11/04/2017

Quy hoạch góp phần cân bằng cuộc sống

Xã hội ngày một phát triển cũng là lúc nhân loại có sự dịch chuyển từ cách mạng sinh học và vật chất sang cuộc cách mạng văn hóa xã hội.

Tình trạng thành phố bị nhấn chìm trong tắc nghẽn giao thông, mở rộng đô thị, ô nhiễm không khí, ít có sự tiếp cận đến các dịch vụ y tế, ô nhiễm tiếng ồn và một loạt các tiêu cực khác vẫn hàng ngày xảy ra trên khắp các nơi của thế giới. Và đáng tiếc, những vấn đề này chính là kết quả của quy hoạch thiển cận, kém hiệu quả.


Vai trò, trách nhiệm của quy hoạch đối với cuộc sống con người

Mỗi cá nhân đều có quyền chính đáng về một ước muốn có một mức sống tốt hơn. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn luôn chỉ là ước mơ và rất khó trở thành thực hiện bởi những thách thức của hệ thống giao thông quá tải, khu dân cư với những chất lượng dịch vụ kém đang làm cho cuộc sống của người dân ngày càng tồi tệ. Dĩ nhiên, để tạo ra một thành phố hiện đại, phát triển thịnh vượng và bền vững là điều vô cùng phức tạp.

Thật không may, quá trình quy hoạch đô thị thường chỉ nhấn mạnh quy hoạch sử dụng đất và thường cô lập với các lĩnh vực khác, bỏ qua thực tế rằng thành phố là một tập hợp các hệ thống liên quan với nhau và phụ thuộc lẫn nhau để hoạt động có hiệu quả.

Chúng ta hãy giả định rằng trong một khu đô thị có sự thiếu hụt về nhà ở và cuối cùng dẫn đến ùn tắc giao thông bởi sự di chuyển giữa các thành phố và các khu vực trong thành phố. Ùn tắc giao thông này có thể được giải quyết theo hai cách:

Mở rộng đường phố: Cách tiếp cận này nghe có vẻ ổn trong thời gian ngắn hạn, nhưng cuối cùng sau một thời gian (có thể là rất nhanh chóng) lại rơi vào tình trạng trầm trọng hơn.

Xây thêm nhà ở: Phương pháp tiếp cận liên ngành sẽ xác định vấn đề thực sự của ùn tắc giao thông là gì và từ đó có giải pháp cho vấn đề giao thông này. Đó là có thể xây thêm nhà ở. Xác định nguyên nhân sâu xa của vấn đề thì cũng sẽ dễ dàng hơn khi tìm ra giải pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dĩ nhiên, đây chỉ là một ví dụ về cách tắc nghẽn giao thông mà thôi và giải quyết điều đó không phải là dễ dàng.

Một ví dụ khác, đó là vấn đề suy thoái nguồn nước ngầm gây ra bởi hệ thống cống và xử lý nước thải đô thị kém hiệu quả. Hướng giải quyết là thường dựa vào hệ thống thoát nước tự nhiên hoặc xử lý không đến nơi đến chốn và cuối cùng sẽ dẫn đến giảm chất lượng nước. Như vậy, nguồn nước suy thoái không phải chỉ là vấn đề của ngành mà còn liên quan đến nhiều ngành khác, phải cùng nhau bàn bạc và tìm ra giải pháp thích hợp.

Thành phố không thể chỉ được phát triển và thiết kế bởi một nhóm các nhà hoạch định, các cơ quan và tổ chức chính phủ mà thôi. Vấn đề này cần phải có sự tham gia của cộng đồng và điều này ngày càng chứng tỏ là rất quan trọng. Thành phố cần phải giải quyết những vấn đề của mình với sự tương tác của người dân sinh sống trong không gian đó.

Thành phố là một tập hợp của nhiều cộng đồng từ nhiều nền văn hóa và các khu vực khác nhau nên gọi chung là “tiểu văn hóa” – là tính năng cơ bản của bất cứ khu dân đô thị nào. Khía cạnh xã hội đóng vai trò rất quan trọng và các nhà quy hoạch cần phải ghi nhớ điều này để tạo dựng nên một xã hội lành mạnh.

Cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng cần được thảo luận một cách toàn diện và cần phải được thực hiện một cách có quy trình thì mới dẫn tới kết quả tốt. Nếu quy hoạch đô thị được tiến hành bao gồm các cách tiếp cận đa ngành như môi trường, kinh tế, xã hội học, văn hóa, nhân khẩu học, nhân trắc và lịch sử của các khu định cư….

Quy hoạch cần phải được xem là một nghiên cứu về khoa học của các khu định cư con người. Mọi thứ đã thay đổi trong vài thập kỷ qua và quy hoạch cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn trong việc tạo ra một môi trường đô thị hạnh phúc dựa trên giá trị của con người.

Loài người chúng ta cần phải sống sao cho duy trì cân bằng với thiên nhiên thì mới thực sự bền vững và chất lượng. Trong nhiều thập kỷ qua, loài người không còn phụ thuộc và nhấn mạnh vào việc mở rộng diện tích và cơ sở hạ tầng nữa mà dần thay thế bằng những tiêu chuẩn về sự sống đích thực, hành vi và các giá trị cốt lõi, bởi vậy quy hoạch lúc này cũng cần có tư duy và sáng tạo nhiều hơn nữa.

Bài học về quy hoạch đô thị xuất sắc của Chandigarh

Chandigarh là một trong những công trình quy hoạch đô thị có ý nghĩa nhất của thế kỷ XX. Đây chính là một trong những công trình quy hoạch – kiến trúc đô thị xuất sắc của Le Corbusier, nhà quy hoạch – kiến trúc nổi tiếng người Pháp. Chandigarh có ảnh hưởng to lớn đến nền kiến trúc hiện đại cũng như quy hoạch đô thị của Ấn Độ và sau này trở thành biểu tượng của đô thị hoá thế giới. Chandigarh nổi tiếng vì quy hoạch cảnh quan cũng như môi trường kiến trúc.

Le Corbusier phân biệt bốn chức năng cơ bản của một thành phố: Chức năng ở, làm việc, lưu thông và giữ gìn vật thể, cải thiện tinh thần của con người. Mỗi một phân khu được quy hoạch chi tiết gồm các cửa hàng, hạ tầng kỹ thuật và nơi thờ phụng. “Yếu tố lưu thông” được Le Corbusier coi trọng nhất. Bằng việc tạo ra hệ thống lưu thông cấp bậc, Le Corbusier đã tìm ra giải pháp giao thông tiện lợi nhất cho mọi địa điểm của thành phố đồng thời cũng rất thanh bình và an toàn.

Chức năng ở

Le Corbusier coi chức năng này là yếu tố quan trọng của đô thị hóa hiện đại và đã tuân theo tỷ lệ hài hòa giữa các yếu tố thiết kế không gian ở. Tất cả các tòa nhà được xây dựng trên những nền đất cao, kích cỡ về cửa, cửa sổ được quy định chặt chẽ. Tuy một số khu nhà ở được thiết kế có những đặc điểm riêng biệt nhưng ý kiến chủ đạo vẫn phải bảo đảm có tầm nhìn hướng tới đường phố và cộng đồng xung quanh. Các tòa nhà dọc theo những trục chính của TP được kiểm soát theo quy định chặt chẽ của kiến trúc. Những ngôi nhà tư nhân ở Chandigarh đều phải tuân thủ theo thiết kế và kiến trúc chuẩn được KTS trưởng phê duyệt. Trong các khu nhà ở không gian xanh luôn được xen kẽ và hợp nhất. Le Corbusier đã dự tính việc xây dựng tương lai thêm những trường học và sân vui chơi giải trí trong những không gian xanh sau các khu nhà ở.

Chức năng cải thiện đời sống tinh thần của con người

Chức năng này gồm không gian mở, không gian cây xanh và các cấu trúc đa dạng khác. 800ha không gian mở và cây xanh trải dài trên gần 114km2 của TP gồm Thung lũng Giải trí, Hồ nhân tạo Sukhna, Vườn Rock và nhiều khu vườn đặc biệt khác. Hơn nữa các khu được hợp nhất cùng không gian mở đều hướng tới núi. Đan xen giữa các toà nhà hoành tráng, Le Corbusier đã hợp nhất hệ thống cây xanh tiếp nối từ cuối phố này đến phố khác, tạo nên tầm nhìn thông suốt.

Le Corbusier quy hoạch các con đường dành cho người đi bộ và xe đạp thông suốt dưới những rặng cây xanh cho phép người dân có thể dạo theo chiều dài của các khu phố, hòa cùng thiên nhiên. Một loạt các khu vườn đặc biệt được tạo dựng theo chiều dài thung lũng và hiện tại được gọi là Thung lũng Giải trí. Bên cạnh những chuỗi vườn đó còn có rất nhiều khu vườn trồng các loại hoa và quả trong thành phố, tạo nên những nét hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách. Trên các trục đường phố được bố trí các loại cây to tượng trưng cho từng đường phố. Mỗi trục đường giao thông có những nét đặc trưng riêng do cây xanh tạo nên. Mỗi khu ngã 3, 4 cũng có những đặc điểm cây riêng biệt phù hợp. Có hơn 100 loại cây khác nhau được trồng trên các đường phố của Chandigarh.

Tài liệu tham khảo: ArchDaily.com; Chandigarh Architect; Planning for Balance.

Khánh Phương/Báo Xây dựng