Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đồng bộ, hiện đại
Theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 5-5-2008, Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô (VTĐ) Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được thực hiện năm 2008 và sau đó là Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011. Kể từ đó đến nay, VTĐ đã bước đầu bám sát các định hướng, chiến lược.
Theo quy hoạch, VTĐ Hà Nội đến năm 2050 sẽ là VTĐ lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Phạm vi VTĐ Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và chín tỉnh chung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2, số dân hiện trạng (năm 2012) khoảng 17,6 triệu người. Phạm vi nghiên cứu liên quan VTĐ Hà Nội gồm vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía bắc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các khu vực liên quan khác có tác động đến không gian phát triển kinh tế – xã hội của vùng trong tầm nhìn hướng tới năm 2050.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai còn những bất cập cần điều chỉnh như việc liên kết chia sẻ các chức năng vùng còn chưa rõ ràng; các khu công nghiệp tập trung nhiều ở các cửa ngõ vào Thủ đô; các dự án khu đại học tập trung, các khu đô thị quy mô lớn… cần được xem xét, bảo đảm phù hợp thực tiễn hơn. Các công trình hạ tầng liên kết vùng như nghĩa trang, khu xử lý rác thải chưa được hiện thực hóa theo Quyết định 490/QĐ-TTg. Sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ngành còn nhiều lúng túng, chưa tạo gắn kết giữa các tỉnh, thành phố nội vùng.
Vừa qua, tại hội nghị báo cáo Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng VTĐ Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” (Đồ án), các bộ, ngành, địa phương đánh giá, Đồ án đã được triển khai theo đúng quy trình, nội dung yêu cầu nghiên cứu. Nội dung Đồ án cơ bản bám sát, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng VTĐ Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 20-11-2012. Đồ án được nghiên cứu cẩn trọng với tinh thần cầu thị, liên tục được nâng cao chất lượng trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch, từ các bước khảo sát thực địa, thu thập số liệu, tài liệu… đến làm việc với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan, tổ chức các cuộc báo cáo, hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành phố, chuyên gia, cơ quan và tổ chức quốc tế… Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã tập trung phân tích, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung lớn của Đồ án, nhất là về cơ sở nghiên cứu đề xuất nội dung điều chỉnh; dự báo phát triển; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng quy hoạch giao thông vùng; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng xã hội vùng; định hướng cơ cấu kế hoạch sử dụng đất; đánh giá môi trường chiến lược; an ninh – quốc phòng; các cơ chế chính sách để sử dụng hiệu quả tài chính và nguồn lực đầu tư; các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực và lộ trình thực hiện; mô hình quản lý vùng.
Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về định hướng quy hoạch VTĐ Hà Nội, nhấn mạnh tới quy hoạch phòng, chống lũ, theo đó, quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được phê duyệt, có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ các địa phương trong VTĐ. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương cho rằng quy hoạch này quá an toàn và trong điều kiện đất chật người đông, gây ra sự lãng phí khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng; trong khi đó chúng ta đã trị thủy thành công sông Hồng, sông Thái Bình cũng như các sông liên quan, bảo đảm chống lũ cho Hà Nội; bảo đảm giao thông đường thủy, chống lũ được vào mùa mưa, điều tiết nước tưới tiêu vào mùa khô hạn… Vì vậy, cần hết sức quan tâm rà soát, có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai ở các khu vực ven sông; bảo đảm an toàn đê điều, song cũng phải tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lợi từ các vùng đất ven sông, tránh tình trạng đất đai bị bỏ hoang, lãng phí. Bên cạnh đó, cần quan tâm khôi phục, cải tạo tất cả hệ thống sông, hồ trong vùng bằng nạo vét, khai thông luồng chảy, kè đắp để vừa bảo đảm làm đẹp cảnh quan môi trường, phục vụ phát triển du lịch; bảo đảm chức năng cấp thoát nước, tưới tiêu; giao thông đường thủy…
Một nhiệm vụ lớn cũng được Chính phủ đề cập là cần tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng kết nối giao thông đường bộ, đường sắt trong VTĐ, bảo đảm giao thông thông suốt, đi lại thuận lợi và giao thương. Tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ trong quy hoạch, phát triển, mở rộng các sân bay trong vùng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cũng như vấn đề quốc phòng, an ninh. Trong quy hoạch về đô thị, khu công nghiệp, yêu cầu cần tính toán kỹ, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tập trung; không phát triển các cơ sở công nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ…, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Theo Nhân dân điện tử