Sông Hồng trong phát triển Hà Nội toàn diện, bền vững
Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội (2012-2022). Hà Nội ta đã cố gắng bám sát mục tiêu đặt ra, nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường, không gian công cộng, công viên cây xanh, mặt nước… không đạt, có liên quan tới vai trò của Sông Hồng trong tổng thể phát triển Hà Nội.
Sông Hồng trong chiến lược phát triển Thủ đô
Sông Hồng dài 1.160km, qua Việt Nam khoảng 556km, chảy qua Hà Nội khoảng 120km từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì đến hết xã Quang Lãng huyện Phú Xuyên. Sông Hồng gắn bó với sự hình thành và phát triển của Hà Nội, nhưng gần 20 năm nay, sông Hồng đối mặt với nhiều thách thức.
“Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” (12/2022) cho biết nguy cơ khô hạn do sông Thao, Lô, Gâm, Đà thiếu nước 4-6 tháng/năm và tập trung vào tháng 4 làm thiếu nước tới cả lưu vực. Đúng vào lúc mực nước các hồ chứa hạ thấp thì nhu cầu dùng nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp và sản xuất thủy điện tăng cao, điều tiết nước rất căng thẳng. Mực nước có lúc chỉ còn 1,4-1,5m, thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc trong hơn 100 năm, trong khi nhu cầu dùng nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt của Hà Nội ngày càng lớn Dự báo thiếu nước ngày càng nhiều. Thiếu nước cấp vào các sông Đáy, Nhuệ, Tô Lich, Ngũ Huyện Khê dẫn tới bồi lắng, không có dòng chảy rửa trôi ô nhiễm do xả thải bừa bãi trong khi quản lý yếu kém, dự án thu gom và xử lý nước thải đắt đỏ lại vô dụng nên và ô nhiễm gia tăng. Khô hạn kéo theo nguy cơ xâm nhập mặn từ ngoài biển vào sâu trong đất liền theo chiều ngang cũng như tầng nước ngầm ảnh hưởng tới hàng nghìn km2 khu vực Đông Nam Hà Nội.
Trong 10 năm (2012-2022), Hà Nội san lấp hàng trăm km2 ruộng trũng (thảm xanh, đất bán ngập nước) để bê tông hóa tốc độ cao. Bản đồ vệ tinh đêm (Nigth Earth) năm 2022 bên sơ đồ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (thường gọi là QH 1259) cho thấy Hà Nội phát triển theo vết dầu loang từ trung tâm ra bên ngoài bám theo các tuyến đường giao thông như những vòi bạch tuộc – phá vỡ định hướng dùng vành đai xanh vẽ ra với hy vọng khống chế phát triển tùy tiện – “bệnh đầu to” được cảnh báo từ 10 năm trước nay đã hiện hình.
Khảo sát 72km đoạn sông từ cầu Trung Hà về cầu Thanh Trì, dòng chảy vào tháng 12/1985 là 25,8km2 đến tháng 12/2021 còn 14,7km2. Sau gần 40 năm, diện tích mặt nước giảm đi 11,1m2 để lộ ra bãi bồi có diện tích rộng gấp 2 lần quận Hoàn Kiếm. Nhiều ý kiến cho rằng đó là quỹ đất mới hình thành đem lại nguồn lợi lớn nếu đưa vào khai thác bất động sản, tuy vậy đất bãi sông nằm trong ranh giới đê. Câu hỏi đặt ra là đây là đất đô thị hay đất lòng sông đang cạn nước dành cho nước chảy? Đất bán ngập này sẽ được khai thác như thế nào cho đúng với Luật Đê Điều, Luật Bảo vệ Tài nguyên nước?
Nghị quyết Số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định Hà Nội là “Trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước”. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị cho giai đoạn 2011-2020 “Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục… Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”. Nhiệm vụ trọng tâm là “Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội…. Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng. Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh… đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống.”
Quy hoạch Thủ đô trong tổng thế phát triển Đồng bằng sông Hồng
Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 (QH 1259) đã xác định vai trò trọng yếu của sông Hồng trong định hướng phát triển Hà Nội thành thành phố sông hồ/hành lang xanh và nông nghiệp sạch, công nghệ cao… hơn 10 năm qua, không rõ kết quả.
Các dự án cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã không chú trọng tính tích hợp với đường sắt, đường thủy, thậm chí cầu đường bộ cao trong khi cầu đường sắt thấp, giải pháp lạc hậu hơn cả cầu cũ đã có hơn 100 năm trước. Cầu vượt sông đi thẳng vào trung tâm thành phố xung đột với giao thông nội đô và mâu thuẫn với chiến lược giảm xe cá nhân/cơ giới vào trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường không khí và cảnh quan kiến trúc khu phố cũ.
Sông Hồng không chỉ cấp đủ nước sạch cho đô thị nông thôn mà còn có vai trò quyết định đảm bảo tiêu thoát úng ngập cho trung tâm thành phố. Các đô thị trên thế giới liên tục đối mặt với những thách thức mới phát sinh: nhu cầu giao thương, đi lại, bãi đỗ ô tô gia tăng đột biến, ô nhiễm môi trường, úng ngập đô thị thường xuyên… họ đã tích hợp các mục tiêu đồng thời trong những dự án canh tân đô thị lớn.
Các dự án đầu tư theo quy hoạch cũ tại Hà Nội thực hiện đơn lẻ/đơn mục tiêu nên rất đắt đỏ, không hiệu quả và nảy sinh các mâu thuẫn, xung đột về kỹ thuật, lợi ích, công nghệ và những hoạt động đồng thời. Quy hoach Thủ đô lập theo Luật Quy hoạch 2017 hy vọng cách làm mới sẽ khắc phục những bất cập đó, nhưng lại không có đơn vị đủ tự tin hay chuyên gia đủ tin cậy đảm trách, nên đã dự kiến giao các đơn vị dự thầu cùng thương thảo thực hiện. Mỗi đơn vị này lại có những hạn chế riêng: Đơn vị chuyên vẽ quy hoạch nhiều năm nay thì không biết viết hay tính toán… nên vẽ nhiều nhưng không khả thi/vẽ ra mười thực hiện chưa được một (vẽ ra 194km đường sắt đô thị chạy vào năm 2020; Đến 2023 chỉ có 13,5km). Đơn vị chuyên viết thì không biết vẽ, không biết bố trí số liệu vào địa điểm nào trong không gian hoặc không thạo cả hai, nên phải chỉnh sửa liên tục (Năm 2012 lập Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội, dự kiến đến năm 2030, bình quân 16.000-17.000 USD/người; Đến năm 2022 chỉnh xuống còn 12.000-13.000 USD). Quy hoạch một tỉnh mới công bố năm 2022 cho thấy mới tập hợp các số liệu thống kê cũ, sơ đồ minh họa vẽ từ 10 năm trước (2012) mà vẫn thiếu thông tin có giá trị cũng như giải pháp khả thi. Để hạn chế rủi ro khi nhiều đơn vị cùng làm nhưng vẫn cho ra sản phẩm không đạt yêu cầu, cách duy nhất là công bố toàn bộ thông tin liên quan để cộng đồng tham gia ý kiến/giám sát. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội – cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô cần công bố các thông tin liên quan trên trang tin của Viện – việc này đã được quy định tại Điều 12 Luật Quy hoạch 2017.
Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội; Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng