Quy hoạch tỉnh Bắc Giang: Đất – Nước trong Tổng thể tài nguyên Quốc Gia
(KTVN) – Tháng 5/2022, Đoàn giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch 2017 của Quốc Hội đã thông tin Bắc Giang là tỉnh đầu tiên đã hoàn thành Quy hoạch. Hà Nội đã tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng… tuy vậy không có thông tin đã nhận được bài học kinh nghiệm nào. Nhóm chuyên gia độc lập tiếp cận 943 trang Báo cáo Thuyết minh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang để có những chia sẻ ban đầu.
Những thành công và thách thức lập trình phát triển
Bắc Giang có diện tích lớn hơn Hà Nội (3.900km2/3.360 km²) nhưng có số dân bằng ¼ Hà Nội (1,9 triệu/8,2 triệu dân). Trong 10 năm (2010-2020) từ một tỉnh thuần nông đất rộng, người thưa đã có những thay đổi đổi lớn: Nông nghiệp giảm, ngành công nghiệp – xây dựng tăng mạnh. Tỉnh có 1,1 triệu lao động trên 15 tuổi, trong 10 năm tạo ra 300.000 việc làm mới, thu hút 70.000 lao động từ ngoại tỉnh. Thu ngân sách tăng từ 2.441 tỷ đồng (2010) lên 12.390 tỷ đồng (2020).
Tuy vậy cũng còn nhiều thách thức: phần lớn các doanh nghiệp trong nước quy mô nhỏ (< 20 tỷ đồng). Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các ngành dệt may, lắp ráp điện tử, gia dụng công nghệ thấp. Lao động phần lớn không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo trong thời gian ngắn, công nhân nhiều nhưng không có thông tin đầu tư nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp. Hầu hết các khu công nghiệp không có các thiết chế văn hóa, hoạt động cộng đồng. Tăng thu ngân sách nhưng chỉ đầu tư cho Y tế 6%, Giáo dục 7,7%, Văn hóa thể thao du lịch 5,5%… Bảo vệ môi trường (0,9%) rất thấp so với tổng đầu tư cho giao thông, hạ tầng đô thị, trụ sở cơ quan (51,1%). Các yếu tố liên quan trọng yếu đến sản xuất đạt “tiêu chuẩn Xanh”.
Từ năm 2022, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã khuyến cáo: 5 năm tới Việt Nam nói chung và nhiều doanh nghiệp nói riêng có thể sẽ không xuất khẩu được hàng hoá nếu không có chứng nhận thị trường có “tiêu chuẩn Xanh” hay khách hàng yêu cầu. Sau COVID là suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế các địa phương chủ yếu dựa vào gia công hàng xuất khẩu. Bangladesh là cường quốc gia công may mặc xuất khẩu, đã có 171 nhà máy đạt “tiêu chuẩn Xanh” và có 500 nhà máy đang làm thủ tục… trong khi các nhà máy Việt Nam không mấy quan tâm.
Các kịch bản phát triển không chỉ vẽ ra viễn cảnh màu hồng mà cần chủ động thích ứng với thách thức. Ngoài thông tin toàn cảnh thị trường gia công quốc tế hay những bài học liên quan, các dữ liệu hiện trạng cần trình bày có cấu trúc và được thể hiện bằng thông tin đồ họa (Infographic) như biểu đồ/đồ thị hay gắn thông tin thuộc tính với nền địa lý (Geograpic Information) để tham chiếu.
Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang 2022 vẽ giống Quy hoạch hệ thống đô thị Bắc Giang vẽ năm 2012, viện dẫn mô hình Thụy Sĩ, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, không có liên hệ nào với bối cảnh Bắc Giang nằm sâu trong nội địa, kinh tế thuần nông mới chuyển dịch sang gia công hàng xuất khẩu. Các bản vẽ quy hoạch khác cũng theo cách cũ: mô tả hiện trạng môi trường sơ sài không có liên hệ tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước (mặt và ngầm), không khí.
Năm 2015, đoàn soạn thảo Luật Quy hoạch Việt Nam đã tới Nhật Bản khảo sát phương pháp lập Quy hoạch chiến lược toàn diện. Họ đã được các chuyên gia Bộ Đất đai Giao thông và Du Lịch (MLIT) giới thiệu Atlat Nhật Bản với cách mô tả hiện trạng tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường rất khoa học: Bản đồ Hệ thống sông hồ toàn Nhật Bản, tỷ lệ 1/4.000.000 mô tả các dòng sông chảy trên địa hình có độ dốc đồi núi, đường phân thủy để thấy rõ lưu vực sông suối các dòng sông to nhỏ,nông sâu khác nhau, kèm theo biểu đồ lưu lượng các sông chính qua các mùa trong năm. Có bản đồ mô tả các thảm họa ngập lụt, sạt lở đất. Tại các khu vực quan trọng có bản đồ tỷ lệ 1/500.000 mô tả chi tiết từng loại đất, khả năng tiêu thoát nước hay nguy cơ ngập úng, sụt lún.Bản đồ Chi phí đầu tư các dự án khắc phục thảm họa do ngập úng, lở đất, mưa bão, động đất mô tả mức chi phí cho từng nguyên nhân tại các địa điểm khác nhau. Bản đồ ô nhiễm đất nước vùng Tokyo có màu sắc chỉ thị mức độ ô nhiễm (COD, BOD) từng sông, hồ khác nhau.
Quy hoạch mới thực hiện theo cách cũ không tích hợp đa ngành/không mang lại lợi ích tổng thể
Trong các bản vẽ hay nội dung Thuyết minh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang không mô tả mức độ ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm, trong khi việc san nền ruộng ven đường, ven sông làm các khu cụm công nghiệp tốc độ cao, kéo theo các khu dân cư mới hình thành quanh đó dày đặc… lại không có các công trình thu gom xử lý nước thải, không có nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, không gian công cộng, cây xanh mặt nước cho người lao động cũng như dân địa phương.
Thuyết minh Quy hoạch tỉnh cho biết “…chất lượng một số nguồn nước đang có chiều hướng đi xuống, đặc biệt là sông Cầu, nguồn nước liên vùng quan trọng cho sinh hoạt và sản xuất ở khu vực đồng bằng tập trung dân cư của tỉnh. Tình trạng ô nhiễm nước sông Cầu chảy qua tỉnh chưa vẫn chưa giảm, tại nhiều điểm quan trắc cho thấy nước có mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến việc bố trí sử dụng nhất là khai thác sử dụng nguồn nước sông Cầu cấp cho hệ thống nhà máy nước trong tỉnh. Với nhịp độ phát triển công nghiệp, xây dựng và đô thị hóa trong khu vực ngày càng nhanh, đặt ra vấn đề cần tăng cường phối hợp nhất là phối hợp liên tỉnh trong bố trí kiểm soát, bảo vệ, cải thiện chất lượng nguồn nước sông mới đảm bảo được điều kiện chất lượng nguồn nước cho khai thác, sử dụng hiệu quả vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.”
Quy hoạch tỉnh chỉ ra nhu cầu dùng nước hiện tại là gần 2 tỷ m3, đến năm 2025 gần 3,6 tỷ m3; năm 2030 gần 4 tỷ m3 ; năm 2050 gần 4,4 tỷ m3… Quy hoạch Tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên Môi trường công bố năm 2022, cho biết mực nước sông Cầu, Thương nguy cơ thiếu nước trầm trọng quanh năm… Nguồn nước Bắc Giang đứng trước nguy cơ thiếu về số lượng, suy giảm chất lượng nhưng Quy hoạch tỉnh chỉ đưa ra những định hướng mà không chỉ ra giải pháp khắc phục, vị trí/diện tích không gian thu gom xử lý, tái tạo chất lượng nước
Điều 21 Luật Quy hoạch yêu cầu về nội dung quy hoạch: “Bảo đảm yêu cầu hoạch định và phát triển trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên cho các thế hệ hiện tại và tương lai.” Quy hoạch tỉnh mới nêu ra vấn đề mà chưa đề xuất giải pháp là chưa đạt yểu cầu.
Bắc Giang trong tổng thể tài nguyên đất nước quốc gia
Quy hoạch Tài nguyên nước cho thấy vị trí Bắc Giang nằm trong lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Do những thông tin trên bản đồ Quy hoạch Tài nguyên nước phân tán rời rạc nên các chuyên gia độc lập đã dùng nền bản đồ này để tích hợp đồng bộ các thông tin liên quan để mô tả vị thế Bắc Giang nằm trong lưu vực. Lưu vực sông Hồng – Thái Bình có tổng lượng nước mặt 100 tỷ m3 cung cấp bởi nước mưa và nước các con sông có nguồn nước từ bên ngoài, riêng Bắc Giang có các sông lớn: Thương, Cầu và Lục Nam cùng các hồ chứa nằm trong biên giới Việt Nam. Tổng lưu lượng nước mặt 6,7 tỷ m3 so với 100 tỷ thì không lớn nhưng tầm quan trọng của nước nội nguồn khác hẳn với nguồn nước phần lớn phụ thuộc vào nguồn bên ngoài. Sông Hồng và các hồ chứa, nhánh sông khác nhập vào có lưu lượng hàng chục tỷ m3, nhưng vào mùa khô hạn, nhu cầu dùng nước chỉ cần 4 tỷ m3 cho sinh hoạt và sản xuất rất căng thẳng – trong khi tổng lưu lượng nước mặt Bắc Giang đã gấp 1,5 lần số đó. Tuy vậy nguồn nước của Bắc Giang không bền vững: sông Cầu và sông Thương bị thiếu nước quanh năm, ngoài ra còn ô nhiễm nước tại sông Cầu, kênh Ngũ Huyện Khê đã nhiều năm không được khắc phục, nguy cơ ô nhiễm gia tăng. Nạn xâm nhập mặn ở tầng chứa nước và theo phương ngang cũng ảnh hưởng phía Nam Bắc Giang. Vùng úng ngập trong trận lụt năm 1971 cũng đã từng đe doạ một số địa phương ven sông Lục Nam. Để khai thác thế mạnh nội nguồn trong an ninh nguồn nước địa phương và quốc gia cần một giải pháp toàn diện, tích hợp đa ngành, đa mục tiêu, đa lợi ích.
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang không có bản đồ thể hiện đường đồng mức đủ nhận rõ các vùng trũng thấp, nên rất khó bố trí đất công mặt nước hay bán ngập trữ nước mùa khô, kết hợp phát triển giao thông thuỷ, nuôi trồng thuỷ sản, tưới tiêu sản xuất nông công nghiệp, sinh hoạt… nhưng lại mô tả chi tiết các dự án thu hồi đất công giao cho tư nhân đầu tư. “Quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với diện tích khoảng 4.500ha trong đó, bố trí 13 sân golf với diện tích 1.752ha”.
Ngàn năm trước, tổ tiên ta đã làm nên lịch sử hào hùng “Nam Quốc Sơn Hà “ trên sông Như Nguyệt (sông Cầu). Những năm 1980, nhiều thanh niên Hà Nội đã tham gia xây dựng phòng tuyến sông Cầu – đó phải chăng là vị trí trọng yếu của Bắc Giang trong trong tổng thể an ninh tài nguyên đất nước, bền vững quốc gia.
Đối chiếu với các yêu cầu tích hợp đa ngành, Quy hoạch tỉnh làm theo cách cũ chưa đáp ứng yêu cầu về nội dung quy hoạch trong Luật Quy hoạch (Điều 21): “Việc phân bố phát triển không gian trong quá trình lập quy hoạch phải bảo đảm thống nhất giữa kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai và bảo vệ môi trường, dịch vụ hệ sinh thái.
Bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.”
Mặc dù Quy hoạch tỉnh đã hoàn thành và được phê duyệt, nhưng với cách làm cũ,thiếu thông tin, trình bày phi cấu trúc,phân tán, rời rạc, không mạch lạc những thách thức hiện tại như tương lai sẽ dẫn đến không khắc phục những hạn chế cũ mà lập trình cho tương lai sẽ đối mặt với khó khăn mới.
Năm 2022, đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, Xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 20330, tầm nhìn 2045 trong đó có nhận diện hạn chế “..công tác quy hoạch còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp; việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện….” Do vậy cần nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững: “Đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch theo hướng quy hoạch đô thị phải có cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện. Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.”
Hà Nội đầu tư 119 tỷ đồng và đang chọn tư vấn để ký hợp đồng lập Quy hoạch Thủ đô. Hà Nội cũng đã khảo sát kinh nghiệp lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Hy vọng Hà Nội nhận diện đầy đủ các thách thức để chọn tư vấn đủ năng lực, nắm vững kỹ thuật lập quy hoạch mới, đáp ứng được các yêu cầu của Luật Quy hoạch 2017 và thực hiện theo chỉ đạo của Nghị quyết 06-NQ/TW.
Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội KTS Hà Nội, Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng