02/02/2019

Quy hoạch Ga C9 – Kinh nghiệm từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

(Tạp chí KTVN) – Việc đặt ga C9 ở vị trí sát Hồ Gươm với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận các địa điểm tham quan trong khu vực Hồ Gươm và phụ cận nhưng việc bố trí vị trí nhà ga và các cửa lên-xuống nằm sát mép Hồ Gươm và các công trình di tích như Tháp Bút, Đền Ngọc Sơn lại gây nhiều tranh cãi, chưa có sự đồng thuận cao.

Có hoàn cảnh tương tự như khu vực phố cổ của Hà Nội, việc thi công tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan cho ta một số bài học đáng suy ngẫm.

Hình 1: Vị trí ga C9 theo đề xuất của MRB

Hình 1: Vị trí ga C9 theo đề xuất của MRB

Thời gian thi công thực tế bị kéo dài và đội vốn

Tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam chạy xuyên qua tuyến phố cổ ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Tuyến có chiều dài tổng cộng 11km, với 4km ngầm ở độ sâu 20m, nhưng đã phải mất tới 15 năm để hoàn thành. Tuyến được khởi công từ năm 2003 nhưng phải đến tận 2017 mới hoàn thành và cuối tháng 7/2018 mới được chính thức đưa vào khai thác. Do thời gian bị kéo dài nên kinh phí của dự án cũng bị tăng lên nhiều. Tổng kinh phí xây dựng của dự án là 3.2 tỷ euro, gấp khoảng 2 lần so với dự án thông thường.

Nguyên nhân của việc kéo dài thời gian thi công là do tuyến đi xuyên qua khu vực phố cổ, nơi có nhiều công trình di tích lịch sử cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt nên công tác thi công phải được tiến hành một cách cẩn trọng và phải đo đạc, quan trắc chặt chẽ trong suốt thời gian thi công.

Bài học của Amsterdam cho thấy việc thi công tuyến metro khi xuyên qua các khu vực di tích lịch sử – văn hóa như khu vực hồ Gươm là không hề đơn giản và việc kéo dài thời gian thi công hơn so với dự kiến là khó tránh khỏi. Theo dự kiến, thời gian thi công của tuyến số 2 (từ Ciputra đến Trần Hưng Đạo) khoảng 5 năm (khoảng 56 tháng), trong đó, thời gian thi công ga C9 dự kiến 3 năm (khoảng 36 tháng). Đây là thời gian khá lý tưởng, chỉ đạt được khi mọi điều kiện thi công diễn ra thuận lợi. Thực tế, thời gian thi công có thể sẽ bị kéo dài gấp nhiều lần thời gian dự kiến trên do khu vực phố cổ và Hồ Gươm của Hà Nội có địa bàn tương đối chật hẹp, các hoạt động đô thị luôn diễn ra sôi động nên việc thi công công trình, vận chuyển vật liệu sẽ bị hạn chế, chỉ được vận chuyển vào ban đêm trong những khung giờ nhất định nên thời gian thi công thực tế chắc chắn sẽ không thể nhanh như việc thi công ở những khu vực khác.

Mặc dù tuyến được thiết kế đi ngầm khi đi qua khu vực hồ Gươm nhưng việc thi công ga C9 và các cửa lên-xuống thì bắt buộc phải thi công đào hở, phạm vi ảnh hưởng khá rộng, chiếm toàn bộ khu vực đền Ngọc Sơn nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các hoạt động kinh doanh, buôn bán và du lịch của toàn bộ quần thể khu vực Hồ Gươm. Những thiệt hại về mặt kinh tế này cần được đánh giá đầy đủ trong dự án.

Khó tránh khỏi sự cố trong quá trình thi công

Tuyến tàu điện ngầm Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan đã được thi công bởi đơn vị thi công dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công ngầm, với những quy trình kiểm soát nghiêm ngặt nhất thế giới.

Hình 2: Hệ thống quan trắc tại công trình metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan

Hình 2: Hệ thống quan trắc tại công trình metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan

Hình 3: Hệ thống quan trắc tại công trình metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan

Hình 3: Hệ thống quan trắc tại công trình metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan

Trước khi thi công, nhà thầu đã phải dành hẳn 2 năm để đo đạc, quan trắc kĩ lưỡng những chuyển vị của tất cả các công trình quan trọng dọc tuyến metro dự kiến sẽ thi công, nhằm đánh giá một cách toàn diện những tác động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác. Trong suốt quá trình thi công, nhà thầu phải tiến hành gắn các gương đo phản xạ trên các tòa nhà và sử dụng máy đo đạc tự động liên tục ghi nhận các số liệu trong ngày và trong suốt thời gian thi công. Nếu xảy ra sự chuyển vị sai khác so với các số liệu đã quan trắc chỉ 2mm thì sẽ lập tức dừng thi công. Mặc dù công tác thi công đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, cùng với công tác nghiên cứu, kiểm soát hết sức chặt chẽ, cẩn trọng như vậy nhưng vẫn xảy ra sự cố rò rỉ nước gây nứt hai công trình lân cận. Sự cố nứt công trình tuy không nghiêm trọng nhưng đã dẫn tới những tranh luận gay gắt kéo dài giữa người dân và chính quyền về việc có nên tiếp tục cho thi công tuyến metro hay dừng thi công dự án.

image009

Hình 4: Sự cố nứt công trình ở dự án metro ở thủ đô Amsterdam-Hà Lan năm 2008

Có thể khẳng định rằng, những dự án thi công ngầm như dự án thi công tuyến hầm và nhà ga metro là những dự án rất phức tạp về kĩ thuật nên việc xảy ra sự cố ngoài ý muốn là điều khó tránh khỏi và không ai có thể bảo đảm chắc chắn tuyệt đối. Tuy nhiên, điều khác biệt ở công trình nhà ga C9 là nơi tổ hợp nhiều công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử và tâm linh đối với người dân Hà Nội và khó có thể phục hồi hoặc thay thế một khi sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, khu vực Hồ Gươm và phố cổ có cấu tạo địa chất khá phức tạp và kém ổn định.

Sự tham gia tích cực của người dân sẽ giúp cho dự án thành công hơn

Sau sự cố nói trên, ở thủ đô Amsterdam đã xảy ra những tranh luận gay gắt về sự cần thiết của dự án, công tác đảm bảo an toàn trong thi công và về việc đánh đổi di sản cho giao thông. Thậm chí, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên dừng thi công dự án. Để khắc phục, chính quyền Amsterdam đã đưa ra một quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, minh bạch và cởi mở hơn với sự tham gia tích cực của người dân bằng việc mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin và đối thoại với người dân, trong đó, việc mở trang web để công bố những thông tin cập nhật mới nhất, liên tục, chính xác và kịp thời các vấn đề liên quan đến dự án trong suốt quá trình thi công, cũng như tiếp nhận các ý kiến đóng góp, các phản ánh từ phía người dân, các ý kiến góp ý và cả các ý kiến phản biện hoặc giải pháp từ những chuyên gia, nhà nghiên cứu độc lập. Rõ ràng, cách làm này đã đóng góp tích cực cho sự thành công của dự án. Đây là bài học rất đáng quý cho Hà Nội. Hà Nội rất cần cơ chế minh bạch và có sự tham gia tích cực hơn của người dân trong suốt quá trình thực hiện dự án. Nếu Hà Nội làm tốt được điều này thì có lẽ đã không có sự chậm trễ và tranh cãi kéo dài về dự án như ngày hôm nay.

Vị trí nhà ga không phù hợp với khung cảnh

Có thể nói rằng, công nghệ thi công ngầm hiện nay rất hiện đại với khiên đào TBM và phương pháp thi công giếng chìm hay phương pháp thi công tường vây và sàn chống (wall-and-roof method), có thể cho phép thi công tuyến metro khi cần đi xuyên qua phần ngầm của các công trình trên mặt đất. Trong trường hợp tuyến metro Bắc-Nam của thủ đô Amsterdam (Hà Lan), tuyến metro chạy xuyên qua phần móng của nhà ga trung tâm.

Hình 5: Vị trí tuyến metro Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Hình 5: Vị trí tuyến metro Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Hình 7: Phương pháp thi công của tuyến metro Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Hình 6: Phương pháp thi công của tuyến metro Bắc-Nam ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan)

Mặc dù kĩ thuật thi công xây dựng trên thế giới đã có nhiều thành tựu, nhưng các bất trắc, rủi ro và tai nạn vẫn luôn rình rập và xảy ra như sự cố thi công ở công trình metro Bắc-Nam của thủ đô Amsterdam (Hà Lan) như đã nêu trên hay điển hình như sự sụp đổ của Thư viện lịch sử Cologne (Đức) vào năm 2009 – một trong những thư viện lịch sử lớn nhất Châu Âu – do việc thi công tuyến tàu điện ngầm.

Có thể khẳng định rằng, không một cá nhân hay tổ chức nào có thể đứng ra bảo đảm cho sự an toàn tuyệt đối khi xây dựng và vận hành, đặc biệt là những công trình phức tạp như tuyến metro khi đi qua các khu vực di tích lịch sử-văn hóa.Vấn đề nằm ở chỗ nếu sự cố xảy ra thì mức độ thiệt hại nghiêm trọng tới đâu, có thể phục hồi hay không. Trong thực tế, có những giá trị về mặt lịch sử và văn hóa tinh thần thì không thể khắc phục, cũng không thể đền bù bằng tiền, hay bằng lời xin lỗi hoặc từ chức của ai đó. Do vậy, nó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của những người có quyết định cao nhất, trên cơ sở xem xét đầy đủ từ các góc độ khoa học và xã hội.

Bên cạnh đó, theo giải trình của Ban Quản lí Dự án Đường sắt Đô thị (MRB) lưu lượng hành khách lên tàu và xuống tàu vào giờ cao điểm ngày thường khoảng 2.500 khách/giờ (khoảng 10-20 hành khách mỗi phút tại mỗi cửa lên-xuống). Lượng hành khách này tương đương với lượng học sinh của 2 trường học phổ thông cùng tan trường một lúc. Cảnh tượng như thế nào có lẽ không cần mô tả chi tiết. Hơn nữa, lượng hành khách vào các ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ có thể tăng đột biến, gấp 5-10 lần ngày bình thường. Vào những lúc cao điểm, lượng hành khách lên và xuống ga có thể lên tới 100 người/phút tại mỗi cửa lên xuống. Cho dù ga C9 có 4 cửa lên-xuống thì sự đông đúc, hỗn độn ở khu vực ngay trước cửa Đền Bà Kiệu và Đền Ngọc Sơn – chốn tôn nghiêm – là điều không nên có.

Hình 7: Sự sụp đổ của Thư viện lịch sử Cologne (Đức) vào năm 2009 do việc thi công tuyến tàu điện ngầm

Hình 7: Sự sụp đổ của Thư viện lịch sử Cologne (Đức) vào năm 2009 do việc thi công tuyến tàu điện ngầm

Kết luận

Những bài học từ thủ đô Amsterdam rất đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm, cân nhắc thật kĩ về những hành động và trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai khi quyết định xây dựng ga C9.

Có thể kết luận rằng, về mặt vị trí thì ga C9 có thể đem lại sự thuận tiện cho người dân và du khách nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thi công, có thể gây phương hại đến di tích và có thể dẫn tới việc kéo dài thời gian thi công cũng như tăng chi phí của dự án. Do vậy, cần xem xét đánh giá và nghiên cứu lại một cách nghiêm túc trên tinh thần khoa học.

Nguyễn Ngọc Quang/Trường Đại học GTVT