Suy nghĩ về tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa Việt Nam
Đặt vấn đề
Phật giáo được du nhập, định hình và phát triển trong suốt hơn 2000 năm với tinh thần “tùy duyên nhập thế” đã thấm sâu vào đời sống của cộng đồng các dân tộc ở nước ta, kết tinh thành những giá trị văn hóa Phật giáo đặc sắc lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong kiến trúc Phật giáo, ngôi chùa là một công trình quan trọng, bên cạnh các công trình khác như bộ phận cấu thành quan trọng bên cạnh, không chỉ là nơi truyền thừa tư tưởng, thực hành các nghi lễ, sinh hoạt Phật giáo của giới Tăng ni, Phật tử, mà còn có sứ mệnh là công trình văn hóa đối với cộng đồng dân cư rộng lớn tại nơi ngôi chùa tọa lạc. Các ngôi chùa được xây dựng trên khắp các vùng, miền trên cả nước. Phần lớn các ngôi chùa do người dân và cộng đồng Phật tử xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tu tập, đồng thời phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm xã hộị của từng vùng, miền.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, nhiều hệ phái Phật giáo đã hình thành ở nước ta với các kiến trúc chùa khác nhau. Ngày nay nhiều ngôi chùa đã trở thành những di sản văn hóa kiến trúc, góp phần tạo thành một hệ thống di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam đặc sắc, phong phú và đa dạng, trong đó thể hiện rõ tính thống nhất và đa dạng.
Tuy nhiên, nhận diện tính thống nhất và tính đa dạng trong kiến trúc chùa Việt là vấn đề không dễ, nhưng đây là một trong những vấn đề then chốt, mang tính lý luận, có ý nghĩa mở đầu, quan trọng trong việc nghiên cứu kiến trúc chùa Việt.
Trên cơ sở tham khảo các tài liệu khoa học liên quan đến kiến trúc chùa Việt và phân tích kết quả của các đợt khảo sát thực trạng kiến trúc chùa của 4 hệ phái (chưa đề cập đến các hệ phái khác) là: Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông kinh và Khất sĩ ở 3 miền Bắc Trung, Nam, bài viết nêu những ý kiến sơ bộ ban đầu về nhận diện tính thống nhất và tính đa dạng trong kiến trúc chùa của từng hệ phái.
Nhận diện đặc trưng của tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa Việt
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về kiến trúc chùa Việt Nam. Kết quả khảo sát thêm một lần nhấn mạnh và khẳng định tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa của các hệ phái phụ thuộc vào các yếu tố chính như sau:
– Tư tưởng Phật giáo Việt Nam và phương thức hành đạo của từng hệ phái;
– Văn hóa Phật giáo của người khởi dựng và người trụ trì.
– Giải pháp kiến trúc theo hướng thích nghi với yếu tố tự nhiên và văn hóa bản địa, nơi ngôi chùa được xây dựng.
Thật vậy, kết quả nghiên cứu và khảo sát cho thấy: tính thống nhất trong kiến trúc chùa Việt phản ánh sự thống nhất về nội dung tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Đó là kết quả của sự tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ bên ngoài vào nhưng được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa – xã hội của nước ta. Trong khi kiến trúc ngôi chùa lại có nguồn gốc từ kiến trúc dân gian địa phương. Như vậy, có thể coi đây là một trong những căn cứ khoa học quan trọng cho phép lý giải tính thống nhất trong ngôn ngữ kiến trúc chùa Việt. Mặt khác, do đặc điểm văn hóa – xã hội và điều kiện tự nhiên, khí hậu của các vùng, miền khác nhau cùng với phương thức tu tập có những điểm riêng khác nhau của từng hệ phái mà kiến trúc chùa có những đặc trưng khác nhau. Và chính điều này tạo nên tính đa dạng trong kiến trúc chùa Việt.
Nhìn chung trong kiến trúc chùa của 4 hệ phái được khảo sát, có thể nhận thấy 3 hệ phái Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông kinh có nhiều yếu tố tương đồng bên cạnh những khác biệt đa dạng, trong khi hệ phái Nam tông Khmer có nhiều yếu tố khác biệt.
Tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa thuộc hệ phái Bắc tông
Phật giáo ở khu vực đồng bằng Bắc bộ (còn gọi là hệ phái Bắc tông) mang yếu tố Đại thừa nhưng đã có sự giao thoa với văn hóa và tín ngưỡng bản địa, tạo nên nhiều mô hình tổ chức không gian chùa khác nhau như: Chùa vừa thờ Phật vừa thờ Thánh (Tiền Phật, hậu Thánh); Chùa vừa thờ Thánh vừa thờ Phật (Tiền Thần, hậu Phật); Chùa phối thờ Tam giáo (Phật, Lão, Khổng).
Trong quá trình phát triển, từ thế kỷ XVI, hệ phái Bắc tông có những ảnh hưởng nhất định đối với kiến trúc chùa ở miền Trung và miền Nam. Chùa ở khu vực miền Trung phổ biến có lối bài trí kiểu Tiền Phật – hậu Tổ, với mặt bằng tổng thể kiểu chữ khẩu, nhưng hình thức kiến trúc phản ánh ảnh hưởng trực tiếp của kiến trúc dân gian truyền thống là kiểu nhà Rường kết hợp với ảnh hưởng của các hình thức kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Trong khi kiến trúc của các ngôi chùa ở Nam bộ lại mộc mạc hơn, gắn liền với đời sống cộng đồng nên thường là một tổ hợp của những ngôi nhà Bát Dần (Xếp Đọi) – một dạng kiến trúc dân gian quen thuộc của người dân vùng sông nước,… Tất cả tạo nên những đặc trưng, tính thống nhất và đa dạng của kiến trúc chùa theo hệ phái Bắc tông ở khu vực miền Trung và miền Nam, góp phần làm giàu thêm bản sắc kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt. Có thể nhận diện nét đặc trưng này qua:
Vị trí đặt ngôi chùa
Nguyên tắc phong thủy được vận dụng khá phổ biến trong việc chọn vị trí dựng chùa, cũng như trong bố cục tổng thể các công trình của ngôi chùa, như: dựa vào địa thế cảnh quan tự nhiên, trước có mặt nước – sông, hồ, sau có núi hay gò đất cao làm điểm tựa,… Ngôi chùa, vì thế không chỉ hài hòa với cảnh quan tự nhiên mà còn góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp của cảnh quan tự nhiên.
Mặt bằng tổng thể
Mặt bằng tổng thể chùa của hệ phái Bắc tông, nhất là ở ở khu vực đồng bằng Bắc bộ, ngoài dạng bố cục hướng tâm thời Lý, thường có các dạng chính như: Chữ đinh, chữ nhị, chữ tam, chữ công và nội công ngoại quốc. Bố cục tổng thể các hạng mục công trình phổ biến của ngôi chùa theo các nguyên tắc của thuật phong thủy, đồng thời thống nhất theo nguyên tắc một trục đối xứng, lần lượt từ ngoài vào là: Tam quan, sân chính điện, ở vị trí trung tâm là chính điện (Tam bảo), gác chuông (nếu có) và nhà tổ. Ngoài ra còn có các tháp, hành lang liên kết, khu vực tiếp khách, chỗ nghỉ cho khách, nơi ở và sinh hoạt của các nhà sư trụ trì. Không gian còn lại là cảnh quan mặt nước, cây xanh, sân vườn và các công trình kiến trúc nhỏ như: thủy đình, cầu, núi đá,…
Kiến trúc
Tính thống nhất của kiến trúc chùa, như đã trình bày ở trên là do có nguồn gốc từ kiến trúc dân gian địa phương. Vì vậy, ở miền Bắc các ngôi chùa có cấu trúc theo bước gian của ngôi nhà dân gian truyền thống, ở miền Trung, kiến trúc chùa phát triển từ cấu trúc ngôi nhà Rường, ở Nam bộ là từ ngôi nhà Bát Dần.
Có thể dễ dàng giải thích nguồn gốc dân gian của kiến trúc các ngôi chùa: ngay từ buổi đầu khi Phật giáo du nhập vào nước ta, các tăng sĩ sống và truyền đạo trong cộng đồng dân cư địa phương đều dựa vào ngôi nhà của cư dân địa phương. Sau này, khi xây dựng các ngôi chùa đầu tiên – chùa làng, thật dễ hiểu các ngôi chùa ấy đều lấy hình thức của kiến trúc dân gian địa phương để phát triển. Và như vậy, quy mô các ngôi chùa thường không lớn, được xây dựng bằng kỹ thuật dân gian và vật liệu địa phương theo cách sao cho hài hòa với môi trường tự nhiên, nơi mà ngôi chùa tọa lạc.
Tương tự, về màu sắc, ngôi chùa mang đậm nét mộc mạc, bởi chính màu sắc tự nhiên mà không sơn phủ thêm của các vật liệu xây dựng địa phương. Vì thế khi đến chùa, con người cảm nhận tính linh thiêng nhưng không cảm thấy xa lạ mà gần gũi, thân quen. Dựng chùa từ kiến trúc dân gian, phải chăng là cách tốt nhất để tư tưởng Phật giáo lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng địa phương.
Trong quá trình phát triển, để khẳng định tính chính thống của Phật giáo và tính bền vững của công trình Phật giáo, hình thức kiến trúc chùa dần dần có những thay đổi, đặc biệt là ở bộ mái, các kiến trúc nhỏ và chi tiết trang trí, thể hiện tính biểu tượng chính thống của Phật giáo, dễ nhận biết và thu hút cộng đồng, cùng với đó là vật liệu để xây chùa bền chắc hơn. Tương tự là nhiều sáng tạo mới, độc đáo trong tổ chức mặt bằng ngôi chùa, nhất là ở ngôi chính điện nhằm mở rộng không gian phục vụ cho nhu cầu tu tập ngày càng tăng của số đông Phật tử. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính đa dạng trong kiến trúc chùa Việt.
Tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer
Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada) còn gọi là Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa) hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch. Hệ phái Nam tông Khmer được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Có thể nhận diện đặc điểm của kiến trúc chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer thông qua:
Vị trí xây dựng chùa
Ngôi chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer là không gian tu tập Phật giáo, đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Khmer ở địa phương. Do đó ngôi chùa gắn với đời sống cộng đồng và thường được xây dựng ở nơi có cảnh quan đẹp trù phú . Đây là những nguyên tắc thống nhất trong việc lựa chọn vị trí dựng chùa của hệ phái Nam tông Khmer.
Mặt bằng tổng thể
Với chức năng vừa thực hành Phật sự vừa sinh hoạt văn hóa cộng đồng nên mặt bằng tổng thể ngôi chùa của hệ phái Nam tông Khmer được tổ chức như là một công viên, có quy mô lớn, trong đó nổi bật chính điện. Chính điện được đặt ở vị trí trung tâm theo hướng Đông – Tây. Hệ thống các công trình trong tổng thể chùa bao gồm nhiều hạng mục như: Cổng chùa, nhà hội (Sa la), Tăng xá, tháp cốt, tháp tượng Phật Thích Ca an vị dưới gốc Bồ Đề,… Còn lại là không gian xanh với nhiều cây xanh lớn, cổ thụ.
Kiến trúc
Chính điện là công trình quan trọng nhất của chùa Khmer được xây dựng trên 2 hoặc 3 cấp nền cao, có tường với lan can vây quanh. Chính điện có mặt bằng chữ nhật. Mái chính Điện có 3 cấp, bên trên trang trí các hình rắn thần Po choong, thủy quái Makara… Đỡ dưới diềm mái là tượng nữ thần Key nor. Bên dưới, phía bậc cấp là hình rắn thần Nagar 7 đầu, hình tượng chằn (Yeak) đứng bảo vệ Phật pháp,…
Mỗi ngôi chùa Khmer là một tổng hòa các sắc thái văn hóa riêng của người Khmer. Đó là những giá trị nghệ thuật được gửi gắm trong hình khối kiến trúc, sự hòa hợp giữa kiến trúc và điêu khắc cùng với những đường nét trang trí tinh xảo đầy ấn tượng. Nhiều sinh hoạt và phong tục tập quán quý báu của người Khmer luôn được diễn ra trong chùa. Trong chùa còn lưu giữa những bộ kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pali hoặc tiếng Khmer cổ rất có giá trị. Tất cả tạo nên những nét riêng biệt đặc sắc góp phần xứng đáng vào kho tàng văn hóa kiến trúc của các dân tộc Việt Nam.
Tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa thuộc hệ phái Nam tông kinh
Phật giáo Nam tông kinh bắt đầu du nhập vào cộng đồng người Việt từ Campuchia vào năm 1939. Những kinh điển Phật giáo nguyên thủy đã được các vị sư kế thừa và tuyển dịch để hoằng pháp. Ngoài ra, hệ phái Nam tông kinh cũng kế thừa các nghi lễ quan trọng theo truyền thống văn hóa Việt Nam, như các lễ tiết Rằm tháng Giêng, rằm tháng 4 (Phật Đản), rằm tháng 7 (tiết Vu Lan) tạo nên nét đặc trưng riêng, khác với hệ phái Nam tông Khmer.
Có thể nhận diện đặc điểm của kiến trúc chùa thuộc hệ phái Nam tông Khmer thông qua:
Mặt bằng tổng thể
Theo tinh thần của Phật giáo nguyên thủy, mặt bằng tổng thể chùa thuộc hệ phái Nam tông kinh thường được bố cục theo mô hình hướng tâm với điện Phật dạng tháp ở trung tâm. Bao quanh chính điện là các khu phụ trợ như: đàn kết giới Sima, nơi đức Phật thuyết pháp, giảng đường, tăng xá,… Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có nơi để Pháp sư giảng pháp vào ngày lễ.
Về kiến trúc
Chính điện có kiến trúc dạng tháp, thường phỏng theo kiến trúc chùa tháp đa màu sắc của Myanmar hay của Thái Lan. Mặt tiền chính điện được bố trí nhìn về hướng Đông. Trong chính điện chỉ tôn thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca. Xung quanh chính điện treo những bức tranh về cuộc đời Phật Thích Ca. Chính điện là công trình có quy mô lớn nhất chế ngự không gian toàn cảnh. Xung quanh là các công trình phụ trợ, bao gồm cả cổng vào (tam quan) thường có ngôn ngữ kiến trúc kết hợp, phỏng theo nhiều phong cách kiến trúc du nhập khác nhau, trong đó kiến trúc truyền thống của dân tộc được chú trọng.
Tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa thuộc hệ phái Khất sĩ
Hệ phái Khất sĩ được vị Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng vào năm 1944 với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp” làm tôn chỉ tu học và hành đạo. Nơi thờ tự, trụ trì của các nhà tu hành thuộc hệ phái Khất sĩ gọi là Tịnh xá – nguyên gốc tiếng Phạn là “Vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch. Danh hiệu các ngôi tịnh xá thường có hai chữ, đứng đầu là chữ Ngọc, còn chữ thứ hai, Tổ sư và chư Trưởng lão tăng, ni có thể tùy nghi dùng tên địa phương của khu vực đó để đặt.
Có thể nhận diện đặc điểm của kiến trúc chùa thuộc hệ phái Khất sĩ thông qua:
Vị trí xây dựng Tịnh xá
Gần cộng đồng là vị trí thuận lợi nhất được coi như là nguyên tắc căn bản để dựng tịnh xá của hệ phái Khất sĩ.
Mặt bằng tổng thể
Bố cục mặt bằng tông thể tịnh xá của hệ phái Khất sĩ thường đăng đối theo trục với công trình chính điện ở vị trí trung tâm.
Kiến trúc
Chính điện có măt bằng bát giác với 04 cột cái lớn ở chính giữa, 08 cột quân xung quang và 02 tầng mái (tầng mái trên có 04 mặt mái). Một số Tịnh xá sau này do nhu cầu mở rộng không gian nên đã thêm 08 hàng cột hiên nối dài, đồng thời có 03 tầng mái hoặc hơn.
Chính điện hình bát giác do vị Tổ sư Minh Đăng Quang thiết kế là một trong những mô hình thể hiện tính kế thừa độc đáo, mang đậm tính dân tộc. Đó là sự dung hợp sáng tạo tài tình giữa hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông của vị Tổ sư, không theo mô hình của Phật giáo Nam tông ở Campuchia hoặc ở vùng Nam bộ Khmer, mà cũng không hoàn toàn theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa.
Về ý nghĩa của ngôi Chính điện, mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát Chính Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế; 04 cột lớn trong lòng chính điện tượng trưng cho Tứ Chúng cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp. Trên đỉnh chính điện là một bông Hoa sen hoặc Ngọn đèn Chân Lý biểu trưng cho sự thanh tịnh cao khiết hoặc ánh sáng chân lý sẽ soi sáng cho muôn loài chúng sinh. Giữa chính điện là một tòa tháp bằng gỗ, để trống bốn phía, bên trong bài trí tượng Phật Thích Ca. Mái tháp gỗ gồm 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh hữu tình.
Tình hình xây dựng chùa Việt hiện nay
Những năm gần đây, nhiều nhà chùa đã tự cải tạo hoặc xây dựng mới nhằm mở rộng không gian ngôi chùa để đáp ứng nhu cầu tu tập ngày càng tăng mạnh của Tăng ni và Phật tử. Những can thiệp này, trong một số trường hợp bộc lộ nguy cơ làm mai một dần đặc trưng truyền thống của ngôi chùa Việt Nam. Trên thực tế, đây là xu hướng phổ biến góp phần tạo nên tính đa dạng của kiến trúc chùa hiện đại. Qua khảo sát thực tế, cho thấy có hai dạng can thiệp vào quy hoạch và kiến trúc các ngôi chùa ở các hệ phái theo hướng hợp lý và không hợp lý như sau:
– Hợp lý: Việc bổ sung công trình mới vào tổng thể cũ để đáp ứng nhu cầu Phật sự, nhưng không làm mất đi mà còn góp phần làm tăng thêm giá trị truyền thống của tổng thể kiến trúc chùa. Đây là những can thiệp hợp lý, tích cực, có giá trị cần được phát huy để thúc đẩy sự sáng tạo, làm tăng thêm sự đa dạng của kiến trúc chùa hiện đại.
Không hợp lý
Phổ biến là việc xen cấy, mở rộng không gian sử dụng bằng các công trình tạm nhưng chưa được nghiên cứu kỹ để phù hợp với mặt bàng tổng thể của ngôi chùa. Kết quả là làm mất đi tính thống nhất cũng như giá trị của tổng thể kiến trúc chùa. Những can thiệp này được đánh giá là tiêu cực, cần có giải pháp khắc phục.
Kết luận
Bên cạnh tính thống nhất như đã nêu ở trên dễ thống nhất thì tính đa dạng trong kiến trúc Phật giáo của từng hệ phái ở nước ta hiện nay, lại là vấn đề cần được tranh luận, trao đổi cũng như cần nhiều hơn những nghiên cứu chuyên sâu để có thể định hướng phát triển chùa Việt trong tương lai. Tuy nhiên, vừa đảm bảo tính thống nhất của kiến trúc chùa Việt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo, góp phần làm nên sự đa dạng của kiến trúc chùa của các hệ phái là cần thiết nhưng không dễ, đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian.
Trong những năm gần đây, nhiều ngôi chùa được bảo tồn, trùng tu và xây dựng mới với quy mô ngày càng lớn cùng với hình thức kiến trúc đa dạng khác nhau. Bên cạnh những mặt tích cực trong xây dựng chùa còn tồn tại những hạn chế nhất định, trong đó bản sắc đặc trưng của kiến trúc chùa Việt đang có nguy cơ dần mai một. Để định hướng phát triển kiến trúc chùa Việt hiện đại và có bản sắc đáp ứng nhu cầu phật sự ngày càng tăng, cần thiết: Tiếp tục các nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc chùa; Tập trung nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về tính thống nhất và đa dạng trong kiến trúc chùa Việt. Trên cơ sở đó, tiến tới xây dựng các nguyên tắc hướng dẫn thiết kế chùa (có thể dưới dạng sổ tay hướng dẫn) để định hướng thiết kế và xây dựng chùa đạt được những chuẩn mực cần thiết. Các nguyên tắc này đảm bảo nhu cầu hoạt động Phật giáo đương đại của từng hệ phái, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa địa phương, vùng miền, đồng thời không ngăn cản, trái lại khuyến khích sáng tạo để tạo nên sự đa dạng của kiến trúc các hệ phái theo hướng hiện đại và bản sắc. Các nguyên tắc thiết kế tập trung và chi tiết hóa các thành phần kiến trúc như: mái, thân nhà (tường, cửa), thềm bệ. Chú ý tương quan tỷ lệ giữa các thành phần, cũng như về nội thất, kết cấu, sử dụng vật liệu, màu săc, chi tiết trang trí, kiến trúc nhỏ và cảnh quan, sân vườn.
Các nguyên tắc thiết kế chùa là cơ sở để các nhà sư và các bên liên quan tham khảo đồng thời là căn cứ để tiến tới kiến nghị quy chuẩn thiết kế bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới chùa Việt trong sự kết hợp với các cơ quan của nhà nước.
GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông