Quy hoạch chung TPHCM: Phải xứng tầm đô thị đặc biệt
Quy hoạch chung TPHCM luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của lãnh đạo và người dân. Lần này, quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phù hợp với định hướng phát triển toàn vùng TPHCM.
Coi trọng hạ tầng và phát huy bản sắc
Theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch nói trên, TPHCM sẽ trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và của quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính – thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Lãnh đạo TPHCM đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung gắn với đáp ứng yêu cầu phát triển mới, tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề dân số, nhà ở, hạ tầng giao thông, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng. Người dân rất kỳ vọng quy hoạch chung lần này xứng tầm đô thị đặc biệt.
Quy hoạch Sài Gòn trước đây theo bản đồ án của Coffyn khoảng 25km2, gắn với hạ tầng đồng bộ cho một đô thị khoảng 500.000 dân. Nay thì TPHCM mở rộng hơn 2.095km2 với quy mô dân số lên tới hơn 10 triệu người; điều kiện giao thương và hội nhập rộng mở.
Theo Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt thì TPHCM là một thành phố đa trung tâm. Từ đó, thành phố đã tổ chức cuộc thi quốc tế khu vực lõi trung tâm hiện hữu có mở rộng với 930ha cùng với định hướng triển khai xây dựng các trung tâm ở phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía Bắc. Việc thành lập TP Thủ Đức ở phía Đông TPHCM phù hợp với định hướng này.
Thời gian qua, TPHCM phấn đấu từng bước thực hiện quy hoạch chung, đã làm được những tuyến đường huyết mạch (Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, đường hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), làm hầm và thêm 4 cầu qua sông Sài Gòn, đã có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khá hoàn chỉnh và Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang triển khai, đã di dời và giải tỏa 30.000 nhà ở trên và ven kênh rạch…
Có thể nói, TPHCM đã phát triển rất nhanh, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi nhưng cũng bộc lộ khá nhiều bất cập. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật rườm rà, chồng chéo, thiếu đồng bộ. Quy hoạch chung và quy hoạch ngành chưa thống nhất, thường bị điều chỉnh theo yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Chất lượng quy hoạch chưa cao, quản lý thực hiện quy hoạch yếu, có thời điểm xây dựng trái phép, không phép tràn lan. Mặt khác, nhiều dự án để “treo” nhiều năm.
Với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra rất toàn diện, quy hoạch chung lần này đặt trong tổng thể với quy hoạch vùng TPHCM để từ đó tạo sự liên kết, phát huy thế mạnh của vùng. Trong đó coi trọng vấn đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng phát triển kinh tế và xã hội, những vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững. Đồng thời, cần coi trọng việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đặc trưng TPHCM, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa. Bởi, đô thị là một cơ thể sống, cần giữ lại những gì gọi là hồn cốt, những nét tinh túy, tiêu biểu trong quá trình phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Không để di sản của quá khứ mất dần đến mức báo động như hiện nay ở khu vực trung tâm. Cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa, trong đó có xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Dấu ấn về thành phố sông và xanh
TPHCM có 80km bờ sông Sài Gòn, có hệ thống sông rạch khoảng 5.000km. Công tác quy hoạch cần khai thác tiềm năng sông nước để tạo đặc trưng kiến trúc và cảnh quan thành phố, tạo dấu ấn về thành phố sông, thành phố xanh. Cần giữ hành lang sông Sài Gòn, cùng với việc trả lại màu xanh cho những dòng sông, dòng kênh. Đặt mục tiêu sớm thực hiện dứt điểm việc di dời nhà ở ven và trên kênh rạch. Nhiều thành phố trên thế giới có bình quân 30-40m2 cây xanh/người, TPHCM mới có 0,55m2 cây xanh/người là quá thấp. TPHCM cần quan tâm giữ rừng Cần Giờ và màu xanh ở Củ Chi, Bình Chánh, đầu tư thêm công viên, cây xanh ở trung tâm thành phố và ngoại thành. Xem xét dành không gian khu vực cảng Sài Gòn sau khi di dời cho văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và mảng xanh.
Hiện nay, khu Bình Quới – Thanh Đa với gần 450ha còn giữ được nhiều cây xanh với thiên nhiên trong lành là vô cùng quý giá. Thành phố cần xem xét việc phát triển đô thị sinh thái ở nơi đây sao cho giữ được nhiều màu xanh để cả bán đảo như một công viên lớn, có cảnh quan tươi đẹp, thu hút khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và các hoạt động gắn với môi trường sông nước hấp dẫn, độc đáo. Quá trình phát triển, cần phát triển TPHCM theo hướng đa trung tâm, không để phát triển quá tập trung hay manh mún, tự phát.
Theo đó, cần xác định các trung tâm và có quy hoạch cụ thể, không phụ thuộc vào địa giới hành chính hiện tại mà theo hướng phục vụ cho các chức năng và vùng ảnh hưởng. Trong bối cảnh hiện nay và tương lai, kinh tế của TPHCM cần phát triển theo hướng công nghệ cao và dịch vụ cao cấp, hạn chế thâm dụng lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh. Quy hoạch TPHCM cần đáp ứng yêu cầu phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng công nghệ cao.
TPHCM cần quan tâm xây dựng một thành phố đáng sống, văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, có chất lượng sống tốt với giao thông thuận tiện, an sinh xã hội được bảo đảm, môi trường trong lành, nhiều tiện ích; hướng tới thành phố thông minh, công quyền thân thiện, quản lý tốt quy hoạch chung, quy hoạch ngành, tạo điều kiện phát triển bền vững.
Quy hoạch phát triển TPHCM văn minh, hiện đại, có bản sắc, kết nối truyền thống và hiện tại, hài hòa giữa thiên nhiên – con người thật sự là việc lớn và khó, cần có tầm nhìn, dự báo tốt và đòi hỏi tính khả thi cao. Khi quy hoạch được duyệt, cần coi trọng việc quản lý thực hiện quy hoạch. Vấn đề đặt ra là công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, phát huy vai trò người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển thành phố.
Phạm Phương Thảo – Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM/Sài Gòn giải phóng