít ra là không phá huỷ nó, làm thoái biến;
(4) Khai thác các yếu tố tích cực của cảnh quan hiện trạng với việc tạo nên những cảnh quan mới có giá trị thẩm mỹ cao.
Để làm được như trên, cần có sự đánh giá các tác động của các hoạt động trong đô thị mới ảnh hưởng đến khu làng xóm cũ. Việc này cho thấy không chỉ khoét đất ruộng để làm đô thị mà phải mở rộng phạm vi nghiên cứu bên ngoài khu đô thị mới để hạn chế tác động tiêu cực của khu đô thị mới đến khu làng xóm cũ.
– Đặc trựng về giới hạn không gian gắn kết. Không gian gắn kết không tách rời mà phụ thuộc, là thành phần trong không gian khu đô thị mới và không gian làng xóm đô thị hoá.
– Đặc trưng về vai trò gắn kết. Không gian đóng vai trò trọng tâm về chuyển tiếp không gian kiên trúc cảnh quan, đồng bộ hóa về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phá triển kinh tế khu vực, nhất là các hoạt động kinh tế cá thể, hộ gia đình, làng nghề v.v…
– Đặc trưng về tính chất gắn kết không gian. Gồm tính chất liên kết không gian, tính chất kết nối hoạt động, tính chất hài hòa thống nhất với định hướng chung, tính chất đặc trưng.
– Đặc trưng về cơ cấu chức năng Không gian gắn kết được hình thành từ 2 nhóm chức năng chính: nhóm chức năng bổ sung hoàn chỉnh cấu trúc đô thị tổng thể, và nhóm chức năng thúc đẩy tạo động lực phát triển.
Qua quy hoạch, thiết kế các khu đô thị mới tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, cần bắt đầu có những biến đổi trong nhận thức mối quan hệ đặc thù này và đạt được một số thành công nhất định. Cùng với những quan điểm cơ bản của đặc điểm “bản sắc” trong lý luận quy hoạch và thiết kế đô thị, xu hướng phát triển đô thị mới, một số giải pháp về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được đề xuất:
– Giải pháp về cơ cấu phân bố chức năng: Đây là giải pháp nhằm hoàn thiện cấu trúc chức năng trong các mô hình tổ chức không gian gắn kết với 2 nhóm tiêu chí để xác định khả năng phân chức năng: (1) Nhóm tiêu chí về phát triển bền vững (đảm bảo khả năng phát triển kinh tế khu vực, tạo nguồn tài chính cho đầu tư xây dựng; phù hợp với đặc điểm tập quán, lối sống của các tổ chức xã hội; cân đối quỹ đất với nhu cầu sử dụng; Khai thác bảo vệ các đặc điểm tự nhiên hiện có); (2) Nhóm tiêu chí về tạo lập không gian: (gồm Đảm bảo công năng sử dụng đa dạng; Có vai trò tạo trọng tâm gắn kết; đảm bảo phạm vi phục vụ; Tạo liên kết giao thông; An toàn trong sử dụng).
– Giải pháp về tổ chức mạng liên kết. Tổ chức mạng lưới liên kết là giải pháp quan trọng hình thành nền tảng cho tổ chức hình thái không gian gắn kết. Nhằm đảm bảo tính liên kết tiện lợi, an toàn đồng thời hình thành không gian hội tụ, tập trung đa dạng hoạt động, hai nội dung giải pháp đề cập bao gồm: (1) Thiết lập mạng liên kết khép kín, liên hoàn giữa các khu vực và giữa các loại hình giao thông; (2) Phát triển tuyến giao thông tốc độ thấp là sự kết hợp giữa những không gian đi bộ thương mại dịch vụ nhưng cho phép hoạt động của những phương tiện cá nhân có tốc độ dịch chuyển thấp phù hợp với tập quán của người dân.
– Giải pháp về kiểm soát kiến trúc công trình. Giải pháp kiểm soát kiến trúc công trình được đề xuất nhằm thực hiện việc tổ chức hình thái không gian gắn kết trong mô hình tổng quát. Với đặc điểm chung là chuyển tiếp kiến trúc – cảnh quan giữa khu đô thị mới với làng xóm đô thị hóa, và đảm bảo các yêu cầu, nhu cầu phát triển khu vực, giải pháp đề cập 3 nội dung gồm: (1) Thiết lập về chuyển tiếp theo chiều cao xây dựng công trình; (2) Chuyển tiếp theo khối tích mặt bằng xây dựng thông qua việc tách hoặc hợp khối công trình; (3) Bảo vệ và khai thác các giá trị kiến trúc đặc trưng tại khu vực.
– Giải pháp về tổ chức không gian mở có tính gắn kết. Giải pháp đề xuất thiết lập không gian mở có tính gắn kết nhằm đảm bảo tính hiệu quả, tính hợp lý trong sử dụng, tính kết nối hoạt động và tính đặc trưng trong mô hình không gian gắn kết. Về tổ chức không gian, các yếu tố về tiện ích, vật liệu, cây trồng được chú trọng nhằm nâng cao tính sử dụng, tính tương hỗ. Giải pháp chú trọng vào 2 nội dung cơ bản: (1) Tổ chức không gian chia sẻ, bao gồm chia sẻ cho nhiều đối tượng sử dụng, chia sẻ được nhiều hoạt động; (2) Thiết lập tính đa dạng đề cập tới sự linh hoạt biến đổi không gian công cộng, không gian mở trong những thời điểm hoạt động sử dụng khác nhau.
Kết luận
Khu đô thị mới, hình thành – biến đổi là nhu cầu phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới. Việt Nam, Thủ đô Hà Nội không nằm ngoài sự phát triển này. Khu đô thị mới hình thành ngày càng nhiều, các sản phẩm nhà đất ngày càng đa dạng. Chiụ áp lực của sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bất động sản, ảnh hưởng của xu hướng toàn cầu hóa, các khu đô thị mới đang được chú trọng nhiều hơn vào tổ chức không gian có tính “nhận diện riêng biệt”. Tuy nhiên, với những khu đô thị mới nằm trong khu vực đô thị mở rộng như tại Hà Nội, những biểu hiện “nhận diện riêng biệt” lại mang tới những “ý nghĩa tiêu cực” tới cảm nhận của cộng đồng, và tác động biến đổi cấu trúc khu đô thị.
Nhận định trên cũng chính là đòi hỏi thách thức đặt ra đối với việc hình thành “bản sắc” có ý nghĩa “tích cực” cho khu đô thị mới hiện nay. Gắn kết không gian, thời gian và các hoạt động của những khu đô thị mới là xu hướng đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và có những kết quả tích cực ban đầu. Việc gắn kết này không chỉ mang lại những giá trị kinh tê cho khu vực, mà còn mang những giá trị tinh thần gắn kết các cộng đồng dân cư cũ và mới, đô thị và nông thôn. Những kết quả đạt được không những mang lại sự ổn định, bền vững phát triển của đô thị Hà Nội, mà còn mang tới những bài học tích cực cho quá trình đô thị hóa tại nhiều khu vực khác trên cả nước./.
ThS.KTS. Lê Xuân Hùng
Bộ môn Thiết kế đô thị – Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn
Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội