Phát triển và bảo tồn: Tìm điểm cân bằng lợi ích
Việt Nam có sự căng thẳng đang hiện hữu giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên…
Ở nước ta, trong 63 tỉnh thành thì 28 tỉnh có bờ biển với bãi cát trải dài, mịn, đẹp, có giá trị đặc biệt về phát triển du lịch, hàng năm đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước.
Phát triển các khu du lịch cần bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái và ô nhiễm nước |
Tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Nghị quyết cũng xác định phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ môi trường và thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng.
Thế nhưng, thực tế thời gian qua, bên cạnh vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch là những nỗi lo lắng xót xa không hề nhỏ của những nhà khoa học, những cơ quan quản lý và cả người dân. Không thế sao được, khi mà gần đây, đến những khu du lịch biển như Mũi Né (Phan Thiết), Đà Nẵng, Hạ Long, lại thật khó để có thể nhìn thấy biển.
Cả dãy nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên san sát, bao bọc lấy mặt tiền của biển, khiến cho không chỉ khách du lịch mà ngay cả những cư dân sở tại cũng bị “lấy mất” quyền tiếp cận với biển. Hầu như những nơi có bãi biển đẹp tại các khu du lịch, dân muốn tắm biển thì phải mua vé qua cửa, hoặc phải đi cả mấy cây số mới có được một lối ra biển. Người dân làng chài cũng phải đi vòng thật xa mới có đường ra biển đánh cá.
Điều đáng nói là thực trạng này ngày càng có xu hướng lan rộng và chưa thấy có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, tại nghị trường Quốc hội, đã có đại biểu lên tiếng về vấn nạn này, yêu cầu trả lại bờ biển cho người dân, không để các nhà đầu tư lấn chiếm.
Quả vậy, giờ đây, đến với những vùng biển, thật khó để có thể trải tầm mắt ngút ngàn trước hình ảnh những cồn cát trắng phau, những rừng phi lao xanh rì mà thay vào đó là những khu công nghiệp hiện đại, các cảng biển nước sâu, khách sạn, resort, sân gofl, khu vui chơi giải trí…
Mũi Né, Hạ Long, Đà Nẵng đều bị kẹt cứng khi ven bờ có quá nhiều khách sạn, resort chen dày. Chỉ tính riêng ở thành phố Hạ Long, năm 2017 đã có hơn 80 khách sạn. Tại Đà Nẵng, có khoảng 600 khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Có thể nói, du lịch Việt Nam đang phát triển nóng và thiếu một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn. Những công trình hạ tầng du lịch phát triển ồ ạt đã ảnh hưởng xấu tới sinh thái, xâm hại thiên nhiên và đang làm biến dạng bờ biển, cản trở cuộc sống người dân địa phương, thậm chí làm cản trở cơ hội tiếp cận thiên nhiên của khách du lịch.
“Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng vui chơi giải trí thường khi đệ trình để phê duyệt, hay khi đăng tải trên các phương tiện quảng cáo, đều quảng cáo là được phát triển dựa trên những tiêu chí tiến bộ như “phát triển bền vững”, “bảo tồn thiên nhiên”… Nhưng trên thực tế, hầu hết các dự án du lịch đều đi ngược lại với chính các tiêu chí nêu trên” – Kiến trúc sư Sơn Đặng bức xúc.
Ông Jake Brunner quyền trưởng đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam cũng đầy trăn trở: “Việt Nam có sự căng thẳng đang hiện hữu giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên”. Sự tăng trưởng du lịch với việc phát triển hạ tầng du lịch ồ ạt, chỉ tính đến việc thu hút khách và lợi ích kinh tế ngắn hạn, thiếu tham khảo các chuyên gia đang khiến các công trình du lịch và các khu du lịch trở thành tác nhân gây nguy hại cho tương lai.
Vậy làm sao để cân đối hài hòa giữa bài toán phát triển kinh tế – xã hội và môi trường, trong đó có các vấn đề từ quy hoạch đến chính sách và thực thi chính sách? Theo PGS. TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thì điểm mấu chốt là phải thay đổi nhận thức. Nhận thức sai thì hành động sai và chỉ đạo sai. Phát triển du lịch nhưng phải ứng xử với thiên nhiên thế nào cho thỏa đáng!
Lương Ly/Thời báo Ngân hàng