Phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” dưới góc độ người làm quy hoạch
(KTVN) – Nằm ở trung tâm khu vực trung du và miền núi phía Bắc, Yên Bái là trung điểm của tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, kết nối vùng Tây Bắc tới vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ. Những năm gần đây, Yên Bái đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội, phát huy những lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Để làm được điều đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Xây dựng, đặc biệt là trong công tác quy hoạch đô thị, nông thôn. Phóng viên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Ths.KTS Nguyễn Xuân Hoàn – Giám đốc Trung tâm Kiến trúc – Quy hoạch tỉnh Yên Bái về vấn đề này.
Thời gian gần đây, Yên Bái đã triển khai lập nhiều quy hoạch, điều này đã và đang khiến địa phương có những chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện và kèm với đó là tạo sự thu hút, quan tâm của dư luận. Ông có thể cho biết quy hoạch có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh?
Có thể khẳng định quy hoạch như một báo cáo tiền khả thi trong dự án phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng lãnh thổ. Quy hoạch mang các yếu tố quyết định đến hình thái, giá trị của mình như: Tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, khí hậu, môi trường, tài nguyên con người… Các yếu tố trên đều được đưa vào nghiên cứu để rà soát, đánh giá, dự báo và đưa ra giải pháp tốt nhất trong yêu cầu nội dung của đồ án quy hoạch.
Có hai cách để hình thành quy hoạch: Một là quy hoạch tự phát (do sự vận động của xã hội hình thành). Hai là Quy hoạch có tính nghiên cứu định hướng của con người. Với hình thức thứ 2 rõ ràng quy hoạch đã bộc lộ vai trò rất quan trọng và có “tính ứng suất trước”, với mức độ ảnh hưởng rất sâu rộng trong nhận thức hành động quản lý nhà nước cũng như các nhà hoạt động chuyên môn.
Có thể nói, Quy hoạch xây dựng có tính thực tiễn cao, khi được phê duyệt có ý nghĩa và tầm quan trọng nhất là tạo ra khung pháp lý để định hướng phát triển chung cho tất cả các ngành, lĩnh vực. Quy hoạch có tính chất ràng buộc lẫn nhau trong các cấp độ ví dụ: Quy hoạch tỉnh là “xương sống” để trên cơ sở đó, các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành như quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất rà soát, điều chỉnh để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh trên từng phạm vi không gian trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch xây dựng tác động đến chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, ngành nông nghiệp, du lịch, lấp đầy định hướng và mô tả không gian hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, công viên cây xanh, thể dục thể thao sinh hoạt cộng đồng…) ngoài ra còn định hướng dân số đô thị, nông thôn phù hợp với cơ cấu một đơn vị hành chính và luôn cố gắng hướng tới sự “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Thưa ông cơ sở nào để tiến hành lập đồ án quy hoạch ở Yên Bái?
Đảng và nhà nước đã rất quan tâm và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch. Đặc biệt trong những năm qua đã có nhiều điều chỉnh bổ sung các luật để phù hợp với bối cảnh của đất nước, cùng với đó các văn bản đã liên tục được rà soát, đối chiếu cho phù hợp giữa các ngành luật nhằm tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các ngành.
Công tác quy hoạch xây dựng cho đến nay có cơ sở pháp lý khá đầy đủ và chặt chẽ. Cụ thể, chỉ nói đến công tác lập Quy hoạch xây dựng đô thị và Quy hoạch xây dựng nông thôn có thể căn cứ vào 05 Luật của Quốc hội bao gồm: Luật Đất đai 45/2013/QH13; Luật Xây dựng 50/2014/QH13; Luật Quy hoạch đô thị 30/2019/QH12; Luật Quy hoạch 21/2017/QH14; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Quy hoạch. Với 07 Nghị định bao gồm: Nghị định số 85/2020/NĐ-CP; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP; Nghị định số 37/2009/NĐ-CP; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Nghị định số 35/2015/NĐ-CP. Cùng 05 Thông tư bao gồm: TT 12/2016/TT-BXD; TT 20/20119/TT-BXD; TT 02/2017/TT-BXD; TT 01/2021/TT-BXD; TT 06/2013/TT-BXD…
UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Sở Xây dựng làm cơ quan chuyên môn chủ trì phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị và nông thôn theo chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc việc thực hiện triển khai công tác quy hoạch xây dựng khác như Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch các khu chức năng đặc thù….
Ông có thể cho biết rõ hơn về những tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược trong công tác quy hoạch ở Yên Bái?
Đầu tiên nhất phải kể đến việc lựa chọn các đơn vị tư vấn đủ năng lực và giàu kinh nghiệm thông qua, thi tuyển, đấu thầu, chỉ định thầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong những năm qua UBND tỉnh Yên Bái đã rất sát sao trong công tác lựa chọn các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm thu hút nguồn lực chất xám tốt nhất phục vụ cho công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch ngành… Trong đó Trung tâm Kiến trúc – Quy hoạch tỉnh Yên Bái là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái có năng lực và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn kiến trúc, Quy hoạch thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch và một số chức năng tư vấn khác trên địa bàn tỉnh. Tuy là đơn vị sự nghiệp công song với chức năng được giao, Trung tâm Kiến trúc – Quy hoạch trực thuộc SXD tỉnh Yên Bái đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Khảo sát địa hình địa chất; Quản lý dự án, tư vấn giám sát, thiết kế, thẩm tra công trình dân dụng và công nghiệp công trình giao thông đường bộ; Đặc biệt là công tác lập quy hoạch như: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2017-2025 tầm nhìn đến 2030; Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2013-2030; và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch khu công nghiệp khác.
Thứ hai là việc thu hút, khai thác nguồn lực tri thức mở rộng trên địa bàn tỉnh rất linh hoạt. Từ đó các quy hoạch có tính chiến lược, quan trọng được triển khai hiệu quả đảm bảo chất lượng tiến độ đáp ứng yêu cầu đi trước một bước trong các bước nhằm phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội địa phương như: đơn vị tư vấn Nhật Bản Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Nikken Sekkei tham gia điều chỉnh quy hoạch thoát nước TP Yên Bái; Quy hoạch tổng thể thu gom và xử lý nước thải, Thành phố Yên Bái tỉnh Yên Bái đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2030 với liên danh nhà thầu Berim – Greenso của Val de Marne Cộng Hòa Pháp…
Thứ ba là tận dụng các nguồn lực “nội sinh” vốn có của tỉnh nhằm nâng cao tính thực tiễn trong các giải pháp quy hoạch đô thị và nông thôn. Cùng với đó là các chính sách thu hút đầu tư khai thác các nguồn lực bên ngoài (từ các nhà đầu tư) đóng góp cho kế hoạch phát triển đô thị của tỉnh, phấn đấu đến 2025 Tỉnh đạt tiêu chí đô thị loại II.
Thứ tư là thực hiện các Quy hoạch đạt yêu cầu đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc thực hiện đúng đủ quy trình tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Yên Bái đã đặt ra định hướng, chiến lược với tư duy và cách tiếp cận mới. Theo đó, xác định “5 phương hướng phát triển, 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm”, với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột kinh tế – xã hội – môi trường theo hướng “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Như vậy với nền tảng phương châm gắn với thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Yên Bái tạo cho các nhà chuyên môn, các đơn vị tư vấn những cơ hội tiếp cận nhưng cũng có thách thức mới trong việc lập đồ án quy hoạch tỉnh
Ông vừa nhắc đến “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đây là một chủ đề thú vị trong công tác lập quy hoạch. Vậy đã được triển khai và đạt được những thành tựu gì trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua ?
Đúng vậy, cần nhấn mạnh rằng đây là ý tưởng táo bạo, một hướng đi tự nguyện và đầy trách nhiệm song rất mới mẻ cho công tác lập quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Có thể nói đó là một nhiệm vụ hoàn toàn sáng tạo đối với công tác quy hoạch, bởi tính tất yếu của phát triển đô thị và nông thôn vốn dĩ đã gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển đặc trưng vùng miền rất phong phú và đa dạng của từng địa phương. Các khung pháp lý cho công tác lập quy hoạch rất chặt chẽ từ luật đến các quy chuẩn. tiêu chuẩn áp dụng. Để đưa các tiêu chí “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” vào quy hoạch cần sự vào cuộc của chính quyền, nhân dân và các nhà tư vấn có chuyên môn cao.
Để áp dụng những tiêu chí trên vào công tác lập QHXD phải bóc tách từng vấn đề trong “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” dưới hệ quy chiếu của các chuyên gia trong lĩnh vực ngành quy hoạch nhằm mã hóa thông qua các sản phẩm của đồ án quy hoạch các cấp.
“Phát triển xanh” trong quy hoạch theo tôi phải đạt được các yêu cầu sau:
Môi trường thiên nhiên xanh: Tỷ lệ cây xanh trong đô thị đảm bảo, an toàn khi có thiên tai, không khí trong lành, ánh sáng, tiếng ồn đảm bảo mức độ tốt cho con người.
Hạ tầng xã hội xanh: Các công trình tiện ích phục vụ hoạt động xã hội trong đô thị phải đầy đủ tiện nghi (dịch vụ công cộng, Chợ, Trường học, bệnh viện…).
Hạ tầng kỹ thuật xanh: Giao thông thuận tiện đầy đủ tĩnh và động, cấp thoát nước đủ và đảm bảo vệ sinh an toàn, điện an toàn ổn định, thông tin hiện đại tiện ích.
“Hài hòa” trong quy hoạch bao gồm các yêu cầu:
Môi trường thiên nhiên hài hòa: Môi trường hài hòa là môi trường nhân tạo hài hòa với môi trường tự nhiên vùng miền lãnh thổ được quy hoạch, chúng không tạo nên mâu thuẫn triệt tiêu trong quá trình hình thành và phát triển.
Hạ tầng xã hội hài hòa: Các công trình phục vụ tiện ích xã hội phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán và sở thích của người dân địa phương cũng như điều kiện kinh tế của địa phương.
Hạ tầng kỹ thuật hài hòa: Các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước gắn bó hữu cơ với môi trường hiện hữu, tạo điều kiện tốt nhất để phát triển tổng thể nền kinh tế, văn hóa, xã hội và bền vững tránh can thiệp thô bạo vào cảnh quan của đô thị, nông thôn của từng địa phương.
“Bản sắc” trong quy hoạch tức là:
Môi trường thiên nhiên bản sắc: Mỗi nơi đều có môi trường thiên nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng riêng. Cái riêng như đã nói sẽ tạo nên bản sắc tuy nhiên trong quá trình lập QH chúng ta phải phân loại bản sắc vật thể và phi vật thể để nhằm tôn tạo những thứ vốn có và phát triển đóng góp tích cực trong chuỗi giá trị xã hội.
Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật Bản sắc: Đối với các đối tượng thuộc phạm trù xã hội làm sao để có bản sắc thì dễ hiểu, chỉ khó khăn khi tìm ra cái bản sắc hữu hình của mỗi địa phương. Còn đối với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật thì đây là vấn đề khó bởi vì các công trình hạ tầng kỹ thuật hầu như tuân thủ các Quy chuẩn quốc gia, khó thay đổi và áp dụng hầu hết các đối tượng quy hoạch trên cả nước. Tuy nhiên đối với các nhà quy hoạch có thể đề xuất các giải pháp cá biệt để không làm mất đi bản sắc (cái riêng) của mỗi địa phương, vùng miền.
“Hạnh phúc” trong quy hoạch. Đây là một đề bài rất hay, sáng tạo và đổi mới của Đảng ủy tỉnh Yên Bái giành cho các nhà nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng. Dưới góc độ của người làm quy hoạch bản thân tôi nhận thấy khi một đồ án QH đạt được ba yêu cầu “xanh; hài hòa; bản sắc” thì đã chạm tới được yêu cầu “hạnh phúc”. Tuy nhiên để hiện thực điều đó đối với công tác lập quy hoạch là một quá trình liên quan đến quản lý quy hoạch các cấp – tuyên truyền vận động nhân dân – hiện thực hóa đưa các quy hoạch vào cuộc sống…
Để góp phần tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sáng, xin ông cho biết thời gian tới cần tập trung vào triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nào?
Nói về từ khóa “điểm sáng” phải xuất phát từ tư duy chiến lược có tầm nhìn dài hạn của các lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương. Ở đây tôi muốn nhắc lại đến đề xuất thành chủ trương của đồng chí Bí thư tỉnh ủy và sự vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh là thực hiện mục tiêu phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Từ tư tưởng đến tư duy và hành động vô hình dung với mục tiêu phát triển trên đã tạo ra rất nhiều các “điểm sáng” thuộc tất cả các lĩnh vực ngành trong xã hội nếu biết vận dụng nói chung và trong công tác quy hoạch xây dựng nói riêng.
Đống thời, công tác tổ chức thực hiện phải rộng khắp, lan tỏa trong đó có việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức và toàn thể nhân dân về mục tiêu phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Cùng với đó là chúng ta phải nhận thấy sự khác nhau trong việc áp dụng triển khai đối với các ngành, các cấp song vẫn phải giữ được tôn chỉ nền tảng ban đầu, như vậy mới bước đầu thực hiện được một phần nhiệm vụ phát triển.
Cuối cùng, trong công tác lập quy hoạch các nhà chuyên môn phải luôn tìm tòi, sáng tạo và thực tiễn, đổi mới tư duy, nâng cao tri thức, tận tâm làm việc và không ngừng nghiên cứu đề xuất tham mưu cho các ngành quản lý để có được những sản phẩm có giá trị cho xã hội hiện tại và tương lai. Cụ thể hơn là các chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch xây dựng phải làm được 4 việc là: thu thập tốt – đánh giá sát – dự báo đúng – giải pháp tốt.
Như vậy trong phạm vi trao đổi những vấn đề còn thiếu và góc nhìn còn khuất của người làm Kiến trúc – Quy hoạch tôi tin rằng phần nào đó góp phần tạo ra những sản phẩm quy hoạch có ích, có giá trị hơn cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn Ông đã tham gia buổi phỏng vấn.
Thực hiện: Tuyết Ngân – Đức Thịnh