29/04/2016

Phát triển khu trung tâm TP Hồ Chí Minh – Tầm nhìn trăm năm

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Ước vọng TP.HCM trở thành đặc khu kinh tế Thượng Hải hay vươn lên đạt vị trí hàng đầu trong khu vực là hoàn toàn có căn cứ. Khi nó được đặt trong lộ trình phát triển của TP.HCM trong gần 10 năm qua với chủ trương phát triển đô thị TP.HCM hai bên bờ Đông và bờ Tây sông Sài Gòn. Tuy nhiên, để đạt được ước vọng đó cần có một sự quyết tâm cao cũng như mỗi hành động thực hiện, TP.HCM cần được đặt trong tầm nhìn trăm năm.

Bước vào thế kỷ 21, khi Việt Nam tiến lên hội nhập quốc tế và phát triển ngày càng nhanh về mọi mặt, TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và cần xây dựng một trung tâm đô thị xứng tầm hơn để phục vụ cho hoạt động kinh tế xã hội năng động của một thành phố đầu tàu trong cả nước về kinh tế.
Chính vì vậy mà năm 2003, sau hàng chục năm chuẩn bị, theo phương án quy hoạch của Sasaki (Hoa Kỳ) được chọn thông qua một cuộc thi quy hoạch quốc tế, TP HCM bắt đầu chính thức chuẩn bị cho kế hoạch di dời hệ thống cảng biển ra khỏi khu vực nội thành và kế hoạch xây dựng một khu trung tâm mới hiện đại. Với chức năng chính là Trung tâm Tài chính và Dịch vụ Thương mại tại bờ Đông sông Sài Gòn (Gọi tắt là Khu Trung tâm bờ Đông) có diện tích 650ha, bao gồm một phần Quận 2.
Tiếp theo đó vào năm 2007, TP HCM tiếp tục lập kế hoạch cải tạo mở rộng xây dựng khu trung tâm hiện hữu (Gọi tắt là Khu Trung tâm bờ Tây) với diện tích 930ha (bao gồm toàn bộ Quận 1, và một phần của các Quận 3, Quận 4, và Quận Bình Thạnh) theo phương án quy hoạch của Nikken Sekkei (Nhật), cũng được chọn thông qua một cuộc thi quy hoạch quốc tế khác. Trên cơ sở thực tiễn và yêu cầu phát triển đô thị hiện nay, rất cần làm rõ một số vấn đề quan trọng đối với tầm nhìn quy hoạch khu trung tâm TP. HCM để góp phần dựng và có cái nhìn mới trong đánh giá, điều chỉnh, nhằm phát triển khu trung tâm TP HCM nhanh và bền vững.

Khu trung tâm mở rộng bờ Đông sông Sài Gòn, Q4 TPHCM

Khu trung tâm mở rộng bờ Đông sông Sài Gòn, Q4 TPHCM

Một tư duy mới trong quy hoạch và quản lý đô thị Khu Trung tâm Tp HCM
Nhìn về mặt tích cực, bộ mặt khu trung tâm TP HCM từ sau khi đổi mới vào cuối năm 1990 đến nay đã có rất nhiều thay đổi theo hướng hiện đại và sạch đẹp hơn. Đặc biệt phát triển nóng là tại khu trung tâm bờ Tây, với nhiều công trình cao tầng mới được xây dựng, cùng với nhiều dự án tỷ đô đang được triển khai như dự án tuyến Metro số 1, dự án Vinhome Tân Cảng, và dự án nhà cao tầng tại Ba Son. Tại Khu Trung tâm bờ Đông, một phần Khu Đô thị Sala và một số cụm nhà cao tầng cho tái định cư đã được xây dựng, bốn tuyến đường chính cũng đang được thi công để kết nối với hầm ngầm Thủ Thiêm và với cầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Mặt khác, dù biết trân trọng công sức đóng góp của bao người trong các giai đoạn vừa qua, để đạt được những thành quả trước mắt, vẫn không nên tự mãn với những gì đã làm được, như Bí thư Thành Ủy TP HCM đã phát biểu mới đây: “Rõ ràng TP có những chuyển biến tích cực, có tăng trưởng nhưng chưa thể hài lòng với sự tăng trưởng đó, Tp HCM phải là đặc khu kinh tế như Thượng Hải, và phải vươn lên đạt vị trí hàng đầu trong khu vực”.

Quy hoạch Sasaki cho Khu Trung tâm bờ Đông và Quy hoạch Nikken Sekkei cho Khu Trung tâm bờ Tây

Quy hoạch Sasaki cho Khu Trung tâm bờ Đông và Quy hoạch Nikken Sekkei cho Khu Trung tâm bờ Tây

Một bài học kinh nghiệm về phát triển của Thượng Hải trước mắt, TP HCM hoàn toàn có thể làm được và thậm chí có thể làm hơn thế. Với một điểm xuất phát là Phố Đông từ một mảnh đất trống bên kia sông khu trung tâm hiện hữu Thượng Hải năm 1990, tương tự như Thủ Thiêm vào năm 2003, nhờ các quy hoạch và chính sách phù hợp, chỉ trong khoảng hơn 10 năm việc xây dựng Phố Đông đã được hình thành cơ bản, và trong 10 năm kế tiếp đã trở thành một khu trung tâm tài chính với khoảng 5.000 công trình cao tầng hiện đại. Đồng thời thành phố cũng bảo tồn được nhiều khu vực có giá trị lịch sử của Trung tâm bờ Tây trong quá trình cải tạo xây dựng. Vào năm thứ 20, Thượng Hải đã tổ chức một cuộc triển lãm quốc tế để đánh dấu việc chính thức đạt vị trí có thể sánh vai với những đô thị quốc tế như Hong Kong, Singapore, và Tokyo.
Với hy vọng rằng chậm nhưng không muộn, cần tiếp tục có những đổi mới trong phát triển đô thị, trong đó trước hết là đổi mới về tư duy chiến lược và về quy hoạch, để phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, sớm đưa TP.HCM trở lại vị trí số một tại Đông Nam Á.

Những tiền đề và thực tế của quy hoạch Khu Trung tâm hiện nay
Cho đến nay, cả hai quy hoạch Ý tưởng quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 2003 và Ý tưởng thiết kế đô thị khu trung tâm hiện hữu mở rộng năm 2007 của Sasaki và Nikken Sekkei đã được duyệt, dù đã trải qua nhiều đợt bổ sung và điều chỉnh quy hoạch, nói chung các ý tưởng chính của hai thiết kế quy hoạch không có nhiều thay đổi. Dù có không ít ưu điểm, điều đáng nói là cả hai quy hoạch này đến nay vẫn là hai thực thể tách rời, dẫn đến các hệ lụy như sau:
Thứ nhất, và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất gây tác động sâu sắc đến tất cả những vấn đề nói đến tiếp theo, là Khu Trung tâm TP HCM ngay từ đầu đã được quy hoạch thành hai dự án riêng biệt tại bờ Đông và bờ Tây với ranh giới thiết kế hạn chế và đề bài hạn hữu theo một số vấn đề nhất định cho từng khu. Điều này dẫn dến những hệ quả tất yếu là dự án phát triển theo hai cách tư duy quy hoạch khác nhau, quản lý bởi các đơn vị nhà nước khác nhau dù đều phải báo cáo cho UBND TP, và đáng nói nhất, là cạnh tranh khá gay gắt với nhau.
Thứ hai, đồ án quy hoạch cũng thể hiện rõ nét tư duy theo địa giới hành chính, bỏ qua các tiềm năng phát triển khi liên kết về mặt chiến lược với nhau và với các khu vực giáp ranh, là điều mà họ thường bắt buộc phải tính đến khi quy hoạch các dự án. Khi bên thứ ba là Bộ Giao thông vận tải quyết định vị trí các cầu nối và hầm giao thông đường bộ, có thể thấy rõ thiết kế quy hoạch khu vực xung quanh các đầu cầu và tunnel của hai bên bờ sông không được quan tâm đúng mức, để các khu vực này tạo được tác động cộng hưởng và lan tỏa về mặt chức năng liên thông.
Thứ ba, Thủ Thiêm chưa tận dụng được hết lợi thế lớn nhất của mình, là một khu đất sạch rộng 650ha nằm ở vị trí chỉ cách khu trung tâm hiện hữu chỉ khoảng 350m, để khai thác tiềm năng gia tăng nhanh giá trị địa ốc, thu hút nhà đầu tư. Nhìn thấy gần, nhưng đi từ khu lõi trung tâm bờ Đông sang lõi trung tâm bờ Tây, cho dù qua cầu Nguyễn Hữu Cảnh hay dưới hầm giao thông đường bộ ngầm theo cách làm hiện nay cũng phải đi xa ít nhất gấp bốn lần. Cầu Tôn Đức Thắng là kết nối ngắn nhất trong bản vẽ quy hoạch, lại không được ưu tiên xây dựng trước. Kết nối trực tiếp nhất giữa hai khu trung tâm ở hai bờ Đông Tây được thiết kế một cầu đi bộ như một công trình cảnh quan đắt tiền, để đi dạo cho vui, nhưng lại không đem được tác dụng thu hút đầu tư cho Thủ Thiêm.
Thứ tư, việc hai dự án quy hoạch của hai bờ Đông Tây thiếu sự phối hợp và thỏa thuận về chiến lược thực hiện sao cho đôi bên cùng hưởng lợi ích. Việc thiếu các chính sách ưu đãi cao cho Thủ Thiêm để thu hút đầu tư và thả lỏng cho bờ Tây phát triển tự do, dẫn đến việc các dự án cao tầng và dự án hạ tầng xây dựng tại bờ Tây cạnh tranh gay gắt và có phần thiếu lành mạnh với các dự án cùng loại tại bờ Đông. Thiếu lành mạnh bởi vì trong khi bờ Tây đang quá tải về hạ tầng thì lại càng tập trung phát triển thêm nhà cao tầng với chiều cao được duyệt lên đến 50 – 80 tầng cho khu ven sông, tương đương chiều cao tối đa của toàn khu Thủ Thiêm. Sự mất cân đối này làm gia tăng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, để sau đó ngân sách buộc phải rót thêm vốn cho việc nâng cấp tiếp hạ tầng. Điều này còn làm cho tính cạnh tranh của bờ Đông thua sút hẳn so với bờ Tây, trong khi phải đối phó với gánh nợ phải trả lãi khoảng gần 4 tỷ một ngày.
Thứ năm, quy hoạch cao tầng của hai bên bờ sông thể hiện sự thiếu nhất quán và thiếu khoa học.
Hình phối cảnh cho thấy trọng tâm nhà cao tầng của toàn khu đặt ở bờ Tây, đặc biệt là khu ven sông. Trong khi hầu hết công trình khu Trung tâm tài chính hiện đại xây ở khu đất trống 650ha bên kia sông lại thấp tầng và mờ nhạt. Không có khu đô thị nào trên thế giới lại quy hoạch chiều cao cho trung tâm đô thị chỉ tập trung cao nhất vào khu chạy dọc ven bờ sông, vì điều ấy vừa không khoa học, vừa chỉ có lợi cho kinh doanh bất động sản ven sông, nhưng người dân nói chung sẽ bị thiệt hại nhiều về nhiều mặt. Cho dù Thủ Thiêm đất thấp và yếu, nhưng vì đất sạch rất dễ xây mới hạ tầng hiện đại, và đó lại càng là lý do để xây cao hơn vì như thế có thể làm móng sâu đến lớp đất cứng phía dưới cho hiệu quả kinh tế xây dựng hơn nhiều. Nếu nhìn xa hơn đến viễn cảnh TP Hồ Chí Minh trở thành siêu đô thị, thì một ngày không xa, chúng ta lại phải đập bỏ đa số các công trình thấp tầng này ở Thủ Thiêm để xây cao như Phố Đông Thượng Hải.
Thứ sáu, quy hoạch kiến trúc cảnh quan và các trục nhìn, điểm nhìn trọng tâm của hai dự án quy hoạch không tạo được hiệu quả cảm nhận không gian công cộng liên hoàn, cho dù hai bờ sông chỉ cách nhau khoảng 350m, tương đương khoảng cách đi bộ gần 4 phút, và người bên này sông có thể nhìn thấy người bên kia sông. Quảng trường lớn nhất của Thủ Thiêm nhìn thẳng vào một công viên nhỏ ít quan trọng của Quận 1. Từ Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ lớn nhất của bờ Tây không nhìn thấy một không gian công cộng điểm nhấn nào bên kia sông, ngoài một công trình cao nhất thành phố nằm lẻ loi, và bị che khuất tầm nhìn sau những công trình tiền cảnh.
Thứ bảy, một số dự án trọng điểm với vốn đầu tư lớn không đem lại hiệu quả đầu tư và các tác động tích cực về mặt kinh tế đô thị cho thành phố vì không được nhanh chóng thay đổi phù hợp khi hoàn cảnh thay đổi. Ví dụ, việc xây dựng hầm ngầm qua sông Sài Gòn là để kết nối hai bên bờ sông mà không làm ảnh hưởng đến tàu bè ra vào các cảng nội thành, nhưng khi kế hoạch dời các cảng nội thành ra ngoài được duyệt thì hầm này thực tế không cần phải xây nữa vì vẫn chưa khởi công. Nếu chuyển đổi kế hoạch kịp thời sang xây cầu, thì kinh phí xây hầm có thể tương đương với kinh phí để xây ba cây cầu bắc qua sông. Sắp tới, dự án hạ ngầm đường Tôn Đức Thắng dọc theo bờ sông được dự kiến xây dựng nhằm giải quyết giao thông cho dự án nhà cao tầng tại Vinhomes Tân Cảng và tại Ba Son. Tuy nhiên vị trí tuyến hầm nằm sát bờ sông là quá tốn kém cho xây dựng và cho ngân sách thành phố, trong khi có thể có nhiều giải pháp giao thông khác kinh tế và hiệu quả hơn.
Thứ tám, quy hoạch Khu Trung tâm bờ Tây chưa tạo được hiệu quả trong việc bảo vệ các giá trị di sản và thiên nhiên của một Sài Gòn có lịch sử 300 năm, một sự đánh đổi quá lớn để dọn đường cho các phát triển mới, trong khi vẫn có thể thực hiện những giải pháp dung hòa việc đáp ứng cho cả hai nhu cầu bảo tồn và phát triển. Rất nhiều công trình di sản đã bị đập bỏ để xây nhà cao tầng tại khu trung tâm bờ Tây, trong khi bờ Đông chưa thu hút được các dự án đầu tư cao tầng quan trọng, dù cho đất sạch và vị trí lý tưởng. Nhiều cây xanh, bao gồm trên 300 cây cổ thụ tại đường Tôn Đức Thắng, đã và sẽ bị chặt hạ, để dành chỗ cho việc xây dựng hạ tầng. Trong quá trình nghiên cứu và phê duyệt dự án cầu, người ta đã bỏ qua việc xem xét nguy cơ phải chặt cây cho đến khi dự án phê duyệt xong và chuẩn bị thực hiện thì mới thông báo. Thật ra, chỉ cần dịch chuyển vị trí cầu sang trục Nguyễn Bỉnh Khiêm như nhiều bản quy hoạch kết nối với Thủ Thiêm trước đó, là có thể giữ lại toàn bộ các cây cổ thụ này.

Dự án nhà cao tầng ven sông Vinhomes Tân cảng

Dự án nhà cao tầng ven sông Vinhomes Tân cảng

Những nguyên tắc quy hoạch với một Tầm nhìn trăm năm cho Khu Trung tâm TP HCM
Chúng ta cần phải mạnh dạn đổi mới tư duy, và bước đầu tiên là phải xác định lại những nguyên tắc quy hoạch mang tính chiến lược cho phát triển của thành phố, trước khi nói đến việc tổ chức quy hoạch lại, cho Khu Trung tâm TP HCM một cách bền vững hơn, nghĩa là đạt được những thành tựu tương xứng và cao hơn, nhưng với cái giá phải trả thấp hơn nhiều, đặc biệt là không phải chấp nhận việc đánh đổi cái mới với tổn thất to lớn hơn là mất đi những giá trị di sản trên 300 năm mà thành phố đã đạt được..
Dưới đây chỉ là một vài trong số những nguyên tắc chiến lược có ý nghĩa quan trọng đến tương lai phát triển hiệu quả và bền vững của Khu Trung tâm TP HCM, với tầm nhìn dài hạn, trong khi vẫn giải quyết những vấn đề trước mắt:
Tư duy và thực hiện quy hoạch Khu trung tâm hai bờ Đông – Tây như một tổng thể thống nhất. Việc hợp nhất hai quy hoạch khu trung tâm của hai bờ đông tây thành một dự án quy hoạch duy nhất là công tác mang tính chiến lược hàng đầu hiện nay. Các quy hoạch điều chỉnh của Khu Trung tâm TP HCM từ đó về sau luôn phải được nghiên cứu trong mối liên quan tương hỗ với nhau giữa hai bờ Đông – Tây và với các khu vực quan trọng khác của TP HCM và Vùng Đô thị TP HCM.
Phát triển Khu Trung tâm theo một kịch bản thực hiện quy hoạch (Implementation Planning) gồm nhiều giai đoạn với các trọng tâm chiến lược và chiến thuật phù hợp với từng giai đoạn. Ví dụ, trong hai thập niên tới có thể phát triển theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu ưu tiên và có những chính sách ưu đãi khuyến khích dồn tài lực và nhân lực vào công cuộc xây dựng mới tại Khu Trung tâm bờ Đông, trong khi chỉ tập trung cải tạo công trình tại Khu Trung tâm bờ Tây. Khi Khu Trung tâm bờ Đông bắt đầu hình thành và xây dựng được một cộng đồng sống và làm việc tại đó, mới bắt đầu trở lại nâng cấp và xây dựng thêm ở Khu Trung tâm bờ Tây. Chiến lược phát triển này đem lại nhiều lợi ích bền vững như sớm tạo hiệu quả đóng góp kinh tế đô thị cho Thủ Thiêm đối với TP HCM với ý nghĩa tương đương đóng góp của Khu Phố Đông cho TP Thượng Hải; sớm trả dứt nợ lãi vay để đền bù giải tỏa đất Thủ Thiêm; bảo vệ được các công trình di sản và các không gian xanh – mặt nước hiếm hoi còn lại tại bờ Tây trước áp lực phát triển nhà cao tầng; tránh được các khó khăn và áp lực lên ngân sách cho việc phải cải tạo nâng cấp hạ tầng cho khu bờ Tây trong hoàn cảnh còn thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng khu bờ Đông.
Ưu tiên xây dựng càng sớm càng tốt các cây cầu kết nối trực tiếp hai khu lõi trung tâm hai bờ Đông – Tây phục vụ cho giao thông, đặc biệt là cho các tuyến xe bus công cộng. Thiết kế cầu phải đẹp và thuận tiện cho lưu thông. Các cầu này (dự kiến có thể có cầu Tôn Đức Thắng, cầu Hai Bà Trưng, và cầu Hàm Nghi) sẽ giúp chuyển áp lực giao thông từ bờ Tây sang bờ Đông, nơi có hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, và quan trọng nhất, là giúp khu vực 100ha giáp ranh bờ sông Sài Gòn của Thủ Thiêm đạt giá trị địa ốc tương đương hoặc cao hơn khu vực Nguyễn Huệ – Lê Lợi, vì mọi dự án tại đó đều có thể chỉ mất 5 -15 phút để đi bộ vào khu trung tâm hiện hữu, nhưng hạ tầng khu vực hiện đại hơn nhiều vì được xây mới. Đó là tiền đề quan trọng để kích cầu phát triển Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính quốc tế như Hong Kong chỉ trong khoảng một vài thập niên. Cầu Tôn Đức Thắng đã bắt đầu xây dựng. Chỉ cần bỏ đường ngầm Tôn Đức Thắng và cầu đi bộ là có thể lấy kinh phí đó để xây dựng 2 cầu còn lại. Cầu Hai Bà Trung không nhất thiết phải có độ cao tỉnh không dưới cầu nhiều, mà chỉ cần đủ cho các thuyền nhỏ đi lại, và có kết cấu mở một đoạn vào thời gian nhất định trong ngày để các thuyền lớn qua lại.
Xây dựng nhà cao tầng theo một quy hoạch gắn kết với giao thông công cộng – TOD (Transit Oriented Development). Nhà cao tầng phải được tổ chức thành cụm và được xây dựng theo nguyên tắc giảm dần chiều cao về phía sông. Khu cao tầng Thủ Thiêm phải quy hoạch cao hơn hẳn so với Khu Trung tâm bờ Tây, trong đó khống chế diện tích bê tông hoá mặt đất ít hơn 50% và tổ chức một số khu vực không giới hạn chiều cao.
Tổ chức mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi và kết nối được các loại hình giao thông lại với nhau, bao gồm metro, xe điện mặt đất, monorail, xe buýt, giao thông đường sắt, giao thông thủy, bãi xe cho xe hơi và xe máy, xe đạp, và tuyến đi bộ. Trong đó khoảng cách giữa các trạm dừng của các loại hình khác nhau tối đa không quá 800m, tương đương 10 phút đi bộ. Nên hướng đến việc tổ chức khu lõi cao tầng nối liền hai khu Trung tâm cao tầng của hai bờ Đông – Tây qua một hệ thống giao thông công cộng nối hai trung tâm giao thông công cộng tại Bến Thành và Thủ Thiêm.
Liên kết chặt chẽ không gian công cộng hai bên bờ sông với nhau về mặt tầm nhìn và các chức năng sinh hoạt đa dạng và liên hoàn. Các trục quảng trường phải tạo được hiệu quả không gian với các công trình xung quanh và kết nối về mặt giao thông hoặc trục nhìn cảnh quan với các không gian cảnh quan hoặc dự án trọng điểm ở bên kia sông.
Tổ chức mạng lưới cây xanh mặt nước không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn phải giúp cải thiện môi trường và vi khí hậu đô thị. Các nhà cao tầng gần ven sông không được xây quá dày đặc tạo thành một bức tường chắn gió, mà phải chừa lại những không gian mở để gió mát từ sông có thể đưa vào sâu trong đất liền. Ba Son là cơ hội cuối cùng để gia tăng diện tích cây xanh cho khu trung tâm bờ Tây, nơi có tỷ lệ diện tích cây xanh tính trên đầu người thấp nhất trên cả nước. Trong khi khu vực Tân Cảng và Cảng Sài Gòn cũ có thể xây dựng nhà cao tầng, một phần lớn khu vực Ba Son không nên dành cho nhà cao tầng, mà nên dành cho không gian xanh kết nối liên hoàn với Thảo cầm viên, với các công trình công cộng, văn hóa, và bảo tồn, bảo tàng phục vụ cho nhu cầu không gian xanh và không gian công cộng hiện đang quá ít ỏi tại Khu Trung tâm bờ Tây. Chắc chắn nhà đầu tư khu vực Ba Son sẽ sẵn lòng đánh đổi vị trí ở Ba Son để xây dựng cụm nhà cao tầng tại một vị trí mới ở Thủ Thiêm bên kia sông của đường Hàm Nghi, nếu cầu này được lên kế hoạch xây dựng nhanh trong thời gian tới.
Quy hoạch không gian dành cho nước và quy hoạch san nền cần có chuẩn bị ứng phó với ngập lụt, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó cần xác định lại cốt san nền chuẩn cho mạng lưới giao thông để làm cơ sở thiết kế hạ tầng, trả lại không gian lấn chiếm rạch, sông hồ và xây thêm các hồ điều hòa cho bờ Tây. Cần tổ chức những khu vực quy hoạch gò đất cao so với toàn khu trung tâm, để làm điểm tựa cho việc xây dựng các khu vực quan trọng không thể bị ngập cho bờ Đông. Cần hướng dẫn thiết kế sao cho trong trường hợp xấu nhất nếu nước biển dâng làm ngập Thủ Thiêm khu đô thị này vẫn có thể hoạt động bình thường theo một kịch bản dự phòng. Các công trình tại Thủ Thiêm nên khuyến khích xây trống chân ở dưới (sur pilotis), nhất là các nhà cao tầng, dành không gian phía dưới cho xe và các sinh hoạt công cộng gắn với thiên nhiên.
Khoanh vùng và xác định được các khu vực có bản sắc đặc thù để có hướng dẫn tương ứng về thiết kế đô thị và quản lý đô thị cho công tác bảo tồn và phát triển. Nên xác định rõ ranh giới và có chính sách với quy định riêng để gia tăng giá trị bản sắc đô thị. Áp dụng cho các khu vực Trung tâm lịch sử (bao gồm một phần Quận 1 và Quận 3), khu phố Nhật & Hàn (Quận 1), Khu phố đi bộ (khu Nguyễn Huệ và Phường Pham Ngũ Lão Quận 1) , khu phố ven kênh (Hoàng Sa & Trường Sa), Khu Ngoại giao (Lê Duẩn – Phùng Khắc Khoan), ….
Quy hoạch quản lý rủi ro một cách hiệu quả cho khu vực nhiều người sử dụng trong khu trung tâm, bao gồm việc dự trù và tập huấn ứng phó với các tình huống rủi ro (cháy nổ, ngập lụt, …) có thể xảy ra tại các quảng trường và phố đi bộ, khu nhà cao tầng tập trung, không gian metro và thương mại ngầm, … đảm bảo an toàn về thoát người, lối ra vào cho xe cứu hỏa và cứu thương, … khi có sự cố. /.

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM