22/05/2018

Tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai

Qua hai năm thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020”, công tác quản lý đô thị, trọng tâm là quản lý quy hoạch, trật tự đô thị, đất đai, môi trường có chuyển biến tích cực. Song, thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong quản lý quy hoạch, đô thị, đất đai.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn giám sát các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Hà Đông.
Những hạn chế, bất cập

Theo kết quả giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đô thị đã được các cấp, các ngành của TP Hà Nội quan tâm, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả; song thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế do nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo lộ trình đến năm 2020, TP Hà Nội sẽ phải di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay mới có 32 cơ sở thực hiện lập dự án chuyển đổi chức năng sử dụng đất. Đáng lưu ý, một số cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế sau khi di dời đến cơ sở mới, nhưng vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng cơ sở cũ. Về thực hiện quy hoạch thoát nước, TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng các trạm bơm phục vụ thoát nước mưa và thu gom, xử lý nước thải. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm phê duyệt dự án, dẫn đến trên địa bàn thành phố còn hơn 10 điểm ngập úng cục bộ mỗi khi có mưa to. Thành phố đã quy hoạch 34 bãi đỗ xe, nhưng đến nay mới hoàn thành, đưa vào sử dụng 4 bãi đỗ theo quy hoạch. Bên cạnh đó, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, đỗ xe trái phép vẫn còn…

Đặc biệt, qua đợt giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đầu tháng 5-2018 cho thấy, còn nhiều dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước chậm triển khai từ 7 đến 10 năm, đến nay vẫn “án binh bất động”, gây bức xúc trong dư luận. Số dự án này tập trung ở các quận, huyện: Hà Đông, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hoài Đức. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trên địa bàn quận có 26 dự án chậm triển khai, gây lãng phí đất đai, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. “Đáng chú ý, có dự án chung cư văn phòng hỗn hợp, địa chỉ số 12, ngõ 115 phố Định Công đã thi công xong phần thô, nhưng nay chủ đầu tư bỏ trốn, quận đã đề nghị cơ quan điều tra làm rõ” – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Kiều Oanh cho hay. Quận Thanh Xuân cũng có 19 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó có 11 dự án UBND quận đề xuất thành phố thanh tra, thu hồi nếu chủ đầu tư cố tình chậm và không có năng lực tài chính…

Cần giải pháp căn cơ

Trước những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý quy hoạch, đô thị, UBND TP Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý. Đối với quỹ đất của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường sau khi di dời được UBND thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng; phần còn lại xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở trên cơ sở phù hợp với quy hoạch. Về công tác quản lý đô thị, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan thanh tra các cấp tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, trật tự xây dựng các dự án.

Cùng với đó là công khai danh sách các chủ đầu tư vi phạm quy hoạch, sử dụng đất theo quy hoạch trong triển khai các dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết không giao dự án mới cho những doanh nghiệp từng có dự án vi phạm công tác quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích, nợ tiền sử dụng đất…

Đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo của UBND thành phố, song nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, UBND thành phố cần có những giải pháp căn cơ, cứng rắn hơn nữa trong công tác quản lý quy hoạch, đô thị, nhất là các dự án “treo”, chậm triển khai từ 7 đến 10 năm, gây lãng phí đất đai, nhân dân bức xúc. Trong đó, cần rà soát kỹ các dự án, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; quy rõ trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành… mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Đại diện cơ quan tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quản lý đất đai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa nêu giải pháp, đối với các dự án chậm triển khai, cần phân loại theo nhóm dự án. Dự án nào chậm triển khai do nguyên nhân khách quan, vướng điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu thì tạm thời cho chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng. Còn đối với các dự án chậm triển khai do nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư, không có năng lực tài chính, cần thanh tra, kiến nghị thành phố xem xét thu hồi, giao cho các chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện.

Việt Tuấn/Theo Hanoimoi