Siết chặt quản lý nhà, đất công
Nhằm đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực tế về công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất trên địa bàn Thủ đô, HĐND thành phố Hà Nội vừa thực hiện giám sát lĩnh vực này ở một số cơ quan, đơn vị. Qua giám sát cho thấy việc quản lý ở một số nơi còn lỏng lẻo, gây lãng phí đất đai và cần phải có giải pháp siết chặt hơn trong thời gian tới.
Còn nhiều hạn chế
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, 28 sở, ban, ngành thuộc thành phố (không bao gồm các cơ quan, đơn vị trực thuộc) đang sử dụng 57 cơ sở nhà, đất làm trụ sở, công trình sự nghiệp, với diện tích khoảng 60.875m2 đất, khoảng 90.809m2 sàn. Trong đó có 74.914m2 sàn tại 45 điểm các cơ quan, đơn vị được UBND thành phố giao sử dụng lâu dài; 14.639m2 tại 11 điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư thuộc sở hữu của UBND thành phố giao các doanh nghiệp quản lý, ký hợp đồng cho thuê; 1.256m2 Sở Du lịch Hà Nội ký hợp đồng thuê của Tổng công ty Thương mại Hà Nội.
Về nguyên tắc, sau khi được UBND thành phố đồng ý bố trí sử dụng trụ sở, các đơn vị có trách nhiệm lập, bổ sung hồ sơ quản lý các giấy tờ liên quan đến biến động công sở, trụ sở, nhà làm việc; rà soát, báo cáo diện tích chuyên dùng theo tiêu chuẩn, định mức, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt tiêu chuẩn, định mức chuyên dùng. Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy, nhiệm vụ nêu trên không được các đơn vị quan tâm thực hiện nghiêm túc.
Phó Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Vũ Ngọc Anh cho biết, thực tế giám sát cho thấy, một số đơn vị thể hiện rõ yếu kém trong công tác quản lý lĩnh vực này. Đơn cử như Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành phố giao quản lý đất ở 3 địa điểm, 2 cơ sở nhà đất là thuê của nhà nước, đều nằm ở vị trí mặt đường lớn, phố chính trong các quận, có giá trị kinh tế rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nợ tiền thuê nhà, đất hơn 70 tỷ đồng. Đặc biệt, hai địa điểm (số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai) được giao thực hiện các dịch vụ văn hóa nhưng đều sử dụng không đúng mục đích và chưa được cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Giám sát tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, các đại biểu HĐND thành phố phát hiện, có 357/803 địa điểm nhà chuyên dùng (khoảng 47%) tồn tại vi phạm và 65 điểm để trống. Bên cạnh đó, còn nhiều căn hộ, diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư còn để trống, cho thấy việc khai thác, kinh doanh của công ty chưa hiệu quả, gây lãng phí tài sản công. Đặc biệt, việc quản lý quỹ nhà để ở thuộc sở hữu nhà nước chưa triển khai tốt trong thời gian gần đây, vì thế có đến 3.995 trên tổng số 10.000 hộ (chiếm khoảng 40%) chưa ký lại được hợp đồng thuê nhà.
Tại quận Thanh Xuân, khu nhà ở chung cư cao tầng phục vụ giải phóng mặt bằng tại điểm X2, phường Hạ Đình có diện tích tầng 1 để cho thuê, kinh doanh đã để trống nhiều năm, không khai thác được.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Trước những tồn tại, hạn chế trên, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thời gian tới, việc bố trí trụ sở làm việc của sở, ban, ngành thành phố cần ưu tiên bố trí cho các cơ quan, đơn vị đang đi thuê nơi làm việc hoặc thiếu diện tích làm việc theo tiêu chuẩn, định mức. Việc chuyển giao nhà, đất là trụ sở cũ của các sở, ban, ngành cho các quận, huyện, thị xã phục vụ mục đích công cộng (trường học, nhà văn hóa…) thực hiện theo quy định pháp luật và nhu cầu thực tế từng địa phương.
Đặc biệt, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp sẽ thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật về tài sản công, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan như thu hồi, bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đối với diện tích kinh doanh dịch vụ các nhà chung cư, sau khi các cơ quan, đơn vị di chuyển về khu liên cơ sẽ thu hồi để đấu giá cho thuê theo quy định.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, để quản lý tốt tài sản công lĩnh vực nhà, đất, thời gian tới, UBND thành phố cần chỉ đạo hoàn thành việc kiểm kê toàn bộ quỹ nhà, nhất là quỹ nhà chuyên dùng để phân loại các tồn tại, vướng mắc, có giải pháp tháo gỡ, xử lý dứt điểm. Trước mắt, cần yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội khẩn trương rà soát, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp, thống kê, báo cáo UBND thành phố các phương án cụ thể để vận hành, cho thuê; đặc biệt là đối với nhiều điểm có vị trí thuận lợi cho kinh doanh, dịch vụ, tránh gây thất thoát tài sản của nhà nước.
“HĐND thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát, tái giám sát lĩnh vực này để các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố”, đồng chí Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.
Việt Tuấn/Hà Nội mới