Sự cần thiết của việc đưa quy hoạch tỉnh vào trong luật
(KTVN 239) – Việc đưa Quy hoạch tỉnh vào trong luật được đề ra trong bối cảnh đang có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch chuyên ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch khai thác vùng biển quốc gia. Tức là có 5 đến 7 loại quy hoạch quốc gia, mà những quy hoạch này mang tính chiến lược, mang tính định hướng cho tất cả các vùng, các miền trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy lý do và mục đích của việc ra đời Quy hoạch tỉnh là gì?
Thực tế, Quy hoạch tỉnh mới hình thành và được đưa vào luật sau năm 2010, còn trước đây, không có Quy hoạch tỉnh.
Do là quy hoạch được ra đời sau các loại quy hoạch khác, Quy hoạch tỉnh đương nhiên phải đưa đầy đủ các yếu tố mang tính định hướng, mang tính chiến lược vào trong quy hoạch. Nếu các quy hoạch chuyên ngành của một tỉnh mà không trùng khớp với nhau thì tỉnh sẽ không thể làm được.
Cho nên, vai trò của Quy hoạch tỉnh thực chất là chắp nối, khớp nối và đầu nối những hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các quy hoạch chuyên ngành mang tính định hướng, chiến lược để cụ thể hóa trên lãnh thổ của 1 tỉnh.
Thực chất Quy hoạch tỉnh gần giống như quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trên địa bàn 1 tỉnh nhưng được đặt ra với cái tên mới. Như vậy, nếu sử dụng Quy hoạch tỉnh thì không cần thiết và không nhất thiết phải lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn của tỉnh đó nữa. Bởi trong tỉnh đã có đô thị và nông thôn, đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Trong khi đó, các tỉnh gần biển, ven biển duyên hải có quy hoạch vùng biển mang tính chiến lược. Do đó, cần cân nhắc để giảm bớt những loại quy hoạch đang chồng chèo lên nhau, mâu thuẫn với nhau mà để khớp nối được với nhau là vô cùng khó.
Đã là Quy hoạch tỉnh, cụ thể hơn một bước so với quy hoạch vùng, có nghĩa là đã cập nhật những dự án không phải là của tỉnh, có khi là của quốc gia. Ví dụ đường cao tốc Bắc Nam đi qua nhiều tỉnh thì không thể nói là ở tỉnh không có đường cao tốc ấy được.
Tất cả những cái đó phải được cập nhật trong Quy hoạch tỉnh, nếu các dự án không được cập nhật hoặc được cập nhật một cách mờ nhạt thì không đúng mà phải cụ thể. Đã là Quy hoạch tỉnh thì phải cụ thể những dự án của quốc gia.
Những gì thuộc về vùng như hệ thống giao thông, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của các vùng mà có liên quan đến tỉnh cũng phải cập nhật, bởi vì đây là quy hoạch định hướng. Còn nguồn lực có thể có rất nhiều, đến từ ngân sách của liên doanh, của cá nhân, tập thể…
Việc thực hiện dự án không phải do tỉnh vì không bắt nguồn từ ngân sách của tỉnh nhưng lại nằm trên địa bàn của tỉnh, tỉnh phải đưa vào và có trách nhiệm hỗ trợ cho các dự án mà đang vận hành trên địa bàn tỉnh.
Chúng ta phải đưa vào luật để có trách nhiệm, cũng như khẳng định sự tồn tại, hiện diện của dự án đó trên mảnh đất của tỉnh, ngoài ra tỉnh phải có trách nhiệm hỗ trợ khi cần thiết. Dự án nào đi chăng nữa cũng cần có tỉnh can thiệp, thậm chí huyện, xã phải can thiệp, nên dự án đó phải được đưa vào Quy hoạch tỉnh. Còn việc dự án không thực hiện được hay thực hiện không đúng thời hạn thì cũng không đổ lỗi cho tỉnh được vì tỉnh đã làm hết trách nhiệm.
Do vậy, việc cập nhật dự án là việc phải làm, cập nhật tất cả những yếu tố và phải có trách nhiệm với dự án đó, bởi dự án không cập nhật thì sẽ không thể nào yêu cầu tỉnh phải hỗ trợ. Đặc biệt, dự án nằm trên đất của tỉnh thì phải báo cáo để cập nhật, thông báo xem sẽ làm gì trên đất đó. Còn nếu tỉnh không được thông báo thì tỉnh sẽ không tham gia, không có trách nhiệm hỗ trợ dự án.
Vạn sự khởi đầu nan – Cái gì mới cũng đều khó, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch. Chúng ta lăn lộn ở trong lĩnh vực quy hoạch đang làm, đã làm trước đây cũng đã khó khăn. Bây giờ thêm Quy hoạch tỉnh, mà Quy hoạch tỉnh lại tổng quát hơn so với những loại quy hoạch khác thì sẽ rất khó.
Quy hoạch đô thị chủ yếu là vấn đề đô thị, quy hoạch nông thôn tập trung về nông thôn, quy hoạch sử dụng đất chủ yếu về vấn đề sử dụng đất nhưng Quy hoạch tỉnh lại tập hợp rất nhiều loại quy hoạch, rất nhiều yếu tố quy hoạch, rất nhiều lĩnh vực quy hoạch.
Vì vậy, đội ngũ làm Quy hoạch tỉnh phải được đào tạo bàn bản, sau đó làm thực tế. Quá trình làm việc cần phải có người xem xét, người thẩm định, người ký duyệt. Việc cấp duyệt cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi 63 tỉnh, thành phố và rất nhiều quy hoạch. Tóm lại, việc này khó khăn cho cả người làm quy hoạch, người xem xét, thẩm định và cả người cầm bút ký duyệt quy hoạch.
Thực tế cho thấy, các địa phương luôn mong muốn tỉnh mình phát triển và là mũi nhọn của nền kinh tế đất nước. Để phát triển thì phải có cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng chính là sân bay, nhà ga, đường bay, đường cao tốc, cơ sở hạ tầng. Như vậy, khó khăn sẽ đè nặng lên những người làm quy hoạch cho đến người duyệt quy hoạch. Do đó, cần cân nhắc giảm bớt, giảm nhẹ những loại quy hoạch nếu không sẽ không đạt được hiệu quả.
Quy hoạch mang tầm chiến lược của tổng thể quốc gia mà chuẩn chỉnh sẽ giảm bớt khối lượng công việc. Cũng giống đồ án quy hoạch chung, nếu chúng ta làm thực tế, làm từ cái nhỏ, đến khi chúng ta ngồi vẽ quy hoạch tổng thể thì trên nét vẽ của quy hoạch tổng thể đã có hình bóng của quy hoạch cụ thể.
Phải là người làm cụ thể thì đến khi vẽ tổng thể, trong cái tổng thế đấy mới có hồn cốt của dự án. Còn 1 người vẽ tổng thể, chỉ vẽ mỗi mảng màu thì cuối cùng sẽ không áp dụng vào thực tế được.
Hiện nay, trong khi Quy hoạch tỉnh chưa được lập thì có một số nơi đã lập quy hoạch đô thị, vậy đến lượt Quy hoạch tỉnh thì quy hoạch đô thị có lọt được vào trong Quy hoạch tỉnh hay không?
Khi làm quy hoạch năm 1998, mặc dù không bị bắt buộc phải làm quy hoạch vùng Thủ đô, nhưng trước khi đi vào quy hoạch chung của Thủ đô thì vẫn phải nghiên cứu quy hoạch vùng, không phải chỉ loanh quanh ở các tỉnh như TP Hà Nội mà gần như là cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Phải nghiên cứu các tỉnh lân cận, nghiên cứu những yếu tố tác động, hay nói cách khác là các lực hút, động lực mà từ các đô thị khác ảnh hưởng đến đô thị mình. Cho nên dù muốn hay không thì vẫn phải làm để thấy được mối tương quan ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch chung sẽ phải làm.
Đúng ra Quy hoạch tỉnh phải đi trước, nhưng như đã đề cập ban đầu, thực chất Quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, đặc biệt là những đô thị như Hà Nội thì gần như là một.
Ví dụ như Thanh Hóa, Nghệ An đất đai lớn nhưng đô thị lại không lớn nên nhiều khi tỉnh mang ý nghĩa chỉ đạo rất lớn đến quy hoạch đô thị. Nếu quy hoạch đô thị làm tốt, người làm chủ trì đồ án đó là người hiểu biết và có năng lực, họ sẽ không bao giờ bỏ qua quy hoạch của những vùng lân cận, có tác động đến quy hoạch chung.
Tóm lại, Quy hoạch tỉnh có tận dụng được quy hoạch đô thị hay không, có làm được vai trò định hướng cho quy hoạch đô thị hay không còn tùy thuộc vào chất lượng của từng đồ án, của từng nơi, đặc thù của từng địa phương.
Làm tốt quy hoạch đô thị thì đến lúc làm Quy hoạch tỉnh sẽ không cần sửa đổi nhiều mà vẫn có Quy hoạch tỉnh tốt.
Xin nhắc lại, Quy hoạch tỉnh gần giống với quy hoạch đô thị và nông thôn. Chỉ có ngành quy hoạch xây dựng là có thể đứng ra nhận dẫn dắt, lập Quy hoạch tỉnh và chỉ có quy hoạch đô thị và nông thôn mới làm được việc đó.
Liên quan đến vấn đề tầm nhìn đối với Quy hoạch tỉnh, điều này không đáng lo ngại, bởi khi căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển của các chuyên ngành trên lĩnh vực toàn quốc gia… tức là rất nhiều quy hoạch chiến lược, định hướng cho quy hoạch của chúng ta.
Mỗi quy hoạch đó đều có tầm nhìn, kể cả tầm nhìn chuyên ngành, cũng như tổng thể kinh tế-xã hội, tầm nhìn của mỗi tỉnh hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của các quy hoạch chiến lược, các quy hoạch đã được định hướng.
Ví dụ như Định hướng quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, không lẽ vì Quy hoạch tỉnh mà lại thay đổi quy hoạch tầm nhìn ấy, tầm nhìn của các quy hoạch chiến lược ấy. Cho nên, tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh đương nhiên phải tuân theo tầm nhìn của các quy hoạch chiến lược. Cũng như Quy hoạch tỉnh phải tuân theo, khớp nối được với các quy hoạch tổng thể của các quy hoạch chuyên ngành, cũng như quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất…
Quy hoạch tỉnh hoàn toàn phải chịu ảnh hưởng của các quy hoạch khác và Quy hoạch tỉnh không đủ lực để vượt qua khỏi tầm nhìn của các quy hoạch mang tính chiến lược. Do đó, tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh phải theo tầm nhìn của các quy hoạch chiến lược hơn và có định hướng rõ rệt hơn.
Quy hoạch vùng thực chất là cụ thể hóa của quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia và cụ thể ở mức độ đến vùng. Vùng ở đây có thể là vùng lãnh thổ lớn hơn tỉnh nhưng những vùng ấy vẫn phải tuân thủ theo quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia.
Quy hoạch phải hài hòa, vùng nào có lợi thế, thế mạnh về lĩnh vực nào thì phát triển ở lĩnh vực đó. Vùng duyên hải thì phải phát triển thủy hải sản, nhưng không thể bắt các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên phát triển thủy hải sản được.
Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành quy hoạch, tác giả nhận thấy quy hoạch vùng không đóng góp được nhiều với quy hoạch của đô thị, nông thôn. Quy hoạch vùng không mang tầm nhìn chiến lược tổng thể như quy hoạch quốc gia nhưng cụ thể thì lại không cụ thể được.
Cho nên, sự liên kết trong quy hoạch vùng không có gì nặng nề, vì sự liên kết ấy đã được thể hiện trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Bởi tổng thể quốc gia là liên kết quy hoạch vùng, là liên kết các vùng với nhau. Vậy việc quy hoạch vùng lợi ích được thêm ít nhưng sẽ làm mất nhiều thời gian và nhân lực.
Tác giả cho rằng, chính những quy hoạch ấy, lại làm cho công tác phát triển của chúng ta chậm trễ, làm cho bộ máy quản lý của chúng ta cồng kềnh, làm cho các nhà lãnh đạo cũng mệt mỏi hơn khi mà cứ phải cân nhắc giữa vùng nọ với vùng kia, khi mà phải cân nhắc giữa vùng với tổng thể quốc gia, rồi vùng với các tỉnh, các vùng với các đô thị.
Do đó, chúng ta cũng cần phải giảm nhẹ đi những cái gì làm cản trở sự phát triển kinh tế đất nước, giống như chúng ta đang giảm nhẹ cơ chế hành chính, thì đây cũng là một trong những cái cần phải giảm nhẹ, bớt đi những công việc mà đáng ra không cần./.
KTS Lê Mạnh Cường – Nguyên Trưởng phòng Quy hoạch (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội), Đồng chủ nhiệm đồ án quy hoạch chung Hà Nội đến 2010 tầm nhìn 2020