21/05/2019

Tăng thuế ở nơi có sốt đất có khả thi?

Đề xuất của Bộ Xây dựng về việc này gặp phải nhiều ý kiến phản ứng cho rằng khó khả thi, không công bằng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản (BĐS). Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch BĐS khi có biến động lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đề xuất tăng thuế này không hợp lý, không công bằng và khó khả thi.

Phản tác dụng với sốt đất

Bộ Xây dựng cho rằng một số đối tượng đầu cơ BĐS hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố như hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn thị trường.

Bộ dẫn chứng sốt đất xảy ra tại các địa phương dự kiến lập đặc khu kinh tế như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang… Các địa phương cũng đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn việc tách thửa, giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền chính sách đến người dân. Dù vậy, hiện nay hệ thống thông tin về thị trường BĐS chưa đầy đủ và đồng bộ để phục vụ công tác quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương. Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường.

Theo ông Nguyễn Đức Duy, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại TPHCM, trị sốt đất không thể dùng chính sách tăng thuế giao dịch vì có thể phản tác dụng. Giá BĐS ở những khu vực tăng cao trong một thời gian ngắn thường có lý do như thay đổi chính sách kinh tế, quản lý ở khu vực đó, thay đổi hạ tầng giao thông… Đây là vấn đề thuận mua vừa bán nên tăng thuế giao dịch là không công bằng.

Ông Phúc (ngụ quận 9, TPHCM) cũng cho rằng tăng thuế ở khu vực sốt đất sẽ không làm cho khu vực đó hạ sốt mà còn nguy cơ khiến giá đất tăng lên cao, càng khiến người dân có nhu cầu nhà ở thực sự khó mua được nhà. Theo ông, việc minh bạch thông tin về BĐS ở địa phương mới là điều cần thiết cho một thị trường lành mạnh.

10-bds_eagd

Bộ Xây dựng muốn đề xuất điều chỉnh thuế đối với khu vực có sốt đất. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều bất cập nếu áp dụng thực tế

Trước sáng kiến của Bộ Xây dựng, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho rằng trong một địa phương khó phân định được BĐS ở khu vực nào là giá cao hay thấp so với thị trường. Do đó, đề xuất đánh thuế một số khu vực được cho là có sốt đất là rất cảm tính.

“Việc này cũng không công bằng vì một số khu vực có sự tăng giá gấp 3-4 lần nhưng lại không thuộc dạng sốt đất. Áp dụng chính sách tăng thuế sẽ rất khó vì cùng một huyện, một quận có xã/phường sốt đất, chỗ khác lại không, làm sao bắt người ta đóng thuế cao được?” – ông Quang đặt vấn đề.

Theo ông Quang, chống đầu cơ, chống sốt đất có hai vấn đề. Một là Nhà nước phải minh bạch hóa về quy hoạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hai là nên áp dụng các loại thuế cụ thể, rõ ràng như áp dụng với người sở hữu căn nhà thứ hai.

Đồng tình, luật sư Trần Xoa, chuyên gia thuế, cũng cho rằng đề xuất này chưa hợp lý, khó áp dụng trong thực tế. “Để đưa ra một chính sách thuế phải theo quy trình. Bình thường muốn sửa đổi, bổ sung một nghị định ít nhất cần 7- 8 tháng từ lấy ý kiến đến hoàn thiện, ban hành… Tới lúc đó thì sốt đất đã hạ, không thể áp dụng được nữa” – ông Xoa nói.

Chưa kể về nguyên tắc thuế là áp dụng cho toàn quốc, cho tất cả mặt hàng giống nhau. Nếu áp cho từng khu vực sẽ không đảm bảo tính công bằng, chưa kể phát sinh tiêu cực, không minh bạch.

Theo luật sư Xoa, việc thất thu thuế hiện nay một phần là do người mua và người bán “bắt tay” nhau, khai sai giá trị tài sản chuyển nhượng. Ví dụ giá căn nhà đó là 2 tỉ đồng nhưng chỉ khai 500 triệu đồng để giảm thuế. Quản lý được vấn đề này, tìm ra giải pháp xử lý mới là cái đáng bàn.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia BĐS, hiện nay người dân còn thiếu thông tin rất nhiều. Nhà đầu tư, người mua nhà thường nghe tin hành lang mà người tung tin lại là những đầu nậu muốn bơm giá. Do đó, từng cơ quan chính quyền phải thông tin công khai quy hoạch, có cơ quan tư vấn hỗ trợ để người dân nắm được nguồn tin chính thống.

Ví dụ như phổ biến cho người dân biết khu nào là khu nông nghiệp ổn định, chắc chắn không chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khu nào sẽ được phát triển và giao đất theo dự án; nhà đầu tư có thể nhận chuyển nhượng được… Từ trung ương đến địa phương phải có trung tâm thông tin về giá BĐS để giới đầu cơ không thể thổi giá một cách tùy tiện.

Quang Huy/Pháp luật TPHCM