12/10/2015

Phát triển công trình xanh ở Việt Nam – Thực trạng và đề xuất

Công trình xanh – từ một làn sóng đến cuộc cách mạng

Công trình Xanh (Green Building) – danh từ ngày nay đã quá quen thuộc trên thế giới – là những Tòa nhà được xây dựng thân thiện với thiên nhiên, khi vận hành không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường khu vực và đô thị, giảm nhiều nhất tiêu thụ năng lượng hóa thạch, nhờ đó giảm phát thải khí CO2,  bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước và tạo được môi trường sống tốt nhất cho con người và mọi loài sinh vật.

Dolphin Plaza Hà Nội

Dolphin Plaza Hà Nội

Từ cuối thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, loài người đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn về sinh thái và môi trường, thể hiện rõ rệt nhất qua “Biến đổi khí hậu / Climate Change”- hiện tượng đang ngày càng trở nên trầm trọng, đe dọa hủy diệt cuộc sống trên Trái đất.

Lo lắng về sự phát triển thiếu bền vững Trái đất, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị toàn cầu đầu tiên về “Môi trường và phát triển” năm 1987. Tiếp đó, năm 1992 Liên hơp quốc lại tổ chức Hội nghị Môi trường và phát triển với sự tham gia của người đứng đầu 162 quốc gia, cùng ký kết “Công ước khung Liên hơp quốc về Biến đổi khí hậu / UN Framework Convention on Climate Change”. Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn công ước này tháng 11/1994, sau đó đã xây dựng “Chương trình phát triển bền vững quốc gia” (còn gọi là chương trình nghị sự 21/ Agenda 21).

Trong bối cảnh đó, năm 1990 – 1995 Phong trào Công trình xanh (CTX) ra đời và được coi là hoạt động quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất trong các hoạt động có ý thức của toàn cầu ứng phó với Biến đổi khí hậu. Lý do của sự đánh giá này là các công trình xây dựng (kể từ khi xây dựng, vận hành đến lúc phá hủy) đã thải ra khoảng 50% khí nhà kính CO2 – nguyên nhân chủ yếu gây ra Biến đổi khí hậu.

Theo cách tính của ĐH Kiến trúc quốc gia Thành công, Đài Loan, một nhà ở chiều cao trung bình diện tích 116 m2 sẽ phát thải một năm khoảng 34.000 kg CO2 , tương đương lượng CO2 hấp thụ để quang hợp của một cây cổ thụ trong 40 năm. Nói khác đi, để hấp thụ hết lượng CO2 này, mỗi ngôi nhà cần có 40 cây cổ thụ. Vậy một đô thị 500.000 dân cần trồng 5 triệu cây (~40 cây cho 1 hộ dân, 4 người), do đó mỗi đô thị cần tới 5000 ha cây xanh, điều khó có thể đáp ứng.

Trong khi đó quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh trên thế giới, cùng với nó là xây dựng nhà cửa, đường giao thông, xí nghiệp… ngày một nhiều hơn. Thống kê của Liên hợp quốc năm 2000 có 2,8  tỷ người (~47%) sống ở các đô thị, và năm 2015 sẽ có 2/3 dân số thế giới (5/ 8 tỷ người) sống ở các đô thị. Thiếu đất canh tác, tài nguyên suy thoái và chất thải đô thị làm xấu môi trường sống của con người. Châu Á sẽ có thể là nơi mất nhiều đất nhất trên toàn cầu, khoảng 55%. Hiện nay nước Anh đã mất 20% đất nông nghiệp, và các nhà khoa học đã báo trước: “Tất cả đất nông nghiệp nước Anh không đủ cung cấp lương thực cho một thành phố London, tất cả rừng nước Anh không hấp thụ hết CO2 chỉ của London”.

Sau 10 năm thực hiện CTX, các công trình ở Mỹ (số công trình được cấp chứng chỉ CTX 2000 là 1500 và năm 2006 là 5000) đã tiết kiệm được 30% – 50% nước và năng lượng. Tại Đài Loan, sau 7 năm thực hành CTX (2000 – 2007) đã tiết kiệm được 432 triệu kWh điện, giảm được 285.000 tấn CO2, tương đương lượng hấp thụ của 950 ha rừng, giảm 18,3 triệu m3 nước sạch.

Với lợi ích to lớn như vậy, nên phong trào CTX lúc ra đời, năm 1990 – 1995, mới như một “làn sóng / the Wave”, năm 2000 đã trở thành “Cơn bão / the Storm” và đến nay đã trở thành “Cuộc cách mạng / the Revolution” (J. Yudelson [1]) trong lĩnh vực xây dựng thế giới, đã lan tỏa trong hơn 100 quốc gia. Tại Singapore, khởi đầu từ năm năm 2005, đến 2012 đã có 1500 công trình được nhận chứng chỉ CTX, chiếm 21% tổng số lượng nhà cửa, và dự kiến tới năm 2030 sẽ có 80% công trình đạt chứng chỉ CTX. Malaysia bắt đầu phát triển phong trào CTX năm 2009, đến năm 2013 đã có 5 triệu m2 diện tích sàn đạt chứng chỉ CTX.

Tổ chức hoạt động CTX trên thế giới

Nồng độ khí CO2 trong khí quyển trái đất năm 2010 là 390 ppm (phần triệu đơn vị thể tích). Dự đoán nếu đạt 450 ppm nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 2oC, và nước biển sẽ dâng cao vài mét (thế kỷ 20 nhiệt độ đã tăng thêm 1oC). Liên hợp quốc đã phát động “Chiến dịch 350” để phấn đấu đưa nồng độ khí CO2 trở về mức nồng độ an toàn của năm 1990.

Năm 2005 Hội KTS Mỹ (AIA) giới thiệu cho 70.000 KTS chính sách: “Tất cả các công trình mới, mở rộng và nâng cấp phải được thiết kế để giảm tiêu thụ 50% năng lượng hóa thạch vào năm 2010, sau đó giảm 10% mỗi 5 năm tiếp theo, để đến năm 2030 giảm được 90% năng lượng so với năm 2005. Theo hướng này, năm 2030 các tòa nhà mới sẽ vận hành không Cacbon (Carbon Neutral), không phát thải khí nhà kính”.

Vì vậy, để ứng phó hiệu quả với Biến đổi khí hậu, CTX cần một phong trào mạnh mẽ trong mỗi nước và trên toàn thế giới trong toàn lĩnh vực xây dựng.

Nhưng CTX là một phong trào tự nguyện dành cho các chủ đầu tư. Các công trình đạt chứng chỉ CTX phải đạt các tiêu chí cao hơn những yêu cầu trong các Quy chuẩn xây dựng, vì vậy cần được Nhà nước, xã hội hoan nghênh, ủng hộ, khuyến khích vì lợi ích chung của toàn xã hội và của toàn cầu.

Muốn phát triển phong trào CTX ở một nước, cần có 2 điều kiện cơ bản là:

Một là, có một Tổ chức / Cơ quan có tín nhiệm điều hành phong trào, ban hành một quy trình hoạt động khoa học và minh bạch, và

Hai là, có một Hệ thống tiêu chí đánh giá CTX (Green Building Rating System), kèm theo Hệ thống phân loại cấp chứng chỉ CTX (Grading System for Green Building Certification) khoa học, phù hợp với điều kiện xây dựng, kinh tế, xã hội và khí hậu, môi trường và vật liệu của mỗi nước để đánh giá, phân loại các công trình xây dựng.

Hiện nay trên thế giới có hai mô hình lãnh đạo và thực hành CTX.

Mô hình 1:  Phong trào CTX do các tổ chức phi chính phủ, gọi là các “Hội đồng CTX / Green Building Council” điều hành. Nhiều nước phát triển như Mỹ, Australia, nhiều nước châu Âu… và cả Malaysia cũng theo mô hình này. Tuy nhiên, họ được sự ủng hộ của chính quyền. Ví dụ Thống đốc Bang California yêu cầu các công trình muốn được cấp phép xây dựng ở đây phải đạt từ chứng chỉ CTX bạc trở lên (trên bạc là vàng và bạch kim).

Hội đồng CTX các nước liên kết với nhau trong Hội đồng CTX thế giới (WorldGBC), có trụ sở taị Toronto, Canada, thành lập năm 1999, chính thức hoạt động từ năm 2002 với vai trò chính là để chính thức thông tin liên lạc quốc tế, giúp các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp tiếp cận thị trường mới nổi, và cung cấp một tiếng nói quốc tế cho các sáng kiến ​​xây dựng xanh”[2].
Mô hình 2:  Phong trào CTX do một tổ chức của Chính phủ điều hành, có sự tham gia phối hợp của các tổ chức phi chính phủ, như các Hội, Hội đồng. Các nước Nhật Bản, Đài Loan, Trung quốc, Singapore, … theo mô hình này. Ví dụ BCA (Building and Construction Authority) của Singapore là một cơ quan chính phủ (hình 2) trực tiếp điều hành, cấp chứng chỉ CTX và đưa ra các kế hoạch phát triển CTX (ví dụ năm 2010 có “2 nd Green Building Master Plan” tới năm 2030). Hội đồng CTX Singapore chỉ phối hợp thực hiện và cấp “Chứng chỉ công nghệ xanh”. Tại Đài Loan ban hành “Chính sách CTX:  Chương trình phát triển trọng đại quốc gia 2002 – Thách thức 2008 / Taiwan Green building policy:  Challenging 2008 – National Major Development Plan in 2002”.

Dù theo mô hình nào thì các tổ chức xã hội và phi chính phủ cũng có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển CTX của mỗi nước, bởi vì hoạt động CTX là tự nguyện và phải được sự ủng hộ và tham gia của toàn xã hội.

Cũng cần bàn thêm một lo lắng về kinh tế có thể làm chùn bước các nhà đầu tư vào CTX. Tại Mỹ, một nghiên cứu của Tập đoàn quản lý giá quốc tế Davis Langdon năm 2006, dựa trên 94 dự án xây dựng, thấy rằng không có bằng chứng nào nổi bật để kết luận rằng chi phí cho mỗi m2 CTX nhiều hơn một công trình truyền thống. Còn tổng kết chương trình CTX Đài Loan cho rằng có 50% kỹ thuật xanh áp dụng giữ nguyên giá, 30% giảm giá và chỉ có 20% tăng giá. Khẩu hiệu của CTX Đài Loan là “Giàu có gấp đôi, tài nguyên một nửa”. Về quan hệ giữa giá đầu tư, hiệu quả năng lượng và thời gian hoàn vốn, Công ty tư vấn IEN (IEN Consultants) Đan Mạch hoạt động rất kết quả ở Malaysia đưa ra công thức: 5 + 50 + 5 với ý nghĩa: vốn đầu tư tăng thêm 5%, hiệu quả năng lượng tăng 50% và hoàn vốn sau 5 năm và họ đã thành công. Tôi cho rằng, theo công thức này, các nhà đầu tư sau xây dựng nên tiếp tục quản lý tòa nhà để hưởng lợi trong vận hành.

Phong trào CTX ở Việt Nam

Năm 2007, Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC) được thành lập, là một tổ chức phi chính phủ, chi nhánh của Hội đồng CTX California. Năm 2011, VGBC đưa ra Hệ thống đánh giá CTX đầu tiên ở Việt Nam, gọi là Lotus.

VGBC trong những năm qua đã đánh giá 4 công trình đang thiết kế theo hệ thống Lotus.

Năm 2011 Hội Môi trường xây dựng Việt Nam (MTXDVN) thành lập “Hội đồng công trình xanh Việt Nam (GBCVietnam)”, được sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Hội MTXDVN đã được Bộ xây dựng giao cho xây dựng “Chiến lược phát triển CTX ở Việt Nam năm 2020 – 2030” và xây dựng “Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam”[xem 3]. Hai đề tài này đã hoàn thành, được Hội đồng khoa học nghiệm thu và bàn giao cho Bộ Xây dựng năm 2014. Bộ Xây dựng cũng đã giao cho Hội đánh giá thử nghiệm một công trình theo Hệ thống tiêu chí đã đề xuất.

Bên cạnh đó một vài công trình đã xây dựng ở TP Hồ Chí Minh cũng được đánh giá và cấp Chứng chỉ CTX theo Hệ thống LEED của Hội đồng CTX Mỹ, như tòa nhà Premium Office Space Now Leasing.

Nhân kỷ niệm ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4-2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập Hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam và ra “Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam” trong đó nêu rõ Kiến trúc xanh “là hướng phát triển của Kiến trúc Việt Nam vì cuộc sống tốt đẹp của ngày hôm nay, không tổn hại đến cuộc sống mai sau và vì sự phát triển trường tồn của đất nước”. Sau khi công bố các Tiêu chí Kiến trúc xanh Việt Nam, từ năm 2012, cứ hai năm một lần Hội Kiến trúc lại tuyển chọn và trao “Giải thưởng kiến trúc xanh” cho các công trình xuất sắc đã xây dựng trên đất nước ta. Chúng tôi giới thiệu hai công trình đã vinh dự nhận giải thưởng Kiến trúc xanh (hình 3) và Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (hình 4). Nhờ sự cổ vũ này, các Kiến trúc sư Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm các giải pháp thiết kế kiến trúc theo “hướng xanh” và cho ra đời nhiều công trình được đánh giá cao không chỉ trong nước, mà cả thế giới. Đó là những tòa nhà có mái xanh, mặt đứng xanh, nhà sử dụng tối đa ưu đãi của thiên nhiên Việt Nam mà không cần sử dụng hệ thống điều hòa không khí, nhà sử dụng vật liệu phục hồi nhanh (như tre, nứa,…), vật liệu địa phương, vật liệu phế thải, sử dụng nước mưa, tái chế nước thải, rác thải, và cả việc trồng cây, tạo những bề mặt thấm nước trong khuôn viên của công trình để giảm sự tăng nhiệt độ trong các đô thị – được gọi là “Hiệu ứng đảo nhiệt đô thị” – và giảm úng lụt sau những cơn mưa nhiệt đới. Đồng thời, các khu chung cư quan tâm các tiện ích thiết yếu cho người ở, với công viên, vườn cây, bể bơi, đường đi dạo, sân thể thao, nhà trẻ, trường học và cả việc thuận tiện đi lại trong đô thị cũng được “tính điểm” trong hệ thống tiêu chí đánh giá.

Chúng tôi cho rằng Phong trào CTX ở Việt Nam mới đi những bước đầu tiên, chưa có phong trào hoạt động thực sự và chưa được sự quan tâm đúng mức của xã hội, tuy rằng phong trào này đã ra đời và hoạt động được 25 năm trên thế giới.

Mọi công việc đều cần có khởi đầu, Phong trào CTX Việt Nam cần có một khởi đầu mạnh mẽ, có tổ chức và kế hoạch rõ ràng, chắc chắn sẽ thành công.

 Đề xuất

Biến đổi khí hậu trái đất đang diễn biến ngày một trầm trọng hơn. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là một trong ba quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực hành cuộc “Cách mạng công trình xanh” trong lĩnh vực xây dựng để cứu Trái đất. Chúng ta không thể đứng ngoài, mà phải tiến hành ngay để cứu Trái đất và cứu chính đất nước ta.

Chúng tôi đã đề xuất, Bộ Xây dựng nên đứng ra nhận trách nhiệm trọng đại này. Mô hình nên áp dụng ở Việt Nam là Mô hình 2, như đã trình bày ở trên, bởi vì sự chậm chạp của chúng ta chỉ có sự thúc đẩy của chính quyền mới đẩy nhanh được tiến độ. Đó cũng là kinh nghiệm của Đài Loan. Cần có ngay một bộ máy – một cơ quan riêng thuộc Bộ – lãnh đạo phong trào này, theo mô hình BCA của Singapore.

Tiếp theo, cần ban hành ngay “Hệ thống tiêu chí CTX Việt Nam” đã được Hội đồng khoa học Bộ Xây dựng phê duyệt. Không những thế, còn phải tiếp tục nghiên cứu xây dựng các Hệ thống tiêu chí đánh giá riêng biệt cho mỗi loại công trình, như các nước đã làm. Tại Mỹ đã có 12 Hệ thống đánh giá cho các loại công trình xây dựng. BCA Singapore còn có cả Hệ thống đánh giá cơ sở hạ tầng, đặc biệt đánh giá các công viên (hiện có và mới).

Thông thường sau 3 – 5 năm các Hệ thống đánh giá CTX sẽ được điều chỉnh nâng cấp cho phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế và xây dựng của đất nước.

Để khuyến khích phong trào CTX, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, như giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, ưu tiên cấp phép xây dựng, có giải thưởng trong giai đoạn đầu thực hiện và cả sự tôn vinh của xã hội. Theo kinh nghiệm nhiều nước, những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, nhưng sau đó phong trào sẽ lớn mạnh nhanh chóng.

CTX không phải là một cuộc thi công trình xây dựng, mà là một phong trào trong toàn lĩnh vực xây dựng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể góp sức cùng toàn thế giới chống lại Biến đổi khí hậu.

PGS. TS. Phạm Đức Nguyên

Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng công trình xanh Việt Nam

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam