24/01/2018

Sa Pa cần có bàn tay “bà đỡ” trong quản lý đô thị

Sa Pa vốn là vùng đất du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế trên 100 năm nay bởi có khí hậu kỳ diệu. Mùa hè một ngày có đủ bốn mùa: sáng là tiết trời mùa xuân, trưa tiết trời như vào hạ, buổi chiều sương rơi tạo cảm giác mùa thu, ban đêm lại là cái rét của mùa đông. Mùa đông mây mù bao phủ, nhiệt độ thường rất thấp, có lúc dưới 0 độ C và có tuyết rơi.


Sa Pa – đô thị trong mây (Ảnh: Huy Trường)

Ngay từ năm 1887, người Pháp cai trị đã đặt nét bút đầu tiên đưa Sa Pa vào diện quy hoạch khu nghỉ dưỡng thuộc địa của Pháp ở Đông Dương. Năm 1915, khởi đầu nan, Sa Pa có 02 nhà nghỉ làm bằng gỗ, ít lâu sau mọc lên 03 khách sạn lớn với tên gọi: Metropon, Pansipan, Hotel Duy Xang. Năm 1943, Sa Pa có trên 200 ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp, phần là công sở phần là nhà nghỉ dưỡng. Năm 1954 khi ta tiếp quản Sa Pa, các công trình xây dựng lớn hầu như không còn vì chiến tranh tàn phá. Sau đó có khôi phục lại một số biệt thự làm nơi nghỉ dưỡng cho công nhân lao động. Năm 1992, Sa Pa mới thực sự khôi phục nghề du lịch đón khách trong nước và quốc tế, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Năm 2003, du lịch ở Sa Pa có sự phát triển hơn với 60 nhà hàng khách sạn, 1.500 phòng nghỉ lưu trú, khách đến 60 nghìn lượt/năm. Từ năm 2016 trở về đây du lịch Sa Pa có bước nhảy vọt, doanh thu 1.690 tỷ đồng/năm, chiến tỷ trọng 31% trong tổng thu nhập của huyện, dịch vụ du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.


Sa Pa đón trên 3,1 triệu lượt khách du lịch trong năm 2017

Dịch vụ du lịch Sa Pa “tăng tốc” đột biến bởi cơ sở hạ tầng du lịch có nhiều phát triển, nhất là từ khi Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng xong hệ thống Cáp treo Fansipan và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào sử dụng. Ngày 29/5/2017, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Thông báo số 241/TB-VPCP kết luận đồng ý chủ trương xây dựng Sa Pa thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Trước đó, Chính phủ đã quy hoạch Sa Pa là khu du lịch quốc gia với các sản phẩm đặc sắc, chất lượng cao; qui mô 5,2 triệu lượt du khách/năm tạo cho Sa Pa có thêm cơ sở pháp lý phát triển du lịch. Sa Pa đón nhận cơ hội mới nhưng cũng là thách thức đối với một địa phương có xuất phát điểm là một huyện miền núi nghèo.

Sa Pa – đô thị như cơ thể cường tráng với tấm áo cũ chật

Sa Pa với cơ sở vật chất chưa tương xứng với sự “bung ra” quá nhanh của các dịch vụ du lịch. Huyện có 18 đơn vị hành chính (17 xã và 01 thị trấn). Tổng diện tích đất tự nhiên 685.584km2, dân số 12.680 hộ với 62.153 khẩu. Thu nhập bình quân đầu người 32,063 triệu đồng/năm (mức thu bình quân cả nước là 48,6 triệu đồng/người/năm), thấp so với các địa phương bạn. Khách du lịch đến Sa Pa chủ yếu tập trung ở thị trấn. Thị trấn sơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, đô thị xây dựng trên nền móng kiến trúc cổ điển của Pháp. Nhà xây thấp tầng, đường sá phục vụ cho xe thô sơ, xe máy, ô tô cỡ nhỏ và người đi bộ là chính. Khi dân số tăng lên kéo theo công trình xây dựng tăng lên nhưng điền địa thì không nở ra được; nhà cửa ken dày mặt đất, xe cộ dày đặc, đường sá căng chật.


Nhiều công trình khách sạn lớn hối hả mọc lên ở Sa Pa

Thị trấn Sa Pa đất hẹp, “khách đến chơi” gấp nhiều lần chủ nhà. Đô thị quá tải như một cơ thể cường tráng đang phải mang tấm áo vừa sờn cũ vừa chật hẹp. Nhiều hộ gia đình đã cơi nới, cải hoán căn nhà mình ở để đón khách du lịch bình dân. Đất trống chuyển đổi mục đích cho các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, Resort. Cả Sa Pa rầm rộ như một đại công trình xây dựng. Một thị trấn nhỏ, treo veo trên sườn núi Lô Suây Tông thoắt cái phải cõng trên lưng 320 cơ sở lưu trú với 6.000 phòng nghỉ. Các Resort, tòa cao ốc lộng lẫy như: Hotel 5 sao Sun Group, khách sạn 4 sao Sunrise… thế chân nhà cổ, nhà ống, vườn tạp.


Hồ Sa Pa trong nắng sớm

Sa Pa đã điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích vùng lõi tập trung phát triển du lịch là 1.500ha; nâng cấp thị trấn và 04 phân khu du lịch ở các xã: Bản Khoang, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Kim có sự kết nối với Bát Xát, huyện cận lân. Sản phẩm du lịch chính của Sa Pa là: Du lịch đặc thù, du lịch tham quan, du lịch sinh thái kết hợp với nghỉ dưỡng. Trong đó, Sa Pa đẩy mạnh phát triển du lịch đặc thù để tận hưởng khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc địa phương như: “Sa Pa – Xứ sở của du lịch điền dã, bộ hành”; “Sa Pa – Vùng đất của sự trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”; sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao Fansipan, Ky Quan San và đỉnh Nhìu Cù San”.


Sa Pa – đô thị gối sơn đạp thủy

Sa Pa phát triển du lịch sinh thái, khám phá gắn với giáo dục môi trường tại Vườn quốc gia Hoàng Liên (huyện Sa Pa), khu bảo tồn rừng tự nhiên Bát Xát (huyện Bát Xát). Các điểm du lịch cộng đồng (homestay) tại các bản làng dân tộc: Cát Cát, Lao Chải, bản Dền, Nậm Cang và Bản Sài (huyện Sa Pa); Lũng Pô II, Bản Xèo, Sàng Ma Sáo và Dền Sáng (huyện Bát Xát). Các điểm tham quan: Thung lũng Mường Hoa; bãi đá cổ, thác Bạc, thác Tình yêu và động Tả Phìn (huyện Sa Pa); Cầu Thiên Sinh, cột cờ Lũng Pô và động Mường Vi (huyện Bát Xát). Sản phẩm du lịch hỗ trợ gồm: Du lịch tâm linh vùng thượng; Vui chơi giải trí cáp treo Fansipan; Du lịch thể thao mạo hiểm; Lễ hội văn hóa truyền thống, chợ tình, chợ phiên vùng rẻo cao gắn với các hoạt động thương mại vùng biên thời mở cửa.


Lầu vọng cảnh trên đỉnh Fansipan

Đến năm 2030 đón 5,2 triệu lượt khách, Sa Pa nhất thiết phải có một kết cấu hạ tầng đồng bộ, với trên 16.000 buồng phòng lưu trú, trong đó 80% buồng khách sạn tiêu chuẩn 03 sao trở lên. Hệ thống đường giao thông nội bộ rộng rãi, kết nối với các tỉnh lân cận nối tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Sa Pa; nâng cấp QL4D. Các dịch vụ điện nước, xử lý rác thải, nước thải đầu tư đồng bộ với tốc độ đô thị hóa. Sa Pa đang xây dựng Nhà máy nước sạch công suất 10 nghìn m3/ngđ, nâng cấp hồ đập, quy hoạch rừng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy. Quy hoạch xây dựng 02 nhà máy xử lý nước thải gồm: 01 nhà máy tại xã Sa Pả, 01 nhà máy ở 07 thị trấn Sa Pa. Rác được quy hoạch chuyển ra nhà máy xử lý rác tại xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai để xử lý tập trung.

Trong cuộc cách mạng kiến thiết đô thị, Sa Pa nhìn đâu cũng phơi màu đất mới, đường sá bụi bặm, rất nhiều các công trình xây dựng ngổn ngang, hạ tầng đô thị xuống cấp do mật độ xe, khách du lịch thường xuyên ở mức “quá tải” là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển.

Sa Pa cần có bộ máy quản lý Nhà nước đáp ứng khu du lịch quốc tế

Sa Pa không chỉ người trong nước mến mộ mà còn được bầu bạn quốc tế bình chọn là 01 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, như “ đất thơm cò đậu” dân ngụ cư tăng, khách vãng lai nhiều hơn chủ nhà. Một thị trấn diện tích 24,02km2, dân bản địa 11.144 người, 09 tháng đầu năm 2017 đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch với mức thu gần 1.400 tỷ đồng. Nhưng đô thị trĩu nặng nỗi lo “bội thực” du khách, sự quá tải dân số ngụ cư, người lao động đến làm việc dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cảnh quan môi trường; khả năng cung cấp dịch vụ điện, nước, giao thông, an ninh trật tự…


Một thị trấn Sa Pa 25 cán bộ viên chức xã, người quản lý đô thị chủ yếu là lao động hợp đồng thời vụ khó đáp ứng được nhiệu vụ

Một thị trấn với 25 cán bộ, công chức, trong đó công chức làm nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng chỉ có 02 người phải quản lý địa bàn 23 tổ dân phố, lực lượng quản lý trật tự đô thị chủ yếu là người hợp đồng thời vụ còn nhiều hạn chế về trình độ chuyên môn, thật khó đáp ứng với tốc độ “bung ra” từng ngày của đô thị. Tình trạng xây dựng trái phép, xây dựng sai phép, sai quy chế đô thị là không thể kiểm soát được được với số lượng, chất lượng cán bộ, công chức của một thị trấn nhỏ như hiện nay.

Do cán bộ cơ sở thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, chật vật trong quản lý nhà nước về xây dựng, huyện quan tâm cử biệt phái thêm 05 công chức có năng lực tăng cường giúp thị trấn quản lý đô thị nhưng cũng chỉ phần nào giải quyết được tình thế trước mắt, không có tính ổn định lâu dài. Cơ chế quản lý Nhà nước cấp xã, thị trấn bất cập với tốc độ đô thị hóa diễn ra từng ngày, từng giờ. Đô thị du lịch phát triển nóng, còn nảy sinh các vấn đề xã hội, an ninh trật tự, văn hóa… nhiều nội dung phát sinh ngoài thẩm quyền quản lý của cấp thị trấn mà “huyện” không thể làm thay cho “xã” mãi được.


Thị trấn Sa Pa lên đèn

Sa Pa cần có bộ máy quản lý Nhà nước tương xứng với nhịp độ phát triển, đó là sự cần thiết hình thành các phường, để gánh vác nhiệm vụ mới. Thị trấn Sa Pa chia tách sát nhập thành nhiều phường nên huyện Sa Pa phải nâng lên cấp thị xã. Năm 2012, thị trấn Sa Pa được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. Huyện đã lập đề án thành lập thị xã nhưng ở một số địa phương miền núi nhiều xã chưa thoát nghèo còn trong diện “135” nên sẽ còn thiếu một số tiêu chí.

Tuy vậy, tốc độ phát triển du lịch thì không phụ thuộc vào cấp quản lý, du khách không chờ đợi Sa Pa có đủ các tiêu chí lên thị xã hay thành phố mới đến. Sa Pa địa chỉ du lịch hấp dẫn “tiếng lành đồn xa” khách thập phương chen chân đến, chính quyền nhiều khi rơi vào thế bị động, chạy gằn đuổi theo quản lý. Ai cũng biết cần có một bộ máy quản lý Nhà nước tương xứng nhưng còn nhiều phụ thuộc những phên dậu về cơ chế chính sách.


Một góc thị trấn Sa Pa

Sa Pa rất cần có bàn tay “bà đỡ” trong quản lý đô thị. Bộ máy quản lý Nhà nước ở Sa Pa đang thực sự “tụt hậu” so với tốc độ phát triển bùng nổ của đô thị và du lịch. Sa Pa cấp thiết phải hiện thực hóa Đề án nâng cấp huyện Sa Pa lên thị xã Sa Pa.

Vũ Phong Cầm/BXD