18/03/2021

Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử: Hướng tới phát triển bền vững

6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất và dự kiến UBND thành phố phê duyệt trong tháng 3-2021. Đây sẽ là công cụ để thành phố kiểm soát việc phát triển và quản lý đô thị; cơ sở pháp lý để tái thiết đô thị nội đô lịch sử, bảo đảm mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh theo hướng bền vững.

Sức ép quá tải

Triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 – gọi tắt là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011), 10 năm qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng, khu đô thị mới, theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Cụ thể hóa quy hoạch, 30/38 đồ án quy hoạch phân khu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trong 8 đồ án còn lại có 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử bao phủ diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Nguyên nhân chậm trễ là các quy hoạch phân khu này liên quan đến nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố. Trong khi đó, quá trình phát triển của thành phố đã và đang tạo ra sức ép lớn lên khu vực nội đô lịch sử, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Tại khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm), tình trạng trong một số nhà có nhiều hộ cùng sinh sống khá phổ biến; diện tích ở chật chội, công trình xuống cấp, không bảo đảm điều kiện sống.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, việc chậm phê duyệt các quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử là một trong những nguyên nhân tác động đến sự phát triển của đô thị, khiến khu vực lõi của Thủ đô có nhiều bất cập. Nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến cho biết: Khu vực nội đô lịch sử Hà Nội đang trong tình trạng quá tải, mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất, về mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Do chưa có quy hoạch nên đã gây khó khăn cho việc cải tạo khu phố cổ, phố cũ và kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.

Khi các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực trung tâm. Trong ảnh: Đường Tây Sơn (quận Đống Đa) thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Quang

Khi các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được phê duyệt và triển khai sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc ở khu vực trung tâm. Trong ảnh: Đường Tây Sơn (quận Đống Đa) thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Nguyễn Quang

Tạo tiền đề giải quyết nhiều thách thức

Thấy rõ những vấn đề đang đặt ra, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, các đồ án quy hoạch phân khu đã được hoàn thiện, được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thông qua; dự kiến 6 quy hoạch phân khu đô thị nội đô sẽ được phê duyệt trong tháng 3-2021.

Theo đó, khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2 là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội; cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, khu phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… Cụ thể hóa định hướng này, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử gồm: Hoàn Kiếm H1-1 (A, B, C), Ba Đình H1-2; Đống Đa H1-3, Hai Bà Trưng H1-4 đã đưa ra các chỉ tiêu kiến trúc cảnh quan, chiều cao công trình, chức năng sử dụng đất, cây xanh… Đây là khu vực cải tạo, xây dựng, tổ chức sắp xếp lại các chức năng sử dụng đất, để gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đô thị lịch sử và hạn chế phát triển nhà cao tầng mới. Khu vực này có chức năng chính là trung tâm chính trị, hành chính của quốc gia và thành phố Hà Nội; nhà ở, cơ quan, di sản, di tích, du lịch, thương mại, tiện ích công cộng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cũng nhận định, 6 quy hoạch phân khu này là cơ sở để thành phố di dời cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp, từ đó thành phố có thêm không gian xây dựng các công trình công cộng. Bên cạnh đó, đồ án giúp bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tăng cường diện tích cây xanh, mặt nước; kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học. Đặc biệt, đồ án này sẽ giúp việc cải tạo các chung cư cũ thêm thuận lợi, giải quyết được “bài toán” khó tồn tại đã rất lâu ở Thủ đô.

Về đồ án này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết: Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, quy mô dân số 4 quận nội đô (tính đến tháng 4-2019) là 887.411 người. Tại các đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, thành phố xác định giảm dân số xuống còn 672.000 người. Hướng tới phát triển đô thị bền vững, giai đoạn đến năm 2030, thành phố triển khai đồng bộ các dự án: Mở đường theo quy hoạch, tái thiết đô thị; di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học, trụ sở bộ, ngành… Thành phố sẽ phát triển đường sắt đô thị, các chuỗi đô thị Bắc sông Hồng, Đông đường Vành đai 4 và các đô thị vệ tinh cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hoàn chỉnh… để thu hút dân số khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Song song đó là việc hình thành các khu vực chức năng: Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa, các công trình công cộng phục vụ cộng đồng dân cư…

Dạ Khánh/Hà Nội mới